Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Đa cấp ở Sài Gòn: ám ảnh tìm việc của lao động phổ thông



Đa cấp ở Sài Gòn: ám ảnh tìm việc của lao động phổ thông

            Bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn muốn tìm một việc làm bán thời gian, việc làm thời vụ hay việc lao động phổ thông nói chung? Bạn lên mạng hay đọc báo để nhanh chóng thực hiện mong muốn của mình. Hãy cẩn thận! 90% lời rao trên mạng hay trên báo đều dẫn đến cùng một nơi: công ty đa cấp.
           
Thực ra tôi cũng chẳng định viết về đề tài này. Thi thoảng nghe vài vụ lừa đảo từ kinh doanh theo mạng hay kinh doanh đa cấp trên tivi hay internet, lác đác cũng có vài người quen sơ sơ phàn nàn. Nhưng vì không phải là mình, cũng chẳng liên quan đến mình, nên tôi chỉ ậm ừ cho qua. Nhưng lần này, nó thực sự ảnh hưởng tới tôi và người nhà, nên tôi quyết định viết cái topic này để cảnh báo cho mọi người.

Cô em họ tôi chuyển cả gia đình từ Bắc vào Sài Gòn được gần tháng. Con bé hơn 30 rồi, nhưng rất năng động và giỏi giang. Hai vợ chồng lạ nước lạ cái, ở nhờ một cái nhà của tôi, vì muốn tìm hiểu Sài Gòn, ổn định công việc và nơi học hành cho con cái rồi mới tìm nơi ở cho thuận tiện nhất với các thành viên trong nhà.
Cô nàng vừa thu xếp việc học cho con, vừa hùng hục đi xin việc bán thời gian để có thêm trải nghiệm và quan hệ xã hội.

Tôi chả biết chỗ thân quen nào đang tuyển nhân viên thời vụ, đành bảo nó đi dọc mấy con phố gần nhà xem ai dán cái biển thuê người thì hỏi. Khổ nỗi, nàng dù trẻ trung và năng nổ, nhưng đã ngoài 30, một nách 2 con, đấu sao được với lực lượng nam thanh nữ tú trong độ non xanh 14-25 từ khắp miền Tây, Nam, Trung, Bắc đổ về Sài Gòn như thác lũ. Đi đến chỗ nào nàng cũng bị chê. “Tuổi em cao quá nhỉ!” “Chỉ định làm bán thời gian thôi à? Bán thời gian thì chị chỉ cần với tay cũng được một vốc 14-15 từ miền Tây lên, không đòi hỏi gì hết, bảo gì nghe nấy, nhào nặn sao cũng được. Còn như em, gái già nặng gánh gia đình, lắm đòi hỏi, sao chị chiều được?” “Gái Bắc Kỳ là chúa hay soi mói, làm cái gì cũng thích ổn định, lâu dài. Ghét lắm cơ!” “Trời, cô hai bằng đại học, sao tui dám tuyển cô làm giúp việc cho cả nhà tui không ai học quá lớp 9?”…
Chưa nản chí, tôi cùng nàng lên mạng. Nào là vieclamnhanh, vieclam24h, raovat… thôi thì đủ cả. Nàng với tôi gọi điện cho mẩu tin tìm người giúp việc theo ca, tìm người chăm bé, chăm vườn, tìm người bán hàng, tìm lao động thời vụ ở rạp phim CGV, tuyển nhân viên cho siêu thị Big C, Co.OpMart … Sau 2 tuần miệt mài theo đuổi các mẩu tin trên mạng, tôi rất bực mình vì mình từng sống ở đây khá lâu mà còn ngu hơn nàng, không giúp gì được nàng lại còn chỉ bảo sai vài lần. Thương nàng lắm. Còn nàng đau khổ vì tặng không cho thiên hạ gần triệu bạc, lại tốn cả thời gian, tiền và công sức đi lại, nói chuyện, tìm hiểu… Cuối cùng nàng ca thán: “10% là trung tâm môi giới, 90% là đa cấp. Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Mấy cô bé sinh viên làm cho tôi nghe thế, nhao nhao lên bảo: “Sao chị không nói với bọn em. Bọn em là sinh viên nên biết rõ nhất. Đừng bao giờ tin mấy cái rao vặt trên mạng. Sinh viên bọn em đứa nào đi làm thêm đều có kinh nghiệm với đa cấp và môi giới hết. Nếu muốn tìm việc bán thời gian hay lao động phổ thông, chị phải lên facebook hoặc những trang mà người đăng phải được xác nhận danh tính, chứng thực, bị review uy tín, và có thể tra được thông tin nguồn gốc của người đăng hay công ty tuyển dụng. Nếu không thì vào thẳng công ty chị muốn làm mà hỏi cho chính xác.”
Tôi ngạc nhiên hỏi mấy em: “Thế các em bị lừa mất tiền chưa?”
“Rồi, chỉ một hoặc hai lần thôi.”
“Sao chị search không thấy cái comment nào chê bai về mấy cái tin rao vặt kia cả?”
“Sinh viên nghèo bọn em đi làm thì làm gì có thời gian mà comment với feedback. Cứ dính vô một hai bận là tự khôn ra liền ha.”
“Nhưng như thế thì có nghĩa là các bạn em, chị, em chị hay những người đi tìm việc khác cũng có khả năng lớn sẽ bị lừa.”
“Phải trải qua mới nhớ lâu chớ chị. Mà có comment, chắc gì người ta đã nghe theo? Có khi còn bị lần ra dấu vết rồi bị xử cũng nên.”
“Thế bình thường các em tìm việc ở đâu? Có đến đoàn thể hội sinh viên hay những trang chuyên nghiệp như vietnamworks, linkedin không?”
“Ôi chị ơi, đoàn hội có việc làm thì chả đến lượt bọn em đâu. Em đăng ký tại hội chợ việc làm hàng tháng của địa phương mà cả năm nay họ cũng chưa gọi lại cho em hỏi một lời. Bạn em được giới thiệu phỏng vấn tại hội chợ đó, đi làm thật mới biết hóa ra là công ty bảo hiểm tuyển người đi bán bảo hiểm. Mấy trang mạng chị nói chỉ dành cho người tốt nghiệp hoặc cực ít việc part-time. Nếu có thì tiêu chuẩn cũng rất khó khăn, thi rồi phỏng vấn lên xuống, không phải cứ chìa thẻ sinh viên hay chứng minh thư là làm được ngay. Bọn em cần tiền, chả ai vào đó.”

Trời đất, thần linh ơi! Bảo sao tôi và cô nàng kia đều hơn 30 mà vẫn bị lừa.

Thử tính xem. Sài Gòn có hơn 8 triệu người (tính tới hết năm 2015 theo Cục Thống Kê). Thống kê chỉ có độ tin cậy khoảng 60-70%, vì còn một lượng lớn người lao động tự do và không thường xuyên từ nơi khác đổ về không thể kiểm soát hết. Do đó, thực tế, Sài Gòn có khoảng 13 -15 triệu người. Nhu cầu lao động phổ thông (tốt nghiệp cấp 1,2,3 thậm chí không học hành gì) cực lớn – trên 70% (số liệu năm 2010), trong khi cung thị trường thực sự có tới gần 90% là lao động phổ thông (chưa kể tầng lớp có học – sinh viên đại học, hay kiểu như cô em tôi – cũng muốn gia nhập tạm thời vào lực lượng này), tức khoảng 8,6 triệu người (số lượng người trong độ tuổi lao động ở Sài Gòn là 5,89 triệu/8 triệu dân, với độ chính xác thống kê khoảng 60-70%). Lực lượng đông đảo thế này đúng là miếng mồi quá ngon cho môi giới việc làm và đa cấp. Đã và sẽ có bao nhiêu người bi phẫn với cảnh đi xin việc lao động phổ thông ở Sài Gòn?

Bi phẫn. Tại sao ư? Để tôi kể cho bạn nghe nhé.
Cô nàng em tôi tìm việc trông bé. Tới 10 tin rao vặt thì cả 10 đều là môi giới.
Nàng tìm việc bán hàng. 10 tin rao vặt thì 1 tin qua môi giới, 9 tin từ công ty đa cấp (tất nhiên ban đầu cả tôi và nàng đều không nghĩ đó là đa cấp). Anh chàng môi giới lôi thôi lếch thếch bảo nộp trước 300 ngàn ký quĩ làm tiền bảo lãnh, sẽ hoàn lại khi có tháng lương đầu tiên, 100 ngàn tiền để sắm sửa dụng cụ, đồng phục, thẻ ra vào… Thấy không hợp lý, nàng từ chối. 9 tin còn lại, nàng chọn lấy một tin từ giọng nói trầm ấm – nghe “có vẻ” rất kiên định và nghiêm nghị. Giọng nói bảo nàng đến địa chỉ ABC. Khi nàng tới, thấy một công ty tư nhân nhỏ nhắn đang làm việc. Bảo vệ nói, chả có ai tên như thế ở công ty này. Nàng tá hỏa, gọi điện lại. Giọng nói chỉ dẫn nàng đi tới một số nhà khác, cách đó chừng vài trăm mét. Cũng chẳng thấy ai. Gọi tiếp lần nữa. Một nam thanh niên ăn mặc lịch sự, sạch sẽ đi ra, dẫn nàng vào ngõ nhỏ. Ngôi nhà kiểu nhà dân cho thuê, ngoài biển đề CSDK (cơ sở kinh doanh) XXX. Người ra người vào tấp nập như đi chợ. Nàng tá hỏa, môi giới hay đa cấp đây? Nhưng nàng được trấn an: không đa cấp, không lừa đảo, vì ở đây 90% là sinh viên và người có bằng đại học chứ không phải hạng thiếu hiểu biết mà làm những trò đó. Nàng được nghe về công việc bán hàng, tiền lương, thưởng, phúc lợi (lương 4,5 - 6 triệu/tháng + thưởng, du lịch 1 năm 2 lần trong nước, 2 lần nước ngoài – trời, giàu quá xá nha!). Phải nộp 160 ngàn để mua tài liệu sản phẩm (nhân viên ở đó giải thích: trước cho không thì mọi người toàn vất đi hoặc đi làm 1 hay 2 buổi rồi nghỉ và không trả lại khiến công ty thiệt hại, nộp tiền thế này là cách buộc người lao động cam kết làm việc nghiêm túc). Nghe hợp lý, nàng nộp tiền. Không thấy biên lai thu tiền đâu, mà lại là một tờ giấy yêu cầu nàng viết tay “Đơn tình nguyện cam kết…”, đại loại viết rằng, nàng đã nộp tiền (không ghi số tiền) để mua tài liệu, làm thành viên của công ty (không ghi rõ công ty nào) và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không tuân theo cam kết. Ký xong nhân viên lấy đi mất. Nàng ớ ra hỏi bản lưu cho mình. “Không cần chị ạ, chỉ là xác nhận tay đảm bảo chị đã đóng tiền làm thành viên. Khi chị đi làm, tài liệu sẽ được phát cho chị.” Xong. Nàng được yêu cầu đi nói chuyện với vài người. Em nam nhân viên tự nhận là người hướng dẫn cúi chào họ như kiểu Nhật, nhưng không phải với sự ngưỡng mộ hay tôn trọng, mà sự sợ sệt xen lẫn phục tùng kiểu gượng ép. Các cuộc nói chuyện đều cùng một kiểu, đề cao thành công và tiền bạc, lấy mọi bất lợi trong hoàn cảnh của nàng để mổ xẻ và phân tích để nàng thấy, nàng đã hết đát, đây là nơi duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn nàng có thể tìm được chốn dung thân. Bỏ mẹ, đúng động đa cấp rồi! Nhưng chưa thấy ai đề cập đến sơ đồ kinh doanh, thang bậc ăn chia, sản phẩm hay tự nhận họ là đa cấp. Họ chỉ nói cho nàng về tình người, thái độ, công việc bán hàng và những thành công to lớn của họ (không hề cụ thể, mà chỉ nói kiểu: chị ấy là một quản lý nhiều kinh nghiệm và cực kỳ tài giỏi, có nhiều cửa hàng và doanh thu cực kỳ đáng ngưỡng mộ…). Hỏi chi tiết tên cửa hàng, doanh thu bao nhiêu… đều bị từ chối khéo. Nàng được hẹn hôm sau đến đào tạo. Tôi bảo nàng ngay tối đó, “đa cấp rồi, thôi bỏ đi”. Nhưng nàng kiên quyết đi tiếp, vì muốn xem tận cùng nó là hình thức mới thế nào, có chính trực và nghiêm túc không. Hôm sau, cũng gặp vài người có cùng kiểu nói chuyện hết sức nhảm nhí và đặc trưng của đa cấp, kiểu trẻ trung, sôi nổi và khoa trương quá độ, nhưng về bản chất thì sáo rỗng và không có chút nội hàm nào, tất nhiên chỉ lòe được người ít hiểu biết. Thông tin về công ty vẫn bị giấu – bí ẩn nhể, chả nhẽ là lừa đảo thật? Còn một tin đáng kinh ngạc hơn, đa số nhân viên là sinh viên đại học (chứ không phải ngu dân đâu nha), quản lý cũng nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng chả tìm được việc làm đủ để trang trải cuộc sống bằng công việc này (đấy là họ nói thế). Nàng đi tiếp hôm thứ ba. Lại nói chuyện với vài người giống style hôm trước. Dù có giả bộ quản lý cấp cao cực kỳ thành công, thu nhập 9 con số là ít, nhưng vẫn mặc đồ hạng trung, trang sức rẻ tiền, và phấn trang điểm thấm nước, xài son bạt màu (rất hại sức khỏe đó nha bà con). Nàng thẳng thắn đề nghị: đây là kinh doanh đa cấp, nói vào vấn đề chính đi cho khỏi mất thời gian. Thế là họ gật đầu. Kinh doanh theo mạng. Đúng pháp luật. Không lừa đảo. Dựa trên sự tự nguyện của mọi người. Đòi lại 160 ngàn đã nộp ư? Quên đi, chị tự nguyện đóng tiền. Không ai bắt ép chị cả. Chị còn tham gia tới 3 ngày, bao người tận tình chỉ bảo chị sùi cả bọt mép, đã ai đòi đồng nào từ chị chưa. Thế thì đưa chị tài liệu đi, chị nộp tiền mua tài liệu mà chả thấy mặt mũi tài liệu đâu. Chỉ khi nào chị đi làm mới được phát tài liệu. Giờ đi hay không, quyết định vẫn là ở chị! Hic hic, thế là nàng được mời khỏi công ty vì không phù hợp, tiền cũng chả lấy lại được. Nàng muốn báo công an, cũng chả giữ lại bằng chứng gì làm tang vật. Thật kinh ngạc khi hành vi lừa đảo này được sự tiếp tay của nhiều phần tử tri thức, trong đó có sinh viên của nhiều trường có tiếng ở Sài Gòn. Họ mất tiền, nhưng lại muốn lừa tiếp người khác để lấy lại vốn mới thôi.
Nàng đăng ký giúp việc bán thời gian. Tất nhiên rơi vào ổ môi giới. Một số nói không thu tiền, nhưng sau đó chủ nhà nói sẽ trừ tiền kèm theo một lô lốc điều khoản còn kinh hơn cả đi làm công ty nhà nước. May mắn tìm được một công ty môi giới có uy tín (startup từ Hà Nội tới, nghe nói còn được Nhật đầu tư, VTV1 và nhiều báo đài giới thiệu). Công ty đề nghị nộp 450 ngàn tiền dụng cụ và đồng phục. Nàng đã tra cứu về công ty, thấy có tiếng và cũng có uy tín, đồng ý nộp tiền. Nhưng nhân viên lại nói, chị phải sắm con OPPO android 4.0 thì mới chạy được phần mềm của công ty. Nhân viên làm giúp việc ở đây thật sành điệu! Thế công ty có chi trả cho khoản này không? Không, nếu đã đi làm thì chị phải đầu tư chứ? Hic, nàng đành bảo để đó, nàng suy nghĩ đã.
Nàng tìm tới chỗ tuyển lao động thời vụ ở khu chế xuất. Môi giới việc làm. 500K đặt cọc + 250 K tiền gì gì đó. Thôi chào.
Nàng gọi tới 10 chỗ nữa, chèn thêm một câu mào đầu: nếu môi giới hay đa cấp thì tha cho chị nha. Bị nó chửi cho tối mắt tối mũi: con điên, con thần kinh…
Mẹ nó chứ, việc lao động chân tay mà đi khắp thành phố hơn chục triệu dân cả tháng trời không kiếm được. Tôi điên tiết bảo nàng: môi giới thì sao chứ, cũng hợp pháp mà, mày đăng kí đi, có gì chị trả tiền và chịu trách nhiệm. Thế là nàng gật đầu nhăn nhó tới một công ty giới thiệu việc làm với tin rao trên mạng là “tuyển nhân viên rạp phim CGV-cinema thời vụ hè 2017”. Tới đây, chả ai quan tâm nàng dự định gì. Thích làm gì cũng OK hết. Đóng 450 ngàn trước (mỗi nhân viên nói một kiểu: tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh, tiền này nếu không làm sẽ mất, anh trưởng phòng lại hứa hẹn tiền này sẽ hoàn trả sau một tháng nếu vẫn giữ hóa đơn). Sau đó đóng thêm 250K làm thẻ. Nàng được điền vào danh sách cho đi làm nhân viên thời vụ của siêu thị với giấy hẹn trên tay. Mấy hôm sau, nàng đến chỗ hẹn, gọi mấy cuộc cho người liên lạc trong giấy hẹn mới được vinh dự nghe máy. Anh này ê a hỏi han một hồi rồi bảo phải chuẩn bị đủ giấy tờ có công chứng để tháng sau anh ta mang đi nộp cho kịp. Nàng nghi nghi, chạy ra hỏi nhân viên siêu thị. Bảo vệ và nhân viên nhìn tờ giấy rồi à một phát: "Nộp cho bọn nó bao nhiêu rồi? 450 ngàn?" "Vâng, đó chỉ là tiền ký quĩ. Còn 250 ngàn tiền làm thẻ, đồng phục sẽ không được hoàn lại nữa." "450 ngàn kia con cũng không lấy lại được đâu. Bọn này chuyên cung cấp bảo vệ cho các nơi. Nếu may mà con vào được, phải làm bảo vệ thì có làm được không. Còn lại đa số là mất trắng." Bác bảo vệ lắc đầu chỉ cho nàng vào nói chuyện với phòng nhân sự của siêu thị. Cô bé nhân sự bảo "Chị bị lừa rồi. Các siêu thị nói chung không liên kết với công ty môi giới nào thu tiền người xin việc cả. Chị nộp trực tiếp hồ sơ, nếu trúng tuyển đi làm thì bọn em phát thẻ và đồng phục miễn phí cho chị. Khi nào chị nghỉ việc thì mang trả thẻ và đồng phục. Nếu không trả, sẽ bị trừ vào tháng lương cuối cùng. Còn chị nộp tiền và hồ sơ cho môi giới, họ lại đến nộp cho bên em như thế này thôi. Còn chị thì mất tiền." Nhân thể, nàng biết có nhiều người cũng bị lừa như mình. Hic, lẽ ra các nhà quản lý siêu thị phải thông báo trên truyền thông hay chính quyền để bảo vệ uy tín công ty và cả người lao động chứ nhỉ? Hay ở Sài Gòn việc này nhiều tới mức không làm xuể? Nàng cũng xin được làm nhân viên siêu thị. Nhưng hị hị công việc quả thực khủng khiếp với bệnh hen phế quản của nàng. Thế là sau 2 ngày kiên trì, nàng ốm lăn rồi bái bai siêu thị. Đi đòi lại tiền 450K ở bên môi giới, họ phát hiện ra tên nàng trong giấy hẹn không giống trong chứng minh thư – không trả. Ôi giời, nàng đã quên không kiểm tra biên lai lúc đóng tiền. (Comment thêm về cái công ty môi giới này nha bà con: sau một tháng chị em mình lượn qua trụ sở của nó - ở đường số 7 và đường số 52 phường Tân Tạo quận Bình Tân ấy, công ty biến mất, hàng xóm bảo đó là một lũ lừa đảo, bị công an bắt rồi, bắt xong chúng nó chạy vào trong ngõ rồi chạy đi đâu đó, còn trụ sở ở đường 52 thì treo biển một công ty tuyển dụng bảo vệ to tổ bố, chú em bảo vệ xua vội vàng "Công ty trước là công ty lừa đảo bị chủ nhà đuổi đi rồi. Công ty này mới tới đây thôi, có giấy tờ hợp pháp mà. Từ sáng đến giờ có 3-4 người cũng đến như các chị đấy. Bị lừa rồi!" Hic hic, nhìn cái biển tuyển dụng bảo vệ và cái cách bố trí trong phòng giống hệt lúc đến đây mà nghi quá trời a! Chả lẽ lại báo công an, mà công an đã dẹp rồi, giờ nó còn treo biển to hơn cả trước đó thôi! Gọi lại cho số máy liên lạc lần trước (anh Sơn nào đó 0123.405.5754) thì "thuê bao quí khách vừa gọi hiện không liên lạc được..." Bà con chú ý nhé, cảnh giác với cái công ty này!)
Cuối cùng, tôi bảo nàng, muốn tận dụng được hơn 8 triệu lao động phổ thông ở thành phố này hóa ra vô cùng đơn giản, mày chỉ cần mở một trung tâm giới thiệu việc làm hoặc một công ty đa cấp là đủ.

Hiện giờ, nàng đang trông cửa hàng cho một bà chị đồng hương, do mấy em sinh viên chỉ chỗ cho. Bà chủ cửa hàng còn hứa hẹn sẽ dẫn mối làm ăn khi nàng mở cửa hàng mấy tháng tới (tất nhiên nếu không cùng khu với bả ;-)).

Tôi viết lại hành trình gian nan tìm việc thời vụ của cô em tôi để mọi người thấy, những người dân ngoại tỉnh, dân tứ xứ, học sinh, sinh viên tới Sài Gòn làm việc thời vụ, lao động tay chân thì phải mất mát những gì, gian nan thế nào. Các cô bé sinh viên quanh tôi đi làm thêm đều từng gặp cảnh đó. Các em đều khẳng định, đa cấp là nỗi lo lớn nhất với lao động phổ thông.
Hãi nhất khi đa cấp ẩn mình trong phần lớn các thông báo tuyển dụng. Chúng nhắm trúng vào lượng đông đảo những người khát khao cơ hội thay đổi, vật vã kiếm tìm việc, nhưng lại thiếu sự khôn ngoan “đô thị” cần thiết để tỉnh táo hoặc kiên định về mặt đạo đức trước các chiêu trò với bề ngoài mị dân rất khoa trương, lôi cuốn của cộng đồng đa số người bán hàng theo mạng thừa sôi nổi nhưng thiếu tâm đức.
Hãi tiếp theo, ở cấp độ nhẹ hơn (vì không ảnh hưởng tới đạo đức, nhân cách, nhân sinh quan của mình và nhiều người) là các trung tâm môi giới việc làm. Trung tâm môi giới việc ở Sài Gòn tràn lan, không có tổ chức. Cô em tôi bảo, ở đây, có lẽ ai cũng làm môi giới việc làm được. Không cần biển hiệu, không cần đăng ký kinh doanh, không cần nhân viên… Chỉ cần có tin vu vơ nào đó, bạn post lên mạng, thế là có khả năng moi tiền của thiên hạ được rồi.

Ở Hà Nội và các tỉnh thành khác, đa cấp và môi giới việc cũng nhiều chả kém. Nhưng không rầm rộ như Sài Gòn. Tôi test thử thị trường lao động phổ thông ở Hà Nội và Hải Phòng, kết luận rằng, vẫn có đa cấp, nhưng chỉ chiếm 2-3% ở Hà Nội và 1% ở Hải Phòng. Cũng có thể vì lượng việc lao động phổ thông ở những nơi này đăng trên internet không nhiều để phản ánh trung thực hiện trạng.

Đa cấp là một hình thức kinh doanh bán hàng trực tiếp – bán hàng theo mạng – vốn được coi là hình thức kinh doanh thời hiện đại, rất văn minh và phát triển tốt ở Mỹ, châu Âu. Hoa hồng cũng chỉ ngang bán hàng truyền thống 7-10%. Chả hiểu sao, sang Việt Nam mình, mức hoa hồng lại bị đội lên cao thế (35-75%). Nhiều người đỏ mắt vì tham, nghĩ ra mọi trò, bán luôn anh em bạn bè, lừa cả đồng bào để làm lợi cho mình.
Sản phẩm của đa cấp vô cùng đa dạng: thuốc, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, hàng xa xỉ phẩm… nhưng nổi tiếng lẫn tai tiếng nhiều nhất vẫn là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Mấy năm trước chính tôi bị nhân viên bán mỹ phẩm theo mạng lừa cả chục triệu vì hàng giả, hàng dùng thử miễn phí, hàng kém chất lượng (ở Hà Nội nhá).
Hình thức kinh doanh không phải là vấn đề. Đây là con người và pháp luật.
Tất nhiên không thể chụp mũ khẳng định con người Việt Nam đều hám lợi, lừa đảo, nhiều ngu dân với điêu dân. Chỉ là, pháp luật không có chế tài phù hợp, nền dân trí chưa cao, khiến con người bị cái lợi áp chế dễ dàng.
Biến tướng đa cấp ở Việt Nam giờ muôn hình muôn vẻ. Các công ty trung thực sẽ treo biển quang minh chính đại ở đường lớn, phố lớn. Nhưng đa cấp lừa đảo sẽ ẩn nấp trong ngõ nhỏ, phố nhỏ, hành tung kiểu du kích, bí mật, vài tháng lại thay địa điểm một lần.

Dưới đây là một số đặc điểm để bạn nhận dạng đa cấp lừa đảo:
-          Quanh co: người chỉ đường cho bạn không nói địa chỉ chính xác, mà dắt bạn vòng vèo mới tới nơi được.
-          Văn phòng hỗn loạn: người ra kẻ vào, đứng ngồi đông đúc, điều kiện văn phòng không tốt (không có điều hòa cho mọi phòng, không có camera và bảo vệ nghiêm ngặt…), nhân viên cũng ra vào hỗn loạn, mỗi nhân viên nói chuyện với một hoặc hai người nhất định.
-          Che giấu thông tin: thông tin công ty, sản phẩm, mô hình kinh doanh không được chia sẻ minh bạch ngay từ đầu cho bạn. Thậm chí nhiều công ty còn yêu cầu bạn không mang điện thoại hay đồ đạc vào phòng, vì sợ bị ghi âm, ghi hình trộm. Một số công ty còn đổi trụ sở làm việc liên tục: vài tháng hay 1 năm đổi một lần. Nếu ứng cử viên có học quá mức, hoặc nếu hớ ra là rất hiểu biết về pháp luật thì họ lập tức từ chối và tìm cách nhanh chóng tống cổ bạn ra khỏi công ty. Nếu đa cấp hợp pháp sẽ chia sẻ tức thì với bạn ngay lúc đầu (như Amway, Herbalife…), không thèm giấu, vì cả thế giới biết họ kinh doanh kiểu đó.
-          Thu tiền của người tìm việc: trò dụ mua dùng thử sản phẩm đã lỗi thời. Giờ đa cấp lừa đảo nghĩ ra cả trăm kế để moi tiền của bạn. Nếu một công ty bảo bạn nộp tiền khi bạn đến tuyển dụng, thế thì việc bạn cần làm là: quay đầu bước ra khỏi cửa. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn tò mò muốn biết đa cấp hoạt động thế nào hoặc thực sự muốn tham gia. Nếu vậy, khi đóng tiền phải đòi biên lai và kiểm tra thông tin công ty, tên bạn, số tiền, chữ ký thật chính xác – sau này đưa lại cho công an làm tang vật. Amway, Prudential, AIA… vẫn làm việc này công khai và nghiêm túc đấy thôi.
-          Phong cách khoa trương rất ấu trĩ đặc trưng của nhân viên trong công việc: đây là điểm dễ nhận ra có phải đa cấp hay không nhất. Nhân viên của thể loại này khá hoạt ngôn – vì dựa vào vốn liếng lời nói để kiếm ăn mà. Càng là lừa đảo thì càng hoạt ngôn. Khoa trương quá mức. Luôn tự khen nhau rất giỏi, rất tài năng. Thực tế có khi còn chẳng có nổi 100 ngàn trong túi. Ăn mặc sơ mi, quần âu, thậm chí có nơi còn đóng bộ comple, vest rất đẹp mắt, như nhân viên văn phòng của các công ty lớn. Cách nói chuyện thì giống nhau như đúc, thiên về đào tạo kỹ năng nói trước đông người, kiểu tự tin một cách khoa trương và ngu muội. Công ty lừa đảo thì còn khoa trương hơn và có tiết mục “đào tạo” nhiều hơn.

Còn với môi giới lao động, đây là đặc điểm của những nơi môi giới không nghiêm túc bạn nên tránh ngay từ đầu:
-          Nộp tiền không có lý do chính đáng: qua môi giới tất nhiên 99% bạn phải nộp tiền (không trước thì sau, không hữu hình thì “vô hình” như chủ trừ lương, nộp thêm vài khoản phí phát sinh…). Nhưng bạn hãy hỏi những người xin làm việc tương tự xem họ có bị trừ như thế không và bản thân bạn có cảm thấy việc đầu tư như vậy là xứng đáng và phù hợp với hiện trạng kinh tế của bạn không? Sau đó nhớ xin biên lai hoặc giấy viết tay xác nhận thu tiền. Nếu vẫn không có được biên lai, bạn nhớ ghi lại địa chỉ, tình huống… nếu sau này có dấu hiệu lừa đảo thì có chi tiết mà báo công an. Chú ý, những việc như thu ngân, bán hàng, nhân viên siêu thị, rạp phim… tốt nhất cứ đến trực tiếp doanh nghiệp mà hỏi – không mất xu nào, đôi khi lại tìm được việc tốt hơn mong đợi, hoặc có khi họ không có nhu cầu nhưng vẫn cho vào thực tập, phụ việc – tôi biết nhiều em sinh viên được các doanh nghiệp tạo điều kiện kiểu này đó.

Lưu ý quan trọng nữa, nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo hoặc làm ăn không nghiêm túc, hãy báo công an hoặc post thông tin lên mạng để những người tìm việc khác không bị lừa như bạn. Không tiếp tay cho lừa đảo và làm ăn không chân chính, không nghiêm túc. Hãy giúp môi trường lao động ngày một tốt hơn bằng cách kiên quyết bài trừ cái xấu, cái không tốt.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét