Hiển thị các bài đăng có nhãn thất bại. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thất bại. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Ba giai đoạn thất bại - James Clear


Ba giai đoạn thất bại trong cuộc sống và sự nghiệp (và làm thế nào để khắc phục)

Một trong những điều khó khăn nhất trên đời là biết khi nào tiếp tục duy trì và khi nào nên thay đổi.

Một mặt, kiên trì và can đảm là chìa khóa để đạt được thành công trong bất kì lĩnh vực nào. Bất cứ ai là bậc thầy trong chuyên môn nghề nghiệp của mình đều sẽ đối mặt với những khoảnh khắc nghi ngờ và tìm đâu đó quyết tâm để tiếp tục. Nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp thành công hay tạo ra một cuộc hôn nhân vĩ đại, hoặc học một kỹ năng mới, thế thì cụm từ “gắn chặt với nó” có lẽ là đặc điểm quan trọng nhất để đạt được điều đó.

Mặt khác, nói với người khác đừng bao giờ từ bỏ là một lời khuyên khủng khiếp. Người thành công thường xuyên từ bỏ nhiều thứ. Nếu cái gì đó không hoạt động, người thông minh sẽ không lặp đi lặp lại nó một cách vô tận. Họ sẽ thay đổi. Họ sẽ điều chỉnh. Họ sẽ xoay chuyển. Họ sẽ từ bỏ. Giống như câu nói: “Kẻ điên rồ đang làm đi làm lại cùng một việc hết lần này đến lần khác và mong chờ những kết quả khác nhau.”

Cuộc sống cần cả hai chiến lược. Đôi khi bạn cần thể hiện sự tự tin vững chắc và tăng gấp đôi nỗ lực của bạn. Đôi khi bạn cần từ bỏ những gì không vận hành như ý muốn và thử cái gì đó mới. Câu hỏi quan trọng là: làm sao bạn biết khi nào cần từ bỏ và khi nào phải dính chặt lấy nó?

Một cách để trả lời câu hỏi này là sử dụng một nền tảng mà tôi gọi là Ba Giai Đoạn Thất Bại:




Ba giai đoạn thất bại

Nền tảng này giúp bạn làm sáng tỏ mọi thứ bằng cách chia nhỏ các thách thức theo ba giai đoạn thất bại:
1.                  Giai đoạn 1 là Thất Bại Chiến Thuật: đây là các lỗi HOW – thất bại như thế nào. Chúng xảy ra khi bạn thất bại trong việc xây dựng các hệ thống mạnh mẽ, mà quên đo đạc cẩn thận, và lười đi vào chi tiết. Thất bại Chiến Thuật là thất bại chạy trên một kế hoạch tốt và có tầm nhìn rõ ràng.
2.                  Giai đoạn 2 là Thất Bại Chiến Lược: đây là các lỗi WHAT – thất bại trong việc gì. Chúng xảy ra khi bạn theo đuổi một chiến lược mà nó thất bại trong việc mang tới những kết quả bạn mong muốn. Bạn có thể biết rõ tại sao bạn làm những thứ này và bạn làm chúng như thế nào, nhưng vẫn thất bại khi chọn sai cái gì sẽ làm nó xảy ra.
3.                  Giai đoạn 3 là Thất Bại Tầm Nhìn: đây là các lỗi WHY – tại sao thất bại. Chúng xảy ra khi bạn không xác định một định hướng rõ ràng cho bản thân, theo đuổi một tầm nhìn không phù hợp hoặc thậm chí thất bại trong việc tìm hiểu tại sao bạn lại làm những thứ bạn đang làm.
Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một câu chuyện, giải pháp và tóm tắt cho mỗi giai đoạn thất bại. Hy vọng ba giai đoạn thất bại sẽ giúp bạn xử lý uyển chuyển với quyết định khi nào nên rời đi, và khi nào nên sống còn với nó. Không phải hoàn hảo, nhưng tôi hy vọng nó hữu ích.



Giai đoạn 1 – Thất bại Chiến thuật

Sam Carpenter trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ năm 1984. Sử dụng 5000 đô làm tiền cọc, ông mua lại một doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở Bend, Oregon và đổi tên nó thành Centratel.

Centratel cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại 24/7 cho bác sĩ, bác sĩ thú y và các doanh nghiệp khác – những ai cần điện thoại được trả lời bất cứ lúc nào, nhưng không thể trả được cho nhân viên ngồi cố định tại chỗ. Khi ông mua doanh nghiệp này, Carpenter hy vọng rằng Centratel “một ngày nào đó sẽ là dịch vụ trả lời điện thoại chất lượng cao nhất nước Mỹ”.

Mọi thứ không diễn ra như mong muốn. Trong cuộc phỏng vấn năm 2012, Carpenter mô tả một thập kỷ rưỡi đầu tiên làm chủ doanh nghiệp của mình thế này:

Tôi thực tế phải làm việc 80 tới 100 giờ một tuần suốt 15 năm đầu tiên. Tôi chỉ là một phụ huynh với hai đứa con nhỏ, bạn có tin hay không thì tùy. Tôi rất ốm yếu. Tôi mắc đủ các loại trầm cảm và những thứ khác nữa…
Tôi sắp sửa mất cả khả năng chi trả lẫn mất cả công ty. Nếu bạn có thể tưởng tượng cảnh suy sụp tinh thần, suy sụp thể chất, rồi nhân lên mười lần, đó chính là những gì tôi trải qua. Đó là một khoảng thời gian kinh khủng.”

Một buổi tối, ngay trước khi chuẩn bị mất khả năng chi trả, Carpenter đã nhận ra vấn đề. Doanh nghiệp của ông đang gặp khó khăn vì nó thiếu hoàn toàn các hệ thống nó cần để đạt được hiệu suất tối ưu. Theo cách dùng từ của Carpenter, đó là “Chúng tôi đang có tất cả các loại vấn đề vì mọi người đều đang làm nó theo cách họ nghĩ là tốt nhất.”

Carpenter lập luận rằng nếu ông có thể tối ưu hóa các hệ thống của mình, thì nhân viên của ông chỉ cần mỗi ngày tuân theo các ví dụ mẫu tốt nhất thay vì làm mọi thứ một cách hổ lốn như hiện tại. Ngay lập tức ông bắt đầu viết ra mỗi qui trình trong doanh nghiệp.

Ông nói: “Ví dụ, chúng tôi có một thủ tục 9 bước để trả lời điện thoại tại bàn. Mọi người đều làm theo cách này, đó chắc chắn 100% là cách tốt nhất để thực hiện việc này, và chúng tôi đã lấy một hệ thống hữu cơ, biến nó thành cơ khí, và làm nó trở nên hoàn hảo.”

Hai năm tiếp theo, Carpenter ghi chép và sửa đổi lại từng qui trình trong công ty. Làm sao để thực hiện buổi thuyết trình bán hàng. Làm sao để gửi một hóa đơn. Làm sao thanh toán hóa đơn của khách hàng. Làm sao xử lý bảng lương. Ông tạo một hướng dẫn sử dụng mà bất kỳ nhân viên nào cũng có thể lấy được và làm theo bất kỳ thủ tục nào trong công ty – từ hệ thống này sang hệ thống kia, từ bước này sang bước kia.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Thời gian làm việc của Carpenter nhanh chóng giảm dần từ 100 giờ mỗi tuần xuống còn chưa tới 10 giờ mỗi tuần. Ông không còn cần quản lý mọi tình huống khẩn cấp nữa vì có một thủ tục hướng dẫn nhân viên cho mỗi tình huống. Khi chất lượng công việc được cải tiến, Centratel tăng giá và biên lợi nhuận của công ty lên tới 40%.

Ngày nay, Centratel đã tăng lên gần 60 nhân viên và vừa mới kỷ niệm 30 năm hoạt động kinh doanh. Carpenter giờ chỉ còn làm việc 2 giờ mỗi tuần.

Khắc phục thất bại chiến thuật

Thất bại chiến thuật là vấn đề làm thế nào. Trong trường hợp Centratel, họ có một tầm nhìn rõ ràng (trở thành “dịch vụ trả lời điện thoại chất lượng cao nhất nước Mỹ”) và một chiến lược tốt (thị trường dịch vụ trả lời điện thoại rộng lớn), nhưng họ không biết làm sao thực hiện được chiến lược và tầm nhìn đó.

Có ba cách chủ yếu để khắc phục các thất bại chiến thuật.

1.                  Ghi chép lại qui trình của bạn.
2.                  Đo các đầu ra.
3.                  Kiểm tra và điều chỉnh lại chiến thuật của bạn.

Ghi chép lại qui trình. McDonald’s có trên 35000 điểm bán trên toàn thế giới. Tại sao họ có thể tuyển và dùng ngay được các nhân viên mới trong khi vẫn không ngừng phân phối một sản phẩm bền vững? Bởi vì họ có các hệ thống chuẩn xác đặt đúng chỗ cho mọi qui trình. Dù bạn có đang vận hành một doanh nghiệp, làm chủ một gia đình, hay quản lý chính cuộc đời bạn, xây dựng các hệ thống vĩ đại là yếu tố then chốt để thành tựu được lặp đi lặp lại. Mọi thứ đều bắt đầu bằng việc viết ra mỗi bước trong qui trình và phát triển một checklist để bạn có thể theo dõi khi cuộc đời trở nên điên rồ.

Đo lường đầu ra. Nếu có gì đó quan trọng với bạn, hãy đo lường nó. Nếu bạn là một doanh nhân, hãy đo xem bạn có bao nhiêu cuộc gọi mua hàng mỗi ngày. Nếu bạn là một nhà văn, hãy đo xem bao lâu bạn xuất bản được một bài báo mới. Nếu bạn là một vận động viên cử tạ, hãy đo xem bạn luyện tập thường xuyên thế nào. Nếu bạn không bao giờ đo các kết quả của mình, làm sao bạn biết chiến thuật nào đang vận hành?

Kiểm tra và điều chỉnh lại chiến thuật. Điều mệt mỏi nhất về các thất bại Giai đoạn 1 là chúng không bao giờ dừng lại. Các chiến thuật từng vận hành tốt rồi sẽ trở nên lỗi thời. Chiến thuật xưa vốn là một ý tưởng tồi tệ giờ có lẽ lại là ý hay. Bạn cần liên tục kiểm tra và cải thiện cách bạn xử lý công việc. Người thành công thường loại bỏ các chiến thuật không hướng tới chiến lược và tầm nhìn phía trước của họ. Khắc phục thất bại chiến thuật không phải là công việc làm một lần rồi thôi, đó là một phong cách sống.

Giai đoạn 2: Thất bại Chiến Lược

Đó là vào tháng 3 năm 1999. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, vừa thông báo công ty của ông muốn phát hành một dịch vụ mới gọi là Amazon Auctions để giúp mọi người bán “bất cứ thứ gì qua trực tuyến ảo”. Ý tưởng là tạo ra thứ gì đó có thể cạnh tranh với eBay. Bezos biết có hàng triệu người có hàng hóa muốn bán và ông muốn Amazon là nơi các giao dịch như thế diễn ra.

Greg Linden, kỹ sư phần mềm của Amazon thời điểm đó nhớ lại dự án: “Phía sau hậu trường, đó là một nỗ lực cỡ Hercule. Mọi người khắp công ty đều bị lôi ra khỏi dự án của họ. Toàn bộ trang Auctions, với tất cả các đặc điểm của eBay và hơn thế, được xây dựng từ mớ hỗn độn. Nó được thiết kế, kiến trúc, phát triển, kiểm thử, và phát hành chỉ trong ba tháng.”

Amazon Auctions là một thất bại ngoạn mục. Chỉ sáu tháng sau khi phát hành, ban lãnh đạo đã nhận ra dự án sẽ chẳng đi đến đâu. Tháng 9 năm 1999, họ ép phát hành một bản mới với tên Amazon zShops. Phiên bản này của ý tưởng kia cho phép bất kì ai từ các công ty lớn tới mỗi cá nhân đều có thể xây dựng một cửa hàng trực tuyến và bán hàng hóa thông qua Amazon.

Lại một lần nữa Amazon bơi tiếp và lạc lối. Cả Amazon Auctions lẫn Amazon zShops ngày nay vẫn còn vận hành. Tháng 12 năm 2014, Bezos cho rằng đó là các dự án thất bại khi nói: “Tôi đã làm mất hàng tỷ đô la tại Amazon.com. Thực sự là hàng tỷ đô.”

Không hề sợ hãi, Amazon lại thử lại lần nữa với việc tạo ra một nền tảng cho các nhà bán hàng bên thứ ba. Trong tháng 11 năm 2000, họ phát hành Amazon Marketplace, cho phép mọi cá nhân bán các sản phẩm đã từng qua sử dụng bên cạnh các hàng mới trên Amazon. Ví dụ, một hiệu sách nhỏ có thể liệt kê các sách đã sử dụng của mình trực tiếp bên cạnh các sách mới trên Amazon.

Và nó chạy rất ổn. Marketplace thành công nhanh chóng. Năm 2015, Amazon Marketplace chiếm gần 50% trong tổng số 107 tỷ đô la doanh số bán hàng của Amazon.com.

Khắc phục thất bại chiến lược

Thất bại chiến lược là bài toán cái gì thất bại. Vào năm 1999, Amazon có một tầm nhìn rõ ràng “là một công ty hướng trọng tâm về khách hàng nhất quả đất”. Họ cũng là bậc thầy trong việc khiến cho mọi thứ vận hành ngon lành, đó là lý do tại sao họ có khả năng chạy Amazon Auction chỉ trong ba tháng. Tại sao và Như thế nào đã nắm được, nhưng Cái gì thì lại không biết.

Có ba cách chủ yếu để khắc phục thất bại chiến lược:
1.                  Phát hành nó thật nhanh chóng
2.                  Làm nó với chi phí thấp
3.                  Kiểm tra lại nó thật nhanh

Phát hành nó nhanh chóng. Một số ý tưởng làm việc tốt hơn nhiều các ý tưởng khác, nhưng chẳng ai biết ý tưởng nào thực sự tốt cho đến khi họ thử nó. Không ai biết trước điều gì – không phải các nhà đầu tư mạo hiểm, cũng không phải các công dân thông minh tại Amazon, không phải bạn bè hay gia đình bạn. Tất cả các kế hoạch, nghiên cứu, thiết kế chỉ là bước khởi đầu trên giấy. Tôi thích câu nói của Paul Graham: “Bạn không hề thực sự bắt đầu làm việc [trên ý tưởng của bạn] cho đến khi bạn phát hành nó.”

Vì thế, phát hành các chiến lược thật nhanh chóng rất quan trọng. Bạn kiểm tra một chiến lược vận hành trong thế giới thực nhanh hơn, thì bạn nhận được phản hồi về việc nó có vận hành hay không cũng nhanh hơn. Hãy chú ý tới khung thời gian Amazon vận hành: Amazon Auctions công bố tháng 3 năm 1999. Amazon zShops công bố tháng 9 năm 1999. Amazon Marketplace conog bố tháng 11 năm 2000. Ba nỗ lực khổng lồ chỉ trong vòng 20 tháng.

Hãy làm với chi phí thấp. Giả sử bạn đạt được một cấp độ chất lượng tối thiểu nào đó, đây là cách tốt nhất để kiểm tra các chiến lược mới với chi phí thấp. Thất bại với chi phí thấp sẽ làm tăng diện tích bề mặt của thành công vì điều đó có nghĩa là bạn có thể thử nghiệm thêm nhiều ý tưởng khác. Hơn nữa, làm mọi thứ với chi phí thấp còn phục vụ cho một mục tiêu mấu chốt khác. Nó giảm sự gắn kết của bạn vào một ý tưởng cụ thể. Nếu bạn đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào một chiến lược cụ thể, rất khó để từ bỏ nó. Bạn bỏ càng nhiều năng lượng vào thứ gì, bạn càng có cảm giác sở hữu nó nhiều. Các ý tưởng kinh doanh tồi, những mối quan hệ nguy hại, và những thói quen mang tính phá hoại đều khó có thể loại bỏ một khi chúng trở thành một phần bản sắc của bạn. Thử nghiệm các chiến lược mới với giá rẻ tránh được cái hố này và tăng khả năng cho bạn theo đuổi chiến lược vận hành tốt nhất chứ không phải cái được đầu tư nhiều nhất.

Kiểm tra nhanh. Các chiến lược có triển vọng đều cần được kiểm tra và điều chỉnh. Bạn khó mà tìm được một doanh nhân, nghệ sĩ, nhà chế tác thành công làm chính xác cùng một việc ngày nay so với khi họ mới bắt đầu. Starbucks đã bán các máy nghiền cà phê và máy pha espresso suốt một thập kỷ trước khi mở các cửa hàng của chính mình. 37 Signals khởi đầu là một công ty thiết kế web trước khi biến thành một công ty phần mềm trị giá trên 100M đô ngày nay. Nintendo sản xuất bài (bộ tú chơi bằng tay) và máy quét chân không trước khi đánh cắp trái tim game thủ khắp nơi.

Nhiều doanh nhân cho rằng nếu ý tưởng kinh doanh đầu tiên của họ là một thất bại, họ sẽ không từ bỏ. Nhiều nghệ sĩ cho rằng nếu tác phẩm đầu đời của họ không được khen ngợi, họ sẽ không có kỹ năng cần thiết. Nhiều người tin nếu hai hay ba mối quan hệ đầu tiên của họ tệ hại, họ sẽ không bao giờ tìm thấy tình yêu.

Hãy thử xem liệu có những sức mạnh tự nhiên nào vận hành theo kiểu đó không. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mẹ Tự Nhiên chỉ tự cho ra một phát khi tạo ra sự sống? Có lẽ tất cả chúng ta chỉ còn là tổ chức đơn bào. May mắn thay, đó không phải là cách tiến hóa hoạt động. Từ hàng triệu năm qua, sự sống liên tục điều chỉnh, tiến hóa, sửa chữa, và lặp đi lặp lại cho tới khi nó đạt tới trạng thái phong phú đa dạng về giống loài cư ngụ trên hành tinh chúng ta ngày nay. Đó không phải là những thứ tự nhiên sinh ra ngay từ đầu.

Vì thế nếu ý tưởng ban đầu của bạn thất bại, bạn sẽ cảm thấy mình cần tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, nghỉ ngơi thư giãn một chút. Thay đổi chiến lược là chuyện bình thường. Đó thực ra là cách thế giới đang vận hành. Bạn phải tuân theo thôi.

Giai đoạn 3: Thất bại Tầm Nhìn

Ralph Waldo Emerson sinh ra ở Massachusetts năm 1803. Bố ông là mục sư nhà thờ Unitarian vốn là cái tên tương đối nổi tiếng trong cộng đồng Công Giáo thời bấy giờ.

Giống như bố, Emerson tới Harvard và trở thành mục sư thụ phong. Nhưng không giống bố mình, ông tự thấy mình bất đồng quan điểm với nhiều giáo lý của nhà thờ sau vài năm làm việc trong đó. Emerson tranh luận gay gắt với giới lãnh đạo nhà thờ trước khi bắt đầu viết lách. “Chế độ tưởng nhớ Christ này không hợp với tôi. Thế là đủ lý do để tôi từ bỏ nó.”

Emerson từ chức khỏi nhà thờ năm 1832 và dành một năm sau đó đi du lịch khắp Châu Âu. Những chuyến đi đã thắp lên trí tưởng tượng trong con người ông và dẫn hướng tới những tình bạn với nhiều triết gia và nhà văn đương thời như John Stuart Mill, William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge, và Thomas Carlyle. Sau này có người viết những chuyến đi của ông tới Paris đã đốt lên “một khoảnh khắc nhìn xa trông rộng khá lớn lôi anh khỏi thần học và hướng tới khoa học”.

