Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Giá trị sống (1)



Giá trị của sự sống



Tháng 9 năm 2014: Tin tức đến từ Bỉ cho hay, một tù nhân bị rối loạn tâm thần sẽ được phép để chính phủ trợ giúp tự tử. Một cuộc tranh luận đạo đức nông cạn đã nổ ra – trợ giúp tự tử đối với một tù nhân có quá gần với án tử hình không? – trước khi quân át chủ bài của quyền tự do cá nhân lên đài. Jacqueline Herremans, đứng đầu Hiệp hội Quyền được chết của Bỉ nói “Dù gì đi nữa, họ là một con người, một con người thì có quyền đòi hỏi sự an tử.”

Đây là đỉnh điểm của một số lý luận đạo đức: quyền con người được chấm dứt là một con người.

Nếu những giá trị quan trọng hơn với bạn là quyền tự do cá nhân và sự lựa chọn, đây quả là một tình huống dễ dàng. Trong thực tế, mọi tình huống – dù bi kịch đến đâu đi chăng nữa – theo lý thuyết đều rất dễ dàng. Một tội phạm đang có vấn đề về tâm thần – hay một người già cô đơn, một thiếu niên chán đời – đều có mọi quyền lấy đi cuộc sống của chính mình. Từ bỏ sự tồn tại mà người ta thấy không thể chịu nổi.

Nhưng ngay cả người dân Bỉ cũng không thực sự tin vào điều này. Họ bao vây vấn đề trợ giúp tự tử bằng những tiêu chuẩn pháp lý. Trong tình huống này, người tù nhân rõ ràng gặp phải chứng rối loạn tâm thần không thể chữa được, đó là lời trích từ ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Bỉ, coi đó là lý do cho hành động của nhà nước giúp người đó chết. Hỗ trợ tự tử nói chung vẫn có ở Bỉ trong trường hợp đau ốm thể chất nghiêm trọng hoặc (gần đây hơn) mắc bệnh về tâm thần. Theo Hiệp Hội Báo Chí, 1.800 người Bỉ đã lợi dụng điều này năm 2013 – tăng 400 so với năm trước đó. Các bệnh gồm sa sút trí tuệ, ung thư và tâm thần. Bỉ chỉ đơn giản đang mở rộng quyền này cho các tù nhân.

Điều đó được biện hộ bằng hệ thống lý luận về sự lựa chọn. Nhưng việc xác định một số tầng lớp xã hội nhất định được trợ giúp tự tử thật khó mà phân biệt với bản án khi tầng lớp đó phạm tội. Trong trường hợp này, quyền tự tử không phải là của tất cả mọi người mà chỉ là của những người bệnh tật hoặc có khiếm khuyết rõ ràng nào đó. Và một “quyền” như vậy bắt đầu trông giống một kỳ vọng hơn. Cuối cùng, một người bị đau ốm tâm thần hay thể chất có thể bị giết, vì họ bị bệnh. Một tiêu chuẩn có thể sa tới chỗ thành một sự bao biện.

Đây là một thông điệp xã hội đặc biệt mạnh mẽ vì người dân mắc bệnh ung thư hoặc trầm cảm nặng đôi khi cảm thấy vô giá trị, hoặc giống như họ là gánh nặng đối với gia đình. Thật đáng thương khi quyền trợ giúp này dễ dàng biến họ thành công cụ cho hành động của chính mình.

Tất cả chúng ta – đặc biệt những người đang phải đối mặt với ung thư, Alzheimer, Huntington hay những bệnh kinh hoàng khác – đều có thể tưởng tượng ra các tình huống trong đó việc kéo dài sự sống có lẽ cũng không phục vụ cho mục đích sống. Nhà xã hội học Emile Durkheim nói: “sự khoan dung quá mức” của chúng ta với việc tự tử “là do thực tế, khi tình trạng tâm thần khiến việc này trở nên phổ biến, chúng ta không thể lên án nó mà không lên án chính chúng ta.” Chúng ta bị chính những suy nghĩ đen tối của bản thân buộc tội.

Nhưng khi một người bạn tự tước đi mạng sống của mình – nguyên nhân chết này giờ đây phổ biến ở Mỹ hơn cả chết vì tai nạn giao thông – có vẻ như đó không giống như một lựa chọn. Nó có lẽ giống kết cục trước mọi khả năng của một lựa chọn. Nó không có vẻ giống như tự do; nó có lẽ giống tình trạng nô lệ cho một khoảnh khắc tuyệt vọng. Phản ứng tức thời của chúng ta là: Tôi ước gì tôi biết được tình hình cậu ấy đang thật tăm tối. Tôi có thể đã làm nhiều hơn.

Ngay cả trong những trường hợp đau khổ kéo dài, một số trong chúng ta hẳn đã từng thấy người sắp chết để lại những món quà to lớn, yêu đời – những lời lẽ đầy tính khích lệ, chẳng hạn như lòng dũng cảm và đức tin – cho người ở lại. Hầu hết chúng ta đều cần các mô hình kiểu đó. T.S. Eliot viết: “Ông vẫn đang sống dù giờ đã chết. Còn chúng ta sống mà như đang chết. Với một chút kiên trì.”

Tình huống khó khăn nhất – hôn mê vô vọng, đột quỵ khiến hầu hết các chức năng não không hoạt động. Nhưng khuynh hướng đầu tiên của xã hội nên phản ánh những bản năng tốt đẹp nhất của chúng ta với tư cách là con người: hỗ trợ những người bị bệnh tâm thần và thể chất nghiêm trọng. Quan tâm tới họ trong những giờ phút tăm tối. Và đừng mang thông điệp xã hội tới – thông qua luật sư hay bác sĩ – khiến những người đang cảm thấy mong manh vô dụng cho rằng điều đang nghĩ là đúng.

Dù các học thuyết chính trị hiện đại tuyên bố bất cứ điều gì, sự sống có giá trị lớn hơn tự do và lựa chọn. Giá trị đó không tuyệt đối, như được thể hiện trong chiến tranh, bản án hình sự và tự vệ. Nhưng giá trị của sự sống rất lớn, và đặc biệt thể hiện trong cách một xã hội nhìn nhận và đối xử với những người dễ bị tổn thương.

Không có quyền con người nào làm mất đi tất cả quyền của chúng ta. Và phẩm giá của chúng ta vẫn tồn tại ngay cả khi chúng ta thôi không nhận ra nó.

-          Michael Gerson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét