Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Giá trị sống (5)



Phép tính giá trị của sự sống

Giả sử bạn là một EMT (Emergency Medical Technician – Chuyên viên cấp cứu y tế). Bạn tới hiện trường một vụ tai nạn và thấy hai đứa trẻ cần CPR (Cardiopulmonary Resuscitation – Hồi sức tim phổi): bé gái 10 tuổi và em gái 3 tháng tuổi. Bạn chỉ có thể cứu được một trong hai đứa. Bạn sẽ cứu ai?

Có một cách để ra quyết định là sử dụng tiêu chuẩn QALY (Quality – adjusted life year: tiêu chuẩn số năm sống được điều chỉnh theo chất lượng). Nhà kinh tế học Christopher Cundell và Carlos McCartney đã thiết kế ra QALY năm 1956, rồi các hệ thống chăm sóc sức khỏe sử dụng nó ngày càng nhiều kể từ đó để đánh giá chi phí và lợi ích của nhiều biện pháp can thiệp y tế khác nhau. Tiêu chuẩn này lấy số năm còn lại mà một người được kỳ vọng có thể sống được trong điều kiện sức khỏe hoàn hảo và nhân với 1; nhưng nếu người đó có thể bị tàn tật thì phải nhân với một số nhỏ hơn 1. Trong tình huống này, khi những yếu tố khác đều như nhau thì cách tính toán như thế có thể dẫn tới việc bạn cứu mạng em bé 3 tháng tuổi. Nhưng theo Justin Landy, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, người đã thực hiện nghiên cứu về cách chúng ta đánh giá các sinh mạng khác nhau, tiêu chuẩn QALY có lẽ không nắm bắt chính xác trực giác thông thường của chúng ta.

Kết luận của Landy được đưa ra trong bài trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp Hội Triết học và Tâm Lý học, sau đó xuất hiện trên Tạp chí “Tâm Lý học thực nghiệm: Tổng quát”. Landy và cố vấn Geoffrey Goodwin khám phá ra chúng ta so sánh các giá trị tương đối của sự sống như thế nào – và tại sao chúng ta có thể làm vậy, bất chấp việc thường xuyên bày tỏ rằng mọi sinh mạng đều có giá trị như nhau. Trong những tình huống khẩn cấp, các bác sĩ và nhân viên cứu hộ thường xuyên phải lựa chọn khi chỉ cứu được một số người trong số nhiều người. Nghiên cứu về chứng rối loạn tập trung của người bệnh Alzheimer cho biết các tổ chức cũng thường xuyên chia sẻ kinh phí cho người trẻ hơn là người già. Đặc biệt, Landy và Goodwin tập trung vào cách tuổi tác ảnh hưởng tới đánh giá của chúng ta về sự sống.

Trong ba thí nghiệm đầu tiên, những người Mỹ tham gia phải thực hiện một loạt so sánh giữa hai người ở độ tuổi khác nhau, từ một ngày tuổi tới 80 tuổi. Một số câu hỏi đề cập tới quyền không bị xâm hại, ví dụ, một đứa trẻ hay một người già giết người thì ai sai hơn? Một số câu liên quan tới quyền được điều trị, ví dụ, chỉ còn một nội tạng cứu mạng duy nhất thì ai nên được nhận trong trường hợp khẩn cấp?

Rõ ràng các đối tượng tham gia đều cảm thấy khó chịu khi phải quyết định ai nên chết chứ không phải ai nên sống; trong một nhóm đối tượng, phần lớn đều hoàn toàn từ chối bày tỏ quan điểm về sự sai trái khi giết một người già thay cho một người trẻ hơn. Trong những câu hỏi về trợ giúp y tế, ví dụ, ai nên được nhận thuốc cứu mạng, người tham gia thể hiện sự phân biệt rõ rệt hơn. Họ đề nghị việc điều trị và đối xử ưu đãi nhất cho những ai khoảng 10 tuổi.

Nói cách khác, để tránh gây tổn hại, chúng ta luôn cố gắng đối xử với mọi người một cách bình đẳng, nhưng khi vấn đề là mạng sống, tuổi tác lại đóng vai trò quan trọng. Các tác giả cho rằng chúng ta đối xử phân biệt và khác với tình huống tránh gây tổn hại thông thường vì sự hỗ trợ nói chung chỉ là nguồn tài nguyên hữu hạn.

Bốn thí nghiệm kế tiếp của Goodwin và Landy khám phá ra tại sao thanh thiếu niên có giá trị đặc biệt. Dữ liệu cho thấy đó là vì những người ở độ tuổi này nằm ở vị trí đẹp đẽ án ngữ giữa già và trẻ. Một người già hơn thường có nhiều quan hệ xã hội có ý nghĩa hơn – vì thế cái chết của ông ta có thể gây đau khổ cho nhiều người hơn – và nhiều nguồn lực và tài nguyên đã được đầu tư cho sự sống của ông ấy. Còn một người trẻ hơn (trẻ con) lại có nhiều năm tháng trước mặt hơn, và mới chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi; nên có nhiều quan ngại thực tế về tiềm năng sống và cả những quan ngại về sự công bằng.

Nhà nghiên cứu sinh học Peter Singer ở Princeton nói: “Đây thực sự là những dữ liệu thú vị, nó giúp chúng tôi khám phá những gì chúng tôi nên làm. Nhưng bạn đừng trả lời các câu hỏi về những gì chúng ta nên làm bằng cách nói ‘Đó là điều mà hầu hết mọi người nghĩ chúng ta nên làm.’ Trực giác của con người có lẽ không có cơ sở logic.” Những câu hỏi như vậy có lẽ không nên dành cho những người đã tham gia trả lời cuộc điều tra; luân lý đạo đức vẫn hữu ích (trong nhu cầu được sống). Nhưng Goodwin và Landy cho rằng công việc của họ chỉ nhắm tới chính sách y tế và sức khỏe, cùng với việc ra quyết định y tế, bằng cách phát hiện ra những yếu tố quan trọng cho chúng ta. Tiêu chuẩn QALY có lẽ không phải thước đo giá trị tốt nhất khi quyết định phân bổ máu và nội tạng hay xây dựng các quy định an toàn cho người tiêu dùng hay môi trường; tuổi tác không đóng vai trò tuyến tính trong các tính toán đạo đức của chúng ta.

Trở lại ví dụ của nhân viên EMT ở trên. Landy viết qua email: “Tiêu chuẩn QALY ngặt nghèo sẽ ưu tiên đứa trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khỏe mạnh chứ không phải đứa bé 10 tuổi khỏe mạnh trong một tình huống nguy cấp (giả thiết cả hai đều có kỳ vọng tuổi thọ thông thường). Nhưng người bình thường rõ ràng sẽ ưu tiên đứa trẻ 10 tuổi.”

Nhìn vào trường hợp Sarah Murnaghan, em bé Philadelphia mười tuổi đã nhận được lá phổi mới vào tháng sáu năm 2013 sau khi cha mẹ em kêu gọi trên Facebook, Landy nói: “Nếu Sarah 3 tuổi, cô bé có lẽ gần như không nhận được một chương trình hỗ trợ đông đảo tương tự.” Trái tim (và lá phổi) của chúng ta có thể cho đi chỉ vì những nguyên nhân nghèo nàn như thế đấy.

Matthew Hutson
Theo The New Yorker

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét