Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Guidance Systems - 1 (Jacob Ward): Thuốc lá dạy chúng ta điều gì về rủi ro của đột phá công nghệ?



Những hệ thống dẫn hướng (Guidance Systems) - 1: Thuốc lá dạy chúng ta điều gì về rủi ro của công nghệ đột phá?


Với thuốc lá, chúng ta đã phát minh ra một thói quen chết chóc miễn dịch với chọn lọc tự nhiên và tư duy logic của chính chúng ta. Tuy nhiên đó không phải là sản phẩm duy nhất chúng ta từng tạo ra mang những đặc điểm đó.
Chuỗi bài “Những hệ thống dẫn hướng (Guidance Systems)” của Jacob Ward sẽ bàn về những công nghệ bề ngoài có vẻ như cải thiện cuộc sống của chúng ta với nhiều lựa chọn mới mẻ, nhưng thực tế lại đang uốn nắn lại hoặc xóa bỏ khả năng ra quyết định của chính chúng ta.

Khi 14 tuổi, Sean David ước mơ sẽ trở thành bác sĩ. “Tôi muốn thành Marcus Welby” – Anh nhớ lại. Vì thế suốt nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học, anh bắt đầu làm việc trong một bệnh viện, nhận bất kỳ việc gì có thể. Anh trở thành một hộ lý, dọn dẹp phòng mổ sau mỗi ca phẫu thuật.
“Bạn đi vào, nhận lấy toàn bộ chất thải sinh học và vứt bỏ nó đi. Bạn sử dụng loại xà phòng này cho sàn nhà và lau chùi đi lau chùi lại, từ phòng này sang phòng khác. Các ca chỉnh hình thường rất thô sơ, người ta dùng búa và cưa, vì thế sau đó bỏ lại rất nhiều vật liệu.” Nhưng anh đã dần xây dựng cho mình khả năng và tư duy quan sát, tới gần hơn những vấn đề của cơ thể con người, và anh cho rằng điều đó thế là đã thỏa mãn, theo một cách nào đó.
Thế rồi vào năm 1991, quản lý của anh thấy anh đang đẩy thùng nước giữa các phòng, bèn kéo anh sang một góc và bảo. “Bố cậu đang ở chỗ dò niệu quản.”
David nói: “Bố tôi là một người làm trong ngành ngân hàng, một phó giám đốc tiếp thị loại A, ông mặc đồng phục của Brooks Brothers, hút xì gà lẫn thuốc lá, bay tới bay lui khắp nơi trên thế giới. Ông là một cực kỳ mạnh mẽ. Tôi đi vào phòng đợi, đã có mẹ tôi và ngài chủ tịch ngân hàng nơi bố tôi đang làm việc ở đó.”
Thuốc lá luôn là một phần trong ký ức của David về bố mình. “Chúng tôi đi câu và ông hút thuốc. Tôi còn nhớ ông đặt mồi câu với một điếu thuốc trong miệng. Hồi đó, điều ấy chả có gì bất thường.”
Nhưng giờ bố anh đang nằm nhợt nhạt, ốm yếu trong bệnh viện. Lần đầu tiên David từng thấy ông như vậy.
Bác sĩ phẫu thuật tim nói với David và mẹ anh rằng bố anh thường bị những cơn đau ngực, thực ra đã bị suy tim và có thể phải thay tim. Khi bác sĩ bước trở lại phòng phẫu thuật để bắt đầu ca mổ, David nhận ra “Mình vừa lau dọn xong phòng đó. Chính là căn phòng đó.”
Bố David đã sống sót sau ca mổ. Anh nói: “Tôi đã trưởng thành và biết ơn cha tôi hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ dành dù chỉ một ngày để thừa nhận điều đó.”
Và anh quyết định mình cần phải làm gì để học y. “Rõ ràng hút thuốc là lằn ranh sống chết. Vì nhiều người còn không sống nổi sau cơn đau tim đầu tiên. Vì thế về mặt tình cảm, tôi bị tác động mạnh bởi việc này.”
Giám đốc tuyển sinh tại Đại học Washington, nơi David đăng ký học y, chính là vị bác sĩ tim mạch đã mổ cho bố anh. Sau khóa học y, David bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lý do tại sao các bệnh nhân thể hiện mọi dấu hiệu bên ngoài muốn bỏ thuốc lá nhưng mà vẫn không thể làm được điều đó.
Cuối cùng, anh nói, anh tin rằng có vài sự thật cơ bản về chứng nghiện thuốc lá mà những ai muốn đấu tranh từ bỏ nó phải hiểu rõ. Đầu tiên, sự yếu đuối tâm lý của chúng ta đóng vai trò hoàn hảo. “Người ta thường nhất mực đánh giá thấp rủi ro của hút thuốc. Nó có 50% khả năng chết sớm. Tức là cứ hai người hút thuốc thì một người chết sớm. Một phần sáu khả năng ung thư phổi. Rủi ro rõ ràng rất lớn, như dù sao càng rủi ro thì càng lôi cuốn.” Con người đơn giản thiếu bất kỳ thứ gì họ cần để nằm lòng mối họa này và hoàn toàn tránh canh bạc chết người đó.
Vì thế cách tránh thuốc lá, và đấu tranh với chứng nghiện thuốc cũng cần được bán giống như thuốc lá được bán. “Phải có một hứa hẹn nghiêm túc, một cách nào đó giúp bạn thoát khỏi việc hút thuốc. Chúng tôi cần nghiên cứu có tính xây dựng nhằm tìm ra động lực nào thúc đẩy các đối tượng khác nhau, vì tôi chưa từng thấy chiến dịch y tế công cộng bền vững nào có ảnh hưởng tới mọi tầng lớp dân cư. Có lẽ nếu chúng ta nói về ung thư phổi – nhưng rắc rối là chẳng có nhiều người sống sót, vì thế sẽ không có nhóm tư vấn ủng hộ mạnh mẽ nào ngoài kia.”
Cuối cùng, anh tin rằng không có cơ chế tự nhiên khiến con người ngừng hút thuốc lá. “Người hút thuốc đều trong độ tuổi sinh đẻ, vì thế tiến hóa không thể chạm vào việc này được, cũng không thể xóa bỏ nó.” Với việc tạo ra thuốc lá – một công nghệ tiêu dùng mang tới trải nghiệm thỏa mãn bền bỉ chỉ trong một bao nhỏ có thể tha mang đi khắp nơi – chúng ta đã phát minh ra một thứ chết người miễn dịch với chọn lọc tự nhiên.

Đây là khó khăn của thế giới hiện đại. Các đột phá khoa học dẫn tới những công nghệ mới, từ đó chúng ta dựng nên những lĩnh vực kinh doanh mới, và thậm chí là toàn bộ ngành công nghiệp mới. Nhưng những công nghệ này lại chạy nhanh hơn hiểu biết của chúng ta về rủi ro và lợi ích của chúng. Chúng thường tận dụng những yếu đuối tâm lý, kích động chúng ta khi chúng muốn nổi loạn, và tránh né bản năng tự nhiên của chúng ta hòng cải biến nó theo thời gian. Chúng ta đẩy mạnh kinh doanh mà không hiểu rõ chúng đang phục vụ và điều khiển khách hàng của chúng một cách toàn diện ra sao, có gây ảnh hưởng tới ai khác nữa không. Những cái đó chúng ta sẽ gọi là các hệ thống dẫn hướng (guidance systems), và trong những bài viết kế tiếp, tôi sẽ khám phá một vài hệ thống trong số đó một cách sâu sắc hơn.
Chúng ta đều đang sống trong thời đại mà Thomas Friedman gọi là Kỷ Nguyên Gia Tốc (Age of Acceleration), khi những đột phá trong những lĩnh vực như toán học và tính toán xuất hiện hằng ngày, và các doanh nghiệp cũng nhanh chóng biến các đột phá đó thành sản phẩm.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng bắt đầu tiết lộ những sự thật không hề dễ chịu chút nào về cách tâm trí chúng ta hoạt động bên trong cùng lúc đó. Các nghiên cứu mới đây về việc ra quyết định cho thấy chúng ta có xu hướng dễ mắc những sai lầm phổ biến trong đánh giá và ước lượng, chúng ta bị dị ứng với sự không chắc chắn và trả số tiền không hợp lý để cảm thấy an tâm hơn, chúng ta nhớ nhầm lẫn về quá khứ, và cảm xúc thường ra quyết định thay cho chúng ta. Thực tế, đó là những món quà về mặt nhận thức, một phần của di sản tiến hóa vẫn đang vận hành tuyệt vời giúp chúng ta sống sót trong phần lớn lịch sử loài người.
Rắc rối là giờ chúng ta đang sản xuất ra những sản phẩm thu hút các cơ chế bên trong mà không hiểu biết đầy đủ về mức độ nhạy cảm của chúng ta khi bị dẫn dắt và điều khiển, chưa kể tới sức khỏe thể chất và tinh thần của nhiều thế hệ có thể bị đe dọa.
Các doanh nghiệp ngày nay, những đối tượng tin vào sức mạnh kinh doanh tươi sáng sẽ thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn, cần hiểu vấn đề này có thể đi xa đến mức nào. Mục đích của tôi với chuỗi bài này là giải thích giúp các doanh nghiệp một vài những cạm bẫy nguy hiểm và sâu rộng nhất mà khoa học đã khám phá ra trong tâm lý xã hội học, hy vọng sẽ thiết lập được nền tảng cho một cuộc trò chuyện mới về trách nhiệm kinh doanh để giúp bù đắp cho những sai lầm kia, chứ không phải là lợi dụng những tác dụng phá hoại của chúng.

Sean David – giờ đang là tiến sĩ ở Stanford – đang làm việc để tìm ra những cách thức mới đo lường chứng nghiện thuốc lá. Anh đang tìm kiếm những dấu hiệu sinh học về chứng nghiện và việc hồi phục. Anh đã tìm thấy vài dấu hiệu di truyền tiềm năng có thể giúp các chuyên gia cai nghiện ứng dụng điều trị một số bệnh nhân đặc biệt. Trong một nghiên cứu mới, anh sẽ đưa vợ/chồng của người nghiện thuốc vào máy quét MRI để kiểm tra mẫu não bộ của họ phản ứng ra sao khi đưa cho họ những chỉ dẫn liên quan tới thuốc lá và hút thuốc.
Đó là một công việc hữu ích, có thể thực hiện bằng công nghệ mới nhất. Và chúng ta cần nó. Vì ngay cả bây giờ, khi giới y học rõ ràng đã đồng thuận trong việc xác định mối nguy hại cho sức khỏe tới từ thuốc lá và chứng nghiện hút quá độ, nhưng y học vẫn chưa có cách nào đo lường được mức độ ai bị nghiện, khả năng cai thuốc của họ tới đâu. Chúng ta tạo ra thuốc lá trước khi có cảm nhận xem chúng đáng sợ thế nào. Tất nhiên chúng ta đã không biết cách đo lường xem người ta có bị nghiện hay không. Hàng tỷ điếu thuốc được sản xuất ra trong ngành công nghiệp này trước khi những câu hỏi như thế nảy sinh. Tiến sĩ David thấy rằng ngày nay chúng ta vẫn chưa có cách đáng tin cậy nào để đo lường và điều trị chứng nghiện thuốc.
Tiến sĩ David nói: “Nó không đơn giản như điều trị bằng kháng sinh. Các mô hình điều trị của chúng ta đã sai với loại này. Cần phải rất chuyên sâu. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được mô hình đó.”
Nếu phải mất một thời gian rất dài các nhà nghiên cứu mới đánh giá được người hút thuốc, thì sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi chúng ta hiểu rõ những cách thức mà truyền thông xã hội, thiết bị di động, giải trí kỹ thuật số, chatbot và các công nghệ mới khác dẫn dắt hành vi của chúng ta và lấy đi khả năng ra quyết định hợp lý cho bản thân. Các hệ thống dẫn hướng này tạo ra các đế chế kinh doanh hùng mạnh, lợi nhuận cao. Nhưng đồng thời chúng sẽ làm gì chúng ta đây?

Jacob Ward

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Quantum computing: Tính toán lượng tử làm việc như thế nào? Tại sao nó quan trọng?



Tính toán lượng tử làm việc như thế nào
và tại sao nó quan trọng?

            Máy tính đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta. Ngay sau khi Chiến Tranh Thế Giới II kết thúc, các nhà khoa học đã sử dụng máy tính để giải quyết tất cả các loại vấn đề. Quá trình này diễn ra nhanh chóng tới mức không tưởng. Vào những năm 1970, máy tính dùng ở nhà ra đời.
            Tuy nhiên, bất chấp quá trình đó, vẫn còn những bài toán thực sự rất khó khăn. Dù các máy tính có giỏi đến đâu đi chăng nữa, những thách thức khi nhân các số lớn hoặc tối ưu hóa đường đi nhanh nhất vẫn còn đầy gian nan.
            Nhưng các bit không phải là cách duy nhất để tính toán. Cơ học lượng tử - những qui luật thống trị thế giới các hạt nguyên tử và phân tử - cũng có thể được sử dụng để tính toán. Và các tính toán đó được thực hiện theo một cách thức hoàn toàn khác biệt.
            Hy vọng một ngày nào đó các “máy tính lượng tử” (quantum computer) này có khả năng giải quyết những bài toán khó. Nhưng các máy tính lượng tử thực sự là gì, và chúng làm việc như thế nào?
            Nhìn chi tiết vào bên dưới lớp vỏ của một chiếc máy tính lượng tử để khám phá lý do tại sao các nhà nghiên cứu lại đặt nhiều kỳ vọng rằng những máy tính này sẽ rất mạnh – không phải kiểu mạnh như bộ vi xử lý thế hệ mới của Intel. Không, một chiếc máy tính lượng tử thực sự có khả năng thay đổi thế giới. Các công ty như D-Wave, IBM, và Google, cùng với các phòng nghiên cứu trên khắp thế giới, đang cùng chạy đua nhằm tạo ra những chiếc máy tính lượng tử thực sự đầu tiên.

            Điều gì khiến chiếc máy tính lượng tử trở nên khác biệt?
            Để minh họa sự khác nhau giữa tính toán lượng tử và tính toán truyền thống, Daniel Lidar – giáo sư chuyên ngành hóa học lý thuyết cơ bản của Đại Học Nam California – đã sử dụng mô hình tương tự sau (mà tôi đã sửa lại).
           
Hãy tưởng tượng rằng mình đang tìm một quả bóng màu đen trong một cái hộp đầy bóng màu trắng, và bạn không thể nhìn vào bên trong hộp. Để tìm quả bóng đen, bạn mò mẫm bắt được một quả bóng, kiểm tra màu sắc, nếu nó không phải màu đen thì ném đi. Bạn có thể vớ được quả bóng màu đen ngay lần thử đầu tiên, hoặc có thể ở tận lần cuối cùng.
            Kết quả khả thi nhất: bạn phá tan cái hộp trong thất vọng.
           
Nào, giờ hãy chuyển sang thuật toán lượng tử. Bàn tay lượng tử của bạn đưa vào cái hộp, nhưng không tóm lấy quả bóng nào. Thay vào đó, những bàn tay này nắm giữ xác suất tóm được một quả bóng – bao gồm cả quả bóng đen. Nếu cái hộp có 10 quả bóng, bàn tay lượng tử sẽ giữ 10 xác suất như nhau.
            Tiếp theo, bạn chạy một thuật toán lượng tử nhằm làm tăng khả năng quả bóng tóm được là màu đen. Sau đó, bạn kiểm tra bàn tay: Thật thất vọng, quả bóng lại màu trắng. Bạn quay trở lại trong hộp. Nhưng lần này, các xác suất không còn như nhau: xác suất tìm thấy quả bóng màu đen giờ đã cao hơn các quả bóng khác.
            Nó cũng giống như việc ném đi quả bóng màu trắng mà bạn tìm được lúc trước. Hành động này xảy ra đều đặn mỗi lần, vì thế khả năng tìm thấy quả bóng màu đen sẽ tăng lên rất nhanh. Chìa khóa cho cách các xác suất thay đổi nằm ở các trạng thái lượng tử - hay trong tính toán gọi là “qubit”  - được vận hành như thế nào.
           
            Các trạng thái chồng chất của lượng tử
            Chúng ta hãy cùng mổ xẻ câu chuyện cái hộp bóng ở trên để xem cách nó hoạt động ra sao.
            Bàn tay lượng tử đưa vào trong hộp và nắm giữ các xác suất. Trong tính toán truyền thống, thông tin được lưu trong các bit có giá trị xác định rõ ràng. Một bit chỉ có thể là 1 hoặc 0. Hơn nữa việc kiểm tra giá trị của một bit không làm thay đổi nó.
            Nhưng qubit không trực tiếp biểu diễn giá trị của bit; nó nắm giữ xác suất mà qubit là 1 hoặc 0. Điều này gọi là một “trạng thái chồng chất lượng tử - quantum superposition state”.
            Tuy nhiên khi chúng ta kiểm tra giá trị của qubit, chúng ta sẽ không nhận được xác suất này. Phép đo sẽ phát hiện ra đó là 1 hay 0 – lựa chọn xác định ngẫu nhiên từ các xác suất chồng chất. Làm phép đo sẽ đặt giá trị cho qubit. Nếu chúng ta đo qubit và nhận được giá trị 1, kiểm tra lại cũng sẽ vẫn cho kết quả là 1.
            Khi chúng ta cho tay vào trong hộp, chúng ta thực ra đang lấy ra một tập các qubit – đủ để đại diện cho toàn bộ số bóng. Các qubit được đặt vào một trạng thái chồng chất, nắm giữ các xác suất tìm thấy mỗi một quả bóng. Vì việc tìm kiếm này hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi quả bóng được biểu diễn bằng một xác suất tương đương nhau.
            Giờ chúng ta chạy một giải thuật làm tăng xác suất tìm thấy quả bóng đen.
            Bạn có thể hỏi: làm sao có thể tăng xác suất khi nó không hề bị lộ ra? Câu trả lời nằm ở cách một qubit nắm giữ các xác suất. Một xác suất được biểu diễn bởi một số từ 0 đến 1. Nhưng qubit nắm giữ các biên độ xác suất, nên nó có thể âm hoặc dương.
            Lidar nói: “Đó chính là sự khác nhau thực sự. Không có định nghĩa về xác suất âm [trong vật lý cổ điển], nó vô nghĩa… Nhưng trong lượng tử, chúng ta có thể có biên độ [xác suất] âm hủy được các biên độ [xác suất] dương. Chính nhờ thông qua các hoạt động nhiễu loạn của chúng mà chúng ta có thể bắt đầu hiểu được tính toán lượng tử có lợi thế ra sao.”
            Hai điểm chính bị che dấu đi trong lời trích dẫn trên. Khi biên độ âm gặp biên độ dương, kết quả tổng hợp sẽ gần 0 hơn, do đó xác suất của đầu ra cụ thể này sẽ giảm xuống; nếu hai biên độ dương gặp nhau, khả năng là đầu ra sẽ tăng lên. Như vậy, chúng ta có thể thao tác với xác suất của một đầu ra cụ thể mà không cần đo qubit. (Nhớ rằng, thực hiện một phép đo sẽ phá hủy trạng thái chồng chất.)
            Quan trọng hơn, qubit có thể được tạo ra để tự thực hiện điều này. Khi chúng ta nói một biên độ dương gặp một biên độ âm, các biên độ này có thể đến từ cùng một qubit. Và nếu điều đó không khiến bạn bận tâm hay kêu ca chút xíu thì chả sao cả.
            Kết quả là, máy tính lượng tử có thể nhanh chóng giảm xác suất đạt được kết quả không chính xác và tăng vận may nhận được kết quả đúng. Đây chính là mánh khôn lanh mà một máy tính lượng tử sử dụng để gia tăng xác suất tìm thấy quả bóng đúng.

            Qui trình “dễ lỗi”
            Để thực hiện tính toán, trạng thái chồng chất của nhiều qubit bị sửa lại. Giữa các sửa đổi định trước, môi trường cũng thay đổi trạng thái chồng chất. Nhiễu này là kẻ thù của tính toán lượng tử, phá hủy các trạng thái chồng chất gần như nhanh bằng lúc chúng ta tạo ra chúng.
            Kết quả là qubit không đáng tin và dễ sinh lỗi. Và những lỗi này phải được phát hiện và sửa chữa.
            Điều đó không phải là quan trọng. Lidar nói: “Chúng ta cần sử dụng một cấp độ dự phòng cao để đảm bảo tính toán lượng tử có thể vận hành đúng. Nếu vậy thì, những cái này khó mà hiểu được nếu mã hóa phải không? Phải, đây là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc, nó có thể là hệ số của 1000 hay 1000000.”
            Nói cách khác, mỗi bit thông tin được mã hóa thành một tập qubit nhỏ thay vì một qubit đơn lẻ.

            Xây dựng một máy tính lượng tử như thế nào?
            Có vài hướng căn bản để xây dựng một máy tính lượng tử. Hướng phổ biến nhất giống như cách chúng ta xây dựng các máy tính ngày nay, gọi là mô hình mạch điện toán lượng tử.
            Mỗi chương trình chia nhỏ thành một chuỗi các phép toán logic cụ thể, phần lớn sửa đổi các biên độ xác suất của một qubit, phụ thuộc vào biên độ xác suất của qubit thứ hai. Máy tính lượng tử dùng bảng mạch dựa trên một tập qubit khởi đầu và thực hiện mỗi phép toán trong chương trình một cách tuần tự. Sau khi chạy chương trình, các trạng thái qubit được đọc để thu được câu trả lời.
            IBM xây dựng các máy tính lượng tử theo dạng này, và bạn thậm chí còn có thể chơi với chúng. Cũng chẳng có gì chắc chắn liệu máy của IBM hay bất kỳ mô hình bảng mạch nào khác sẽ thành chuẩn mực hay không. Tăng số lượng qubit và kéo dài vòng đời tới một con số hữu ích là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
            Các công ty khác, như D-Wave và Google, cũng có ưu điểm riêng. Hướng đi của họ hoàn toàn khác với hướng của IBM và hầu hết các phòng nghiên cứu. Hướng phổ biến nhất để xây dựng một máy tính lượng tử là gắn chặt với các ý tưởng từ máy tính bình thường: các cổng logic thực hiện các phép toán tuần tự. Nhưng cũng có khả năng làm các máy tính này hoạt động mà không cần các phép toán logic trực tiếp.
           
Khác biệt giữa hai hướng đi rất sâu sắc. Trong máy tính sử dụng logic tuyến tính, nền tảng vật lý của máy tính tương đối đơn giản, nhưng chuỗi phép toán (hay chương trình) có thể rất dài và phức tạp. Khi bỏ qua logic tuyến tính, chương trình trở nên rất đơn giản – thực tế, hầu như không còn khái niệm lập trình – nhưng nền tảng vật lý lại trở nên rất thách thức, vì mọi qubit đều phải được kết nối với tất cả các qubit khác.
            D-Wave, một công ty khởi nghiệp từ Canada, đã đưa ra một dạng hạn chế của tính toán lượng tử cho vài tình huống, nhưng tại một thời điểm, các bộ vi xử lý của nó vẫn quá nhỏ để giải quyết các bài toán thực tế. Nền tảng bộ vi xử lý D-Wave không kết nối toàn bộ qubit với nhau. Kết quả là, nó chỉ có thể được sử dụng để giải quyết vài dạng bài toán nhất định.
            Với các bài toán phức tạp, từ hiệu năng máy tính, không thể biết được đó là máy tính lượng tử hay không. Trong trường hợp này, một máy tính truyền thống cực hiệu quả cũng có thể thay thế được. Google và Lidar (người không làm việc cho Google) đều đang sử dụng hướng đi tương tự D-Wave; tuy nhiên sự khác biệt là, họ nhắm vào việc điều khiển cách các qubit tác động lẫn nhau. Từ đó, họ hy vọng sẽ chứng minh được hướng đi đó sẽ dẫn tới một máy tính lượng tử.

            Bài toán tìm kiếm giải pháp lượng tử
            Hầu hết mọi người, nếu họ nhận thức được về máy tính lượng tử, sẽ gắn nó với bẻ khóa. Mã hóa thời hiện đại phụ thuộc thực tế rằng, cực kỳ khó tìm ra các hệ số chính của một số lượng các số vô cùng lớn.
            Một máy tính lượng tử thực sự sẽ gần như đặt dấu chấm hết cho điều này. Nhưng có các ứng dụng ít lỗi hơn.
            Ứng dụng thú vị nhất đang được phát triển là dùng máy tính lượng tử giải quyết các bài toán cơ lượng tử. Đây chính là ứng dụng có khả năng sẽ thay đổi thế giới.
            Cơ lượng tử mô tả các thuộc tính của các vật liệu, từ cotton trong vải vóc quần áo của bạn tới quang hợp của cây xanh. Thậm chí với cả các máy tính truyền thống mạnh nhất, chúng cũng hoàn toàn không thể tính toán được các thuộc tính của bất kỳ phân tử nào chứa nhiều hơn 30 nguyên tử. Thay vào đó, chúng ta lấy bản ngắn gọn mà chúng thường chẳng phải lúc nào cũng làm việc ngon lành.
            Máy tính lượng tử có thể cực kỳ chính xác, vì vậy chúng ta có thể tin tưởng hơn vào các tính toán kiểu này. Các nhà khoa học có thể tưởng tượng ra nhiều thuộc tính kỳ lạ hơn, chẳng hạn như các vật chất làm mát khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, rồi sau đó sử dụng máy tính lượng tử xác định cấu trúc yêu cầu. Các thuộc tính kỳ dị thực sự bất khả thi có thể được loại bỏ nhanh hơn rất nhiều.

            Chúng ta đang gần đến mức nào?
            Các máy tính lượng tử xuất hiện dưới dạng lý thuyết được trình diễn đầu tiên vào những năm 1990. Các bí mật của bạn vì thế vẫn an toàn, và bạn sẽ không thấy máy tính lượng tử làm những điều bất chính với tài khoản ngân hàng của mình. Các nhà nghiên cứu như Lidar chưa kỳ vọng một máy tính lượng tử thực sự trong thực tế vào thời điểm cụ thể nào.
            Lidar nói rằng, với 100 qubit trong một thế giới không cần sửa lỗi lượng tử “Chúng ta có khả năng bắt đầu tiến hành mô phỏng các hệ thống lượng tử sử dụng các máy tính lượng tử trong phạm vi nhất định mà vẫn vượt trội những máy tính truyền thống mạnh nhất.”
            Nhưng các nhà nghiên cứu cũng có một mục tiêu, gọi là siêu lượng tử (quantum supremacy). Bỏ qua tên gọi rất hùng vĩ của nó, thực chất, siêu lượng tử chỉ cho thấy rằng, bất kỳ bài toán nào vượt quá khả năng của một máy tính truyền thống, thậm chí không có giá trị thực dụng, vẫn có thể giải quyết được trong một máy tính lượng tử.
            Mô phỏng các máy tính lượng tử có thể thực hiện được như tiên đoán là một bước quan trọng, nhưng không ai có thể chắc chắn tuyệt đối là nó có thể thành hiện thực. Chỉ khi chúng ta thực sự tin rằng các máy tính lượng tử của tương lai có thể cho ra các kết quả như hứa hẹn.
            Lidar hy vọng nhìn thấy một máy tính có khả năng thành siêu lượng tử trong 12 tháng tới. Cụ thể hơn, Google dường như đang nhắm tới xây dựng thành công siêu lượng tử càng nhanh càng tốt, còn IBM cũng đang theo đuổi một hướng đi thận trọng hơn.
            Sau cùng, một tương lai mù mờ nhưng thú vị đang chờ đợi chúng ta.

            Chris Lee

           


Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Môi trường góp phần đáng kể trong thành công hay thất bại của chúng ta



Động lực bị đánh giá quá cao.
Nhưng môi trường lại thường gây ra nhiều vấn đề hơn.

Người ta thường có xu hướng đổ lỗi cho thất bại là do thiếu ý chí, không đủ tài, chưa cống hiến hết mình cho thành công bằng cách làm việc chăm chỉ, nỗ lực và bền bỉ.

Tất nhiên, những cái đó đều góp phần ảnh hưởng. Tuy nhiên, thú vị hơn, nếu bạn kiểm tra cách thức hành vi con người được định hình theo thời gian ra sao, hẳn bạn sẽ khám phá ra động lực (và thậm chí cả tài năng) thường được đánh giá quá cao. Trong nhiều trường hợp, môi trường mới là yếu tố gây ra nhiều chuyện hơn.

Hãy để tôi chia sẻ một ví dụ đã từng khiến tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên biết tới nó.

Khuôn mẫu của Hành vi con người

Trong cuốn sách đã giành được nhiều giải thưởng của mình, “Súng, Vi trùng, và Thép”, nhà khoa học Jared Diamond đã chỉ ra một hiện thực hiển nhiên: các châu lục khác nhau có hình dạng khác nhau. Thoạt nhìn, điều này không hề quan trọng, nhưng nó lại có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người.

Ví dụ, hình dạng chung của Châu Mỹ theo hướng bắc – nam. Tức là đất đai rộng lớn của Bắc Mỹ và Nam Mỹ có xu hướng địa hình cao và mỏng hơn là trải rộng và dày. Tương tự với Châu Phi. Trục chính chạy từ bắc tới nam.

Trong khi đó, địa hình đất đai Châu Âu, Châu Á và Trung Đông lại theo hướng ngược lại. Dải đất rộng lớn này có xu hướng địa hình trải theo hướng đông – tây. Thật thú vị, hình dạng mỗi vùng đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của con người qua nhiều thế kỷ.



Sức mạnh khác thường của Môi trường

Khi nông nghiệp bắt đầu phát triển trên toàn cầu, người nông dân có một giai đoạn dễ dàng hơn nhiều khi mở rộng hoạt động theo hướng những con đường từ đông sang tây chứ không như con đường theo hướng bắc – nam. Đó là do các vị trí cùng vĩ độ thường khá giống nhau về điều kiện khí hậu, ánh sáng mặt trời và lượng mưa, cũng như các thay đổi tương ứng theo mùa. Việc đó giúp nông dân ở Châu Âu và Châu Á thuần hóa được một số giống cây trồng và dễ dàng gieo trồng chúng trên những dải đất rộng lớn từ Pháp tới Trung Quốc.

Trong khi đó, khí hậu biến đổi rất nhiều từ bắc xuống nam. Chỉ cần so sánh là biết ngay khí hậu khác biệt đến mức nào ở Florida và Canada. Nhiều giống cây phát triển tốt trong thời tiết ấm áp nhưng lại không thể sinh trưởng bình thường ở nơi lạnh giá. Để mở rộng trồng trọt ở phương bắc và phương nam, người nông dân cần phải tìm kiếm và thuần hóa những giống cây mới mỗi khi khí hậu thay đổi.

Như vậy, do những sai biệt lớn về môi trường, nông nghiệp đã tăng trưởng gấp hai, gấp ba lần ở Châu Á và Châu Âu, trong khi nó trồi sụt liên tục ở Châu Mỹ. Trải qua nhiều thế kỷ, điều này có tác động rất lớn. Sản xuất lương thực tăng trưởng tốt ở Châu Âu và Châu Á khiến dân số khu vực này cũng tăng trưởng nhanh chóng hơn. Khi dân số đông lên, các nền văn minh Châu Âu và Châu Á có khả năng xây dựng những đội quân hùng mạnh và phát triển những công nghệ cùng các cải tiến mới.

Những thay đổi bắt đầu từ cái nhỏ - một vụ mùa được mở rộng ra một chút sẽ dễ dàng hơn, dân số cũng tăng trưởng nhanh thêm một chút ít – nhưng tích tụ lại sẽ tạo thành những khác biệt đáng kể theo thời gian. Dù còn nhiều yếu tố khác, nhưng rõ ràng có thể nói, hình dạng châu lục là một nguyên nhân quan trọng khiến người Châu Âu tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ và đi chinh phạt các bộ lạc bản địa ở Bắc và Nam Mỹ.

Bàn tay Vô hình

Môi trường là một bàn tay vô hình định hình nên hành vi con người. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng hành vi của mình là sản phẩm từ động lực, tài năng và nỗ lực bản thân. Tất nhiên những cái đó đều có phần đóng góp. Nhưng điều gây kinh ngạc, đặc biệt qua một thời gian lâu dài, là những đặc điểm cá nhân của bạn có xu hướng bị môi trường bạn sinh sống chế ngự.

Thử tưởng tượng cảnh bạn cố gắng trồng cà chua trong mùa đông lạnh giá ở Canada. Bạn có thể là một nông dân tài giỏi nhất thế giới, nhưng điều đó cũng chẳng tạo nên sự khác biệt. Tuyết là hợp chất vô cùng nghèo nàn cho đất.

Chả có bằng chứng nào cho thấy nông dân ở Châu Âu hay Châu Á tài năng hơn hay có nhiều động lực hơn nông dân ở phần còn lại của thế giới. Đúng, tất cả bọn họ đều có thể phát triển nông nghiệp tăng trưởng gấp hai, gấp ba so với đồng nghiệp của mình. Nếu bạn muốn tối đa hóa tỷ lệ thành công, bạn cần hoạt động ở trong một môi trường thúc đẩy và làm gia tăng kết quả của bạn chứ không cản trở chúng.

Trước khi chúng ta bàn tới việc phải bắt đầu thế nào, tôi muốn bạn biết rằng, tôi đã nghiên cứu và biên dịch nhiều con đường khoa học hỗ trợ để giữ thói quen tốt và chấm dứt phong cách trì hoãn. Có muốn kiểm tra hiểu biết của tôi không? Hãy tải cuốn hướng dẫn miễn phí bằng PDF của tôi “Chuyển đổi thói quen”.

Làm thế nào để tạo được một môi trường tốt hơn?

Có nhiều cách tạo ra một môi trường thúc đẩy thành công.
Đây là ba cách:

Thứ nhất, hãy tự động hóa các quyết định tốt. Bất cứ khi nào có thể, hãy thiết kế để môi trường tạo ra những quyết định tốt cho bạn. Ví dụ, mua bát đĩa nhỏ hơn có thể giúp bạn giảm cân vì ảnh hưởng tới quyết định kích cỡ khẩu phần ăn của bạn. Một nghiên cứu của Brian Wansink tại Đại học Cornell cho thấy, người ta sẽ ăn lượng thức ăn ít hơn 22% nếu chuyển từ bát đĩa 12 inch sang bát đĩa 10 inch. Tương tự, sử dụng phần mềm khóa các trang mạng xã hội lại có thể giúp khắc phục tình trạng trì trệ, đình hoãn của bạn do thúc đẩy ý chí của bạn lên trạng thái điều khiển tự động.

Thứ hai, hãy nắm bắt kịp thời xu thế. Vài năm trước, PetSmart thay đổi qui trình thanh toán. Sau khi quét thẻ tín dụng, khách hành sẽ được thấy một màn hình hỏi xem họ có muốn đóng góp để “cứu giúp động vật hoang dã” hay không. Nhờ cách thức đơn giản này, tổ chức nhân đạo PetSmart Charities đã gây quĩ tăng thêm 40 triệu đô la chỉ trong một năm.
Bạn có thể áp dụng cách tương tự để thiết kế một môi trường có những thói quen tốt có thể “bắt kịp dòng chảy” với các hành vi thường nhật của bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn học chơi một nhạc cụ, bạn có thể đặt nó giữa phòng khách. Tương tự, bạn thích tập gym nếu nó nằm trên đường từ chỗ làm về nhà hơn là theo hướng ngược lại, dù chỉ cách 5 phút. Bất cứ khi nào có thể, hãy thiết kể thói quen cho bản thân để nó khớp với dòng chảy trong những mô hình hiện tại của bạn.

Thứ ba, loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực. Nông dân cổ đại không có cơ hội loại bỏ những rào cản khiến họ bị thụt lùi, nhưng bạn thì có thể. Ví dụ, các nhà sản xuất truyền hình Nhật Bản đã sắp xếp lại không gian làm việc để tiết kiệm thời gian khi loại bỏ các thao tác xoay, quay, uốn không cần thiết. Ví dụ nữa, bạn có thể cảm thấy dễ dàng tránh đồ ăn không tốt cho sức khỏe hơn nếu lưu giữ chúng ở những chỗ ít bị nhìn thấy. (Thức ăn bị nhìn thấy bằng mắt thường có xu hướng bị mua và ăn thường xuyên hơn.)

Vận thế của Môi trường

Chúng ta nhanh chóng đổ lỗi cho môi trường khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Nếu bạn mất việc, đó là vì kinh tế đang đi xuống. Nếu bạn thua lỗ, đó là vì những người thực thi bổn phận làm quá tệ. Nếu bạn đi làm muộn, hẳn vì giao thông quá hỗn loạn.

Tuy nhiên, khi ta thắng, ta hoàn toàn bỏ quên môi trường. Nếu bạn có việc làm, đó là vì bạn tài năng và thích hợp. Nếu bạn thắng bạc, đó là vì bạn là tay chơi khá. Nếu bạn đi họp sớm, tất nhiên là bạn biết cách tổ chức sắp xếp và nhắc nhở.

Điều quan trọng cần nhớ, môi trường thúc đẩy cả hành vi tốt lẫn xấu của chúng ta. Những người có vẻ cố gắn với những thói quen tốt dễ dàng thường thu được nhiều lợi ích từ môi trường hơn, từ đó thực hiện những hành vi đó cũng dễ dàng hơn.

Trong khi đó, những ai phải vật lộn tranh đấu để thành công có thể lại phải vật lộn với một cuộc chiến khó khăn chống lại môi trường. Cái đó thường bị nhìn nhận là thiếu ý chí, thực ra chỉ là kết quả của một môi trường nghèo nàn.

Đời là một trò chơi và nếu bạn muốn đảm bảo kết quả tốt hơn trong một thời gian dài, cách tốt nhất là chơi trò chơi đó trong môi trường có nhiều ưu thế cho bạn. Người thắng thường thắng vì môi trường của họ làm cho việc thắng cuộc trở nên dễ dàng hơn.

James Clear
Theo http://jamesclear.com/power-of-environment