Trở về Mỹ, Emerson thành lập Transcendental Club, là một nhóm các trí thức New England như ông, muốn trò chuyện về triết học, văn hóa, khoa học và cải tiến xã hội Mỹ.

Mối hoài nghi sâu sắc của Emerson về cuộc đời và giá trị của bản thân chính ông, bắt đầu bằng công việc khi còn là mục sư, đã được tăng cường và củng cố trong các chuyến du lịch xuyên châu lục, và tiếp tục với những buổi hội họp cùng Transcendental Club đã giúp ông nhận ra khát vọng trở thành triết gia và nhà văn. Ông dành những năm tháng còn lại để theo đuổi những ý tưởng độc lập và viết các bài luận, các cuốn sách mà chúng vẫn còn giá trị tới tận ngày nay.

Khắc phục thất bại tầm nhìn

Thất bại tầm nhìn là bài toán tại sao. Chúng xảy ra vì tầm nhìn hay mục tiêu của bạn cho những gì bạn muốn (cái tại sao của bạn) không ăn nhập gì với các hành động bạn làm.

Có ba cách chủ yếu để khắc phục thất bại tầm nhìn:
1.                  Nắm lấy cuộc đời bạn.
2.                  Quyết định những thứ không thể thương lượng được của bạn.
3.                  Hướng tới chủ nghĩa phê phán.

Nắm lấy cuộc đời bạn. Mọi người hiếm khi dành thời gian để nghĩ cẩn thận về tầm nhìn và giá trị của chính họ. Tất nhiên, chẳng có yêu cầu nào buộc bạn phải phát triển tầm nhìn bản thân cho công việc hay cho cuộc đời bạn. Nhiều người thích cuốn theo dòng nước và cứ để đời cuốn mình đi. Theo lý thuyết, điều đó cũng tốt. Nhưng thực tế lại có một vấn đề:

Nếu bạn không bao giờ xác định một tầm nhìn cho đời mình, bạn sẽ thường thấy chính mình đang sống theo giấc mơ của ai đó.

Như nhiều đứa trẻ khác, Emerson theo đuổi con đường của cha mình, tới học cùng trường, làm cùng vị trí nghề nghiệp như cha, trước khi mở to mắt và nhận ra đó không phải là những gì mình muốn. Điều chỉnh tầm nhìn của ai đó thành của mình – dù người đó là gia đình, bạn bè, người mình ngưỡng mộ, ông chủ, hay xã hội nói chung – đều không chắc sẽ dẫn tới giấc mơ của chính bạn. Bản sắc và thói quen của bạn cần phải phù hợp với nó.

Vì thế, bạn cần nắm lấy đời mình. Bạn muốn hoàn thành điều gì? Bạn muốn ngày tháng của bạn trôi qua thế nào? Tìm ra tầm nhìn cho đời mình không phải là công việc của ai đó khác. Nó chỉ có thể do chính bạn làm. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc khám phá những giá trị cốt lõi của bạn. Sau đó, kiểm tra lại những trải nghiệm hiện tại của bạn bằng cách viết một bản kiểm tra hàng năm hay một báo cáo trung thực.

Xác định những thứ không thể thương lượng được của bạn. Thứ “không thể thương lượng được” là thứ bạn sẽ không muốn bị tiền bạc tác động, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Sai lầm phổ biến là mọi người thường biến thứ không thể thương lượng được thành chiến lược của mình, trong khi nó nên là tầm nhìn của bạn. Rất dễ cố định ý tưởng. Nhưng nếu bạn bị ám ảnh với thứ nào đó, hãy bị ám ảnh bởi tầm nhìn của bạn, chứ không phải ý tưởng của bạn. Hãy vững vàng với tầm nhìn, không phải là một phiên bản cụ thể của ý tưởng nào đó. Jeff Bezos nói: “Chúng tôi ngoan cố trong mục tiêu. Chúng tôi linh hoạt trong chi tiết.”

Chìa khóa để nhận ra gần như mọi thứ đều là một chi tiết – chiến thuật của bạn, chiến lược của bạn, thậm chí mô hình kinh doanh của bạn. Nếu thứ không thể thương lượng được của bạn là trở thành một doanh nhân thành công, thì có nhiều cách để đạt được mục đích đó. Nếu thứ không thể thương lượng được của Amazon là “trở thành công ty hướng tới khách hàng nhất quả đất”, họ có thể mất hàng tỷ đô trong vụ Amazon Auctions và Amazon zShops nhưng vẫn chạm tới mục tiêu.

Một khi bạn tin tưởng vào tầm nhìn của mình, hiếm khi bạn đánh mất nó trong bất kì giây phút gục ngã nào. Nhưng có một số sai lầm dẫn tới triệt tiêu hoàn toàn một giấc mơ. Nhiều khả năng, bạn đã thất bại ở cấp độ chiến lược và mất tinh thần. Điều này làm tê liệt sự nhiệt tình của bạn, và bạn từ bỏ không phải vì bạn nên thế mà vì bạn cảm thấy phải như thế. Cảm xúc khiến bạn biến từ thất bại Giai đoạn 1 hay Giai đoạn 2 thành Giai đoạn 3. Hầu hết những sai lầm mọi người cho là thất bại của Tầm nhìn, thực ra lại là thất bại Chiến Lược. Nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, nhà phát minh cứ quanh quẩn với một phiên bản ý tưởng, và khi ý tưởng thất bại, họ cũng từ bỏ luôn tầm nhìn. Đừng phát triển cảm giác sở hữu những thứ sai lầm. Có gần như vô hạn cách để đạt được mục tiêu của bạn nếu bạn sẵn sàng linh hoạt trong chi tiết.

Hướng tới chủ nghĩa phê phán. Chủ nghĩa phê phán là một chỉ dấu cho chiến lược và chiến thuật thất bại, nhưng – giả sử bạn là người hợp lý, có dự định tốt – nó hiếm khi là chỉ dấu cho tầm nhìn thất bại. Nếu bạn cam kết làm cho tầm nhìn của mình thành yếu tố không thể thương lượng được trong đời và không từ bỏ nó chỉ sau thử nghiệm đầu tiên, thế thì bạn phải sẵn lòng nhận những chỉ trích. Bạn không cần xin lỗi vì những gì mình yêu thích, nhưng bạn phải học cách đối phó với những kẻ thù ghét.

Giai đoạn thứ 4 của thất bại

Còn một giai đoạn thứ 4 của thất bại chúng ta không nói ở đây: Thất bại Cơ Hội.

Đó là kiểu sai lầm WHO – Ai thất bại. Chúng xảy ra khi xã hội thất bại trong việc cung cấp cơ hội bình đẳng cho mọi người. Thất bại cơ hội là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp: tuổi tác, chủng tộc, giới tính, thu nhập, giáo dục, và hơn thế.

Ví dụ, có hàng ngàn người cùng tuổi với tôi đang sống trong khu ổ chuột ở Ấn Độ hoặc trên đường phố Bangladesh, họ thông minh và tài năng hơn tôi, nhưng chúng tôi sống những cuộc đời rất khác nhau do các cơ hội hiện diện với chúng tôi khác nhau.

Thất bại Cơ hội xứng đáng có một bài viết riêng, và có nhiều điều chúng ta có thể làm với tư cách cá nhân và với tư cách xã hội để giảm thiểu chúng. Tuy nhiên, tôi không chọn tập trung vào nó ở bài viết này vì Thất bại Cơ hội khó bị gây ảnh hưởng. Trong khi đó, tầm nhìn, chiến lược và chiến thuật của bạn đều là những thứ bạn có thể kiểm soát trực tiếp được.



Lời cuối về Thất bại

Hy vọng ba giai đoạn của thất bại giúp bạn xác định được một số vấn đề bạn đang đối mặt và làm sao xử lý chúng. Một điều có lẽ thoạt nhìn chưa thấy ngay, đó là các giai đoạn khác nhau có thể tác động tới giai đoạn còn lại như thế nào?

Ví dụ, Thất bại Chiến thuật thường có thể gây tàn phá đủ lớn nếu bạn tin một cách sai lầm rằng đó là Thất Bại Tầm Nhìn. Thử tưởng tượng Sam Carpenter sẽ cảm thấy thế nào khi ông ấy làm việc vất vả 100 giờ mỗi tuần. Rất dễ cho rằng mục tiêu trở thành doanh nhân của ông đã thất bại, trong khi thực tế thì chỉ do chiến thuật nghèo nàn gây ra vấn đề đó.

Đôi khi bạn cần một vài chiến thuật để tạo đủ không gian khám phá ra chiến lược và tầm nhìn của mình. Đó là lý do tại sao tôi viết về những vấn đề như: làm sao quản lý thói quen hằng ngày của bạn, cách tìm ra các ưu tiên trong cuộc sống, tại sao đa nhiệm là một điều huyền bí. Không, những chủ đề này không tạo ra mục tiêu thay đổi thế giới. Nhưng có lẽ chúng xóa bỏ đủ không gian trong lịch trình của bạn để bạn mơ tiếp mục tiêu thay đổi thế giới.

Nói cách khác, cuối cùng hẳn là bạn không thể đi sai đường nữa. Chỉ là có cát bụi bay xung quanh bạn khiến bạn không thể nhìn thấy đường thôi. Hãy tìm ra chiến thuật và chiến lược đúng đắn – quét sạch bụi khỏi không khí – và bạn sẽ thấy tầm nhìn tự thân nó hiện ra rộng lớn chừng nào.

James Clear


Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Môi trường góp phần đáng kể trong thành công hay thất bại của chúng ta



Động lực bị đánh giá quá cao.
Nhưng môi trường lại thường gây ra nhiều vấn đề hơn.

Người ta thường có xu hướng đổ lỗi cho thất bại là do thiếu ý chí, không đủ tài, chưa cống hiến hết mình cho thành công bằng cách làm việc chăm chỉ, nỗ lực và bền bỉ.

Tất nhiên, những cái đó đều góp phần ảnh hưởng. Tuy nhiên, thú vị hơn, nếu bạn kiểm tra cách thức hành vi con người được định hình theo thời gian ra sao, hẳn bạn sẽ khám phá ra động lực (và thậm chí cả tài năng) thường được đánh giá quá cao. Trong nhiều trường hợp, môi trường mới là yếu tố gây ra nhiều chuyện hơn.

Hãy để tôi chia sẻ một ví dụ đã từng khiến tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên biết tới nó.

Khuôn mẫu của Hành vi con người

Trong cuốn sách đã giành được nhiều giải thưởng của mình, “Súng, Vi trùng, và Thép”, nhà khoa học Jared Diamond đã chỉ ra một hiện thực hiển nhiên: các châu lục khác nhau có hình dạng khác nhau. Thoạt nhìn, điều này không hề quan trọng, nhưng nó lại có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người.

Ví dụ, hình dạng chung của Châu Mỹ theo hướng bắc – nam. Tức là đất đai rộng lớn của Bắc Mỹ và Nam Mỹ có xu hướng địa hình cao và mỏng hơn là trải rộng và dày. Tương tự với Châu Phi. Trục chính chạy từ bắc tới nam.

Trong khi đó, địa hình đất đai Châu Âu, Châu Á và Trung Đông lại theo hướng ngược lại. Dải đất rộng lớn này có xu hướng địa hình trải theo hướng đông – tây. Thật thú vị, hình dạng mỗi vùng đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của con người qua nhiều thế kỷ.



Sức mạnh khác thường của Môi trường

Khi nông nghiệp bắt đầu phát triển trên toàn cầu, người nông dân có một giai đoạn dễ dàng hơn nhiều khi mở rộng hoạt động theo hướng những con đường từ đông sang tây chứ không như con đường theo hướng bắc – nam. Đó là do các vị trí cùng vĩ độ thường khá giống nhau về điều kiện khí hậu, ánh sáng mặt trời và lượng mưa, cũng như các thay đổi tương ứng theo mùa. Việc đó giúp nông dân ở Châu Âu và Châu Á thuần hóa được một số giống cây trồng và dễ dàng gieo trồng chúng trên những dải đất rộng lớn từ Pháp tới Trung Quốc.

Trong khi đó, khí hậu biến đổi rất nhiều từ bắc xuống nam. Chỉ cần so sánh là biết ngay khí hậu khác biệt đến mức nào ở Florida và Canada. Nhiều giống cây phát triển tốt trong thời tiết ấm áp nhưng lại không thể sinh trưởng bình thường ở nơi lạnh giá. Để mở rộng trồng trọt ở phương bắc và phương nam, người nông dân cần phải tìm kiếm và thuần hóa những giống cây mới mỗi khi khí hậu thay đổi.

Như vậy, do những sai biệt lớn về môi trường, nông nghiệp đã tăng trưởng gấp hai, gấp ba lần ở Châu Á và Châu Âu, trong khi nó trồi sụt liên tục ở Châu Mỹ. Trải qua nhiều thế kỷ, điều này có tác động rất lớn. Sản xuất lương thực tăng trưởng tốt ở Châu Âu và Châu Á khiến dân số khu vực này cũng tăng trưởng nhanh chóng hơn. Khi dân số đông lên, các nền văn minh Châu Âu và Châu Á có khả năng xây dựng những đội quân hùng mạnh và phát triển những công nghệ cùng các cải tiến mới.

Những thay đổi bắt đầu từ cái nhỏ - một vụ mùa được mở rộng ra một chút sẽ dễ dàng hơn, dân số cũng tăng trưởng nhanh thêm một chút ít – nhưng tích tụ lại sẽ tạo thành những khác biệt đáng kể theo thời gian. Dù còn nhiều yếu tố khác, nhưng rõ ràng có thể nói, hình dạng châu lục là một nguyên nhân quan trọng khiến người Châu Âu tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ và đi chinh phạt các bộ lạc bản địa ở Bắc và Nam Mỹ.

Bàn tay Vô hình

Môi trường là một bàn tay vô hình định hình nên hành vi con người. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng hành vi của mình là sản phẩm từ động lực, tài năng và nỗ lực bản thân. Tất nhiên những cái đó đều có phần đóng góp. Nhưng điều gây kinh ngạc, đặc biệt qua một thời gian lâu dài, là những đặc điểm cá nhân của bạn có xu hướng bị môi trường bạn sinh sống chế ngự.

Thử tưởng tượng cảnh bạn cố gắng trồng cà chua trong mùa đông lạnh giá ở Canada. Bạn có thể là một nông dân tài giỏi nhất thế giới, nhưng điều đó cũng chẳng tạo nên sự khác biệt. Tuyết là hợp chất vô cùng nghèo nàn cho đất.

Chả có bằng chứng nào cho thấy nông dân ở Châu Âu hay Châu Á tài năng hơn hay có nhiều động lực hơn nông dân ở phần còn lại của thế giới. Đúng, tất cả bọn họ đều có thể phát triển nông nghiệp tăng trưởng gấp hai, gấp ba so với đồng nghiệp của mình. Nếu bạn muốn tối đa hóa tỷ lệ thành công, bạn cần hoạt động ở trong một môi trường thúc đẩy và làm gia tăng kết quả của bạn chứ không cản trở chúng.

Trước khi chúng ta bàn tới việc phải bắt đầu thế nào, tôi muốn bạn biết rằng, tôi đã nghiên cứu và biên dịch nhiều con đường khoa học hỗ trợ để giữ thói quen tốt và chấm dứt phong cách trì hoãn. Có muốn kiểm tra hiểu biết của tôi không? Hãy tải cuốn hướng dẫn miễn phí bằng PDF của tôi “Chuyển đổi thói quen”.

Làm thế nào để tạo được một môi trường tốt hơn?

Có nhiều cách tạo ra một môi trường thúc đẩy thành công.
Đây là ba cách:

Thứ nhất, hãy tự động hóa các quyết định tốt. Bất cứ khi nào có thể, hãy thiết kế để môi trường tạo ra những quyết định tốt cho bạn. Ví dụ, mua bát đĩa nhỏ hơn có thể giúp bạn giảm cân vì ảnh hưởng tới quyết định kích cỡ khẩu phần ăn của bạn. Một nghiên cứu của Brian Wansink tại Đại học Cornell cho thấy, người ta sẽ ăn lượng thức ăn ít hơn 22% nếu chuyển từ bát đĩa 12 inch sang bát đĩa 10 inch. Tương tự, sử dụng phần mềm khóa các trang mạng xã hội lại có thể giúp khắc phục tình trạng trì trệ, đình hoãn của bạn do thúc đẩy ý chí của bạn lên trạng thái điều khiển tự động.

Thứ hai, hãy nắm bắt kịp thời xu thế. Vài năm trước, PetSmart thay đổi qui trình thanh toán. Sau khi quét thẻ tín dụng, khách hành sẽ được thấy một màn hình hỏi xem họ có muốn đóng góp để “cứu giúp động vật hoang dã” hay không. Nhờ cách thức đơn giản này, tổ chức nhân đạo PetSmart Charities đã gây quĩ tăng thêm 40 triệu đô la chỉ trong một năm.
Bạn có thể áp dụng cách tương tự để thiết kế một môi trường có những thói quen tốt có thể “bắt kịp dòng chảy” với các hành vi thường nhật của bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn học chơi một nhạc cụ, bạn có thể đặt nó giữa phòng khách. Tương tự, bạn thích tập gym nếu nó nằm trên đường từ chỗ làm về nhà hơn là theo hướng ngược lại, dù chỉ cách 5 phút. Bất cứ khi nào có thể, hãy thiết kể thói quen cho bản thân để nó khớp với dòng chảy trong những mô hình hiện tại của bạn.

Thứ ba, loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực. Nông dân cổ đại không có cơ hội loại bỏ những rào cản khiến họ bị thụt lùi, nhưng bạn thì có thể. Ví dụ, các nhà sản xuất truyền hình Nhật Bản đã sắp xếp lại không gian làm việc để tiết kiệm thời gian khi loại bỏ các thao tác xoay, quay, uốn không cần thiết. Ví dụ nữa, bạn có thể cảm thấy dễ dàng tránh đồ ăn không tốt cho sức khỏe hơn nếu lưu giữ chúng ở những chỗ ít bị nhìn thấy. (Thức ăn bị nhìn thấy bằng mắt thường có xu hướng bị mua và ăn thường xuyên hơn.)

Vận thế của Môi trường

Chúng ta nhanh chóng đổ lỗi cho môi trường khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Nếu bạn mất việc, đó là vì kinh tế đang đi xuống. Nếu bạn thua lỗ, đó là vì những người thực thi bổn phận làm quá tệ. Nếu bạn đi làm muộn, hẳn vì giao thông quá hỗn loạn.

Tuy nhiên, khi ta thắng, ta hoàn toàn bỏ quên môi trường. Nếu bạn có việc làm, đó là vì bạn tài năng và thích hợp. Nếu bạn thắng bạc, đó là vì bạn là tay chơi khá. Nếu bạn đi họp sớm, tất nhiên là bạn biết cách tổ chức sắp xếp và nhắc nhở.

Điều quan trọng cần nhớ, môi trường thúc đẩy cả hành vi tốt lẫn xấu của chúng ta. Những người có vẻ cố gắn với những thói quen tốt dễ dàng thường thu được nhiều lợi ích từ môi trường hơn, từ đó thực hiện những hành vi đó cũng dễ dàng hơn.

Trong khi đó, những ai phải vật lộn tranh đấu để thành công có thể lại phải vật lộn với một cuộc chiến khó khăn chống lại môi trường. Cái đó thường bị nhìn nhận là thiếu ý chí, thực ra chỉ là kết quả của một môi trường nghèo nàn.

Đời là một trò chơi và nếu bạn muốn đảm bảo kết quả tốt hơn trong một thời gian dài, cách tốt nhất là chơi trò chơi đó trong môi trường có nhiều ưu thế cho bạn. Người thắng thường thắng vì môi trường của họ làm cho việc thắng cuộc trở nên dễ dàng hơn.

James Clear
Theo http://jamesclear.com/power-of-environment

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...