Hiển thị các bài đăng có nhãn rủi ro. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn rủi ro. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Guidance Systems - 1 (Jacob Ward): Thuốc lá dạy chúng ta điều gì về rủi ro của đột phá công nghệ?



Những hệ thống dẫn hướng (Guidance Systems) - 1: Thuốc lá dạy chúng ta điều gì về rủi ro của công nghệ đột phá?


Với thuốc lá, chúng ta đã phát minh ra một thói quen chết chóc miễn dịch với chọn lọc tự nhiên và tư duy logic của chính chúng ta. Tuy nhiên đó không phải là sản phẩm duy nhất chúng ta từng tạo ra mang những đặc điểm đó.
Chuỗi bài “Những hệ thống dẫn hướng (Guidance Systems)” của Jacob Ward sẽ bàn về những công nghệ bề ngoài có vẻ như cải thiện cuộc sống của chúng ta với nhiều lựa chọn mới mẻ, nhưng thực tế lại đang uốn nắn lại hoặc xóa bỏ khả năng ra quyết định của chính chúng ta.

Khi 14 tuổi, Sean David ước mơ sẽ trở thành bác sĩ. “Tôi muốn thành Marcus Welby” – Anh nhớ lại. Vì thế suốt nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học, anh bắt đầu làm việc trong một bệnh viện, nhận bất kỳ việc gì có thể. Anh trở thành một hộ lý, dọn dẹp phòng mổ sau mỗi ca phẫu thuật.
“Bạn đi vào, nhận lấy toàn bộ chất thải sinh học và vứt bỏ nó đi. Bạn sử dụng loại xà phòng này cho sàn nhà và lau chùi đi lau chùi lại, từ phòng này sang phòng khác. Các ca chỉnh hình thường rất thô sơ, người ta dùng búa và cưa, vì thế sau đó bỏ lại rất nhiều vật liệu.” Nhưng anh đã dần xây dựng cho mình khả năng và tư duy quan sát, tới gần hơn những vấn đề của cơ thể con người, và anh cho rằng điều đó thế là đã thỏa mãn, theo một cách nào đó.
Thế rồi vào năm 1991, quản lý của anh thấy anh đang đẩy thùng nước giữa các phòng, bèn kéo anh sang một góc và bảo. “Bố cậu đang ở chỗ dò niệu quản.”
David nói: “Bố tôi là một người làm trong ngành ngân hàng, một phó giám đốc tiếp thị loại A, ông mặc đồng phục của Brooks Brothers, hút xì gà lẫn thuốc lá, bay tới bay lui khắp nơi trên thế giới. Ông là một cực kỳ mạnh mẽ. Tôi đi vào phòng đợi, đã có mẹ tôi và ngài chủ tịch ngân hàng nơi bố tôi đang làm việc ở đó.”
Thuốc lá luôn là một phần trong ký ức của David về bố mình. “Chúng tôi đi câu và ông hút thuốc. Tôi còn nhớ ông đặt mồi câu với một điếu thuốc trong miệng. Hồi đó, điều ấy chả có gì bất thường.”
Nhưng giờ bố anh đang nằm nhợt nhạt, ốm yếu trong bệnh viện. Lần đầu tiên David từng thấy ông như vậy.
Bác sĩ phẫu thuật tim nói với David và mẹ anh rằng bố anh thường bị những cơn đau ngực, thực ra đã bị suy tim và có thể phải thay tim. Khi bác sĩ bước trở lại phòng phẫu thuật để bắt đầu ca mổ, David nhận ra “Mình vừa lau dọn xong phòng đó. Chính là căn phòng đó.”
Bố David đã sống sót sau ca mổ. Anh nói: “Tôi đã trưởng thành và biết ơn cha tôi hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ dành dù chỉ một ngày để thừa nhận điều đó.”
Và anh quyết định mình cần phải làm gì để học y. “Rõ ràng hút thuốc là lằn ranh sống chết. Vì nhiều người còn không sống nổi sau cơn đau tim đầu tiên. Vì thế về mặt tình cảm, tôi bị tác động mạnh bởi việc này.”
Giám đốc tuyển sinh tại Đại học Washington, nơi David đăng ký học y, chính là vị bác sĩ tim mạch đã mổ cho bố anh. Sau khóa học y, David bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lý do tại sao các bệnh nhân thể hiện mọi dấu hiệu bên ngoài muốn bỏ thuốc lá nhưng mà vẫn không thể làm được điều đó.
Cuối cùng, anh nói, anh tin rằng có vài sự thật cơ bản về chứng nghiện thuốc lá mà những ai muốn đấu tranh từ bỏ nó phải hiểu rõ. Đầu tiên, sự yếu đuối tâm lý của chúng ta đóng vai trò hoàn hảo. “Người ta thường nhất mực đánh giá thấp rủi ro của hút thuốc. Nó có 50% khả năng chết sớm. Tức là cứ hai người hút thuốc thì một người chết sớm. Một phần sáu khả năng ung thư phổi. Rủi ro rõ ràng rất lớn, như dù sao càng rủi ro thì càng lôi cuốn.” Con người đơn giản thiếu bất kỳ thứ gì họ cần để nằm lòng mối họa này và hoàn toàn tránh canh bạc chết người đó.
Vì thế cách tránh thuốc lá, và đấu tranh với chứng nghiện thuốc cũng cần được bán giống như thuốc lá được bán. “Phải có một hứa hẹn nghiêm túc, một cách nào đó giúp bạn thoát khỏi việc hút thuốc. Chúng tôi cần nghiên cứu có tính xây dựng nhằm tìm ra động lực nào thúc đẩy các đối tượng khác nhau, vì tôi chưa từng thấy chiến dịch y tế công cộng bền vững nào có ảnh hưởng tới mọi tầng lớp dân cư. Có lẽ nếu chúng ta nói về ung thư phổi – nhưng rắc rối là chẳng có nhiều người sống sót, vì thế sẽ không có nhóm tư vấn ủng hộ mạnh mẽ nào ngoài kia.”
Cuối cùng, anh tin rằng không có cơ chế tự nhiên khiến con người ngừng hút thuốc lá. “Người hút thuốc đều trong độ tuổi sinh đẻ, vì thế tiến hóa không thể chạm vào việc này được, cũng không thể xóa bỏ nó.” Với việc tạo ra thuốc lá – một công nghệ tiêu dùng mang tới trải nghiệm thỏa mãn bền bỉ chỉ trong một bao nhỏ có thể tha mang đi khắp nơi – chúng ta đã phát minh ra một thứ chết người miễn dịch với chọn lọc tự nhiên.

Đây là khó khăn của thế giới hiện đại. Các đột phá khoa học dẫn tới những công nghệ mới, từ đó chúng ta dựng nên những lĩnh vực kinh doanh mới, và thậm chí là toàn bộ ngành công nghiệp mới. Nhưng những công nghệ này lại chạy nhanh hơn hiểu biết của chúng ta về rủi ro và lợi ích của chúng. Chúng thường tận dụng những yếu đuối tâm lý, kích động chúng ta khi chúng muốn nổi loạn, và tránh né bản năng tự nhiên của chúng ta hòng cải biến nó theo thời gian. Chúng ta đẩy mạnh kinh doanh mà không hiểu rõ chúng đang phục vụ và điều khiển khách hàng của chúng một cách toàn diện ra sao, có gây ảnh hưởng tới ai khác nữa không. Những cái đó chúng ta sẽ gọi là các hệ thống dẫn hướng (guidance systems), và trong những bài viết kế tiếp, tôi sẽ khám phá một vài hệ thống trong số đó một cách sâu sắc hơn.
Chúng ta đều đang sống trong thời đại mà Thomas Friedman gọi là Kỷ Nguyên Gia Tốc (Age of Acceleration), khi những đột phá trong những lĩnh vực như toán học và tính toán xuất hiện hằng ngày, và các doanh nghiệp cũng nhanh chóng biến các đột phá đó thành sản phẩm.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng bắt đầu tiết lộ những sự thật không hề dễ chịu chút nào về cách tâm trí chúng ta hoạt động bên trong cùng lúc đó. Các nghiên cứu mới đây về việc ra quyết định cho thấy chúng ta có xu hướng dễ mắc những sai lầm phổ biến trong đánh giá và ước lượng, chúng ta bị dị ứng với sự không chắc chắn và trả số tiền không hợp lý để cảm thấy an tâm hơn, chúng ta nhớ nhầm lẫn về quá khứ, và cảm xúc thường ra quyết định thay cho chúng ta. Thực tế, đó là những món quà về mặt nhận thức, một phần của di sản tiến hóa vẫn đang vận hành tuyệt vời giúp chúng ta sống sót trong phần lớn lịch sử loài người.
Rắc rối là giờ chúng ta đang sản xuất ra những sản phẩm thu hút các cơ chế bên trong mà không hiểu biết đầy đủ về mức độ nhạy cảm của chúng ta khi bị dẫn dắt và điều khiển, chưa kể tới sức khỏe thể chất và tinh thần của nhiều thế hệ có thể bị đe dọa.
Các doanh nghiệp ngày nay, những đối tượng tin vào sức mạnh kinh doanh tươi sáng sẽ thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn, cần hiểu vấn đề này có thể đi xa đến mức nào. Mục đích của tôi với chuỗi bài này là giải thích giúp các doanh nghiệp một vài những cạm bẫy nguy hiểm và sâu rộng nhất mà khoa học đã khám phá ra trong tâm lý xã hội học, hy vọng sẽ thiết lập được nền tảng cho một cuộc trò chuyện mới về trách nhiệm kinh doanh để giúp bù đắp cho những sai lầm kia, chứ không phải là lợi dụng những tác dụng phá hoại của chúng.

Sean David – giờ đang là tiến sĩ ở Stanford – đang làm việc để tìm ra những cách thức mới đo lường chứng nghiện thuốc lá. Anh đang tìm kiếm những dấu hiệu sinh học về chứng nghiện và việc hồi phục. Anh đã tìm thấy vài dấu hiệu di truyền tiềm năng có thể giúp các chuyên gia cai nghiện ứng dụng điều trị một số bệnh nhân đặc biệt. Trong một nghiên cứu mới, anh sẽ đưa vợ/chồng của người nghiện thuốc vào máy quét MRI để kiểm tra mẫu não bộ của họ phản ứng ra sao khi đưa cho họ những chỉ dẫn liên quan tới thuốc lá và hút thuốc.
Đó là một công việc hữu ích, có thể thực hiện bằng công nghệ mới nhất. Và chúng ta cần nó. Vì ngay cả bây giờ, khi giới y học rõ ràng đã đồng thuận trong việc xác định mối nguy hại cho sức khỏe tới từ thuốc lá và chứng nghiện hút quá độ, nhưng y học vẫn chưa có cách nào đo lường được mức độ ai bị nghiện, khả năng cai thuốc của họ tới đâu. Chúng ta tạo ra thuốc lá trước khi có cảm nhận xem chúng đáng sợ thế nào. Tất nhiên chúng ta đã không biết cách đo lường xem người ta có bị nghiện hay không. Hàng tỷ điếu thuốc được sản xuất ra trong ngành công nghiệp này trước khi những câu hỏi như thế nảy sinh. Tiến sĩ David thấy rằng ngày nay chúng ta vẫn chưa có cách đáng tin cậy nào để đo lường và điều trị chứng nghiện thuốc.
Tiến sĩ David nói: “Nó không đơn giản như điều trị bằng kháng sinh. Các mô hình điều trị của chúng ta đã sai với loại này. Cần phải rất chuyên sâu. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được mô hình đó.”
Nếu phải mất một thời gian rất dài các nhà nghiên cứu mới đánh giá được người hút thuốc, thì sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi chúng ta hiểu rõ những cách thức mà truyền thông xã hội, thiết bị di động, giải trí kỹ thuật số, chatbot và các công nghệ mới khác dẫn dắt hành vi của chúng ta và lấy đi khả năng ra quyết định hợp lý cho bản thân. Các hệ thống dẫn hướng này tạo ra các đế chế kinh doanh hùng mạnh, lợi nhuận cao. Nhưng đồng thời chúng sẽ làm gì chúng ta đây?

Jacob Ward

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...