Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Đa cấp ở Sài Gòn: ám ảnh tìm việc của lao động phổ thông



Đa cấp ở Sài Gòn: ám ảnh tìm việc của lao động phổ thông

            Bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn muốn tìm một việc làm bán thời gian, việc làm thời vụ hay việc lao động phổ thông nói chung? Bạn lên mạng hay đọc báo để nhanh chóng thực hiện mong muốn của mình. Hãy cẩn thận! 90% lời rao trên mạng hay trên báo đều dẫn đến cùng một nơi: công ty đa cấp.
           
Thực ra tôi cũng chẳng định viết về đề tài này. Thi thoảng nghe vài vụ lừa đảo từ kinh doanh theo mạng hay kinh doanh đa cấp trên tivi hay internet, lác đác cũng có vài người quen sơ sơ phàn nàn. Nhưng vì không phải là mình, cũng chẳng liên quan đến mình, nên tôi chỉ ậm ừ cho qua. Nhưng lần này, nó thực sự ảnh hưởng tới tôi và người nhà, nên tôi quyết định viết cái topic này để cảnh báo cho mọi người.

Cô em họ tôi chuyển cả gia đình từ Bắc vào Sài Gòn được gần tháng. Con bé hơn 30 rồi, nhưng rất năng động và giỏi giang. Hai vợ chồng lạ nước lạ cái, ở nhờ một cái nhà của tôi, vì muốn tìm hiểu Sài Gòn, ổn định công việc và nơi học hành cho con cái rồi mới tìm nơi ở cho thuận tiện nhất với các thành viên trong nhà.
Cô nàng vừa thu xếp việc học cho con, vừa hùng hục đi xin việc bán thời gian để có thêm trải nghiệm và quan hệ xã hội.

Tôi chả biết chỗ thân quen nào đang tuyển nhân viên thời vụ, đành bảo nó đi dọc mấy con phố gần nhà xem ai dán cái biển thuê người thì hỏi. Khổ nỗi, nàng dù trẻ trung và năng nổ, nhưng đã ngoài 30, một nách 2 con, đấu sao được với lực lượng nam thanh nữ tú trong độ non xanh 14-25 từ khắp miền Tây, Nam, Trung, Bắc đổ về Sài Gòn như thác lũ. Đi đến chỗ nào nàng cũng bị chê. “Tuổi em cao quá nhỉ!” “Chỉ định làm bán thời gian thôi à? Bán thời gian thì chị chỉ cần với tay cũng được một vốc 14-15 từ miền Tây lên, không đòi hỏi gì hết, bảo gì nghe nấy, nhào nặn sao cũng được. Còn như em, gái già nặng gánh gia đình, lắm đòi hỏi, sao chị chiều được?” “Gái Bắc Kỳ là chúa hay soi mói, làm cái gì cũng thích ổn định, lâu dài. Ghét lắm cơ!” “Trời, cô hai bằng đại học, sao tui dám tuyển cô làm giúp việc cho cả nhà tui không ai học quá lớp 9?”…
Chưa nản chí, tôi cùng nàng lên mạng. Nào là vieclamnhanh, vieclam24h, raovat… thôi thì đủ cả. Nàng với tôi gọi điện cho mẩu tin tìm người giúp việc theo ca, tìm người chăm bé, chăm vườn, tìm người bán hàng, tìm lao động thời vụ ở rạp phim CGV, tuyển nhân viên cho siêu thị Big C, Co.OpMart … Sau 2 tuần miệt mài theo đuổi các mẩu tin trên mạng, tôi rất bực mình vì mình từng sống ở đây khá lâu mà còn ngu hơn nàng, không giúp gì được nàng lại còn chỉ bảo sai vài lần. Thương nàng lắm. Còn nàng đau khổ vì tặng không cho thiên hạ gần triệu bạc, lại tốn cả thời gian, tiền và công sức đi lại, nói chuyện, tìm hiểu… Cuối cùng nàng ca thán: “10% là trung tâm môi giới, 90% là đa cấp. Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Mấy cô bé sinh viên làm cho tôi nghe thế, nhao nhao lên bảo: “Sao chị không nói với bọn em. Bọn em là sinh viên nên biết rõ nhất. Đừng bao giờ tin mấy cái rao vặt trên mạng. Sinh viên bọn em đứa nào đi làm thêm đều có kinh nghiệm với đa cấp và môi giới hết. Nếu muốn tìm việc bán thời gian hay lao động phổ thông, chị phải lên facebook hoặc những trang mà người đăng phải được xác nhận danh tính, chứng thực, bị review uy tín, và có thể tra được thông tin nguồn gốc của người đăng hay công ty tuyển dụng. Nếu không thì vào thẳng công ty chị muốn làm mà hỏi cho chính xác.”
Tôi ngạc nhiên hỏi mấy em: “Thế các em bị lừa mất tiền chưa?”
“Rồi, chỉ một hoặc hai lần thôi.”
“Sao chị search không thấy cái comment nào chê bai về mấy cái tin rao vặt kia cả?”
“Sinh viên nghèo bọn em đi làm thì làm gì có thời gian mà comment với feedback. Cứ dính vô một hai bận là tự khôn ra liền ha.”
“Nhưng như thế thì có nghĩa là các bạn em, chị, em chị hay những người đi tìm việc khác cũng có khả năng lớn sẽ bị lừa.”
“Phải trải qua mới nhớ lâu chớ chị. Mà có comment, chắc gì người ta đã nghe theo? Có khi còn bị lần ra dấu vết rồi bị xử cũng nên.”
“Thế bình thường các em tìm việc ở đâu? Có đến đoàn thể hội sinh viên hay những trang chuyên nghiệp như vietnamworks, linkedin không?”
“Ôi chị ơi, đoàn hội có việc làm thì chả đến lượt bọn em đâu. Em đăng ký tại hội chợ việc làm hàng tháng của địa phương mà cả năm nay họ cũng chưa gọi lại cho em hỏi một lời. Bạn em được giới thiệu phỏng vấn tại hội chợ đó, đi làm thật mới biết hóa ra là công ty bảo hiểm tuyển người đi bán bảo hiểm. Mấy trang mạng chị nói chỉ dành cho người tốt nghiệp hoặc cực ít việc part-time. Nếu có thì tiêu chuẩn cũng rất khó khăn, thi rồi phỏng vấn lên xuống, không phải cứ chìa thẻ sinh viên hay chứng minh thư là làm được ngay. Bọn em cần tiền, chả ai vào đó.”

Trời đất, thần linh ơi! Bảo sao tôi và cô nàng kia đều hơn 30 mà vẫn bị lừa.

Thử tính xem. Sài Gòn có hơn 8 triệu người (tính tới hết năm 2015 theo Cục Thống Kê). Thống kê chỉ có độ tin cậy khoảng 60-70%, vì còn một lượng lớn người lao động tự do và không thường xuyên từ nơi khác đổ về không thể kiểm soát hết. Do đó, thực tế, Sài Gòn có khoảng 13 -15 triệu người. Nhu cầu lao động phổ thông (tốt nghiệp cấp 1,2,3 thậm chí không học hành gì) cực lớn – trên 70% (số liệu năm 2010), trong khi cung thị trường thực sự có tới gần 90% là lao động phổ thông (chưa kể tầng lớp có học – sinh viên đại học, hay kiểu như cô em tôi – cũng muốn gia nhập tạm thời vào lực lượng này), tức khoảng 8,6 triệu người (số lượng người trong độ tuổi lao động ở Sài Gòn là 5,89 triệu/8 triệu dân, với độ chính xác thống kê khoảng 60-70%). Lực lượng đông đảo thế này đúng là miếng mồi quá ngon cho môi giới việc làm và đa cấp. Đã và sẽ có bao nhiêu người bi phẫn với cảnh đi xin việc lao động phổ thông ở Sài Gòn?

Bi phẫn. Tại sao ư? Để tôi kể cho bạn nghe nhé.
Cô nàng em tôi tìm việc trông bé. Tới 10 tin rao vặt thì cả 10 đều là môi giới.
Nàng tìm việc bán hàng. 10 tin rao vặt thì 1 tin qua môi giới, 9 tin từ công ty đa cấp (tất nhiên ban đầu cả tôi và nàng đều không nghĩ đó là đa cấp). Anh chàng môi giới lôi thôi lếch thếch bảo nộp trước 300 ngàn ký quĩ làm tiền bảo lãnh, sẽ hoàn lại khi có tháng lương đầu tiên, 100 ngàn tiền để sắm sửa dụng cụ, đồng phục, thẻ ra vào… Thấy không hợp lý, nàng từ chối. 9 tin còn lại, nàng chọn lấy một tin từ giọng nói trầm ấm – nghe “có vẻ” rất kiên định và nghiêm nghị. Giọng nói bảo nàng đến địa chỉ ABC. Khi nàng tới, thấy một công ty tư nhân nhỏ nhắn đang làm việc. Bảo vệ nói, chả có ai tên như thế ở công ty này. Nàng tá hỏa, gọi điện lại. Giọng nói chỉ dẫn nàng đi tới một số nhà khác, cách đó chừng vài trăm mét. Cũng chẳng thấy ai. Gọi tiếp lần nữa. Một nam thanh niên ăn mặc lịch sự, sạch sẽ đi ra, dẫn nàng vào ngõ nhỏ. Ngôi nhà kiểu nhà dân cho thuê, ngoài biển đề CSDK (cơ sở kinh doanh) XXX. Người ra người vào tấp nập như đi chợ. Nàng tá hỏa, môi giới hay đa cấp đây? Nhưng nàng được trấn an: không đa cấp, không lừa đảo, vì ở đây 90% là sinh viên và người có bằng đại học chứ không phải hạng thiếu hiểu biết mà làm những trò đó. Nàng được nghe về công việc bán hàng, tiền lương, thưởng, phúc lợi (lương 4,5 - 6 triệu/tháng + thưởng, du lịch 1 năm 2 lần trong nước, 2 lần nước ngoài – trời, giàu quá xá nha!). Phải nộp 160 ngàn để mua tài liệu sản phẩm (nhân viên ở đó giải thích: trước cho không thì mọi người toàn vất đi hoặc đi làm 1 hay 2 buổi rồi nghỉ và không trả lại khiến công ty thiệt hại, nộp tiền thế này là cách buộc người lao động cam kết làm việc nghiêm túc). Nghe hợp lý, nàng nộp tiền. Không thấy biên lai thu tiền đâu, mà lại là một tờ giấy yêu cầu nàng viết tay “Đơn tình nguyện cam kết…”, đại loại viết rằng, nàng đã nộp tiền (không ghi số tiền) để mua tài liệu, làm thành viên của công ty (không ghi rõ công ty nào) và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không tuân theo cam kết. Ký xong nhân viên lấy đi mất. Nàng ớ ra hỏi bản lưu cho mình. “Không cần chị ạ, chỉ là xác nhận tay đảm bảo chị đã đóng tiền làm thành viên. Khi chị đi làm, tài liệu sẽ được phát cho chị.” Xong. Nàng được yêu cầu đi nói chuyện với vài người. Em nam nhân viên tự nhận là người hướng dẫn cúi chào họ như kiểu Nhật, nhưng không phải với sự ngưỡng mộ hay tôn trọng, mà sự sợ sệt xen lẫn phục tùng kiểu gượng ép. Các cuộc nói chuyện đều cùng một kiểu, đề cao thành công và tiền bạc, lấy mọi bất lợi trong hoàn cảnh của nàng để mổ xẻ và phân tích để nàng thấy, nàng đã hết đát, đây là nơi duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn nàng có thể tìm được chốn dung thân. Bỏ mẹ, đúng động đa cấp rồi! Nhưng chưa thấy ai đề cập đến sơ đồ kinh doanh, thang bậc ăn chia, sản phẩm hay tự nhận họ là đa cấp. Họ chỉ nói cho nàng về tình người, thái độ, công việc bán hàng và những thành công to lớn của họ (không hề cụ thể, mà chỉ nói kiểu: chị ấy là một quản lý nhiều kinh nghiệm và cực kỳ tài giỏi, có nhiều cửa hàng và doanh thu cực kỳ đáng ngưỡng mộ…). Hỏi chi tiết tên cửa hàng, doanh thu bao nhiêu… đều bị từ chối khéo. Nàng được hẹn hôm sau đến đào tạo. Tôi bảo nàng ngay tối đó, “đa cấp rồi, thôi bỏ đi”. Nhưng nàng kiên quyết đi tiếp, vì muốn xem tận cùng nó là hình thức mới thế nào, có chính trực và nghiêm túc không. Hôm sau, cũng gặp vài người có cùng kiểu nói chuyện hết sức nhảm nhí và đặc trưng của đa cấp, kiểu trẻ trung, sôi nổi và khoa trương quá độ, nhưng về bản chất thì sáo rỗng và không có chút nội hàm nào, tất nhiên chỉ lòe được người ít hiểu biết. Thông tin về công ty vẫn bị giấu – bí ẩn nhể, chả nhẽ là lừa đảo thật? Còn một tin đáng kinh ngạc hơn, đa số nhân viên là sinh viên đại học (chứ không phải ngu dân đâu nha), quản lý cũng nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng chả tìm được việc làm đủ để trang trải cuộc sống bằng công việc này (đấy là họ nói thế). Nàng đi tiếp hôm thứ ba. Lại nói chuyện với vài người giống style hôm trước. Dù có giả bộ quản lý cấp cao cực kỳ thành công, thu nhập 9 con số là ít, nhưng vẫn mặc đồ hạng trung, trang sức rẻ tiền, và phấn trang điểm thấm nước, xài son bạt màu (rất hại sức khỏe đó nha bà con). Nàng thẳng thắn đề nghị: đây là kinh doanh đa cấp, nói vào vấn đề chính đi cho khỏi mất thời gian. Thế là họ gật đầu. Kinh doanh theo mạng. Đúng pháp luật. Không lừa đảo. Dựa trên sự tự nguyện của mọi người. Đòi lại 160 ngàn đã nộp ư? Quên đi, chị tự nguyện đóng tiền. Không ai bắt ép chị cả. Chị còn tham gia tới 3 ngày, bao người tận tình chỉ bảo chị sùi cả bọt mép, đã ai đòi đồng nào từ chị chưa. Thế thì đưa chị tài liệu đi, chị nộp tiền mua tài liệu mà chả thấy mặt mũi tài liệu đâu. Chỉ khi nào chị đi làm mới được phát tài liệu. Giờ đi hay không, quyết định vẫn là ở chị! Hic hic, thế là nàng được mời khỏi công ty vì không phù hợp, tiền cũng chả lấy lại được. Nàng muốn báo công an, cũng chả giữ lại bằng chứng gì làm tang vật. Thật kinh ngạc khi hành vi lừa đảo này được sự tiếp tay của nhiều phần tử tri thức, trong đó có sinh viên của nhiều trường có tiếng ở Sài Gòn. Họ mất tiền, nhưng lại muốn lừa tiếp người khác để lấy lại vốn mới thôi.
Nàng đăng ký giúp việc bán thời gian. Tất nhiên rơi vào ổ môi giới. Một số nói không thu tiền, nhưng sau đó chủ nhà nói sẽ trừ tiền kèm theo một lô lốc điều khoản còn kinh hơn cả đi làm công ty nhà nước. May mắn tìm được một công ty môi giới có uy tín (startup từ Hà Nội tới, nghe nói còn được Nhật đầu tư, VTV1 và nhiều báo đài giới thiệu). Công ty đề nghị nộp 450 ngàn tiền dụng cụ và đồng phục. Nàng đã tra cứu về công ty, thấy có tiếng và cũng có uy tín, đồng ý nộp tiền. Nhưng nhân viên lại nói, chị phải sắm con OPPO android 4.0 thì mới chạy được phần mềm của công ty. Nhân viên làm giúp việc ở đây thật sành điệu! Thế công ty có chi trả cho khoản này không? Không, nếu đã đi làm thì chị phải đầu tư chứ? Hic, nàng đành bảo để đó, nàng suy nghĩ đã.
Nàng tìm tới chỗ tuyển lao động thời vụ ở khu chế xuất. Môi giới việc làm. 500K đặt cọc + 250 K tiền gì gì đó. Thôi chào.
Nàng gọi tới 10 chỗ nữa, chèn thêm một câu mào đầu: nếu môi giới hay đa cấp thì tha cho chị nha. Bị nó chửi cho tối mắt tối mũi: con điên, con thần kinh…
Mẹ nó chứ, việc lao động chân tay mà đi khắp thành phố hơn chục triệu dân cả tháng trời không kiếm được. Tôi điên tiết bảo nàng: môi giới thì sao chứ, cũng hợp pháp mà, mày đăng kí đi, có gì chị trả tiền và chịu trách nhiệm. Thế là nàng gật đầu nhăn nhó tới một công ty giới thiệu việc làm với tin rao trên mạng là “tuyển nhân viên rạp phim CGV-cinema thời vụ hè 2017”. Tới đây, chả ai quan tâm nàng dự định gì. Thích làm gì cũng OK hết. Đóng 450 ngàn trước (mỗi nhân viên nói một kiểu: tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh, tiền này nếu không làm sẽ mất, anh trưởng phòng lại hứa hẹn tiền này sẽ hoàn trả sau một tháng nếu vẫn giữ hóa đơn). Sau đó đóng thêm 250K làm thẻ. Nàng được điền vào danh sách cho đi làm nhân viên thời vụ của siêu thị với giấy hẹn trên tay. Mấy hôm sau, nàng đến chỗ hẹn, gọi mấy cuộc cho người liên lạc trong giấy hẹn mới được vinh dự nghe máy. Anh này ê a hỏi han một hồi rồi bảo phải chuẩn bị đủ giấy tờ có công chứng để tháng sau anh ta mang đi nộp cho kịp. Nàng nghi nghi, chạy ra hỏi nhân viên siêu thị. Bảo vệ và nhân viên nhìn tờ giấy rồi à một phát: "Nộp cho bọn nó bao nhiêu rồi? 450 ngàn?" "Vâng, đó chỉ là tiền ký quĩ. Còn 250 ngàn tiền làm thẻ, đồng phục sẽ không được hoàn lại nữa." "450 ngàn kia con cũng không lấy lại được đâu. Bọn này chuyên cung cấp bảo vệ cho các nơi. Nếu may mà con vào được, phải làm bảo vệ thì có làm được không. Còn lại đa số là mất trắng." Bác bảo vệ lắc đầu chỉ cho nàng vào nói chuyện với phòng nhân sự của siêu thị. Cô bé nhân sự bảo "Chị bị lừa rồi. Các siêu thị nói chung không liên kết với công ty môi giới nào thu tiền người xin việc cả. Chị nộp trực tiếp hồ sơ, nếu trúng tuyển đi làm thì bọn em phát thẻ và đồng phục miễn phí cho chị. Khi nào chị nghỉ việc thì mang trả thẻ và đồng phục. Nếu không trả, sẽ bị trừ vào tháng lương cuối cùng. Còn chị nộp tiền và hồ sơ cho môi giới, họ lại đến nộp cho bên em như thế này thôi. Còn chị thì mất tiền." Nhân thể, nàng biết có nhiều người cũng bị lừa như mình. Hic, lẽ ra các nhà quản lý siêu thị phải thông báo trên truyền thông hay chính quyền để bảo vệ uy tín công ty và cả người lao động chứ nhỉ? Hay ở Sài Gòn việc này nhiều tới mức không làm xuể? Nàng cũng xin được làm nhân viên siêu thị. Nhưng hị hị công việc quả thực khủng khiếp với bệnh hen phế quản của nàng. Thế là sau 2 ngày kiên trì, nàng ốm lăn rồi bái bai siêu thị. Đi đòi lại tiền 450K ở bên môi giới, họ phát hiện ra tên nàng trong giấy hẹn không giống trong chứng minh thư – không trả. Ôi giời, nàng đã quên không kiểm tra biên lai lúc đóng tiền. (Comment thêm về cái công ty môi giới này nha bà con: sau một tháng chị em mình lượn qua trụ sở của nó - ở đường số 7 và đường số 52 phường Tân Tạo quận Bình Tân ấy, công ty biến mất, hàng xóm bảo đó là một lũ lừa đảo, bị công an bắt rồi, bắt xong chúng nó chạy vào trong ngõ rồi chạy đi đâu đó, còn trụ sở ở đường 52 thì treo biển một công ty tuyển dụng bảo vệ to tổ bố, chú em bảo vệ xua vội vàng "Công ty trước là công ty lừa đảo bị chủ nhà đuổi đi rồi. Công ty này mới tới đây thôi, có giấy tờ hợp pháp mà. Từ sáng đến giờ có 3-4 người cũng đến như các chị đấy. Bị lừa rồi!" Hic hic, nhìn cái biển tuyển dụng bảo vệ và cái cách bố trí trong phòng giống hệt lúc đến đây mà nghi quá trời a! Chả lẽ lại báo công an, mà công an đã dẹp rồi, giờ nó còn treo biển to hơn cả trước đó thôi! Gọi lại cho số máy liên lạc lần trước (anh Sơn nào đó 0123.405.5754) thì "thuê bao quí khách vừa gọi hiện không liên lạc được..." Bà con chú ý nhé, cảnh giác với cái công ty này!)
Cuối cùng, tôi bảo nàng, muốn tận dụng được hơn 8 triệu lao động phổ thông ở thành phố này hóa ra vô cùng đơn giản, mày chỉ cần mở một trung tâm giới thiệu việc làm hoặc một công ty đa cấp là đủ.

Hiện giờ, nàng đang trông cửa hàng cho một bà chị đồng hương, do mấy em sinh viên chỉ chỗ cho. Bà chủ cửa hàng còn hứa hẹn sẽ dẫn mối làm ăn khi nàng mở cửa hàng mấy tháng tới (tất nhiên nếu không cùng khu với bả ;-)).

Tôi viết lại hành trình gian nan tìm việc thời vụ của cô em tôi để mọi người thấy, những người dân ngoại tỉnh, dân tứ xứ, học sinh, sinh viên tới Sài Gòn làm việc thời vụ, lao động tay chân thì phải mất mát những gì, gian nan thế nào. Các cô bé sinh viên quanh tôi đi làm thêm đều từng gặp cảnh đó. Các em đều khẳng định, đa cấp là nỗi lo lớn nhất với lao động phổ thông.
Hãi nhất khi đa cấp ẩn mình trong phần lớn các thông báo tuyển dụng. Chúng nhắm trúng vào lượng đông đảo những người khát khao cơ hội thay đổi, vật vã kiếm tìm việc, nhưng lại thiếu sự khôn ngoan “đô thị” cần thiết để tỉnh táo hoặc kiên định về mặt đạo đức trước các chiêu trò với bề ngoài mị dân rất khoa trương, lôi cuốn của cộng đồng đa số người bán hàng theo mạng thừa sôi nổi nhưng thiếu tâm đức.
Hãi tiếp theo, ở cấp độ nhẹ hơn (vì không ảnh hưởng tới đạo đức, nhân cách, nhân sinh quan của mình và nhiều người) là các trung tâm môi giới việc làm. Trung tâm môi giới việc ở Sài Gòn tràn lan, không có tổ chức. Cô em tôi bảo, ở đây, có lẽ ai cũng làm môi giới việc làm được. Không cần biển hiệu, không cần đăng ký kinh doanh, không cần nhân viên… Chỉ cần có tin vu vơ nào đó, bạn post lên mạng, thế là có khả năng moi tiền của thiên hạ được rồi.

Ở Hà Nội và các tỉnh thành khác, đa cấp và môi giới việc cũng nhiều chả kém. Nhưng không rầm rộ như Sài Gòn. Tôi test thử thị trường lao động phổ thông ở Hà Nội và Hải Phòng, kết luận rằng, vẫn có đa cấp, nhưng chỉ chiếm 2-3% ở Hà Nội và 1% ở Hải Phòng. Cũng có thể vì lượng việc lao động phổ thông ở những nơi này đăng trên internet không nhiều để phản ánh trung thực hiện trạng.

Đa cấp là một hình thức kinh doanh bán hàng trực tiếp – bán hàng theo mạng – vốn được coi là hình thức kinh doanh thời hiện đại, rất văn minh và phát triển tốt ở Mỹ, châu Âu. Hoa hồng cũng chỉ ngang bán hàng truyền thống 7-10%. Chả hiểu sao, sang Việt Nam mình, mức hoa hồng lại bị đội lên cao thế (35-75%). Nhiều người đỏ mắt vì tham, nghĩ ra mọi trò, bán luôn anh em bạn bè, lừa cả đồng bào để làm lợi cho mình.
Sản phẩm của đa cấp vô cùng đa dạng: thuốc, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, hàng xa xỉ phẩm… nhưng nổi tiếng lẫn tai tiếng nhiều nhất vẫn là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Mấy năm trước chính tôi bị nhân viên bán mỹ phẩm theo mạng lừa cả chục triệu vì hàng giả, hàng dùng thử miễn phí, hàng kém chất lượng (ở Hà Nội nhá).
Hình thức kinh doanh không phải là vấn đề. Đây là con người và pháp luật.
Tất nhiên không thể chụp mũ khẳng định con người Việt Nam đều hám lợi, lừa đảo, nhiều ngu dân với điêu dân. Chỉ là, pháp luật không có chế tài phù hợp, nền dân trí chưa cao, khiến con người bị cái lợi áp chế dễ dàng.
Biến tướng đa cấp ở Việt Nam giờ muôn hình muôn vẻ. Các công ty trung thực sẽ treo biển quang minh chính đại ở đường lớn, phố lớn. Nhưng đa cấp lừa đảo sẽ ẩn nấp trong ngõ nhỏ, phố nhỏ, hành tung kiểu du kích, bí mật, vài tháng lại thay địa điểm một lần.

Dưới đây là một số đặc điểm để bạn nhận dạng đa cấp lừa đảo:
-          Quanh co: người chỉ đường cho bạn không nói địa chỉ chính xác, mà dắt bạn vòng vèo mới tới nơi được.
-          Văn phòng hỗn loạn: người ra kẻ vào, đứng ngồi đông đúc, điều kiện văn phòng không tốt (không có điều hòa cho mọi phòng, không có camera và bảo vệ nghiêm ngặt…), nhân viên cũng ra vào hỗn loạn, mỗi nhân viên nói chuyện với một hoặc hai người nhất định.
-          Che giấu thông tin: thông tin công ty, sản phẩm, mô hình kinh doanh không được chia sẻ minh bạch ngay từ đầu cho bạn. Thậm chí nhiều công ty còn yêu cầu bạn không mang điện thoại hay đồ đạc vào phòng, vì sợ bị ghi âm, ghi hình trộm. Một số công ty còn đổi trụ sở làm việc liên tục: vài tháng hay 1 năm đổi một lần. Nếu ứng cử viên có học quá mức, hoặc nếu hớ ra là rất hiểu biết về pháp luật thì họ lập tức từ chối và tìm cách nhanh chóng tống cổ bạn ra khỏi công ty. Nếu đa cấp hợp pháp sẽ chia sẻ tức thì với bạn ngay lúc đầu (như Amway, Herbalife…), không thèm giấu, vì cả thế giới biết họ kinh doanh kiểu đó.
-          Thu tiền của người tìm việc: trò dụ mua dùng thử sản phẩm đã lỗi thời. Giờ đa cấp lừa đảo nghĩ ra cả trăm kế để moi tiền của bạn. Nếu một công ty bảo bạn nộp tiền khi bạn đến tuyển dụng, thế thì việc bạn cần làm là: quay đầu bước ra khỏi cửa. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn tò mò muốn biết đa cấp hoạt động thế nào hoặc thực sự muốn tham gia. Nếu vậy, khi đóng tiền phải đòi biên lai và kiểm tra thông tin công ty, tên bạn, số tiền, chữ ký thật chính xác – sau này đưa lại cho công an làm tang vật. Amway, Prudential, AIA… vẫn làm việc này công khai và nghiêm túc đấy thôi.
-          Phong cách khoa trương rất ấu trĩ đặc trưng của nhân viên trong công việc: đây là điểm dễ nhận ra có phải đa cấp hay không nhất. Nhân viên của thể loại này khá hoạt ngôn – vì dựa vào vốn liếng lời nói để kiếm ăn mà. Càng là lừa đảo thì càng hoạt ngôn. Khoa trương quá mức. Luôn tự khen nhau rất giỏi, rất tài năng. Thực tế có khi còn chẳng có nổi 100 ngàn trong túi. Ăn mặc sơ mi, quần âu, thậm chí có nơi còn đóng bộ comple, vest rất đẹp mắt, như nhân viên văn phòng của các công ty lớn. Cách nói chuyện thì giống nhau như đúc, thiên về đào tạo kỹ năng nói trước đông người, kiểu tự tin một cách khoa trương và ngu muội. Công ty lừa đảo thì còn khoa trương hơn và có tiết mục “đào tạo” nhiều hơn.

Còn với môi giới lao động, đây là đặc điểm của những nơi môi giới không nghiêm túc bạn nên tránh ngay từ đầu:
-          Nộp tiền không có lý do chính đáng: qua môi giới tất nhiên 99% bạn phải nộp tiền (không trước thì sau, không hữu hình thì “vô hình” như chủ trừ lương, nộp thêm vài khoản phí phát sinh…). Nhưng bạn hãy hỏi những người xin làm việc tương tự xem họ có bị trừ như thế không và bản thân bạn có cảm thấy việc đầu tư như vậy là xứng đáng và phù hợp với hiện trạng kinh tế của bạn không? Sau đó nhớ xin biên lai hoặc giấy viết tay xác nhận thu tiền. Nếu vẫn không có được biên lai, bạn nhớ ghi lại địa chỉ, tình huống… nếu sau này có dấu hiệu lừa đảo thì có chi tiết mà báo công an. Chú ý, những việc như thu ngân, bán hàng, nhân viên siêu thị, rạp phim… tốt nhất cứ đến trực tiếp doanh nghiệp mà hỏi – không mất xu nào, đôi khi lại tìm được việc tốt hơn mong đợi, hoặc có khi họ không có nhu cầu nhưng vẫn cho vào thực tập, phụ việc – tôi biết nhiều em sinh viên được các doanh nghiệp tạo điều kiện kiểu này đó.

Lưu ý quan trọng nữa, nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo hoặc làm ăn không nghiêm túc, hãy báo công an hoặc post thông tin lên mạng để những người tìm việc khác không bị lừa như bạn. Không tiếp tay cho lừa đảo và làm ăn không chân chính, không nghiêm túc. Hãy giúp môi trường lao động ngày một tốt hơn bằng cách kiên quyết bài trừ cái xấu, cái không tốt.





Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Giá trị sống (6)



Giá trị của sự sống

Nếu bạn có tiền và muốn cứu rỗi các sinh mạng, tốt hơn hết bạn nên đặt giá cho mỗi sinh mạng. Scott Alexander giải thích điều này tốt hơn tôi.
Nhưng đừng nhầm lẫn giá cả của sự sống với giá trị của sự sống. Tôi thấy việc đó xảy ra quá thường xuyên. Để sửa lỗi này, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện nhỏ.

*
*   *
Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi làng toàn người bất tử sống rất ôn hòa. Họ dường như không bao giờ đi qua tuổi thanh xuân, nhưng vẫn có thể chết vì đói khát hoặc thương tật. Có lẽ vì cuộc sống của họ quá lâu dài và đầy đủ, họ đều đánh giá cao nhau và chung sống hòa bình. Quả thực, không có nơi nào mà dân làng không thể tới để cứu ai đó trong số họ khỏi hủy diệt ngoài mong đợi.

Chí ít đó là cuộc sống trước khi con rồng xuất hiện.

Loài rồng chỉ khao khát hai thứ từ con người, chắc bạn đã biết: vàng và thịt. Khốn khổ thay cho dân làng, con rồng này thực sự vô cùng mạnh – gần như bất khả chiến bại, lại xảo quyệt. Con rồng có khả năng dễ dàng giết toàn bộ dân làng tức thì này đưa ra một tối hậu thư trâng tráo:
Hằng năm, mỗi người dân trong làng phải nộp thuế bằng vàng, lượng vàng này tỷ lệ với số tuổi của người đó. Ai không trả đủ thuế sẽ bị ăn thịt.

Dân làng nài nỉ van cầu, họ khóc lóc rồi giận dữ, nhưng con rồng chẳng nhúc nhích. Nó chỉ cho họ thấy mấy đống đá có vẻ giống những mỏ vàng lớn và bảo họ làm việc.

Dân làng cố hết sức. Họ làm việc thực sự. Họ không phải là thợ mỏ, nhưng họ học rất nhanh. Họ lao động rách rưới, ném đá, đào đất bằng bàn tay trần cho tới khi những ngón tay chảy máu, đi săn bắn hái lượm càng ít càng tốt, để nơi trú ngụ của mình hư hỏng đi – may ra họ có thể không phải nộp thuế cho rồng. Cuối năm, con rồng trở lại, lấy toàn bộ số vàng họ có và mười người dân già nhất (vì từ bỏ những người già nhất là cách để cứu được nhiều người nhất).

Bị dồn vào thế cùng quẫn, dân làng quyết tâm cố gắng chăm chỉ hơn nữa trong thời gian tới. Họ căng mình làm hết khả năng và còn hơn thế nữa. Họ chạy đua với thời gian. Họ trở nên hốc hác và rách rưới. Đôi mắt họ chùng xuống, da họ xám xịt, cánh tay họ gầy nhẳng. Họ tự thúc mình làm việc quá vất vả, cho tới khi họ ngã xuống trong các hầm mỏ. Lần sau, khi con rồng tới, nó lấy đi toàn bộ số vàng và 50 người.

Chiến lược này của họ không hiệu quả.

Nhưng dân làng sinh ra thuộc loài người, mà khéo léo là đặc tính di truyền của loài người. Vì thế vào năm thứ ba, những người làng còn sống sót cảm thấy cay đắng với hoàn cảnh này, bèn quyết định phải đi săn bắn hái lượm và trở nên mạnh hơn, chấp nhận việc họ phải tự chăm sóc mình trước khi có thể chăm sóc bạn bè đồng loại. Họ bắt đầu làm cuốc và xẻng, vì nhận ra không thể tự cứu mình chỉ bằng đôi bàn tay trần.

Cuối năm thứ ba, con rồng tới lấy toàn bộ vàng và 100 người, vì lúc này cơ sở hạ tầng chưa bắt đầu sinh lợi cho họ.

Nhưng vào cuối năm thứ tư, con rồng chỉ còn lấy đi 2 người.

Rất nhanh sau đó, con rồng (rất vui mừng vì sự tiến bộ của họ) đã thông báo với dân làng rằng từ giờ thuế bắt đầu tăng nhanh hơn, theo cấp số nhân.
Lúc này, dân làng chỉ gật đầu, và rèn luyện để cơn nóng giận của mình dần trở nên lạnh lẽo.

Rồi rất nhiều, rất nhiều năm qua đi kể từ khi con rồng đến ngôi làng. Thực ra đó không còn là một ngôi làng nữa: ngôi làng đã phát triển thành một thành phố, rồi thành phố phát triển thành một đất nước văn minh.

Dân số bây giờ trẻ hơn. Người trưởng thành đã khôn ngoan hơn và năng suất hơn, nên có thể thu được nhiều vàng hơn từ đất mỗi giờ, nhưng đơn giản sẽ tới thời điểm năng suất gia tăng này không còn đáng giá bằng chi phí cho sự sống. Khi thời điểm đó đến, những người già sẽ tự nguyện cho đi sinh mạng mình, vì họ không thuộc tuýp người muốn mua sự sống của mình bằng cái giá của hai người khác.

Trên thực tế, việc cân bằng nhọc nhằn như thế rất phổ biến. Từ lâu dân làng đã khám phá ra sự chuyên môn hóa và làm kinh tế, giờ đây hầu hết mọi người không còn làm việc trong các hầm mỏ nữa. Một số dành thời gian nuôi trồng và chuẩn bị thức ăn, số khác dành thời gian bảo trì nơi trú ngụ, số khác nữa dành thời gian sáng tạo những công cụ và phương pháp mới có thể theo kịp tốc độ tăng thuế khủng khiếp của rồng. Một số lại dành cuộc đời cho nghệ thuật và giải trí – vì dân làng đã học được tầm quan trọng của việc duy trì động lực và tinh thần.
(Còn một số dân làng, ở sâu dưới lòng đất, xa tầm mắt con rồng, đang thiết kế vũ khí.)

Vì thế, bạn sẽ thấy trong xã hội văn minh này, có những người cống hiến cuộc đời không phải để đào vàng, mà viết sách – nhưng nếu bạn nhìn gần hơn, bạn sẽ nhận ra việc đó chỉ xảy ra khi vị tác giả kia có thể cứu rỗi được nhiều sinh mạng hơn nếu vị đó làm việc trực tiếp trong hầm mỏ nhờ làm tăng tinh thần và năng suất của mọi người. Do đó, song song với việc cứu rỗi được ngày càng nhiều sinh mạng mỗi năm, nền văn minh này vẫn sản xuất sách vở, sân khấu và phim ảnh.

Điều ấy có nghĩa là trong thời hiện đại, bạn có thể tính ra chi phí chính xác để cứu rỗi thêm một sinh mạng. Nó cho thấy, một sinh mạng có cùng mức giá với một nghìn vé xem phim.

Khi điều đó xảy ra, hai công dân trong thế giới bị rồng áp bức này, Alice và Bob, đã có cuộc trò chuyện về giá trị sống, ngay lúc này. Hãy lắng nghe nào:

Alice: Cậu thấy đấy, giá trị thực sự của một sinh mạng tương đương với khoảng một nghìn lượt xem bộ phim bom tấn mới nhất.
Bob: Vớ vẩn! Một sự sống đáng giá hơn nhiều so với hai ngàn giờ xem phim! Sự sống là vô giá! Cậu không thể đặt giá cho một đời người!
Alice: Rõ ràng thế còn gì! Nếu cậu hành động không nhất quán với việc định giá sự sống, nhất định cậu sẽ bị lẫn lộn tiền bạc nếu muốn cứu rỗi thêm nhiều sinh mạng hơn nữa. Nếu cậu muốn cứu được càng nhiều người càng tốt với chỉ một số lượng tiền hữu hạn, cậu buộc phải đặt giá cho sự sống!
Bob: Nhưng một ngàn lượt xem một bộ phim chỉ đơn giản là không đáng giá bằng một cuộc đời! Nếu tôi phải chọn giữa một ngàn lượt người xem một bộ phim bom tấn và sự sống của mẹ tôi, tất nhiên tôi sẽ chọn sự sống của mẹ tôi dù chỉ một ngày!
Alice: Phải, nhưng trực giác kiểu này không phù hợp. Thị trường sinh mạng ở đây đang hiệu quả, và thị trường nói rằng, một sinh mạng tương đương với khoảng một ngàn lượt xem bộ phim bom tấn mới nhất. Sự sống của mẹ cậu không giá trị hơn niềm vui tích lũy từ một ngàn người trải qua khi xem bộ phim bom tấn mới nhất! Trải nghiệm xem phim và sự sống của mẹ cậu đã trở thành có cùng giá trị, và nếu trực giác của cậu không chấp nhận điều này, cậu sẽ phải sửa nó!

Bạn có nhìn ra sai lầm ở đây không?
Alice và Bob, cả hai vừa đúng, lại vừa sai.

Alice đúng vì dân làng buộc phải đối xử với một sinh mạng tương đương với vài nghìn giờ xem phim. Do toàn bộ dân làng vẫn đang cố cứu nhau, nên một nghìn người này sẽ chỉ đi xem phim nếu việc đó tạo ra thêm động lực và tinh thần để họ tạo thêm lượng của cải đủ để cứu thêm một người nữa. Nếu bạn buộc những người này ngừng đi xem phim, thay vào đó đưa số tiền này của họ vào sản xuất vàng thì toàn bộ lượng vàng được sản xuất ra sẽ ít hơn, vì thế sẽ có nhiều người bị ăn thịt hơn. Bob phải cân bằng giữa hai nghìn giờ xem phim và một sinh mạng, nếu cậu ấy muốn tối đa hóa số lượng sinh mạng được cứu sống.

Nhưng Bob cũng đúng khi nói giá trị một cuộc đời còn lớn hơn nhiều so với hai nghìn giờ xem phim!
Lời của Alice được hiểu là tổng toàn bộ trải nghiệm của hai nghìn giờ xem phim bằng với giá trị thực sự của một đời người. Thị trường đã nói thế, và bạn không được phản đối nếu muốn cứu mạng mọi người.
Nhưng thực tế, lý do Bob phải đối xử với hàng ngàn lượt xem phim giống như với một sinh mạng là vì việc xem phim này làm tăng tinh thần, từ đó thêm một mạng người được cứu. Thực tế này không đánh đồng trải nghiệm của một đời người với niềm vui khi đi xem phim.

Alice đã quên mất việc ngôi làng đang bị con rồng quấy nhiễu.
Nếu không vì con rồng, những người dân làng này có thể làm bất kỳ việc gì để cứu nhau thoát khỏi những cái chết không mong muốn. Có lẽ cũng có lúc họ không thể làm gì được để cứu một người bạn, cái giá mà họ không thể trả nổi tính bằng đau khổ, muộn phiền và chất lượng sống giảm đi trong phần còn lại của dân làng. Nhưng khi không có con rồng, chi phí này còn cao hơn nhiều so với hai nghìn giờ xem phim.
*
*   *
Suy luận hoàn toàn tương tự. Giờ hãy nhìn vào thế giới của chúng ta. Nền kinh tế của chúng ta không hiệu quả - tốn vài triệu đô la để cứu một sinh mạng ở các quốc gia phát triển, và tốn vài nghìn đô la để cứu một sinh mạng ở các quốc gia đang phát triển (nơi việc “cứu mạng” thật ra chỉ có nghĩa là “đẩy cái chết lui lại một chút” trong những thời khắc đen tối). Hơn nữa, nền kinh tế của chúng ta không tối đa hóa vì sự sống của nhân loại: con người dễ phải đương đầu với sự vô cảm và bị xoay vần trong những thành kiến làm nản chí nguyện quan tâm tới việc người khác có chết theo ý nguyện hay không. Hơn thế, không chỉ quan tâm tới những sinh mạng chúng ta cứu được, mà quan trọng là phải quan tâm tới những sinh mạng đang sống.
Bất chấp điều đó, chúng ta không phải hoàn toàn khác những người dân làng kia ở cách chúng ta có thể làm để cứu lẫn nhau nếu cái chết không hẳn là không thể tránh được.

Tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi không biết làm thế nào chúng ta cân bằng giữa bảo vệ sự sống, cải thiện sự sống và tạo ra sự sống, nếu chúng ta vượt qua được giai đoạn khan hiếm này. Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: Rồi sẽ tới một ngày loài người có thể phá tan cả nghìn mặt trời chỉ để cứu một cái chết bất hợp lý nào đó.
Đó là giá trị của sự sống.

Bạn vẫn phải đặt giá cho các sinh mạng, cái giá đó vẫn phải nằm đâu đó từ vài ngàn đô đến vài triệu đô.

Hãy tưởng tượng ra một nút bấm, nếu nhấn vào, sẽ chọn ra một số ngẫu nhiên trong khoảng từ 1 tới một triệu. Nếu số đó là 1, nó sẽ giết chết một người được lựa chọn ngẫu nhiên. Ai đó sẽ phải trả cho bạn bao nhiêu tiền để ấn cái nút đó?
Nhiều người phản ứng bằng sự ghê tởm, nói rằng họ sẽ không ấn cái nút kiểu đó dù được trả bất cứ giá nào. Họ bảo rằng giá trị của sự sống lớn không thể tưởng tượng được.
Và trực giác này là chính xác!

Nhưng nếu ai đó đưa bạn 10 đô la để ấn nút, thế thì cứ ấn đi. Hãy ấn đi, và hãy lo lắng – nhưng sự lo lắng này còn ít ỏi hơn nhiều so với việc bạn lo lắng khi lái xe trên đường trong một năm (theo tính toán, xác suất là 1 trên mười nghìn cơ hội để giết chết ai đó mỗi năm đổi lấy thuận tiện khi lái xe). Nếu bạn muốn cứu mạng nhiều người nhất, thế thì bạn cứ ấn cái nút đó với 10 đô la, rồi lấy tiền đó để cứu mạng người khác.

Nhưng đừng nhầm lẫn giữa chi phí cho sự sống và giá trị của sự sống!

Vài nơi trên thế giới, phải mất ít nhất vài ngàn đô để cứu một mạng người. Nếu bạn hành động khiến giá của sinh mạng cao hơn vài ngàn đô kia, nếu bạn thực sự từ chối một triệu đô để ấn cái nút kia hay trả một tỷ đô để cứu một cuộc đời nào đó, thế thì bạn phải làm nhiều thứ khác mới mong cứu được thêm các sinh mạng. Nếu bạn muốn cứu nhiều người nhất, bạn phải định giá cho mỗi sự sống theo chi phí thực tế để cứu được một sinh mạng.

Nhưng bạn đừng có lẫn lộn giữa chi phí hiện tại để cứu một sinh mạng và giá trị thực sự của sinh mạng đó.

Có một khoảng trống ở đây. Khoảng trống giữa một sinh mạng thực sự đáng giá bao nhiêu và cái giá cả mà bạn phải gán cho nó. Khoảng trống không tồn tại nếu trực giác của bạn đang sai lầm. Khoảng trống sẽ ở đó vì ngôi làng của chúng ta đang bị một con rồng xấu xa hành hạ.

Khoảng trống đó là thước đo trực tiếp sự khác biệt giữa thế giới vốn có đang hiện hữu và thế giới mà nó nên hiện hữu.

Chênh lệch giá cả, chênh lệch giữa vài ngàn đô và vài ngàn mặt trời, là thước đo trực tiếp xem mọi thứ đang bị đảo lộn đến mức nào.

Đa số mọi người có trực giác rằng họ nên từ chối ấn nút với bất cứ giá nào, vì sự sống là vô giá. Bạn có thể tới bên những người này, chỉ cho họ thấy muốn cứu được càng nhiều người càng tốt với một số tiền nhất định, thì họ phải đặt giá cho mỗi sinh mạng. Lúc đó, đa số sẽ hành động theo một trong hai cách.

Một số đồng ý logic này và từ bỏ trực giác của họ. Họ thấy rằng để cứu được nhiều người nhất có thể, họ phải cần tới một cái giá. Thật mâu thuẫn khi nói niềm vui của vài triệu người khi uống rượu cũng tương đương với giá trị của một sinh mạng, nhưng (họ nghĩ) lý luận kiểu khiến người ta nghĩ sự sống là vô giá đúng là một quan niệm sai lầm chết người. Vì thế, muốn cứu càng nhiều người trong phạm vi số tiền được phân bổ, họ phải “cắn viên đạn chì” (bite the bullet: nghĩa là can đảm chịu đựng, đối mặt với nghịch cảnh), và đi đến kết luận rằng sự sống không hề có giá trị nhiều như tưởng tượng.

Còn số khác không chấp nhận logic này, và tiếp tục tuyên bố rằng cuộc sống là vô giá, rồi cố sao lưu trực giác của họ thành những phiên bản đạo đức kì lạ, vì cứu được càng nhiều người càng tốt với một số tiền nhất định không phải là việc đúng đắn cần làm, mà lý do thì rất phức tạp.

Nhưng còn một lựa chọn thứ ba nữa! Tất cả mọi người dường như đã quên mất con rồng!
Có thể sống trong thế giới này, dù bạn có thấy (1) sự sống là vô giá, hay (2) con người bị tiêu diệt liên tục, trái với ý muốn của họ, theo những cách thức có thể tránh được nếu biết sử dụng một khoản tiền tương đối nhỏ.
Thế giới vốn không công bằng! Ấn nút với 10 đô la là cách cứu được nhiều sinh mạng nhất, nhưng thực tế này là việc kinh khủng. Mạng sống là vô giá, nhưng bạn phải đối xử với nó như thể nó chỉ đáng giá vài ngàn đô.
Khoảng cách giữa giá cả và giá trị kiểu này là không thể chấp nhận được, nhưng các qui luật vật lý vốn không được viết theo cách chúng ta có thể chấp nhận được. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ lạnh lẽo, thiếu lòng trắc ẩn; một vũ trụ nằm ngoài tầm với của Chúa Trời.
Một ngày nào đó, chúng ta có lẽ sẽ giết được lũ rồng đã hành hạ chúng ta. Một ngày nào đó, chúng ta – giống như dân làng thuở ban đầu – có thể thấy xa xỉ khi làm mọi cách để ngăn trí tuệ có tri giác của đồng loại thoát khỏi việc bị kết án là vô cảm một cách không tự nguyện. Nếu chúng ta làm được như vậy, giá trị của sự sống sẽ không được đo bằng đô la, mà bằng những vì sao.

Đó là giá trị sống. Nó sẽ là giá trị sống, và giờ đang là giá trị sống.

Thế nên, khi ai đó đưa 10 đô la để ấn cái nút đó, bạn cứ ấn đi. Bạn cứ ấn cái nút chết tiệt đó. Đó là chiến lược tốt nhất có sẵn ngay cho bạn; đó là cách duy nhất cứu được nhiều người nhất mà bạn có thể làm. Nhưng đừng quên rằng thực tế này lại là một bi kịch khủng khiếp.

Đừng bao giờ quên khoảng cách giữa chi phí cho một sinh mạng nhỏ đến mức nào và giá trị của một sinh mạng lớn đến mức nào. Vì khoảng cách đó là bóng tối trong vũ trụ này, nó là thước đo xem chúng ta đã đi được bao xa.

Tôi không muốn biến vấn đề này thành bài giảng. Nhưng vài người trong số các bạn sẽ thấy vực thẳm khổng lồ giữa chi phí và giá trị ngay từ đầu, họ có lẽ sẽ quyết định ngay rằng khoảng cách này cần phải đóng lại, rằng lũ rồng đáng phải bị tiêu diệt. Một số sẽ băn khoăn, thế thì sao? Chuyện gì tiếp theo đây? Phần cuối câu chuyện là dành cho bạn.

Nhớ rằng vẫn có người trong chúng ta đang chiến đấu.

Một số làm việc trong hầm mỏ để nộp thuế cho con rồng. Một số khác chuẩn bị cho ngày chúng ta phải đối đầu với con rồng – vì vũ khí chúng ta trang bị phải thật mạnh, điều này rõ ràng không hề dễ.

Đó là cuộc chiến mà bạn có thể tham gia. Với vài người, chiến đấu là theo trào lưu thức thời nhất. Nhưng với đa số, chiến đấu có nghĩa là đặt giá thấp cho sinh mạng, rồi tôn vinh nó – bằng cách mua lại sinh mạng ở nơi nó có giá rẻ nhất; bằng cách hy sinh cho những mục tiêu có hiệu quả cao. Nhớ rằng, giống như lòng dũng cảm là làm điều đúng đắn ngay cả khi bạn sợ hãi, sự quan tâm là làm điều đúng đắn ngay cả khi bạn không bị cảm xúc làm cho choáng ngợp.

Nếu đây là cuộc chiến bạn muốn tham gia, thì tôi khuyên bạn hãy ghi nhớ bài học đầu tiên dân làng lĩnh hội được: bạn phải quan tâm tới bản thân trước khi quan tâm tới người khác. Bạn không cần phải trở nên khốn khổ để đấu tranh chống lại bóng tối trong vũ trụ này. Bất cứ số tiền hay công sức nhỏ bé nào bạn dành để cứu rỗi sự sống đều là tiền bạc và công sức được sử dụng tốt đẹp. Cam kết 10% thu nhập cho một mục tiêu hiệu quả đã là một thành tựu khó khăn và rất đáng khen ngợi rồi.

Nếu bạn đứng bên cạnh chúng tôi trong cuộc chiến này, thì tôi luôn chào đón bạn, dù chuyện gì đi chăng nữa – nhưng tôi muốn bạn tham gia với sự giận dữ hoặc cái đầu lạnh lẽo, chứ không phải cảm giác tội lỗi hay xấu hổ.

“Ôi, Thần Chết không bao giờ là kẻ thù của chúng ta!
Chúng ta cười đùa với hắn, chúng ta hợp tác với hắn, ông bạn già.
Không có chiến binh nào bị mua chuộc chống lại quyền năng của hắn.
Chúng ta cười đùa, vì hiểu rằng những người tốt hơn sẽ tới,
Và những cuộc chiến lớn hơn; khi mỗi đấu sĩ tự hào khoe khoang
Những cuộc chiến với Thần Chết, vì sự sống; chứ không phải với con người, vì cờ xí.”
-          Trích đoạn cuối cùng trong The Next War của Wilfred Owen

Nate Soares
Theo mindingourway.com

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Giá trị sống (5)



Phép tính giá trị của sự sống

Giả sử bạn là một EMT (Emergency Medical Technician – Chuyên viên cấp cứu y tế). Bạn tới hiện trường một vụ tai nạn và thấy hai đứa trẻ cần CPR (Cardiopulmonary Resuscitation – Hồi sức tim phổi): bé gái 10 tuổi và em gái 3 tháng tuổi. Bạn chỉ có thể cứu được một trong hai đứa. Bạn sẽ cứu ai?

Có một cách để ra quyết định là sử dụng tiêu chuẩn QALY (Quality – adjusted life year: tiêu chuẩn số năm sống được điều chỉnh theo chất lượng). Nhà kinh tế học Christopher Cundell và Carlos McCartney đã thiết kế ra QALY năm 1956, rồi các hệ thống chăm sóc sức khỏe sử dụng nó ngày càng nhiều kể từ đó để đánh giá chi phí và lợi ích của nhiều biện pháp can thiệp y tế khác nhau. Tiêu chuẩn này lấy số năm còn lại mà một người được kỳ vọng có thể sống được trong điều kiện sức khỏe hoàn hảo và nhân với 1; nhưng nếu người đó có thể bị tàn tật thì phải nhân với một số nhỏ hơn 1. Trong tình huống này, khi những yếu tố khác đều như nhau thì cách tính toán như thế có thể dẫn tới việc bạn cứu mạng em bé 3 tháng tuổi. Nhưng theo Justin Landy, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, người đã thực hiện nghiên cứu về cách chúng ta đánh giá các sinh mạng khác nhau, tiêu chuẩn QALY có lẽ không nắm bắt chính xác trực giác thông thường của chúng ta.

Kết luận của Landy được đưa ra trong bài trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp Hội Triết học và Tâm Lý học, sau đó xuất hiện trên Tạp chí “Tâm Lý học thực nghiệm: Tổng quát”. Landy và cố vấn Geoffrey Goodwin khám phá ra chúng ta so sánh các giá trị tương đối của sự sống như thế nào – và tại sao chúng ta có thể làm vậy, bất chấp việc thường xuyên bày tỏ rằng mọi sinh mạng đều có giá trị như nhau. Trong những tình huống khẩn cấp, các bác sĩ và nhân viên cứu hộ thường xuyên phải lựa chọn khi chỉ cứu được một số người trong số nhiều người. Nghiên cứu về chứng rối loạn tập trung của người bệnh Alzheimer cho biết các tổ chức cũng thường xuyên chia sẻ kinh phí cho người trẻ hơn là người già. Đặc biệt, Landy và Goodwin tập trung vào cách tuổi tác ảnh hưởng tới đánh giá của chúng ta về sự sống.

Trong ba thí nghiệm đầu tiên, những người Mỹ tham gia phải thực hiện một loạt so sánh giữa hai người ở độ tuổi khác nhau, từ một ngày tuổi tới 80 tuổi. Một số câu hỏi đề cập tới quyền không bị xâm hại, ví dụ, một đứa trẻ hay một người già giết người thì ai sai hơn? Một số câu liên quan tới quyền được điều trị, ví dụ, chỉ còn một nội tạng cứu mạng duy nhất thì ai nên được nhận trong trường hợp khẩn cấp?

Rõ ràng các đối tượng tham gia đều cảm thấy khó chịu khi phải quyết định ai nên chết chứ không phải ai nên sống; trong một nhóm đối tượng, phần lớn đều hoàn toàn từ chối bày tỏ quan điểm về sự sai trái khi giết một người già thay cho một người trẻ hơn. Trong những câu hỏi về trợ giúp y tế, ví dụ, ai nên được nhận thuốc cứu mạng, người tham gia thể hiện sự phân biệt rõ rệt hơn. Họ đề nghị việc điều trị và đối xử ưu đãi nhất cho những ai khoảng 10 tuổi.

Nói cách khác, để tránh gây tổn hại, chúng ta luôn cố gắng đối xử với mọi người một cách bình đẳng, nhưng khi vấn đề là mạng sống, tuổi tác lại đóng vai trò quan trọng. Các tác giả cho rằng chúng ta đối xử phân biệt và khác với tình huống tránh gây tổn hại thông thường vì sự hỗ trợ nói chung chỉ là nguồn tài nguyên hữu hạn.

Bốn thí nghiệm kế tiếp của Goodwin và Landy khám phá ra tại sao thanh thiếu niên có giá trị đặc biệt. Dữ liệu cho thấy đó là vì những người ở độ tuổi này nằm ở vị trí đẹp đẽ án ngữ giữa già và trẻ. Một người già hơn thường có nhiều quan hệ xã hội có ý nghĩa hơn – vì thế cái chết của ông ta có thể gây đau khổ cho nhiều người hơn – và nhiều nguồn lực và tài nguyên đã được đầu tư cho sự sống của ông ấy. Còn một người trẻ hơn (trẻ con) lại có nhiều năm tháng trước mặt hơn, và mới chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi; nên có nhiều quan ngại thực tế về tiềm năng sống và cả những quan ngại về sự công bằng.

Nhà nghiên cứu sinh học Peter Singer ở Princeton nói: “Đây thực sự là những dữ liệu thú vị, nó giúp chúng tôi khám phá những gì chúng tôi nên làm. Nhưng bạn đừng trả lời các câu hỏi về những gì chúng ta nên làm bằng cách nói ‘Đó là điều mà hầu hết mọi người nghĩ chúng ta nên làm.’ Trực giác của con người có lẽ không có cơ sở logic.” Những câu hỏi như vậy có lẽ không nên dành cho những người đã tham gia trả lời cuộc điều tra; luân lý đạo đức vẫn hữu ích (trong nhu cầu được sống). Nhưng Goodwin và Landy cho rằng công việc của họ chỉ nhắm tới chính sách y tế và sức khỏe, cùng với việc ra quyết định y tế, bằng cách phát hiện ra những yếu tố quan trọng cho chúng ta. Tiêu chuẩn QALY có lẽ không phải thước đo giá trị tốt nhất khi quyết định phân bổ máu và nội tạng hay xây dựng các quy định an toàn cho người tiêu dùng hay môi trường; tuổi tác không đóng vai trò tuyến tính trong các tính toán đạo đức của chúng ta.

Trở lại ví dụ của nhân viên EMT ở trên. Landy viết qua email: “Tiêu chuẩn QALY ngặt nghèo sẽ ưu tiên đứa trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khỏe mạnh chứ không phải đứa bé 10 tuổi khỏe mạnh trong một tình huống nguy cấp (giả thiết cả hai đều có kỳ vọng tuổi thọ thông thường). Nhưng người bình thường rõ ràng sẽ ưu tiên đứa trẻ 10 tuổi.”

Nhìn vào trường hợp Sarah Murnaghan, em bé Philadelphia mười tuổi đã nhận được lá phổi mới vào tháng sáu năm 2013 sau khi cha mẹ em kêu gọi trên Facebook, Landy nói: “Nếu Sarah 3 tuổi, cô bé có lẽ gần như không nhận được một chương trình hỗ trợ đông đảo tương tự.” Trái tim (và lá phổi) của chúng ta có thể cho đi chỉ vì những nguyên nhân nghèo nàn như thế đấy.

Matthew Hutson
Theo The New Yorker