Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Giá trị sống (2)



Hãy làm cho các giá trị có một ý nghĩa nào đó

Hãy nhìn vào danh sách giá trị của một công ty: Giao tiếp. Tôn trọng. Chính trực. Xuất sắc. Nghe thật tuyệt phải không? Mạnh mẽ, ngắn gọn, súc tích. Thậm chí nó có vẻ giống các giá trị của chính công ty bạn đang làm, toàn những thứ bạn dành thật nhiều thời gian để viết, tranh luận, và sửa đổi. Nếu thế, bạn nên lo lắng. Đó chính là tập giá trị của Enron, được công bố trong báo cáo thường niên năm 2000. Và các sự kiện đã cho thấy, chúng chả có ý nghĩa gì; chúng hoàn toàn vô nghĩa.

Enron – có lẽ là một trường hợp cực đoan – không phải là công ty duy nhất có bộ giá trị rỗng. Tôi đã dành 10 năm qua giúp các công ty phát triển và tinh chỉnh các giá trị doanh nghiệp của họ, những gì tôi đã thấy không hề hay ho. Hầu hết các tuyên bố về giá trị đều nhạt nhẽo, méo mó hoặc đơn giản chỉ là không trung thực. Không những không vô hại như một số giám đốc điều hành vẫn cho rằng như thế, chúng thường có tính phá hoại cao. Những câu phát biểu về giá trị sáo rỗng tạo ra các nhân viên hoài nghi và bất mãn, làm khách hàng xa lánh, và suy giảm lòng tin của nhà quản lý.

Muốn chứng minh không? Đây là những gì đã xảy ra tại một cuộc hội thảo quản trị gần đây do một công ty dịch vụ tài chính tổ chức. CEO bắt đầu bằng cách tự hào tuyên bố vai trò quan trọng của một tập giá trị doanh nghiệp mới – tinh thần đồng đội, chất lượng và đổi mới – sẽ sử dụng tại công ty. Sau đó ông giới thiệu bộ sậu, gồm hàng chục nhà quản lý hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, một video minh họa tài tình mỗi từ với bước chân cổ vũ của các vận động viên đẳng cấp thế giới, âm nhạc quay cuồng, tiếng vỗ tay của nhân viên ngượng ngịu trước ống kính máy quay. Toàn bộ nỗ lực sặc mùi giả dối. Khi CEO vui vẻ hỏi khán giả xem họ có muốn xem lại lần nữa không, ông nhận được tiếng vang lớn “Không!” Rõ ràng thật đau lòng khi thấy tín nhiệm của ông ấy đã bị thổi bay.

Biết là rủi ro, tại sao các giám đốc điều hành vẫn dành nhiều nỗ lực cho việc phát triển những tuyên bố về giá trị với ưu tiên hàng đầu? Vì họ tin họ phải làm vậy. Ít nhất đó là cách họ cảm nhận kể từ năm 1994, khi Jim Collins và Jerry Porras xuất bản cuốn sách Xây Dựng Để Trường Tồn. Cuốn sách cho rằng rất nhiều trong số những công ty tốt nhất đã tuân thủ một tập các nguyên tắc gọi là giá trị cốt lõi, xúi giục các nhà quản lý né tránh những cuộc họp ngoài lề để tập trung tìm kiếm những giá trị cốt lõi của chính họ. Những giá trị nhất thời đã quét qua các doanh nghiệp Mỹ như thủy đậu càn quét một lớp mẫu giáo. Ngày nay, 80% trong số Fortune 100 coi trọng các giá trị công khai – thường thì các giá trị này chẳng có gì ngoài mong muốn là đúng đắn hoàn toàn, hoặc tệ hơn, chỉ về mặt chính trị.

Làm mất giá trị là điều hổ thẹn, không chỉ vì việc hoài nghi kết quả sẽ đầu độc giếng nguồn văn hóa mà còn vì nó đã lãng phí một cơ hội tuyệt vời. Các giá trị có thể đặt công ty ngoài cuộc cạnh tranh nhờ làm rõ bản sắc của nó và sử dụng như điểm hội tụ cho nhân viên. Nhưng đi kèm với những giá trị mạnh mẽ - và gắn bó với chúng – đòi hỏi lòng can đảm thực sự. Thật vậy, một tổ chức khi xem xét một sáng kiến về giá trị trước tiên sẽ phải hiểu rằng trong thực tế hoạt động, nếu thực hiện theo nó sẽ gây ra đau đớn. Chúng khiến một số nhân viên cảm thấy như bị ruồng bỏ. Chúng hạn chế tự do chiến lược và hoạt động của tổ chức, ràng buộc hành vi của nhân viên. Chúng để mặc các nhà điều hành trước những chỉ trích nặng nề cho các vi phạm dù rất nhỏ. Và chúng đòi hỏi sự cảnh giác liên tục.

