Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Entropy: Tại sao đời luôn phức tạp hơn ta tưởng - James Clear


Entropy: Tại sao đời luôn phức tạp hơn ta tưởng

Định luật Murphy phát biểu: “Bất kỳ thứ gì có thể trở nên tồi tệ, thì sẽ trở nên tồi tệ.” (Anything that can go wrong, will go wrong.)

Lời tuyên bố hàm súc này ám chỉ tới xu hướng đáng buồn trong đời: gây rắc rối và làm mọi thứ trở nên khó khăn. Vấn đề dường như phát sinh một cách tự nhiên trên chính bản thân chúng, trong khi giải pháp luôn đòi hỏi sự quan tâm, năng lượng và công sức của chúng ta. Đời có vẻ chẳng bao giờ diễn ra theo ý ta. Nếu có, nó sẽ trở nên phức tạp hơn và dần dần rơi vào hỗn loạn thay vì duy trì tính đơn giản và hệ thống.

Tại sao vậy?

Định luật Murphy chỉ là là câu châm ngôn phổ thông người đời quăng ra trong cuộc trò chuyện, nhưng nó liên quan đến một trong những lực lượng lớn nhất vũ trụ. Lực lượng này là căn bản để thế giới chúng ta hoạt động và nó thấm nhuần gần như mọi nỗ lực chúng ta theo đuổi. Nó dẫn dắt nhiều vấn đề chúng ta đối mặt và đưa tới hỗn loạn. Nó là lực lượng chi phối cuộc đời mọi con người: Entropy.



Entropy là gì và tại sao nó gây ra chuyện này?

Entropy là gì? Đây là một cách đơn giản để nghĩ về nó:

Hãy tưởng tượng bạn lấy một hộp chứa các mảnh xếp hình và đổ chúng ra bàn. Theo lý thuyết, có khả năng các mảnh xếp hình này rơi vào đúng vị trí hoàn hảo, tạo ra lời giải chính xác cho câu đố xếp hình khi bạn đổ chúng ra khỏi hộp. Nhưng trong thực tế, điều đó không bao giờ xảy ra.

Tại sao?

Rất đơn giản, vì tỉ lệ thất bại chống lại nó một cách áp đảo. Mỗi một mẩu xếp hình phải rơi vào đúng chỗ của nó để tạo lời giải hoàn chỉnh. Chỉ có một trạng thái để mỗi mẩu xếp hình rơi vào đúng chỗ, nhưng gần như có vô hạn trạng thái để chúng sai lệch vị trí. Về mặt toán học mà nói, một kết quả đầu ra như vậy là vô cùng khó xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Tương tự, nếu bạn xây dựng một lâu đài cát trên bãi biển và quay trở lại vài ngày sau, nó sẽ không còn đó nữa. Chỉ có một sự kết hợp các hạt cát để tạo thành lâu đài cát giống như cái của bạn. Trong khi đó, có một số lượng gần như vô hạn các cách kết hợp không giống như thế.

Một lần nữa, về lý thuyết, sóng và gió có thể di chuyển cát xung quanh và tạo ra hình dáng lâu đài cát của bạn. Nhưng trong thực tế, điều đó không bao giờ xảy ra. Về mặt thiên văn học, xác suất chủ yếu tập trung làm cát phân tán theo cụm ngẫu nhiên.

Những ví dụ đơn giản này giúp bạn nắm bắt được bản chất của entropy. Entropy là một thước đo của sự hỗn loạn. Và luôn có nhiều biến thể hỗn loạn vượt xa với những thứ có trật tự.

Tại sao entropy trở thành vấn đề trong cuộc sống của chúng ta?

Đây là điều trọng điểm về entropy: nó luôn luôn gia tăng theo thời gian.

Đó là xu hướng tự nhiên của những thứ mất trật tự. Để nó hoạt động theo ý muốn của chính chúng, cuộc sống sẽ luôn kém tính cấu trúc hơn. Những lâu đài cát sẽ bị cuốn trôi. Cỏ dại tràn ngập khu vườn. Di tích cổ sụp đổ. Xe cộ bắt đầu gỉ sét. Mọi người dần già đi. Khi đủ thời gian, ngay cả núi non cũng xói mòn và các vách đá sắc nhọn của nó cũng thành tròn. Xu hướng tất yếu là mọi thứ đều dần kém tổ chức hơn.

Điều này được gọi là Định luật thứ hai của Nhiệt động lực học. Nó là một trong những khái niệm cơ bản của hóa học và một trong những qui luật cơ bản của vũ trụ. Định Luật thứ hai của Nhiệt động lực học phát biểu rằng entropy của một hệ thống đóng sẽ không bao giờ giảm.

Nhà khoa học vĩ đại người Anh Arthur Eddington đã tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng qui luật nói về entropy luôn tăng giữ vị trí tối cao trong các qui luật của Tự nhiên. Nếu ai đó chỉ ra cho bạn lý thuyết vũ trụ yêu thích của bạn bất đồng với phương trình Maxwell – thế thì càng tệ hơn cho phương trình Maxwell. Nếu sự bất đồng ấy được xác nhận bằng quan sát thực nghiệm – phải, các nhà thực nghiệm thi thoảng cũng làm những thứ gây băn khoăn. Và nếu lý thuyết của bạn được xác nhận chống lại Định luật thứ hai Nhiệt động lực học, bạn chả còn hy vọng gì nữa; chả còn gì ngoài sụp đổ trong sỉ nhục lớn lao nhất.”

Về lâu dài, không gì thoát khỏi định luật thứ hai Nhiệt động lực học. Lực tác động của entropy không ngừng nghỉ. Mọi thứ đều tan rã. Hỗn loạn cứ thế tăng lên.

Nếu không nỗ lực, cuộc sống sẽ dần mất trật tự

Trước khi bạn kịp chán nản, có một tin tốt.

Bạn có thể chiến đấu chống lại lực tác động của entropy. Bạn có thể giải quyết một bài toán xếp hình với các mẩu ghép tán loạn. Bạn có thể kéo cỏ dại ra khỏi khu vườn. Bạn có thể dọn dẹp một căn phòng lộn xộn. Bạn có thể tổ chức các cá nhân thành một đội ngũ gắn kết.

Nhưng vì vũ trụ có xu hướng tự nhiên trượt về hướng hỗn loạn, bạn phải tiêu tốn năng lượng để tạo ra sự ổn định, tính cấu trúc và đơn giản. Các mối quan hệ thành công đòi hỏi sự quan tâm và chú ý. Những ngôi nhà thành công cần dọn dẹp và bảo dưỡng. Các đội ngũ thành công đòi hỏi phải có giao tiếp và hợp tác. Không bỏ ra công sức, mọi thứ sẽ tan rã.

Quan điểm sâu sắc này – khi cho rằng hỗn loạn có khuynh hướng tự nhiên tăng theo thời gian và chúng ta có thể chống lại khuynh hướng đó bằng cách dùng năng lượng – cho thấy mục đích cốt lõi của cuộc sống. Chúng ta phải nỗ lực để tạo ra các dạng trật tự hữu dụng đủ mạnh để chịu được tác động không ngừng nghỉ của entropy.

“Mục đích tối hậu của sự sống, trí tuệ và tranh đấu của loài người: điều phối năng lượng và thông tin chống lại cơn thủy triều entropy, đào ra nơi trú ngụ theo trật tự có lợi.” – Steven Pinker

Duy trì tổ chức khi đối mặt với hỗn loạn không hề dễ dàng. Theo lời Yvon Chouinard, nhà sáng lập Patagonia: “Điều khó nhất trên đời là đơn giản hóa cuộc sống của bạn vì mọi thứ đều đang kéo bạn vào tình trạng càng ngày càng phức tạp hơn.”

Entropy luôn tự gia tăng. Cách duy nhất làm mọi thứ trật tự trở lại là thêm năng lượng. Trật tự đòi hỏi nỗ lực.

Entropy trong cuộc sống hằng ngày

Entropy giúp giải thích nhiều bí ẩn và trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ:

Tại sao đời thú vị?

Hãy xem xét cơ thể con người.

Tập hợp các nguyên tử tạo nên cơ thể bạn có thể được sắp xếp theo vô số cách và gần như toàn bộ con số đó đều chẳng thể tạo ra dạng thức sống nào. Về mặt toán học, xác suất để không tạo ra bạn tuyệt đối áp đảo sự hiện diện của bạn. Bạn là một sự kết hợp các nguyên tử cực kỳ hiếm có khả năng xảy ra. Thế nhưng bạn đang ở đây. Điều này thực sự tuyệt vời.

Trong vũ trụ nơi entropy thống trị ngày lẫn đêm, sự hiện diện của sự sống với tổ chức, cấu trúc và độ ổn định như vậy quả là đáng kinh ngạc.

Tại sao nghệ thuật lại đẹp đẽ?

Entropy cung cấp lời giải thích hợp lý cho băn khoăn tại sao nghệ thuật và cái đẹp lại khiến người ta yêu thích về mặt thẩm mỹ đến vậy. Nghệ sĩ tạo ra một hình thức trật tự và đối xứng – thứ mà xác suất nó được sinh ra trong vũ trụ là ‘không bao giờ’. Nó là vô cùng hiếm hoi trong hệ thống các khả năng hùng vĩ. Số các kết hợp đẹp đẽ ít hơn rất nhiều so với toàn bộ các kết hợp. Tương tự, nhìn thấy một khuôn mặt đối xứng rất hiếm hoi và đẹp khi có quá nhiều cách để gương mặt bất đối xứng.

Vẻ đẹp là hiếm và khó có khả năng xuất hiện trong vũ trụ hỗn loạn này. Điều này cho chúng ta lý do chính đáng để bảo vệ nghệ thuật. Chúng ta nên bảo vệ và đối xử với nó như một cái gì đó thiêng liêng.

Tại sao hôn nhân lại khó khăn đến vậy?

Một trong những câu mở đầu nổi tiếng nhất trong văn chương đến từ tác phẩm Anna Karenina của Leo Tolstoy. Ông viết: “Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mọi gia đình không hạnh phúc đều không hạnh phúc theo cách riêng của nó.”

Có nhiều cách để một cuộc hôn nhân có thể thất bại – căng thẳng tài chính, vấn đề nuôi dạy con cái, thông gia điên rồ, mâu thuẫn trong các giá trị cốt lõi, thiếu lòng tin, ngoại tình, v.v… Sự thiếu hụt một trong bất kỳ những cái đó có thể phá hỏng một gia đình.

Tuy nhiên để hạnh phúc, bạn cần có mức độ thành công nhất định trong mỗi cái trên. Vì thế, tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau vì tất cả đều có một cấu trúc tương tự. Hỗn loạn có thể xảy ra theo nhiều cách, nhưng trật tự thì chỉ có một số ít con đường.

Tại sao các cuộc đời tối ưu đều được thiết kế nên, chứ không phải được phát hiện ra?

Bạn có sự kết hợp giữa tài năng, kỹ năng và sở thích dành riêng cho bạn. Nhưng bạn cũng sống trong một xã hội và nền văn hóa rộng lớn không được thiết kế dành riêng cho các năng lực của mình bạn. Với những gì chúng ta biết về entropy, bạn nghĩ xác suất để môi trường bạn trưởng thành trong đó là môi trường tối ưu cho tài năng của bạn là bao nhiêu?

Hầu như không có khả năng đời sẽ mang tới cho bạn hoàn cảnh phù hợp hoàn hảo với các thế mạnh của bạn. Trong số tất cả những tình huống bạn có thể gặp phải, khả năng cực lớn bạn sẽ đối mặt với thứ không phục vụ cho tài năng của bạn.

Các nhà sinh vật học tiến hóa sử dụng thuật ngữ gọi là “điều kiện không phù hợp” để mô tả tình huống khi một tổ chức sống không phù hợp lắm với điều kiện nó đang đối mặt. Chúng ta có những cụm từ phổ biến cho điều kiện không phù hợp, kiểu như: “như cá không gặp nước”, “mang dao đi đấu súng”. Rõ ràng khi bạn ở trong điều kiện không phù hợp, sẽ khó khăn hơn nhiều để thành công, hiệu quả và thắng lợi.

Khả năng lớn là bạn sẽ phải đối mặt với điều kiện không phù hợp trong đời. Hoặc ít nhất, cuộc đời sẽ không phải tối ưu – có lẽ bạn không được trưởng thành trong nền văn hóa tối ưu dành riêng cho những sở thích của bạn, có lẽ bạn kiệt sức khi tham gia nhầm chủ đề, chơi nhầm môn thể thao, có lẽ bạn sinh nhầm thời đại. Khả năng bạn sống trong điều kiện không phù hợp sẽ lớn hơn nhiều khả năng bạn sống trong một môi trường phù hợp.

Biết được điều này, bạn cần phải tự mình thiết kế lối sống lý tưởng của riêng mình. Bạn phải biến điều kiện không phù hợp thành phù hợp. Các cuộc đời tối ưu được thiết kế nên, chứ không phải được phát hiện ra.

Định luật Murphy được áp dụng cho Vũ trụ

Cuối cùng, trở lại với định luật Murphy: “Bất cứ thứ gì có thể trở nên tồi tệ, thì đều trở nên tồi tệ.”

Entropy đưa ra lời giải thích hợp lý cho lý do tại sao định luật Murphy dường như xảy ra thường xuyên trong cuộc sống. Có nhiều thứ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn là trở nên đúng đắn tốt đẹp. Khó khăn của đời không xảy ra do các hành tinh không thẳng hàng hay do một số lực lượng vũ trụ đang âm mưu chống lại bạn. Đơn giản vì entropy đang hoạt động. Như một nhà khoa học đã nói: “Entropy giống như Định luật Murphy áp dụng cho toàn bộ vũ trụ.”

Đời có vấn đề không phải lỗi tại ai hết. Đơn giản đó là một qui luật xác suất. Có nhiều trạng thái hỗn loạn và chỉ có một số ít trạng thái trật tự. Dù tỷ lệ xác suất đều chống lại chúng ta, nhưng điều quan trọng nhất, không phải cuộc sống luôn có vấn đề, mà là chúng ta đều có thể giải quyết toàn bộ chúng.

James Clear


Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Kỹ năng quan trọng nhất không ai dạy bạn - Zat Rana


Kĩ năng quan trọng nhất không ai dạy bạn



Trước khi chết ở tuổi 39, Blaise Pascal đã có những đóng góp lớn lao cho cả vật lý và toán học, đáng chú ý nhất là trong chất lưu, hình học và xác suất.

Tuy nhiên công trình này có thể còn tác động nhiều hơn phạm vi lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều lĩnh vực ngày nay chúng ta phân loại theo nhóm khoa học xã hội, trong thực tế cũng đã phát triển vượt ra khỏi nền tảng ông giúp xây dựng nên.

Thú vị là rất nhiều công trình đã được hoàn thành trong những năm tháng ông còn tuổi teen, chỉ có một số ra đời vào những năm hai mươi tuổi. Khi là người trưởng thành, lấy cảm hứng từ trải nghiệm tôn giáo, ông đã thực sự bắt đầu tiến vào lĩnh vực triết học và thần học.

Ngay trước khi qua đời, ông đã đưa ra những quan điểm cá nhân, sau này được phát hành thành một bộ sưu tập dưới cái tên Pensées (Suy tưởng).

Trong khi cuốn sách chủ yếu chỉ coi như một trường hợp lựa chọn đời sống tôn giáo và đức tin của một nhà toán học, thì điều gây tò mò hơn cả lại là các suy tưởng rõ ràng và sáng suốt về những gì có ý nghĩa với con người. Đây là một bản thiết kế cho lĩnh vực tâm lý học của chúng ta ngày nay, đã được đưa ra từ rất lâu trước khi tâm lý học chính thức được coi là một chuyên môn trong giới hàn lâm.

Có đủ loại những suy nghĩ đột phá trong đó đã từng được trích dẫn ra, nó công phá bản tính tự nhiên của con người từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng một trong những tư tưởng nổi tiếng nhất, khéo léo tóm tắt cốt lõi cách lập luận của ông, đó là:

“Tất cả mọi vấn đề của nhân loại đều xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên lặng trong phòng một mình.”

Theo Pascal, chúng ta sợ cái im lặng của sự tồn tại, chúng ta kinh hãi cái buồn chán, thay vào đó, chọn cách mất tập trung không chủ đích, rồi ta không giúp gì được ngoài việc bỏ chạy khỏi các vấn đề cảm xúc để đi tới những tiện nghi sai lầm trong tư duy.

Vấn đề gốc rễ, về cơ bản là, chúng ta không bao giờ học được nghệ thuật cô đơn.

Hiểm họa từ việc được kết nối

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thông điệp Pascal từng cảnh báo đã thành sự thật. Nếu có một từ dùng để mô tả tiến trình đã được thực hiện trong 100 năm qua, thì đó chính là ‘sự kết nối’.

Công nghệ thông tin đã thống trị hướng đi của nền văn hóa. Từ điện thoại tới đài phát thanh, rồi ti vi, rồi lại tới internet, chúng ta đã tìm ra những cách mang chúng ta lại gần nhau hơn, cho phép tiếp cận với thế giới không gián đoạn.

Tôi có thể ngồi trong văn phòng ở Canada, tự chuyên chở bản thân tới bất cứ đâu tôi muốn qua Skype. Tôi có thể ở một góc nào đó trên thế giới mà vẫn biết chuyện gì đang diễn ra ở nhà tôi.

Tôi không nghĩ mình cần tô nổi bật lợi ích của toàn bộ những thứ đó. Nhưng nhược điểm cũng bắt đầu hiện ra. Bên cạnh những tranh cãi hiện nay về quyền riêng tư và thu thập dữ liệu người dùng, có lẽ vẫn còn một tác dụng phụ nữa.

Chúng ta giờ đang sống trong một thế giới mà ở đó chúng ta được kết nối với mọi thứ, trừ chính chúng ta.

Nếu quan sát của Pascal cho thấy chúng ta không có khả năng ngồi im trong phòng một mình là sự thật chính xác về tình trạng chung của nhân loại, thì vấn đề chắc chắn đang ngày một trầm trọng, tăng theo một cấp độ lớn hơn nhiều do có quá nhiều lựa chọn hiện có ngày nay.

Tất nhiên logic thật quyến rũ. Nhưng tại sao lại cô đơn khi bạn không bao giờ phải sống trong cảnh cô đơn?

Câu trả lời là, ‘không bao giờ sống cô đơn’ không có cùng ý nghĩa với ‘không bao giờ cảm thấy cô đơn’. Tệ hơn, bạn càng cảm thấy không thoái mái khi ở trong cảnh cô đơn, bạn sẽ càng không thể hiểu rõ chính mình. Thế rồi bạn sẽ dành càng nhiều thời gian để tránh nó bằng cách tập trung vào chỗ khác. Trong quá trình này, bạn sẽ bắt đầu nghiện những công nghệ tương tự với mục đích giúp bạn giải thoát.

Nếu chỉ vì chúng ta có thể sử dụng tiếng ồn của thế gian chặn đi sự không thoải mái khi đối phó với chính bản thân, không có nghĩa là sự không thoải mái ấy sẽ biến mất.

Hầu hết mọi người đều nghĩ mình có năng lực tự nhận thức. Họ nghĩ họ biết mình đang cảm thấy thế nào và đang muốn gì, vấn đề của mình là gì. Nhưng sự thật là chỉ rất ít người thực sự làm được điều đó. Và những người đó sẽ là những người đầu tiên nói ra việc tự nhận thức hay thay đổi đến thế nào, mất bao nhiêu thời gian ‘cô đơn’ mới có thể đạt được điều đó.

Trong thế giới ngày nay, người ta có thể đi suốt cuộc đời mà không hề đào sâu thực sự, thoát khỏi lớp mặt nạ bề ngoài họ đeo; thực tế rất nhiều người như vậy.

Chúng ta ngày càng mất liên hệ với chính bản thân mình, đó là một vấn đề.

Buồn chán là một chế độ kích thích

Nếu chúng ta quay lại các nguyên tắc căn bản – và đây cũng là cách Pascal đã chạm tới – ác cảm của chúng ta với sự cô đơn thực ra là nỗi chán ghét với sự nhàm chán.

Về mặt cốt lõi, không nhất thiết chúng ta nghiện tivi vì có gì độc đáo làm thỏa mãn ta, chỉ giống như kiểu chúng ta không nghiện hầu hết các chất kích thích do lợi ích của việc đó lớn hơn nhiều các bất lợi chúng mang tới. Hơn nữa, thứ chúng ta thực sự nghiện là một trạng thái ‘không buồn chán’.

Hầu hết bất kì thứ nào khác kiểm soát cuộc đời ta một cách không lành mạnh đều có thể tìm ra gốc rễ trong tư tưởng cho rằng chúng ta sợ hãi cái hư không của hư vô. Chúng ta không thể tưởng tượng dù chỉ là tồn tại, chứ chưa nói đến hành động. Và do đó, chúng ta đi tìm cách giải trí, chúng ta đi tìm các đội nhóm, nếu những cách đó thất bại, chúng ta sẽ lại săn đuổi ở mức độ cao hơn thế.

Chúng ta bỏ qua thực tế rằng không bao giờ đối mặt với hư không cũng giống như không bao giờ đối mặt với chính mình. Và không bao giờ đối mặt với chính mình là lý do khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, lo lắng dù được kết nối mật thiết với mọi thứ khác xung quanh.

May mắn thay có một giải pháp. Cách duy nhất tránh bị hủy hoại bởi nỗi sợ hãi này – giống như bất kỳ nỗi sợ nào khác – là đối mặt với nó. Hãy để nỗi buồn chán dẫn bạn tới nơi nào nó muốn, như thế bạn có thể đối phó với bất cứ điều gì đang thực sự xảy ra với ý thức về bản thân của mình. Chính khi bạn tự nghe thấy suy nghĩ của mình, cũng là khi bạn học được cách thu hút các phần của mình vốn bị sự mất tập trung che khuất.

Cái đẹp đẽ của sự kiện này, ấy là một khi bạn vượt qua rào cản ban đầu đó, bạn sẽ nhận ra cô đơn cũng không quá tệ. Sự nhàm chán có thể cung cấp loại kích thích của riêng nó.

Khi bạn bao quanh bản thân bằng những khoảnh khắc cô đơn và tĩnh lặng, bạn bắt đầu trở nên quen thuộc với môi trường của mình theo cách mà kích thích cưỡng bức không cho phép. Thế giới trở nên phong phú hơn, các lớp bắt đầu bóc ra, và bạn thấy mọi thứ thực sự là gì, trong sự toàn vẹn của chúng, trong mọi mặt đối lập của chúng, và trong mọi điều không quen thuộc của chúng.

Bạn hiểu ra rằng còn có những thứ khác khiến bạn có khả năng chú ý hơn là những gì chỉ tạo ra ồn ào bề mặt. Chỉ bởi vì một căn phòng im lặng không gào hét lên phấn kích, cũng giống như ý tưởng đắm mình trong một bộ phim hay một chương trình tivi, không có nghĩa là không có chiều sâu để khám phá nó.

Đôi khi, sự cô đơn dẫn bạn tới những chỗ khó chịu, đặc biệt khi nó chạm tới sự mẫn cảm – suy nghĩ và cảm xúc của bạn, nghi ngờ và hy vọng của bạn – nhưng về lâu dài, sẽ hài lòng hơn nhiều so với cách trốn chạy hoàn toàn khỏi nó mà không nhận ra bạn là ai.

Chấp nhận sự nhàm chán cho phép bạn khám phá tính tiểu thuyết trong những thứ bạn không biết nó là tiểu thuyết; giống như một đứa trẻ vô tư nhìn thế giới lần đầu tiên. Nó cũng giải quyết phần lớn các xung đột nội bộ.

Mang đi

Thế giới càng tiến bộ, nó sẽ cung cấp càng nhiều kích thích làm động cơ thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi tâm trí mình để tham gia với nó.

Trong khi tư tưởng của Pascal cho rằng thiếu thoải mái với sự cô đơn là nguồn gốc của tất cả các vấn đề của chúng ta có lẽ là một sự cường điệu, điều này cũng không phải không hoàn toàn được hoan nghênh.

Mọi thứ đều được làm rất nhiều để kết nối chúng ta, cũng đồng thời cô lập chúng ta. Chúng ta quá bận rộn với việc bị xao lãng mà quên mất xu hướng của bản thân, kết quả khiến chúng ta càng lúc càng thấy cô đơn hơn.

Thật thú vị, thủ phạm chính không phải nỗi ám ảnh của chúng ta với bất kỳ kích thích cụ thể nào trên đời. Đó là nỗi sợ cái hư không – cơn nghiện của chúng ta với trạng thái không buồn chán. Chúng ta có một ác cảm bản năng về việc tồn tại một cách đơn giản.

Khi không nhận ra giá trị của sự cô đơn, chúng ta đang nhìn ra một thực tế rằng, một khi đối mặt với nỗi sợ hãi sự nhàm chán, nó có thể thực sự mang tới kích thích của riêng nó. Và cách duy nhất để đối mặt là dành thời gian cho nó, dù mỗi ngày hay mỗi tuần, chỉ ngồi yên – với suy nghĩ của chúng ta, với cảm xúc của chúng ta, với khoảnh khắc tĩnh lặng của chúng ta.

Những bậc hiền triết lâu đời nhất thế gian đã có lời khuyên cho chúng ta: hãy biết chính mình. Có lý do chính đáng cho nó.

Không tự biết chính mình, hầu như không thể tìm ra một cách thức lành mạnh để tương tác với thế giới xung quanh ta. Không dành thời gian khám phá nó, ta sẽ không có nền móng để xây dựng phần còn lại của đời mình.

Cô đơn và kết nối với bên trong là một kỹ năng không ai từng dạy chúng ta. Điều này thật mỉa mai, vì nó quan trọng hơn hầu hết những gì chúng ta đang làm.

Cô đơn có thể không phải là giải pháp cho mọi thứ, nhưng chắc chắn là điểm khởi đầu.

Internet thật ồn ào

Tôi đang ngồi viết tại Design Luck. Đây là một bài báo chất lượng cao lại miễn phí, với những thông tin chi tiết độc đáo giúp bạn sống tốt. Nó đã được nghiên cứu kỹ càng và dễ dàng thực hiện theo.

Zat Rana
Ngày 16 tháng 1 năm 2018

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Google sẽ sụp đổ như thế nào?


Google sẽ sụp đổ như thế nào?
Thông tin từ một tương lai hậu Google rất gần




Google kiếm tiền hầu như từ quảng cáo. Đó là một mô hình kinh doanh đang bùng nổ - cho đến khi nó không thể nữa. Đó là cách mọi thứ trông thế nào trước khi một tượng đài công nghệ vĩ đại nhất sụp đổ theo cách mà ngành công nghệ từng chứng kiến.

Nền tảng Google sụp đổ

Tìm kiếm là chiến thắng duy nhất rõ ràng không phải bàn cãi của Google, cũng là nguồn doanh thu chính, vì thế khi Amazon nhanh chóng vượt qua Google trở thành điểm tìm kiếm sản phẩm hàng đầu, nền tảng của Google bắt đầu chững lại. Như nhiều người đã lưu ý vào thời điểm đó, ngành quảng cáo trực tuyến đã trải qua một bước dịch chuyển quan trọng từ tìm kiếm sang khám phá vào giữa những năm 2010.

Trong khi Google bảo vệ độc quyền của mình trên thị trường quảng cáo tìm kiếm đang chết dần, thì Facebook – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google trong thế giới quảng cáo trực tuyến – đã đi đúng hướng và thống trị mảng quảng cáo trực tuyến bằng cách hiển thị ảnh gốc từ nguồn cấp dữ liệu (in-feed native display).


Ai chuyển từ Google sang Amazon? Nhóm người 18 – 29 tuổi dẫn đầu xu hướng

Cuối năm 2015, Apple – đối thủ chính của Google trong mảng điện thoại di động – đã thêm một tính năng vào điện thoại của họ, đó là cho phép người dùng chặn quảng cáo.

Các thiết bị chạy iOS chịu trách nhiệm khoảng 75% lợi nhuận từ quảng cáo tìm kiếm trên mobile của Google, vì vậy bằng cách thực hiện bước đi này, Apple đồng thời đang cân nhắc dứt khoát về cuộc tranh luận lớn nhằm chặn quảng cáo nổ ra suốt những năm 2010, và đưa ra một cú đánh đáng kể cho tương lai của quảng cáo trực tuyến.


Số lượng người dùng chặn quảng cáo trên mobile tăng lên và cũng không có dấu hiệu nào giảm xuống

Một năm sau, khi internet phổ biến trên mobile, thì việc chặn quảng cáo cũng vậy. Số lượng người chặn quảng cáo trên thiết bị di động tăng 102% từ năm 2015 tới năm 2016; vào cuối năm 2016, ước chừng 16% người dùng smartphone toàn cầu đã chặn quảng cáo khi lướt web trên thiết bị di động. Số lượng này cao hơn 25% so với người dùng desktop và laptop ở Mỹ, đất nước chiếm 47% lợi nhuận của Google.

Những người chặn quảng cáo hầu hết đều nằm trong nhóm dân số có giá trị nhất: thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) và những người có thu nhập cao.


Người dùng trẻ là một chỉ số rất tốt báo hiệu tương lai của một công nghệ, và họ là những người sử dụng phần mềm chặn quảng cáo nhiều nhất.

Người dùng internet đã tuyên bố, và họ ghét quảng cáo.

Đầu năm 2017, Google thông báo các kế hoạch xây dựng một bộ chặn quảng cáo cho trình duyệt phổ biến nhất của mình Google Chrome. Ad blocker của Google chỉ có thể chặn những quảng cáo không thể chấp nhận được bởi Coalition For Better Ads (Liên minh Quảng Cáo Tốt hơn), cho phép công ty sử dụng trình duyệt thống trị của mình một cách hiệu quả để tăng cường hoạt động kinh doanh quảng cáo đã chi phối nó.

Ngay cả sau khi thực hiện hành động tuyệt vọng và đầy nghi vấn pháp lý này thì rõ ràng Google cũng đang làm cho quảng cáo trở nên tốt hơn, nhưng số lượng người chặn quảng cáo cũng tiếp tục tăng. Google đã mang đến cho ngày càng nhiều người chút hương vị về việc trải nghiệm internet không có quảng cáo trông thế nào.

Công ty phát hiện ra rằng không chỉ những quảng cáo gây phiền khiến mọi người không thích, mà toàn bộ quảng cáo nói chung.


Ngành công nghiệp quảng cáo đang cố tìm hiểu xem tại sao người ta ghét quảng cáo đến vậy

Một nền tảng then chốt Google dùng cho quảng cáo là YouTube, được mua về năm 2006 và nhanh chóng trở thành một trong những thực thể lớn nhất của nó. Nhưng dù đứng thứ 6 thế giới về lượng người ghé qua trang chia sẻ video này hàng tháng, YouTube cũng chưa bao giờ có lợi nhuận. Trong một nỗ lực đấu tranh với ảnh hưởng của các phần mềm chặn quảng cáo, YouTube đã phát hành một mô hình thuê bao không quảng cáo cuối năm 2015, nhưng số lượng thuê bao vẫn đang là con số đáng thất vọng.

Các vấn đề không thể vượt qua nổi của YouTube đã nhân lên nhiều lần vào đầu năm 2017 khi các nhà quảng cáo bắt đầu rút ra giữa các cuộc tranh cãi về vị trí đặt quảng cáo, và những khách hàng sinh ra doanh thu khổng lồ bắt đầu rời đi.

Ngay cả những người không chặn quảng cáo cũng đã tự rèn luyện mình từ bỏ chúng hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho hiện tượng này là “mù quảng cáo” (banner blindness). Một banner quảng cáo trung bình được khoảng 0,06% người xem click vào, và trong số đó có tới 50% là click ngẫu nhiên.

Nghiên cứu chỉ ra 54% người dùng thông báo rằng sự thiếu tin tưởng của họ là lý do không click vào các banner quảng cáo và 33% thấy chúng hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những con số này vẽ ra một một tranh khá nghiệt ngã về tính bền vững của quảng cáo trực tuyến, nhưng đặc biệt đối với vị trí của Google trong ngành.

Động cơ khủng của Google đã bắt đầu phát nổ.

Cơ hội lật ngược tình thế và Google đã bỏ lỡ nó thế nào

Nếu mất một phần lớn khán giả và làm phiền phần còn lại vẫn chưa đủ tệ, thì Google lại thất bại trong việc dẫn đầu một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử công nghệ. Họ nhận ra tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo nhưng cách tiếp cận của họ lại để mất dấu nó. Vì trụ cột tìm kiếm của Google đã bắt đầu trở nên không ổn định, nhiều người đã lái chiến lược của công ty theo trí tuệ nhân tạo.

“Chúng tôi sẽ chuyển từ ‘mobile first’ sang một thế giới AI đầu tiên.”
CEO Google Sundar Pichai đã đưa ra một dự đoán nổi tiếng trong năm 2016: “bước lớn kế tiếp sẽ là khái niệm ‘thiết bị’ biến mất” và “theo thời gian, bản thân máy tính – bất kể yếu tố hình thức của nó thế nào – sẽ là một phụ tá thông minh giúp bạn suốt ngày. Chúng tôi sẽ chuyển từ ‘mobile first’ sang một thế giới AI đầu tiên.”

Khả năng của Google khi thừa nhận xu hướng đang tới nhưng vẫn thất bại không hạ cánh đúng trên đó khiến nhiều nhà quan sát tiên đoán về những thất bại thảm khốc của Google trong các ngành công nghiệp truyền thông và nhắn tin (instant messaging) đang bùng nổ.


Sundar Pichai đang tự hỏi làm sao kiếm tiền từ người trợ giúp ảo

Google với Amazon

Trong khi đó, năm 2014, Amazon phát hành một sản phẩm tên là Amazon Echo, một speaker nhỏ có thể ngồi ở nhà và trả lời câu hỏi, thực hiện các nhiệm vụ, và mua mọi thứ online cho bạn. Echo là một thành công lớn. Google đã phát hành một sản phẩm nhái theo nó, Google Home, vào 2 năm sau đó, nhưng đã quá muộn để bắt kịp, và không có chiến lược lợi nhuận rõ ràng nào.

Alexa – người phụ tá sống trong Echo – mặt khác đã nhanh chóng được tích hợp vào một số sản phẩm và dịch vụ, mô hình kiếm tiền của nó rõ ràng, khả thi và quan trọng nhất là nó  phù hợp với tương lai. Echo làm nó dễ dàng đặt hàng sản phẩm trên Amazon, và mỗi lần ai dùng Echo mua gì đó, Amazon đều kiếm được tiền.

Google mở rộng tầm với cho người trợ lý ảo của mình bằng cách tích hợp nó vào Android, nhưng làm vậy vẫn không cung cấp câu trả lời cho câu hỏi làm sao để công nghệ có thể sinh đủ lợi nhuận giúp duy trì các tiết mục mở rộng đắt đỏ của Google.

Quảng cáo của Google dựa trên màn hình, nhưng tương tác giọng nói đã đảo ngược toàn bộ. Google đã thử chơi các đoạn quảng cáo âm thanh một thời gian ngắn trên Google Home, nhưng khách hàng không thể tiếp thu được. Các nhà đầu tư bắt đầu bày tỏ lo ngại vào năm 2017, nhưng Pichai nói họ không nên lo lắng, để họ cho rằng Google có thể sử dụng chiến lược cũ, phân tích giọng nói tìm kiếm từ người dùng, qua đó người dùng sẽ có thể được hiển thị những quảng cáo phù hợp hơn trên màn hình thiết bị.


Alexa mừng chiến thắng trước Google

Các đầu báo năm 2017 giật tít “Alexa vừa chinh phục CES. Tiếp đến là thế giới.”  Amazon sau đó làm cho công nghệ của họ sẵn có với cả các nhà sản xuất bên thứ ba, làm khoảng cách giữa 2 công ty ngày một xa hơn. Amazon đã đánh bại Google một lần trước đó, giữ 54% thị trường điện toán đám mây (so với chỉ 3% của Google) năm 2016, mà họ mới chỉ vừa bắt đầu.

Đầu năm 2017, Amazon bắt đầu tới gần toàn bộ ngành công nghiệp bán lẻ.

Quảng cáo không phải là mãi mãi

Vào thời đỉnh cao, Google có một số lượng người dùng khổng lồ và trung thành trên một lượng đáng kinh ngạc sản phẩm, nhưng doanh thu quảng cáo chính là chất keo dán giữ mọi thứ với nhau. Khi các con số suy yếu, phần lõi Google bắt đầu bị khóa lại dưới sức nặng của đế chế rộng lớn này.

Google là động lực điều khiển trong ngành công nghệ kể từ khi nó bước chân vào năm 1998. Nhưng trong thế giới nơi người ta coi thường quảng cáo, mô hình kinh doanh của Google bị coi là không thân thiện, không đổi mới, và họ đã bỏ lỡ vài cơ hội để xoay chuyển tình thế, cuối cùng chỉ mải tô vẽ những dự án tham vọng, xuất chúng nhưng lại không bền vững. Đổi mới cần tiền, mà luồng doanh thu chính của Google bắt đầu cạn kiệt.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi nữa, Google sẽ chỉ còn là một động từ vui vẻ thông thường để nhắc nhở việc một người khổng lồ có thể gục ngã nhanh đến mức nào.

Daniel Colin James
Ngày 25 tháng 4 năm 2017