Hiển thị các bài đăng có nhãn giá trị sống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn giá trị sống. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Giá trị sống (6)



Giá trị của sự sống

Nếu bạn có tiền và muốn cứu rỗi các sinh mạng, tốt hơn hết bạn nên đặt giá cho mỗi sinh mạng. Scott Alexander giải thích điều này tốt hơn tôi.
Nhưng đừng nhầm lẫn giá cả của sự sống với giá trị của sự sống. Tôi thấy việc đó xảy ra quá thường xuyên. Để sửa lỗi này, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện nhỏ.

*
*   *
Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi làng toàn người bất tử sống rất ôn hòa. Họ dường như không bao giờ đi qua tuổi thanh xuân, nhưng vẫn có thể chết vì đói khát hoặc thương tật. Có lẽ vì cuộc sống của họ quá lâu dài và đầy đủ, họ đều đánh giá cao nhau và chung sống hòa bình. Quả thực, không có nơi nào mà dân làng không thể tới để cứu ai đó trong số họ khỏi hủy diệt ngoài mong đợi.

Chí ít đó là cuộc sống trước khi con rồng xuất hiện.

Loài rồng chỉ khao khát hai thứ từ con người, chắc bạn đã biết: vàng và thịt. Khốn khổ thay cho dân làng, con rồng này thực sự vô cùng mạnh – gần như bất khả chiến bại, lại xảo quyệt. Con rồng có khả năng dễ dàng giết toàn bộ dân làng tức thì này đưa ra một tối hậu thư trâng tráo:
Hằng năm, mỗi người dân trong làng phải nộp thuế bằng vàng, lượng vàng này tỷ lệ với số tuổi của người đó. Ai không trả đủ thuế sẽ bị ăn thịt.

Dân làng nài nỉ van cầu, họ khóc lóc rồi giận dữ, nhưng con rồng chẳng nhúc nhích. Nó chỉ cho họ thấy mấy đống đá có vẻ giống những mỏ vàng lớn và bảo họ làm việc.

Dân làng cố hết sức. Họ làm việc thực sự. Họ không phải là thợ mỏ, nhưng họ học rất nhanh. Họ lao động rách rưới, ném đá, đào đất bằng bàn tay trần cho tới khi những ngón tay chảy máu, đi săn bắn hái lượm càng ít càng tốt, để nơi trú ngụ của mình hư hỏng đi – may ra họ có thể không phải nộp thuế cho rồng. Cuối năm, con rồng trở lại, lấy toàn bộ số vàng họ có và mười người dân già nhất (vì từ bỏ những người già nhất là cách để cứu được nhiều người nhất).

Bị dồn vào thế cùng quẫn, dân làng quyết tâm cố gắng chăm chỉ hơn nữa trong thời gian tới. Họ căng mình làm hết khả năng và còn hơn thế nữa. Họ chạy đua với thời gian. Họ trở nên hốc hác và rách rưới. Đôi mắt họ chùng xuống, da họ xám xịt, cánh tay họ gầy nhẳng. Họ tự thúc mình làm việc quá vất vả, cho tới khi họ ngã xuống trong các hầm mỏ. Lần sau, khi con rồng tới, nó lấy đi toàn bộ số vàng và 50 người.

Chiến lược này của họ không hiệu quả.

Nhưng dân làng sinh ra thuộc loài người, mà khéo léo là đặc tính di truyền của loài người. Vì thế vào năm thứ ba, những người làng còn sống sót cảm thấy cay đắng với hoàn cảnh này, bèn quyết định phải đi săn bắn hái lượm và trở nên mạnh hơn, chấp nhận việc họ phải tự chăm sóc mình trước khi có thể chăm sóc bạn bè đồng loại. Họ bắt đầu làm cuốc và xẻng, vì nhận ra không thể tự cứu mình chỉ bằng đôi bàn tay trần.

Cuối năm thứ ba, con rồng tới lấy toàn bộ vàng và 100 người, vì lúc này cơ sở hạ tầng chưa bắt đầu sinh lợi cho họ.

Nhưng vào cuối năm thứ tư, con rồng chỉ còn lấy đi 2 người.

Rất nhanh sau đó, con rồng (rất vui mừng vì sự tiến bộ của họ) đã thông báo với dân làng rằng từ giờ thuế bắt đầu tăng nhanh hơn, theo cấp số nhân.
Lúc này, dân làng chỉ gật đầu, và rèn luyện để cơn nóng giận của mình dần trở nên lạnh lẽo.

Rồi rất nhiều, rất nhiều năm qua đi kể từ khi con rồng đến ngôi làng. Thực ra đó không còn là một ngôi làng nữa: ngôi làng đã phát triển thành một thành phố, rồi thành phố phát triển thành một đất nước văn minh.

Dân số bây giờ trẻ hơn. Người trưởng thành đã khôn ngoan hơn và năng suất hơn, nên có thể thu được nhiều vàng hơn từ đất mỗi giờ, nhưng đơn giản sẽ tới thời điểm năng suất gia tăng này không còn đáng giá bằng chi phí cho sự sống. Khi thời điểm đó đến, những người già sẽ tự nguyện cho đi sinh mạng mình, vì họ không thuộc tuýp người muốn mua sự sống của mình bằng cái giá của hai người khác.

Trên thực tế, việc cân bằng nhọc nhằn như thế rất phổ biến. Từ lâu dân làng đã khám phá ra sự chuyên môn hóa và làm kinh tế, giờ đây hầu hết mọi người không còn làm việc trong các hầm mỏ nữa. Một số dành thời gian nuôi trồng và chuẩn bị thức ăn, số khác dành thời gian bảo trì nơi trú ngụ, số khác nữa dành thời gian sáng tạo những công cụ và phương pháp mới có thể theo kịp tốc độ tăng thuế khủng khiếp của rồng. Một số lại dành cuộc đời cho nghệ thuật và giải trí – vì dân làng đã học được tầm quan trọng của việc duy trì động lực và tinh thần.
(Còn một số dân làng, ở sâu dưới lòng đất, xa tầm mắt con rồng, đang thiết kế vũ khí.)

Vì thế, bạn sẽ thấy trong xã hội văn minh này, có những người cống hiến cuộc đời không phải để đào vàng, mà viết sách – nhưng nếu bạn nhìn gần hơn, bạn sẽ nhận ra việc đó chỉ xảy ra khi vị tác giả kia có thể cứu rỗi được nhiều sinh mạng hơn nếu vị đó làm việc trực tiếp trong hầm mỏ nhờ làm tăng tinh thần và năng suất của mọi người. Do đó, song song với việc cứu rỗi được ngày càng nhiều sinh mạng mỗi năm, nền văn minh này vẫn sản xuất sách vở, sân khấu và phim ảnh.

Điều ấy có nghĩa là trong thời hiện đại, bạn có thể tính ra chi phí chính xác để cứu rỗi thêm một sinh mạng. Nó cho thấy, một sinh mạng có cùng mức giá với một nghìn vé xem phim.

Khi điều đó xảy ra, hai công dân trong thế giới bị rồng áp bức này, Alice và Bob, đã có cuộc trò chuyện về giá trị sống, ngay lúc này. Hãy lắng nghe nào:

Alice: Cậu thấy đấy, giá trị thực sự của một sinh mạng tương đương với khoảng một nghìn lượt xem bộ phim bom tấn mới nhất.
Bob: Vớ vẩn! Một sự sống đáng giá hơn nhiều so với hai ngàn giờ xem phim! Sự sống là vô giá! Cậu không thể đặt giá cho một đời người!
Alice: Rõ ràng thế còn gì! Nếu cậu hành động không nhất quán với việc định giá sự sống, nhất định cậu sẽ bị lẫn lộn tiền bạc nếu muốn cứu rỗi thêm nhiều sinh mạng hơn nữa. Nếu cậu muốn cứu được càng nhiều người càng tốt với chỉ một số lượng tiền hữu hạn, cậu buộc phải đặt giá cho sự sống!
Bob: Nhưng một ngàn lượt xem một bộ phim chỉ đơn giản là không đáng giá bằng một cuộc đời! Nếu tôi phải chọn giữa một ngàn lượt người xem một bộ phim bom tấn và sự sống của mẹ tôi, tất nhiên tôi sẽ chọn sự sống của mẹ tôi dù chỉ một ngày!
Alice: Phải, nhưng trực giác kiểu này không phù hợp. Thị trường sinh mạng ở đây đang hiệu quả, và thị trường nói rằng, một sinh mạng tương đương với khoảng một ngàn lượt xem bộ phim bom tấn mới nhất. Sự sống của mẹ cậu không giá trị hơn niềm vui tích lũy từ một ngàn người trải qua khi xem bộ phim bom tấn mới nhất! Trải nghiệm xem phim và sự sống của mẹ cậu đã trở thành có cùng giá trị, và nếu trực giác của cậu không chấp nhận điều này, cậu sẽ phải sửa nó!

Bạn có nhìn ra sai lầm ở đây không?
Alice và Bob, cả hai vừa đúng, lại vừa sai.

Alice đúng vì dân làng buộc phải đối xử với một sinh mạng tương đương với vài nghìn giờ xem phim. Do toàn bộ dân làng vẫn đang cố cứu nhau, nên một nghìn người này sẽ chỉ đi xem phim nếu việc đó tạo ra thêm động lực và tinh thần để họ tạo thêm lượng của cải đủ để cứu thêm một người nữa. Nếu bạn buộc những người này ngừng đi xem phim, thay vào đó đưa số tiền này của họ vào sản xuất vàng thì toàn bộ lượng vàng được sản xuất ra sẽ ít hơn, vì thế sẽ có nhiều người bị ăn thịt hơn. Bob phải cân bằng giữa hai nghìn giờ xem phim và một sinh mạng, nếu cậu ấy muốn tối đa hóa số lượng sinh mạng được cứu sống.

Nhưng Bob cũng đúng khi nói giá trị một cuộc đời còn lớn hơn nhiều so với hai nghìn giờ xem phim!
Lời của Alice được hiểu là tổng toàn bộ trải nghiệm của hai nghìn giờ xem phim bằng với giá trị thực sự của một đời người. Thị trường đã nói thế, và bạn không được phản đối nếu muốn cứu mạng mọi người.
Nhưng thực tế, lý do Bob phải đối xử với hàng ngàn lượt xem phim giống như với một sinh mạng là vì việc xem phim này làm tăng tinh thần, từ đó thêm một mạng người được cứu. Thực tế này không đánh đồng trải nghiệm của một đời người với niềm vui khi đi xem phim.

Alice đã quên mất việc ngôi làng đang bị con rồng quấy nhiễu.
Nếu không vì con rồng, những người dân làng này có thể làm bất kỳ việc gì để cứu nhau thoát khỏi những cái chết không mong muốn. Có lẽ cũng có lúc họ không thể làm gì được để cứu một người bạn, cái giá mà họ không thể trả nổi tính bằng đau khổ, muộn phiền và chất lượng sống giảm đi trong phần còn lại của dân làng. Nhưng khi không có con rồng, chi phí này còn cao hơn nhiều so với hai nghìn giờ xem phim.
*
*   *
Suy luận hoàn toàn tương tự. Giờ hãy nhìn vào thế giới của chúng ta. Nền kinh tế của chúng ta không hiệu quả - tốn vài triệu đô la để cứu một sinh mạng ở các quốc gia phát triển, và tốn vài nghìn đô la để cứu một sinh mạng ở các quốc gia đang phát triển (nơi việc “cứu mạng” thật ra chỉ có nghĩa là “đẩy cái chết lui lại một chút” trong những thời khắc đen tối). Hơn nữa, nền kinh tế của chúng ta không tối đa hóa vì sự sống của nhân loại: con người dễ phải đương đầu với sự vô cảm và bị xoay vần trong những thành kiến làm nản chí nguyện quan tâm tới việc người khác có chết theo ý nguyện hay không. Hơn thế, không chỉ quan tâm tới những sinh mạng chúng ta cứu được, mà quan trọng là phải quan tâm tới những sinh mạng đang sống.
Bất chấp điều đó, chúng ta không phải hoàn toàn khác những người dân làng kia ở cách chúng ta có thể làm để cứu lẫn nhau nếu cái chết không hẳn là không thể tránh được.

Tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi không biết làm thế nào chúng ta cân bằng giữa bảo vệ sự sống, cải thiện sự sống và tạo ra sự sống, nếu chúng ta vượt qua được giai đoạn khan hiếm này. Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: Rồi sẽ tới một ngày loài người có thể phá tan cả nghìn mặt trời chỉ để cứu một cái chết bất hợp lý nào đó.
Đó là giá trị của sự sống.

Bạn vẫn phải đặt giá cho các sinh mạng, cái giá đó vẫn phải nằm đâu đó từ vài ngàn đô đến vài triệu đô.

Hãy tưởng tượng ra một nút bấm, nếu nhấn vào, sẽ chọn ra một số ngẫu nhiên trong khoảng từ 1 tới một triệu. Nếu số đó là 1, nó sẽ giết chết một người được lựa chọn ngẫu nhiên. Ai đó sẽ phải trả cho bạn bao nhiêu tiền để ấn cái nút đó?
Nhiều người phản ứng bằng sự ghê tởm, nói rằng họ sẽ không ấn cái nút kiểu đó dù được trả bất cứ giá nào. Họ bảo rằng giá trị của sự sống lớn không thể tưởng tượng được.
Và trực giác này là chính xác!

Nhưng nếu ai đó đưa bạn 10 đô la để ấn nút, thế thì cứ ấn đi. Hãy ấn đi, và hãy lo lắng – nhưng sự lo lắng này còn ít ỏi hơn nhiều so với việc bạn lo lắng khi lái xe trên đường trong một năm (theo tính toán, xác suất là 1 trên mười nghìn cơ hội để giết chết ai đó mỗi năm đổi lấy thuận tiện khi lái xe). Nếu bạn muốn cứu mạng nhiều người nhất, thế thì bạn cứ ấn cái nút đó với 10 đô la, rồi lấy tiền đó để cứu mạng người khác.

Nhưng đừng nhầm lẫn giữa chi phí cho sự sống và giá trị của sự sống!

Vài nơi trên thế giới, phải mất ít nhất vài ngàn đô để cứu một mạng người. Nếu bạn hành động khiến giá của sinh mạng cao hơn vài ngàn đô kia, nếu bạn thực sự từ chối một triệu đô để ấn cái nút kia hay trả một tỷ đô để cứu một cuộc đời nào đó, thế thì bạn phải làm nhiều thứ khác mới mong cứu được thêm các sinh mạng. Nếu bạn muốn cứu nhiều người nhất, bạn phải định giá cho mỗi sự sống theo chi phí thực tế để cứu được một sinh mạng.

Nhưng bạn đừng có lẫn lộn giữa chi phí hiện tại để cứu một sinh mạng và giá trị thực sự của sinh mạng đó.

Có một khoảng trống ở đây. Khoảng trống giữa một sinh mạng thực sự đáng giá bao nhiêu và cái giá cả mà bạn phải gán cho nó. Khoảng trống không tồn tại nếu trực giác của bạn đang sai lầm. Khoảng trống sẽ ở đó vì ngôi làng của chúng ta đang bị một con rồng xấu xa hành hạ.

Khoảng trống đó là thước đo trực tiếp sự khác biệt giữa thế giới vốn có đang hiện hữu và thế giới mà nó nên hiện hữu.

Chênh lệch giá cả, chênh lệch giữa vài ngàn đô và vài ngàn mặt trời, là thước đo trực tiếp xem mọi thứ đang bị đảo lộn đến mức nào.

Đa số mọi người có trực giác rằng họ nên từ chối ấn nút với bất cứ giá nào, vì sự sống là vô giá. Bạn có thể tới bên những người này, chỉ cho họ thấy muốn cứu được càng nhiều người càng tốt với một số tiền nhất định, thì họ phải đặt giá cho mỗi sinh mạng. Lúc đó, đa số sẽ hành động theo một trong hai cách.

Một số đồng ý logic này và từ bỏ trực giác của họ. Họ thấy rằng để cứu được nhiều người nhất có thể, họ phải cần tới một cái giá. Thật mâu thuẫn khi nói niềm vui của vài triệu người khi uống rượu cũng tương đương với giá trị của một sinh mạng, nhưng (họ nghĩ) lý luận kiểu khiến người ta nghĩ sự sống là vô giá đúng là một quan niệm sai lầm chết người. Vì thế, muốn cứu càng nhiều người trong phạm vi số tiền được phân bổ, họ phải “cắn viên đạn chì” (bite the bullet: nghĩa là can đảm chịu đựng, đối mặt với nghịch cảnh), và đi đến kết luận rằng sự sống không hề có giá trị nhiều như tưởng tượng.

Còn số khác không chấp nhận logic này, và tiếp tục tuyên bố rằng cuộc sống là vô giá, rồi cố sao lưu trực giác của họ thành những phiên bản đạo đức kì lạ, vì cứu được càng nhiều người càng tốt với một số tiền nhất định không phải là việc đúng đắn cần làm, mà lý do thì rất phức tạp.

Nhưng còn một lựa chọn thứ ba nữa! Tất cả mọi người dường như đã quên mất con rồng!
Có thể sống trong thế giới này, dù bạn có thấy (1) sự sống là vô giá, hay (2) con người bị tiêu diệt liên tục, trái với ý muốn của họ, theo những cách thức có thể tránh được nếu biết sử dụng một khoản tiền tương đối nhỏ.
Thế giới vốn không công bằng! Ấn nút với 10 đô la là cách cứu được nhiều sinh mạng nhất, nhưng thực tế này là việc kinh khủng. Mạng sống là vô giá, nhưng bạn phải đối xử với nó như thể nó chỉ đáng giá vài ngàn đô.
Khoảng cách giữa giá cả và giá trị kiểu này là không thể chấp nhận được, nhưng các qui luật vật lý vốn không được viết theo cách chúng ta có thể chấp nhận được. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ lạnh lẽo, thiếu lòng trắc ẩn; một vũ trụ nằm ngoài tầm với của Chúa Trời.
Một ngày nào đó, chúng ta có lẽ sẽ giết được lũ rồng đã hành hạ chúng ta. Một ngày nào đó, chúng ta – giống như dân làng thuở ban đầu – có thể thấy xa xỉ khi làm mọi cách để ngăn trí tuệ có tri giác của đồng loại thoát khỏi việc bị kết án là vô cảm một cách không tự nguyện. Nếu chúng ta làm được như vậy, giá trị của sự sống sẽ không được đo bằng đô la, mà bằng những vì sao.

Đó là giá trị sống. Nó sẽ là giá trị sống, và giờ đang là giá trị sống.

Thế nên, khi ai đó đưa 10 đô la để ấn cái nút đó, bạn cứ ấn đi. Bạn cứ ấn cái nút chết tiệt đó. Đó là chiến lược tốt nhất có sẵn ngay cho bạn; đó là cách duy nhất cứu được nhiều người nhất mà bạn có thể làm. Nhưng đừng quên rằng thực tế này lại là một bi kịch khủng khiếp.

Đừng bao giờ quên khoảng cách giữa chi phí cho một sinh mạng nhỏ đến mức nào và giá trị của một sinh mạng lớn đến mức nào. Vì khoảng cách đó là bóng tối trong vũ trụ này, nó là thước đo xem chúng ta đã đi được bao xa.

Tôi không muốn biến vấn đề này thành bài giảng. Nhưng vài người trong số các bạn sẽ thấy vực thẳm khổng lồ giữa chi phí và giá trị ngay từ đầu, họ có lẽ sẽ quyết định ngay rằng khoảng cách này cần phải đóng lại, rằng lũ rồng đáng phải bị tiêu diệt. Một số sẽ băn khoăn, thế thì sao? Chuyện gì tiếp theo đây? Phần cuối câu chuyện là dành cho bạn.

Nhớ rằng vẫn có người trong chúng ta đang chiến đấu.

Một số làm việc trong hầm mỏ để nộp thuế cho con rồng. Một số khác chuẩn bị cho ngày chúng ta phải đối đầu với con rồng – vì vũ khí chúng ta trang bị phải thật mạnh, điều này rõ ràng không hề dễ.

Đó là cuộc chiến mà bạn có thể tham gia. Với vài người, chiến đấu là theo trào lưu thức thời nhất. Nhưng với đa số, chiến đấu có nghĩa là đặt giá thấp cho sinh mạng, rồi tôn vinh nó – bằng cách mua lại sinh mạng ở nơi nó có giá rẻ nhất; bằng cách hy sinh cho những mục tiêu có hiệu quả cao. Nhớ rằng, giống như lòng dũng cảm là làm điều đúng đắn ngay cả khi bạn sợ hãi, sự quan tâm là làm điều đúng đắn ngay cả khi bạn không bị cảm xúc làm cho choáng ngợp.

Nếu đây là cuộc chiến bạn muốn tham gia, thì tôi khuyên bạn hãy ghi nhớ bài học đầu tiên dân làng lĩnh hội được: bạn phải quan tâm tới bản thân trước khi quan tâm tới người khác. Bạn không cần phải trở nên khốn khổ để đấu tranh chống lại bóng tối trong vũ trụ này. Bất cứ số tiền hay công sức nhỏ bé nào bạn dành để cứu rỗi sự sống đều là tiền bạc và công sức được sử dụng tốt đẹp. Cam kết 10% thu nhập cho một mục tiêu hiệu quả đã là một thành tựu khó khăn và rất đáng khen ngợi rồi.

Nếu bạn đứng bên cạnh chúng tôi trong cuộc chiến này, thì tôi luôn chào đón bạn, dù chuyện gì đi chăng nữa – nhưng tôi muốn bạn tham gia với sự giận dữ hoặc cái đầu lạnh lẽo, chứ không phải cảm giác tội lỗi hay xấu hổ.

“Ôi, Thần Chết không bao giờ là kẻ thù của chúng ta!
Chúng ta cười đùa với hắn, chúng ta hợp tác với hắn, ông bạn già.
Không có chiến binh nào bị mua chuộc chống lại quyền năng của hắn.
Chúng ta cười đùa, vì hiểu rằng những người tốt hơn sẽ tới,
Và những cuộc chiến lớn hơn; khi mỗi đấu sĩ tự hào khoe khoang
Những cuộc chiến với Thần Chết, vì sự sống; chứ không phải với con người, vì cờ xí.”
-          Trích đoạn cuối cùng trong The Next War của Wilfred Owen

Nate Soares
Theo mindingourway.com

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Giá trị sống (5)



Phép tính giá trị của sự sống

Giả sử bạn là một EMT (Emergency Medical Technician – Chuyên viên cấp cứu y tế). Bạn tới hiện trường một vụ tai nạn và thấy hai đứa trẻ cần CPR (Cardiopulmonary Resuscitation – Hồi sức tim phổi): bé gái 10 tuổi và em gái 3 tháng tuổi. Bạn chỉ có thể cứu được một trong hai đứa. Bạn sẽ cứu ai?

Có một cách để ra quyết định là sử dụng tiêu chuẩn QALY (Quality – adjusted life year: tiêu chuẩn số năm sống được điều chỉnh theo chất lượng). Nhà kinh tế học Christopher Cundell và Carlos McCartney đã thiết kế ra QALY năm 1956, rồi các hệ thống chăm sóc sức khỏe sử dụng nó ngày càng nhiều kể từ đó để đánh giá chi phí và lợi ích của nhiều biện pháp can thiệp y tế khác nhau. Tiêu chuẩn này lấy số năm còn lại mà một người được kỳ vọng có thể sống được trong điều kiện sức khỏe hoàn hảo và nhân với 1; nhưng nếu người đó có thể bị tàn tật thì phải nhân với một số nhỏ hơn 1. Trong tình huống này, khi những yếu tố khác đều như nhau thì cách tính toán như thế có thể dẫn tới việc bạn cứu mạng em bé 3 tháng tuổi. Nhưng theo Justin Landy, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, người đã thực hiện nghiên cứu về cách chúng ta đánh giá các sinh mạng khác nhau, tiêu chuẩn QALY có lẽ không nắm bắt chính xác trực giác thông thường của chúng ta.

Kết luận của Landy được đưa ra trong bài trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp Hội Triết học và Tâm Lý học, sau đó xuất hiện trên Tạp chí “Tâm Lý học thực nghiệm: Tổng quát”. Landy và cố vấn Geoffrey Goodwin khám phá ra chúng ta so sánh các giá trị tương đối của sự sống như thế nào – và tại sao chúng ta có thể làm vậy, bất chấp việc thường xuyên bày tỏ rằng mọi sinh mạng đều có giá trị như nhau. Trong những tình huống khẩn cấp, các bác sĩ và nhân viên cứu hộ thường xuyên phải lựa chọn khi chỉ cứu được một số người trong số nhiều người. Nghiên cứu về chứng rối loạn tập trung của người bệnh Alzheimer cho biết các tổ chức cũng thường xuyên chia sẻ kinh phí cho người trẻ hơn là người già. Đặc biệt, Landy và Goodwin tập trung vào cách tuổi tác ảnh hưởng tới đánh giá của chúng ta về sự sống.

Trong ba thí nghiệm đầu tiên, những người Mỹ tham gia phải thực hiện một loạt so sánh giữa hai người ở độ tuổi khác nhau, từ một ngày tuổi tới 80 tuổi. Một số câu hỏi đề cập tới quyền không bị xâm hại, ví dụ, một đứa trẻ hay một người già giết người thì ai sai hơn? Một số câu liên quan tới quyền được điều trị, ví dụ, chỉ còn một nội tạng cứu mạng duy nhất thì ai nên được nhận trong trường hợp khẩn cấp?

Rõ ràng các đối tượng tham gia đều cảm thấy khó chịu khi phải quyết định ai nên chết chứ không phải ai nên sống; trong một nhóm đối tượng, phần lớn đều hoàn toàn từ chối bày tỏ quan điểm về sự sai trái khi giết một người già thay cho một người trẻ hơn. Trong những câu hỏi về trợ giúp y tế, ví dụ, ai nên được nhận thuốc cứu mạng, người tham gia thể hiện sự phân biệt rõ rệt hơn. Họ đề nghị việc điều trị và đối xử ưu đãi nhất cho những ai khoảng 10 tuổi.

Nói cách khác, để tránh gây tổn hại, chúng ta luôn cố gắng đối xử với mọi người một cách bình đẳng, nhưng khi vấn đề là mạng sống, tuổi tác lại đóng vai trò quan trọng. Các tác giả cho rằng chúng ta đối xử phân biệt và khác với tình huống tránh gây tổn hại thông thường vì sự hỗ trợ nói chung chỉ là nguồn tài nguyên hữu hạn.

Bốn thí nghiệm kế tiếp của Goodwin và Landy khám phá ra tại sao thanh thiếu niên có giá trị đặc biệt. Dữ liệu cho thấy đó là vì những người ở độ tuổi này nằm ở vị trí đẹp đẽ án ngữ giữa già và trẻ. Một người già hơn thường có nhiều quan hệ xã hội có ý nghĩa hơn – vì thế cái chết của ông ta có thể gây đau khổ cho nhiều người hơn – và nhiều nguồn lực và tài nguyên đã được đầu tư cho sự sống của ông ấy. Còn một người trẻ hơn (trẻ con) lại có nhiều năm tháng trước mặt hơn, và mới chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi; nên có nhiều quan ngại thực tế về tiềm năng sống và cả những quan ngại về sự công bằng.

Nhà nghiên cứu sinh học Peter Singer ở Princeton nói: “Đây thực sự là những dữ liệu thú vị, nó giúp chúng tôi khám phá những gì chúng tôi nên làm. Nhưng bạn đừng trả lời các câu hỏi về những gì chúng ta nên làm bằng cách nói ‘Đó là điều mà hầu hết mọi người nghĩ chúng ta nên làm.’ Trực giác của con người có lẽ không có cơ sở logic.” Những câu hỏi như vậy có lẽ không nên dành cho những người đã tham gia trả lời cuộc điều tra; luân lý đạo đức vẫn hữu ích (trong nhu cầu được sống). Nhưng Goodwin và Landy cho rằng công việc của họ chỉ nhắm tới chính sách y tế và sức khỏe, cùng với việc ra quyết định y tế, bằng cách phát hiện ra những yếu tố quan trọng cho chúng ta. Tiêu chuẩn QALY có lẽ không phải thước đo giá trị tốt nhất khi quyết định phân bổ máu và nội tạng hay xây dựng các quy định an toàn cho người tiêu dùng hay môi trường; tuổi tác không đóng vai trò tuyến tính trong các tính toán đạo đức của chúng ta.

Trở lại ví dụ của nhân viên EMT ở trên. Landy viết qua email: “Tiêu chuẩn QALY ngặt nghèo sẽ ưu tiên đứa trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khỏe mạnh chứ không phải đứa bé 10 tuổi khỏe mạnh trong một tình huống nguy cấp (giả thiết cả hai đều có kỳ vọng tuổi thọ thông thường). Nhưng người bình thường rõ ràng sẽ ưu tiên đứa trẻ 10 tuổi.”

Nhìn vào trường hợp Sarah Murnaghan, em bé Philadelphia mười tuổi đã nhận được lá phổi mới vào tháng sáu năm 2013 sau khi cha mẹ em kêu gọi trên Facebook, Landy nói: “Nếu Sarah 3 tuổi, cô bé có lẽ gần như không nhận được một chương trình hỗ trợ đông đảo tương tự.” Trái tim (và lá phổi) của chúng ta có thể cho đi chỉ vì những nguyên nhân nghèo nàn như thế đấy.

Matthew Hutson
Theo The New Yorker

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Giá trị sống (4)



Câu hỏi quan trọng nhất trong đời bạn

Mọi người đều muốn những thứ có vẻ tốt đẹp. Mọi người đều muốn sống vô tư, hạnh phúc và dễ dàng, muốn yêu, muốn có những cuộc tình và những mối quan hệ tuyệt vời, muốn hoàn hảo, muốn kiếm được bộn tiền, muốn được nổi tiếng, được kính trọng và ngưỡng mộ, muốn là một nhân vật xuất chúng đến độ người ta phải rẽ ra như Biển Đỏ khi bạn bước vào phòng. 

Mọi người đều thích thế - thật dễ dàng.

Nếu tôi hỏi bạn “Bạn muốn gì trong đời?” và bạn nói gì đó kiểu như “Tôi muốn sống hạnh phúc, có một gia đình tuyệt vời và một công việc mà tôi thích” – thế thì quá phổ biến đến mức chả có chút nghĩa lý nào.
Một câu hỏi thú vị hơn, câu hỏi có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ đến từ trước tới nay, đó là: bạn muốn nỗi đau nào trong đời? Bạn sẽ quyết chí đấu tranh vì cái gì? Vì điều đó dường như là yếu tố quyết định lớn hơn khiến đời chúng ta biến hóa ra sao.
Mọi người đều muốn có một công việc tuyệt vời và độc lập tài chính – nhưng chẳng ai muốn cực khổ làm việc suốt 60 tiếng mỗi tuần, đi lại xa xôi, giấy tờ độc hại, bị điều chuyển thất thường trong các thang bậc doanh nghiệp và giữa những biên giới buồn chán của cả địa ngục các phòng ban vô hạn. Người ta muốn giàu có mà không gặp rủi ro, không cần hy sinh, không bị trì hoãn tiền thưởng cần thiết để tích lũy của cải.
Mọi người muốn yêu đương nóng bỏng và một quan hệ tuyệt vời – nhưng không ai sẵn sàng trải qua những cuộc đối thoại gay gắt, những khoảng lặng khủng khiếp, những cảm giác đau đớn và trị liệu tâm kịch xúc cảm để có được điều đó. Và họ cứ sống như vậy. Họ sống và tự hỏi “Chuyện gì nếu?” từ năm này qua năm khác cho đến khi câu hỏi biến đổi từ “Chuyện gì nếu?” thành “Nó là thế ư?” Rồi khi luật sư tới nhà với hóa đơn tiền cấp dưỡng trong thư, họ lại nói “Đó là vì cái gì thế?” Nếu không phải là vì những tiêu chuẩn và kỳ vọng đã bị hạ thấp xuống từ 20 năm trước của họ thì là vì cái gì đây?
Vì hạnh phúc cần đấu tranh. Sự tích cực là tác dụng phụ khi xử lý cái tiêu cực. Bạn chỉ có thể tránh những trải nghiệm tiêu cực một thời gian dài trước khi chúng ầm ầm trở lại trong đời.
Cốt lõi trong toàn bộ hành vi con người là, nhu cầu của chúng ta ít nhiều tương tự nhau. Những trải nghiệm tích cực đều dễ xử lý. Về mặt quan niệm, chỉ có những trải nghiệm tiêu cực khiến chúng ta phải đấu tranh. Do đó, những gì chúng ta đẩy ra khỏi cuộc đời không được quyết định bằng những cảm xúc tốt đẹp chúng ta mong muốn mà bằng những cảm xúc tồi tệ chúng ta sẵn sàng và có khả năng chịu đựng để đưa chúng ta tới những cảm xúc tốt đẹp.
Người ta muốn một thể chất thật ấn tượng. Nhưng bạn sẽ không có nó trừ khi bạn đánh giá đúng những đau đớn và căng thẳng thể chất phải chịu khi tập gym hằng giờ, trừ khi bạn yêu thích tính toán và hiệu chỉnh đồ ăn, lập kế hoạch cho cuộc đời theo khẩu phần trên những chiếc đĩa nhỏ.
Người ta muốn khởi nghiệp kinh doanh hoặc được độc lập tài chính. Nhưng bạn sẽ không thể trở thành một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn tìm được cách nhận thức rõ rủi ro, sự không chắc chắn, những thất bại lặp đi lặp lại, và những giờ làm việc điên cuồng với những thứ mà bạn chẳng biết liệu có thành công hay không.
Người ta muốn có một đối tác, một người bạn đời. Nhưng bạn sẽ chẳng thể thu hút được ai đó tuyệt vời mà không đánh giá cao sự hỗn loạn tình cảm đi kèm với những lời từ chối thất thường, tạo nên những rung cảm giới tính không bao giờ được giải phóng, và nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại không bao giờ đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình yêu. Bạn không thể thắng nếu bạn không chơi.
Cái quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn tận hưởng điều gì?” Câu hỏi là “Bạn muốn chịu đựng nỗi đau nào?” Chất lượng cuộc đời bạn không do chất lượng những trải nghiệm tích cực quyết định, mà là do chất lượng những trải nghiệm tiêu cực. Đối phó tốt với những trải nghiệm tiêu cực mới nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Có nhiều lời khuyên tồi cho việc này: “Bạn chỉ cần mong muốn đủ nhiều!”
Mọi người đều muốn thứ gì đó. Và mọi người đều muốn thứ gì đó đủ nhiều. Họ chỉ không nhận ra cái gì là thứ họ muốn, hoặc cái gì là thứ họ muốn “đủ nhiều”.
Vì nếu bạn muốn thu được lợi ích từ thứ gì trong đời, bạn đều phải trả giá. Nếu bạn muốn thân hình đẹp để đi biển, bạn phải có mồ hôi, những cơn đau, những buổi sáng sớm, và những cơn đói. Nếu bạn muốn có du thuyền, bạn cũng phải muốn những đêm muộn, những thương vụ mạo hiểm, và khả năng khiến một hay cả chục ngàn người nổi điên.
Nếu bạn thấy bản thân muốn thứ gì đó suốt nhiều tháng trời, nhiều năm trời, nhưng chẳng có gì xảy ra cả, và bạn chưa bao giờ đến gần nó hơn chút nào, thì những gì bạn muốn có lẽ chỉ là ảo tưởng, một sự lý tưởng hóa, một hình ảnh hay một lời hứa hão. Có thể những gì bạn muốn không phải là những gì bạn muốn, bạn chỉ thích được mong muốn. Có thể bạn không thực sự muốn có nó hoàn toàn.
Thi thoảng tôi hỏi mọi người “Anh lựa chọn chịu đựng thế nào?” Những người này nghiêng đầu nhìn tôi như thể tôi có 12 cái mũi. Nhưng tôi hỏi vì điều đó nói với tôi về bạn vượt xa những khao khát và ảo tưởng của bạn. Vì bạn phải chọn một cái gì đó. Bạn không thể sống cuộc đời chẳng có chút đau thương nào. Đời không phải toàn hoa hồng và rồng phượng. Và cuối cùng, đó là câu hỏi khó khăn và nhiều ý nghĩa. Hỏi về điều vui thích bao giờ cũng dễ dàng. Hầu hết chúng ta đều trả lời tương tự. Hỏi về đau khổ sẽ thú vị hơn nhiều. Nỗi đau nào bạn muốn trải qua?
Câu trả lời thực sự sẽ đưa bạn tới một nơi nào đó. Đó là câu hỏi có thể thay đổi cuộc đời bạn. Đó là thứ khiến tôi là tôi và bạn là bạn. Đó là thứ xác định chúng ta và chia rẽ chúng ta, rồi cuối cùng lại đưa chúng ta về bên nhau.
Hỡi các bạn thanh thiếu niên của tôi, tôi đã tưởng tượng trở thành một nhạc sĩ – cụ thể là một ngôi sao nhạc rock. Bất kỳ bản ghi-ta phá cách nào nghe được, tôi đều luôn nhắm mắt và tưởng tượng mình lên sân khấu biểu diễn nó trước tiếng la hét của đám đông, người ta hoàn toàn mất trí trước những ngón đàn ngọt ngào của tôi. Sự tưởng tượng đó chiếm giữ tôi hàng giờ liền. Nó tiếp tục theo lên đại học, thậm chí ngay cả khi tôi đã bỏ trường nhạc và dừng chơi một cách nghiêm túc. Nhưng kể cả như thế thì việc liệu tôi có thể chơi nhạc trước đám đông đang la hét không chưa bao giờ là một câu hỏi, mà chỉ là khi nào. Tôi đang chờ đợi cơ hội của mình trước khi có thể đầu tư một lượng thời gian và sức lực đúng đắn để thoát khỏi tình trạng đó và biến nó thành hiện thực. Trước tiên tôi cần học xong đã. Sau đó tôi cần kiếm tiền. Sau đó nữa, tôi cần có thời gian. Sau đó… và sau nữa, chả có gì hết.
Dù tưởng tượng về điều đó hơn nửa cuộc đời mình, nhưng thực tế chưa bao giờ tới. Nó làm mất của tôi một thời gian dài và nhiều trải nghiệm tiêu cực để cuối cùng hiểu ra lý do tại sao: tôi đã không thực sự muốn điều đó.
Tôi thích kết quả - hình ảnh của tôi trên sân khấu, mọi người vỗ tay cổ vũ, khiến tôi sướng điên lên, rót cả tâm tình vào những gì tôi đang chơi – nhưng tôi không thích quá trình. Vì thế, tôi đã thất bại. Cứ lặp đi lặp lại. Chết tiệt, tôi thậm chí còn không cố gắng đủ nhiều để thất bại. Tôi hầu như đã chẳng cố gắng chút nào.
Luyện tập cực nhọc hằng ngày, đôn đáo tìm một nhóm và diễn tập, đau khổ kiếm hợp đồng biểu diễn, rồi khiến mọi người thực sự tới xem và quan tâm. Dây hỏng, tube amp (amp có đèn sáng khi diễn live trên sân khấu) bị bật ra, kéo lê 40 pound (khoảng hơn 18kg) thiết bị đến rồi về để tập dượt mà chẳng có ô tô. Giấc mơ cao như núi và phải trèo hàng dặm để tới đỉnh. Mất một thời gian dài tôi mới phát hiện ra mình không thích leo núi lắm. Tôi chỉ thích tưởng tượng với cái đỉnh.
Nền văn hóa của chúng ta nói với tôi rằng tự thân tôi đã thất bại theo cách nào đó, rằng tôi là một kẻ bỏ cuộc hay một kẻ thất bại. Chủ nghĩa self-help (trào lưu sách đưa ra những lời khuyên để người ta tự làm theo để phát triển bản thân, nổi lên từ những năm đầu thế kỷ 21 từ Mỹ, sau lan ra cả thế giới) sẽ bảo rằng tôi còn chẳng có đủ dũng khí, đủ kiên quyết hay tôi không đủ tin vào chính mình. Đám đông doanh nhân hay các tay khởi nghiệp sẽ nói tôi đã hèn nhát từ bỏ giấc mơ và chịu khuất phục trước những áp đặt xã hội thông thường. Tôi sẽ được yêu cầu phải quả quyết hoặc phải tham gia một nhóm hay theo một danh sách của bậc thầy nào đó, hoặc gì gì đó.
Sự thật thì còn xa mới hay ho bằng: tôi đã nghĩ mình muốn cái gì đó nhưng hóa ra không phải. Hết chuyện.
Tôi muốn phần thưởng chứ không phải đấu tranh. Tôi muốn kết quả chứ không phải quá trình. Tôi không thích chiến đấu mà chỉ thích chiến thắng. Mà đời thì không vận hành kiểu đó.
Việc bạn là ai được xác định dựa trên những giá trị mà bạn quyết chí tranh đấu vì nó. Người thích chiến đấu trong phòng gym sẽ có thân hình đẹp. Người thích những tuần làm việc dài và địa vị trên thang bậc công ty sẽ trèo lên đó. Người thích stress và sự bất định kiểu nghệ sĩ đói khát cuối cùng sẽ sống với nó và tạo ra nó.
Đây không phải là lời kêu gọi ý chí hay “gan góc” (từ gốc: grit). Đây cũng chẳng phải lời khuyên “có công mài sắt có ngày nên kim” (cụm từ gốc: no pain no gain).
Đây chỉ là thành phần đơn giản và cơ bản nhất của cuộc đời: những cuộc chiến đấu sẽ quyết định thành tựu của chúng ta. Thế nên hãy lựa chọn cuộc chiến thật khôn ngoan, bạn của tôi ạ.

Mark Manson
Trích trong cuốn The Subtle Art of Not Giving a Fuck: A Counterintuitive Guide to Living A Good Life