Nếu bạn không sẵn lòng chấp nhận các giá trị thực sự đau đớn xảy ra, đừng lo lắng khi gặp khó khăn lúc xây dựng một tuyên bố giá trị. Tốt hơn là bạn chẳng cần cái nào. Nhưng nếu bạn đủ can trường để nhìn những nỗ lực này diễn ra, bạn có thể học được một số bài học quan trọng từ vài công ty đã chấp nhận thực hiện những giá trị doanh nghiệp đầy ý nghĩa. Dù giá trị của họ có trực tiếp xuất phát từ tầm nhìn và đặc điểm của người sáng lập hay được phát triển sau đó thông qua các chương trình chính thống, tất cả những công ty này đều tuân theo bốn điều bắt buộc khi tạo ra và thực hiện các giá trị của họ.


Thấu hiểu các loại giá trị khác nhau

Tôi từng yêu cầu CEO của một công ty trong mạng Fortune 500 kể cho tôi một trong các giá trị cốt lõi của công ty ông ấy. Ông trả lời không do dự: “Một cảm giác cấp bách”. Tôi bèn hỏi: “Vậy nhân viên của ông có hành động nhanh chóng và đạt mọi mốc thời hạn không?”. Ông trả lời: “Không, họ đang tự mãn muốn chết đi được ấy chứ, đó là lý do tại sao chúng tôi cần một khẩu hiệu khẩn cấp trong các giá trị cốt lõi của mình.”

Câu trả lời đó cho thấy sự mơ hồ ẩn giấu trong các ý tưởng về giá trị. Không những không phải là một giá trị cốt lõi, “một cảm giác cấp bách” còn chẳng hề tồn tại trong tổ chức. Nó chỉ là một khát vọng – một mục tiêu cho tương lai. Các nhà điều hành thường nhầm lẫn quá thường xuyên các loại giá trị khác nhau thành giá trị cốt lõi. Hậu quả là mớ hổ lốn đó làm nhân viên hoang mang và khiến việc quản lý có vẻ như chả ăn nhập.

Do đó, các công ty nên thiết lập vài định nghĩa cơ bản để đảm bảo rằng mọi người hiểu họ đang nói gì và họ đang cố gắng thực hiện điều gì. Tôi thấy rất hữu ích khi tổ chức các giá trị thành bốn loại.

Các giá trị cốt lõi là những nguyên tắc sâu đậm dẫn dắt toàn bộ hành động của công ty; chúng như là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp. Collins và Porras định nghĩa ngắn gọn giá trị cốt lõi là “được kế thừa và không được xâm phạm”; chúng không bao giờ bị thỏa hiệp, cho dù để thuận tiện hay để đạt được lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Giá trị cốt lõi thường phản ánh giá trị của nhà sáng lập doanh nghiệp – khẩu hiệu nổi tiếng “HP Way” của Hewlett-Packard là một ví dụ. Chúng là nguồn gốc của tính độc đáo của doanh nghiệp và phải được duy trì bằng mọi giá.

Các giá trị mong muốn là những giá trị công ty cần để thành công trong tương lai nhưng hiện tại vẫn còn thiếu. Một công ty có lẽ cần phát triển một giá trị mới để hỗ trợ cho chiến lược mới chẳng hạn, hay để đáp ứng những nhu cầu thay đổi của thị trường hay ngành công nghiệp. Vị CEO từng tuyên bố giá trị cốt lõi của công ty mình là “một cảm giác cấp bách”, đang thay thế một giá trị mong muốn cho một giá trị cốt lõi.

Giá trị mong muốn cần được quản lý cẩn thận để đảm bảo chúng không làm loãng giá trị cốt lõi. Một công ty tôi từng làm việc đánh giá cực kỳ cao sự chăm chỉ và cống hiến; nhân viên ở đó nổi tiếng vì làm việc muộn hằng đêm và cả cuối tuần. Ở một khía cạnh nào đó, đội ngũ quản trị cảm thấy buộc phải thêm từ “cân bằng công việc và cuộc sống” vào làm giá trị mong muốn, nhưng cuối cùng họ quyết định chống lại nó vì làm vậy có thể khiến nhân viên nhầm lẫn điều gì mới là quan trọng nhất với công ty.

Các giá trị “được phép sử dụng” đơn giản chỉ phản ánh các tiêu chuẩn hành vi và xã hội tối thiểu được yêu cầu ở bất cứ nhân viên nào. Chúng không có xu hướng thay đổi nhiều giữa các công ty, đặc biệt những công ty trong cùng một khu vực hay cùng ngành, có nghĩa là theo định nghĩa, chúng không bao giờ thực sự giúp gì cho việc phân biệt công ty với các đối thủ cạnh tranh.

Một CEO tôi làm việc cùng từng nhầm lẫn giá trị cốt lõi với giá trị “được phép sử dụng”, ông khẳng định rằng sự chân chính là một giá trị cốt lõi của công ty mình. Khi tôi hỏi tại sao, ông đáp: “Vì chúng tôi từ chối tuyển những người gian dối trong bản lý lịch hoặc những ai cung cấp thông tin không chính xác về kinh nghiệm làm việc trước đó.” Tôi đã chỉ ra rằng, không nghi ngờ gì tuyên bố của ông là đúng, nhưng hầu hết các tổ chức đều có chính sách tương tự. Trừ khi công ty của ông sẵn sàng áp dụng các biện pháp chặt chẽ khác thường để minh họa cho thấy nó có tiêu chuẩn về “sự chân chính” cao hơn hẳn các công ty khác, còn nếu không “sự chân chính” chỉ nên coi là một giá trị “được phép sử dụng”, chứ không phải là giá trị cốt lõi.

Các giá trị phụ phát sinh tự phát không cần đội ngũ lãnh đạo nuôi dưỡng và trông nom theo thời gian. Chúng thường phản ánh các lợi ích chung hoặc tính cách chung của nhân viên trong tổ chức. Giá trị phụ có thể tốt cho doanh nghiệp, chẳng hạn chúng tạo ra bầu không khí không có sự kỳ thị. Nhưng chúng cũng có thể tiêu cực, ngăn không cho các cơ hội mới tới. Các nhà quản lý luôn cần phân biệt rõ giá trị cốt lõi với các giá trị chỉ là phụ trợ, vì sự nhầm lẫn ở đây có thể gây họa.

Một công ty thời trang, Sak Elliot Lucca, bắt đầu cố gắng phân biệt giá trị phụ và các giá trị cốt lõi. Nằm ở khu quận South of Market thịnh vượng của San Francisco, những nhân viên đầu tiên đều là thanh niên độc thân hay tiệc tùng cuối tuần và sở hữu một lượng quần áo màu đen không cân xứng; thế là công ty vô tình thấm nhuần các giá trị của các nhân viên này – hợp thời, trẻ trung và mát mẻ.

Nhưng khi công ty phát triển, hai việc trở nên rõ ràng với ban giám đốc điều hành: không có cách nào đào tạo nhân viên nếu chỉ thuê những người trẻ, chạy theo mốt, “trông rất Sak”. Và những lao động già hơn, đã có gia đình có đóng góp to lớn có thể vô tình bị coi nhẹ. Vì vậy công ty chủ động hành động để giúp các nhân viên hiểu rằng, thuê chỉ những người hợp thời chẳng liên quan gì tới giá trị cốt lõi của Sak là Tin cậy (trung thực và đáng tin cậy), Hành động (đưa ra quyết định độc lập), và Đồng sở hữu (cư xử với công ty như thể họ là người tạo ra nó). Thậm chí những người “không chạy theo mốt” cũng có thể được tuyển dụng, miễn là họ chia sẻ các giá trị cốt lõi tương đồng với công ty. Ngày nay Sak là một tổ chức đa dạng thực sự, nó đã mở rộng dòng sản phẩm để thu hút một thị trường rộng lớn hơn nhiều.


Đáng tin cậy một cách chủ động

Nhiều công ty xem sáng kiến về giá trị giống như cách họ xem một màn chào hàng tiếp thị: sự kiện chỉ xảy ra một lần và được đo bằng sự chú ý đầu tiên mà nó nhận được, chứ không phải độ xác thực của nội dung. Điều này có thể làm xói mòn độ tin cậy của người lãnh đạo tổ chức, giống như vị CEO của công ty dịch vụ tài chính đã phát video bị phát hiện là không trung thực.

Ngay cả những nhà quản trị quan tâm nghiêm túc với các sáng kiến giá trị cũng có thể phá hoại chúng khi áp dụng những ý tưởng tốt đẹp một cách phi lý mà không phân biệt được công ty của họ với các đối thủ. Hãy xem xét các giá trị xuất hiện ở rất nhiều công ty trong biểu đồ hình tròn – chân chính, đồng đội, đạo đức, chất lượng, sự hài lòng của khách hàng, và cải tiến. Thực tế, 55% số công ty trong Fortune 100 coi “chân chính” là một giá trị cốt lõi, 49% đánh giá cao sự hài lòng của khách hàng, và 40% có tinh thần đồng đội. Dù đó đều là những phẩm chất tốt không cần bàn cãi, nhưng những từ ngữ kiểu đó khó mà cung cấp một thiết kế cụ thể cho hành vi của nhân viên. Các giá trị kiểu cắt bánh quy thế không làm công ty khác các đối thủ; chúng làm nó biến mất trong đám đông.

Để một tuyên bố giá trị là đáng tin cậy, đừng để nó nghe như một thẻ Hallmark. Thật vậy, một số công ty theo định hướng giá trị nhiều nhất đều tuân thủ rất chặt chẽ các giá trị này – nếu chúng không gây ra tranh cãi nào nghiêm trọng. Siebel Systems chẳng hạn, tuân thủ một tập giá trị trung thực mà nó phản đối lại văn hóa của Thung Lũng Silicon một cách trắng trợn – trong khi tổng hành dinh công ty đặt ở đó. Tính chuyên nghiệp, đứng đầu trong tập giá trị của Siebel, đặt nó nằm ngoài những nền văn hóa phù phiếm của nhiều công ty công nghệ - nơi những hộp pizza, bàn bóng bàn và dép sandal là thói quen. Nhân viên của Siebel không được ăn ở bàn mình hay trang trí tường với nhiều hơn một hoặc hai bức ảnh. Khó có thể chấp nhận được nếu đi vào các hành lang như sân chơi trẻ em ở Thung Lũng Silicon, giá trị này giúp Siebel khác biệt với các đối thủ; khiến cho các nhân viên hiện tại và tương lai hiểu rõ ràng rằng, để thành công họ phải chuyên nghiệp mọi lúc.

Intel cũng vậy, tự hào trong cả những khía cạnh tồi tệ nhất của nền văn hóa công ty. Nhân viên được thúc đẩy nắm lấy giá trị “chấp nhận rủi ro” bằng cách thách thức hiện trạng và tham gia vào những cuộc đối đầu mang tính xây dựng. Ví dụ, trong quá trình định hướng, các nhân viên mới được dạy nghệ thuật ca ngợi bằng lời nói mà không có cảm giác khó chịu. Nhà sáng lập Andy Grove trở thành huyền thoại bởi ý chí sẵn lòng vượt qua trở ngại, thậm chí cả việc hay mắng mỏ các giám đốc điều hành trong cuộc họp. Một trong những cựu nhân viên báo cáo trực tiếp trước đây cho Grove từng vui vẻ nhớ lại đã bị vị cựu CEO mắng khi trình bày. Nhà điều hành mới chỉ nói được vài phút, Grove đã ngắt lời ông: “Nếu không còn gì thú vị hơn, anh có thể dừng lại ở đây và quay trở lại vào tuần tới với câu chuyện hay ho hơn.”

Năng nổ tích cực tuân thủ các giá trị của mình cũng có thể giúp một công ty đưa ra những quyết định chiến lược. Ví dụ, Webcor Builders, công ty quản lý xây dựng hàng đầu vịnh San Francisco, đã sử dụng giá trị cốt lõi “cải tiến” như một la bàn chiến lược năm ngoái khi quyết định mua lại một trong các nhà cung cấp của mình – một công ty tư vấn chuyên kết nối với các công ty xây dựng công nghệ băng thông cao. Vụ mua lại trông có vẻ ngu ngốc với một công ty gạch ngói trong lĩnh vực xây dựng kiên cố, nhưng nó đã thành công. Nhờ thương vụ mới của Webcor, kiến trúc sư và kỹ sư vốn trước đây phụ thuộc vào điện thoại và các bản vẽ khéo léo giờ đây đã có thể hợp tác làm việc bằng điện tử, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Theo CEO Andy Ball, hành động này “được thúc đẩy nhờ cam kết về mặt văn hóa của chúng tôi với việc cải tiến ngày một nhiều từ cơ hội trên thị trường.”


Sở hữu Qui trình

Việc đầu tiên nhiều giám đốc điều hành làm sau khi quyết định dấn thân vào một sáng kiến về giá trị là gì? Họ bàn giao nỗ lực đó cho bộ phận nhân sự, những người sẽ sử dụng sáng kiến như cái cớ cho một thứ có vẻ tốt. Để thu hút nhân viên, HR sẽ nhân rộng các cuộc thăm dò nhân viên và tổ chức nhiều cuộc họp để thu thập đầu vào và xây dựng sự đồng thuận.

Đó chính xác là một cách tiếp cận sai lầm. Các ý tưởng về giá trị chả có liên quan gì tới xây dựng sự đồng thuận – chúng nên được ngầm hiểu là một tập hợp niềm tin có vẻ như cơ bản và chiến lược được áp dụng lên một nhóm người rộng lớn. Hầu hết các nhà điều hành đều hiểu sự nguy hiểm của việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận khi liên quan tới các vấn đề chiến lược, tài chính và kinh doanh, nhưng họ dường như lại lơ là vấn đề khi nó tới từ việc phát triển các giá trị. Việc thăm dò nhân viên xem họ tin công ty nên theo đuổi giá trị nào rõ ràng là ý tưởng tồi. Có hai lý do. Thứ nhất, nó tổng hợp các gợi ý từ nhiều nhân viên có lẽ không làm việc cho công ty từ đầu. Và thứ hai, nó tạo một ấn tượng sai lầm rằng mọi đầu vào đều có giá trị ngang nhau.

Hãy cân nhắc những chuyện xảy ra khi CEO một công ty công nghệ đồng ý để bộ phận nhân sự đi đầu trong chiến dịch giá trị. Khi HR đề xuất, sau nhiều cuộc họp và khảo sát, sự hợp tác có thể là một trong các giá trị cốt lõi của công ty, vị CEO đồng ý mà không nghĩ gì nhiều. Nhưng chỉ vài tuần sau, khi chủ trì một cuộc họp cởi mở với các quản lý, ông hoàn toàn không đồng ý với giá trị này và nói: “Tôi không thực sự tin các nhóm; tôi tin rằng thành tựu đạt được khi các cá nhân làm việc độc lập.” Không có gì ngạc nhiên khi các quản lý cảm thấy rối trí và thất vọng. Một giám đốc lâu năm, vị này cuối cùng đã rời khỏi công ty, giải thích: “Khoảng cách giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm là quá lớn.”

Công sức tốt nhất dành cho các giá trị nên đến từ những nhóm nhỏ gồm CEO, bất kỳ nhà sáng lập nào vẫn còn ở lại với công ty, và một số nhân viên chủ chốt. Tony Wild, CEO của công ty dược MedPointe, muốn doanh nghiệp của mình có một nền văn hóa độc nhất, vì thế ông hiểu tốt hơn nên thảo luận về các giá trị theo một qui trình thật dân chủ. Làm việc với bảy nhà quản lý hàng đầu, nhiều người trong số họ từng giúp tạo dựng công ty, Wild tập trung vào hai giá trị cốt lõi: thái độ “có thể làm được” và sự theo đuổi kết quả không mệt mỏi. Nhóm chọn các giá trị dựa trên một phân tích số ít các nhân viên có những phẩm chất mà các nhà điều hành đều muốn nhìn thấy và áp dụng vào văn hóa của MedPointe nhất.Với những nhân viên không thể nắm lấy hoặc không thể hiện những giá trị này, Wild giải thích: “Được thôi. Họ có thể phù hợp ở công ty khác.”

Những nhà quản lý hàng đầu cũng cần hiểu rằng một chương trình xây dựng giá trị tốt cũng giống như rượu ngon; không bao giờ được vội vã. Điều quan trọng hơn đối với một đội ngũ xây dựng giá trị là đạt được một tuyên bố có hiệu quả còn hơn đồng thuận theo một quyết định mà sau này phải hối tiếc. Các nhà điều hành nên thảo luận về các giá trị trong vài tháng; họ nên xem xét đi xem xét lại cách các tiêu chuẩn sẽ đóng vai trò thế nào trên các hành lang của họ.

Cần thời gian để các ý tưởng giá trị chứng minh nó hữu dụng với một công ty dược quốc tế muốn xây dựng một nền văn hóa chung sau nhiều vụ sát nhập. Đội ngũ quản trị, thiếu kiên nhẫn sau vài giờ thảo luận chọn ra các giá trị của công ty nên đã chuyển sang chủ đề khác, đã gần như chấp nhận một danh sách có cả từ “transparent”. CEO đã khôn ngoan đề xuất để đội ngũ nghiền ngẫm và xem xét lại danh sách với các nhân viên chủ chốt. Họ phát hiện ra rằng từ này có ý nghĩa rất khác ở Châu Âu so với ở Mỹ. Họ đã tiến hành một sửa đổi quan trọng – đổi từ “transparent” (minh bạch) thành “collaborative” (cộng tác) – kết quả là, các giá trị được lựa chọn phù hợp hơn nhiều với nền văn hóa toàn cầu của công ty.


Kết nối các giá trị cốt lõi thành mọi thứ

Giả sử bạn đã có một tập các giá trị đúng. Làm gì tiếp bây giờ? Nếu chúng thực sự nằm trong tổ chức của bạn, các giá trị đó cần được tích hợp vào mọi quy trình liên quan đến nhân viên – phương pháp tuyển dụng, hệ thống quản lý hiệu suất, các tiêu chí cho khuyến mại và trao thưởng, thậm chí cả chính sách sa thải. Từ buổi phỏng vấn đầu tiên đến ngày làm việc cuối cùng, nhân viên cần được thường xuyên nhắc nhở rằng các giá trị cốt lõi tạo cơ sở cho mọi quyết định của công ty.

Comergent, một công ty thương mại điện tử non trẻ, đã thành công trong việc xây dựng một nền văn hóa mạnh mẽ về sự tin cậy, cống hiến và năng động bằng cách tích hợp các giá trị cốt lõi vào mọi hệ thống liên quan trực tiếp đến nhân viên. Các ứng cử viên tìm việc, từ lễ tân đến phó chủ tịch, được kiểm tra không chỉ kỹ năng và kinh nghiệm mà còn xem họ có phù hợp với các giá trị của công ty hay không. Trong các cuộc phỏng vấn, CEO Jean Kovacs và nhân viên của cô đều hỏi những câu hỏi thẳng thắn về nguyện vọng công việc và những thành quả trong quá khứ. Để kiểm tra tính động lực và sự cống hiến của họ, Kovacs yêu cầu các ứng cử viên mô tả vài việc họ đã hoàn thành mà những người khác nghĩ là không thể.

Sau khi các nhân viên tới làm việc tại Comergent, họ được nhắc nhở nhiều lần rằng các giá trị của công ty không chỉ là lời nói. Mọi người được đánh giá dựa trên giá trị cốt lõi này, và khi thưởng cổ phiếu, thưởng tiền, nâng lương, Kovacs và đội ngũ của cô lại dùng các giá trị cốt lõi như một thước đo. Thậm chí quyết định để ai đó ra đi cũng dựa trên các giá trị này. Kovacs giải thích: “Tôi có thể làm việc với người cần đào tạo và rèn luyện nhiều hơn nữa, nhưng nếu vấn đề đến từ các giá trị cốt lõi, tôi không thể khoan dung được. Điều đó giúp đảm bảo sức mạnh cho nền văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi.”  Thật ra, những công ty có nền văn hóa mạnh mẽ như Comergent đều tránh được việc phải sa thải nhiều người.

Một công ty khác cũng có khả năng thêu dệt hiệu quả các giá trị của nó vào cơ cấu tổ chức là Siebel. Một nhân viên mới đến một tuần không thể không nhận ra giá trị cốt lõi ở đây là sự hài lòng của khách hàng. Toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật trên tường đều từ các báo cáo thường niên của khách hàng, toàn bộ các phòng họp đều đặt tên theo các khách hàng. Thậm chí tiền thưởng và phụ cấp cũng được trao dựa trên các cuộc khảo sát đánh giá độ hài lòng của khách hàng do kiểm toán viên bên ngoài thực hiện.

Sau khi một công ty đã nhúng các giá trị của nó vào hệ thống, họ cần liên tục thúc đẩy các giá trị này. Người ta nói rằng, các nhân viên sẽ không tin vào một thông điệp trừ khi nó được giám đốc điều hành nhắc đi nhắc lại bảy lần. Với chủ nghĩa hoài nghi bao quanh các giá trị ngày nay, các nhà điều hành nên làm tốt việc nhắc đi nhắc lại chúng mỗi khi có cơ hội.

Nhiều công ty công khai giá trị của họ trên áo thun và cốc cà phê, nhưng những phương thức hiệu quả nhất lại đơn giản hơn và rẻ hơn rất nhiều. Hãy nhìn Nordstrom, đây là ví dụ nổi tiếng về một tổ chức hướng theo giá trị, họ luôn nhắc nhở nhân viên về giá trị cốt lõi “phục vụ khách hàng”. Trong quá trình thử việc, thay vì nhận một cuốn sổ tay mô tả chi tiết làm sao đem dịch vụ tốt nhất đến cho khách hàng, nhân viên mới sẽ được kể cho nghe những câu chuyện về các đồng nghiệp đã làm hài lòng khách hàng ly kỳ như thế nào. Chuyện một người đại diện lấy lại chiếc áo choàng đã mặc hai năm của một khách hàng mà không có nghi ngờ nào được kể đi kể lại, củng cố niềm tin trong các nhân viên rằng, họ đang làm việc cho một công ty phi thường. Trong những giờ nonstore (một hình thức bán lẻ không cần cửa hàng), các quản lý đọc ý kiến của khách hàng, cả tích cực lẫn tiêu cực, qua hệ thống liên lạc nội bộ để nhân viên có thể nghe trực tiếp về cách họ đang làm.

Một công ty khác, thường liên tục truyền đạt các giá trị cuả nó theo cách khá cổ lỗ sĩ, là Wal-Mart. Từ việc cổ vũ đến đào tạo trên máy tính, gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ thường nhấn mạnh các giá trị cốt lõi của mình gồm “xuất sắc, dịch vụ khách hàng, và tôn trọng” cho các nhân viên. Một nhà quản lý đào tạo nói với tôi: “Tôi tới từ Châu Âu, nơi chúng tôi thấy những thứ như mấy trò cổ vũ là điển hình cho tính hời hợt của người Mỹ. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng các tấm áp phích trên tường trong phòng nghỉ và những lời trích dẫn của Sam Walton không hề ngớ ngẩn chút nào.” Đó là bởi vì sự quản lý đang nhằm vào củng cố các giá trị cốt lõi bằng hành động. Trong lịch sử, ví dụ khi nhân viên tìm ra cách mới để cung cấp dịch vụ xuất sắc cho khách hàng, họ sẽ được trao thưởng bằng tiền mặt và các hình thức công nhận công khai khác.

Tất cả đều cho thấy phát triển và ứng dụng một hệ thống giá trị vững chắc là công việc khó khăn, hầu hết các công ty có lẽ không thích phiền hà. Và quả thật họ không nên theo đuổi, vì các giá trị được thực hiện kém có thể đầu độc nền văn hóa doanh nghiệp.

Đừng mắc sai lầm: sống theo các giá trị doanh nghiệp đã nói đều rất khó. Xét cho cùng, việc tường tận và không biện hộ cho những gì bạn chịu đựng còn khó khăn hơn nhiều việc khuất phục trước các áp lực đúng đắn mang tính chính trị. Và với những tổ chức đang cố sửa chữa thiệt hại do những chương trình tạo các giá trị tồi gây ra, công việc thậm chí còn gian nan hơn nữa. Nhưng nếu bạn quyết chí dành thời gian và sức lực tạo ra một bản tuyên bố giá trị đích thực, đó sẽ là một cơ hội tốt khi những giá trị thu được giúp công ty bạn đứng vững và tốt hơn nhiều so với Enron.

-                      Patrick M. Lencioni
Trên tạp chí Harvard Business Review (tháng 7, 2002)

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Giá trị sống (1)



Giá trị của sự sống



Tháng 9 năm 2014: Tin tức đến từ Bỉ cho hay, một tù nhân bị rối loạn tâm thần sