Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Giá trị sống (4)



Câu hỏi quan trọng nhất trong đời bạn

Mọi người đều muốn những thứ có vẻ tốt đẹp. Mọi người đều muốn sống vô tư, hạnh phúc và dễ dàng, muốn yêu, muốn có những cuộc tình và những mối quan hệ tuyệt vời, muốn hoàn hảo, muốn kiếm được bộn tiền, muốn được nổi tiếng, được kính trọng và ngưỡng mộ, muốn là một nhân vật xuất chúng đến độ người ta phải rẽ ra như Biển Đỏ khi bạn bước vào phòng. 

Mọi người đều thích thế - thật dễ dàng.

Nếu tôi hỏi bạn “Bạn muốn gì trong đời?” và bạn nói gì đó kiểu như “Tôi muốn sống hạnh phúc, có một gia đình tuyệt vời và một công việc mà tôi thích” – thế thì quá phổ biến đến mức chả có chút nghĩa lý nào.
Một câu hỏi thú vị hơn, câu hỏi có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ đến từ trước tới nay, đó là: bạn muốn nỗi đau nào trong đời? Bạn sẽ quyết chí đấu tranh vì cái gì? Vì điều đó dường như là yếu tố quyết định lớn hơn khiến đời chúng ta biến hóa ra sao.
Mọi người đều muốn có một công việc tuyệt vời và độc lập tài chính – nhưng chẳng ai muốn cực khổ làm việc suốt 60 tiếng mỗi tuần, đi lại xa xôi, giấy tờ độc hại, bị điều chuyển thất thường trong các thang bậc doanh nghiệp và giữa những biên giới buồn chán của cả địa ngục các phòng ban vô hạn. Người ta muốn giàu có mà không gặp rủi ro, không cần hy sinh, không bị trì hoãn tiền thưởng cần thiết để tích lũy của cải.
Mọi người muốn yêu đương nóng bỏng và một quan hệ tuyệt vời – nhưng không ai sẵn sàng trải qua những cuộc đối thoại gay gắt, những khoảng lặng khủng khiếp, những cảm giác đau đớn và trị liệu tâm kịch xúc cảm để có được điều đó. Và họ cứ sống như vậy. Họ sống và tự hỏi “Chuyện gì nếu?” từ năm này qua năm khác cho đến khi câu hỏi biến đổi từ “Chuyện gì nếu?” thành “Nó là thế ư?” Rồi khi luật sư tới nhà với hóa đơn tiền cấp dưỡng trong thư, họ lại nói “Đó là vì cái gì thế?” Nếu không phải là vì những tiêu chuẩn và kỳ vọng đã bị hạ thấp xuống từ 20 năm trước của họ thì là vì cái gì đây?
Vì hạnh phúc cần đấu tranh. Sự tích cực là tác dụng phụ khi xử lý cái tiêu cực. Bạn chỉ có thể tránh những trải nghiệm tiêu cực một thời gian dài trước khi chúng ầm ầm trở lại trong đời.
Cốt lõi trong toàn bộ hành vi con người là, nhu cầu của chúng ta ít nhiều tương tự nhau. Những trải nghiệm tích cực đều dễ xử lý. Về mặt quan niệm, chỉ có những trải nghiệm tiêu cực khiến chúng ta phải đấu tranh. Do đó, những gì chúng ta đẩy ra khỏi cuộc đời không được quyết định bằng những cảm xúc tốt đẹp chúng ta mong muốn mà bằng những cảm xúc tồi tệ chúng ta sẵn sàng và có khả năng chịu đựng để đưa chúng ta tới những cảm xúc tốt đẹp.
Người ta muốn một thể chất thật ấn tượng. Nhưng bạn sẽ không có nó trừ khi bạn đánh giá đúng những đau đớn và căng thẳng thể chất phải chịu khi tập gym hằng giờ, trừ khi bạn yêu thích tính toán và hiệu chỉnh đồ ăn, lập kế hoạch cho cuộc đời theo khẩu phần trên những chiếc đĩa nhỏ.
Người ta muốn khởi nghiệp kinh doanh hoặc được độc lập tài chính. Nhưng bạn sẽ không thể trở thành một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn tìm được cách nhận thức rõ rủi ro, sự không chắc chắn, những thất bại lặp đi lặp lại, và những giờ làm việc điên cuồng với những thứ mà bạn chẳng biết liệu có thành công hay không.
Người ta muốn có một đối tác, một người bạn đời. Nhưng bạn sẽ chẳng thể thu hút được ai đó tuyệt vời mà không đánh giá cao sự hỗn loạn tình cảm đi kèm với những lời từ chối thất thường, tạo nên những rung cảm giới tính không bao giờ được giải phóng, và nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại không bao giờ đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình yêu. Bạn không thể thắng nếu bạn không chơi.
Cái quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn tận hưởng điều gì?” Câu hỏi là “Bạn muốn chịu đựng nỗi đau nào?” Chất lượng cuộc đời bạn không do chất lượng những trải nghiệm tích cực quyết định, mà là do chất lượng những trải nghiệm tiêu cực. Đối phó tốt với những trải nghiệm tiêu cực mới nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Có nhiều lời khuyên tồi cho việc này: “Bạn chỉ cần mong muốn đủ nhiều!”
Mọi người đều muốn thứ gì đó. Và mọi người đều muốn thứ gì đó đủ nhiều. Họ chỉ không nhận ra cái gì là thứ họ muốn, hoặc cái gì là thứ họ muốn “đủ nhiều”.
Vì nếu bạn muốn thu được lợi ích từ thứ gì trong đời, bạn đều phải trả giá. Nếu bạn muốn thân hình đẹp để đi biển, bạn phải có mồ hôi, những cơn đau, những buổi sáng sớm, và những cơn đói. Nếu bạn muốn có du thuyền, bạn cũng phải muốn những đêm muộn, những thương vụ mạo hiểm, và khả năng khiến một hay cả chục ngàn người nổi điên.
Nếu bạn thấy bản thân muốn thứ gì đó suốt nhiều tháng trời, nhiều năm trời, nhưng chẳng có gì xảy ra cả, và bạn chưa bao giờ đến gần nó hơn chút nào, thì những gì bạn muốn có lẽ chỉ là ảo tưởng, một sự lý tưởng hóa, một hình ảnh hay một lời hứa hão. Có thể những gì bạn muốn không phải là những gì bạn muốn, bạn chỉ thích được mong muốn. Có thể bạn không thực sự muốn có nó hoàn toàn.
Thi thoảng tôi hỏi mọi người “Anh lựa chọn chịu đựng thế nào?” Những người này nghiêng đầu nhìn tôi như thể tôi có 12 cái mũi. Nhưng tôi hỏi vì điều đó nói với tôi về bạn vượt xa những khao khát và ảo tưởng của bạn. Vì bạn phải chọn một cái gì đó. Bạn không thể sống cuộc đời chẳng có chút đau thương nào. Đời không phải toàn hoa hồng và rồng phượng. Và cuối cùng, đó là câu hỏi khó khăn và nhiều ý nghĩa. Hỏi về điều vui thích bao giờ cũng dễ dàng. Hầu hết chúng ta đều trả lời tương tự. Hỏi về đau khổ sẽ thú vị hơn nhiều. Nỗi đau nào bạn muốn trải qua?
Câu trả lời thực sự sẽ đưa bạn tới một nơi nào đó. Đó là câu hỏi có thể thay đổi cuộc đời bạn. Đó là thứ khiến tôi là tôi và bạn là bạn. Đó là thứ xác định chúng ta và chia rẽ chúng ta, rồi cuối cùng lại đưa chúng ta về bên nhau.
Hỡi các bạn thanh thiếu niên của tôi, tôi đã tưởng tượng trở thành một nhạc sĩ – cụ thể là một ngôi sao nhạc rock. Bất kỳ bản ghi-ta phá cách nào nghe được, tôi đều luôn nhắm mắt và tưởng tượng mình lên sân khấu biểu diễn nó trước tiếng la hét của đám đông, người ta hoàn toàn mất trí trước những ngón đàn ngọt ngào của tôi. Sự tưởng tượng đó chiếm giữ tôi hàng giờ liền. Nó tiếp tục theo lên đại học, thậm chí ngay cả khi tôi đã bỏ trường nhạc và dừng chơi một cách nghiêm túc. Nhưng kể cả như thế thì việc liệu tôi có thể chơi nhạc trước đám đông đang la hét không chưa bao giờ là một câu hỏi, mà chỉ là khi nào. Tôi đang chờ đợi cơ hội của mình trước khi có thể đầu tư một lượng thời gian và sức lực đúng đắn để thoát khỏi tình trạng đó và biến nó thành hiện thực. Trước tiên tôi cần học xong đã. Sau đó tôi cần kiếm tiền. Sau đó nữa, tôi cần có thời gian. Sau đó… và sau nữa, chả có gì hết.
Dù tưởng tượng về điều đó hơn nửa cuộc đời mình, nhưng thực tế chưa bao giờ tới. Nó làm mất của tôi một thời gian dài và nhiều trải nghiệm tiêu cực để cuối cùng hiểu ra lý do tại sao: tôi đã không thực sự muốn điều đó.
Tôi thích kết quả - hình ảnh của tôi trên sân khấu, mọi người vỗ tay cổ vũ, khiến tôi sướng điên lên, rót cả tâm tình vào những gì tôi đang chơi – nhưng tôi không thích quá trình. Vì thế, tôi đã thất bại. Cứ lặp đi lặp lại. Chết tiệt, tôi thậm chí còn không cố gắng đủ nhiều để thất bại. Tôi hầu như đã chẳng cố gắng chút nào.
Luyện tập cực nhọc hằng ngày, đôn đáo tìm một nhóm và diễn tập, đau khổ kiếm hợp đồng biểu diễn, rồi khiến mọi người thực sự tới xem và quan tâm. Dây hỏng, tube amp (amp có đèn sáng khi diễn live trên sân khấu) bị bật ra, kéo lê 40 pound (khoảng hơn 18kg) thiết bị đến rồi về để tập dượt mà chẳng có ô tô. Giấc mơ cao như núi và phải trèo hàng dặm để tới đỉnh. Mất một thời gian dài tôi mới phát hiện ra mình không thích leo núi lắm. Tôi chỉ thích tưởng tượng với cái đỉnh.
Nền văn hóa của chúng ta nói với tôi rằng tự thân tôi đã thất bại theo cách nào đó, rằng tôi là một kẻ bỏ cuộc hay một kẻ thất bại. Chủ nghĩa self-help (trào lưu sách đưa ra những lời khuyên để người ta tự làm theo để phát triển bản thân, nổi lên từ những năm đầu thế kỷ 21 từ Mỹ, sau lan ra cả thế giới) sẽ bảo rằng tôi còn chẳng có đủ dũng khí, đủ kiên quyết hay tôi không đủ tin vào chính mình. Đám đông doanh nhân hay các tay khởi nghiệp sẽ nói tôi đã hèn nhát từ bỏ giấc mơ và chịu khuất phục trước những áp đặt xã hội thông thường. Tôi sẽ được yêu cầu phải quả quyết hoặc phải tham gia một nhóm hay theo một danh sách của bậc thầy nào đó, hoặc gì gì đó.
Sự thật thì còn xa mới hay ho bằng: tôi đã nghĩ mình muốn cái gì đó nhưng hóa ra không phải. Hết chuyện.
Tôi muốn phần thưởng chứ không phải đấu tranh. Tôi muốn kết quả chứ không phải quá trình. Tôi không thích chiến đấu mà chỉ thích chiến thắng. Mà đời thì không vận hành kiểu đó.
Việc bạn là ai được xác định dựa trên những giá trị mà bạn quyết chí tranh đấu vì nó. Người thích chiến đấu trong phòng gym sẽ có thân hình đẹp. Người thích những tuần làm việc dài và địa vị trên thang bậc công ty sẽ trèo lên đó. Người thích stress và sự bất định kiểu nghệ sĩ đói khát cuối cùng sẽ sống với nó và tạo ra nó.
Đây không phải là lời kêu gọi ý chí hay “gan góc” (từ gốc: grit). Đây cũng chẳng phải lời khuyên “có công mài sắt có ngày nên kim” (cụm từ gốc: no pain no gain).
Đây chỉ là thành phần đơn giản và cơ bản nhất của cuộc đời: những cuộc chiến đấu sẽ quyết định thành tựu của chúng ta. Thế nên hãy lựa chọn cuộc chiến thật khôn ngoan, bạn của tôi ạ.

Mark Manson
Trích trong cuốn The Subtle Art of Not Giving a Fuck: A Counterintuitive Guide to Living A Good Life

1 nhận xét:

  1. xin chào cheryl pham.tôi đọc rất nhiều bài của bạn nó rất hay và ý nghĩa.cảm ơn đã chia sẻ.tôi rất muốn được nói chuyện với bạn

    Trả lờiXóa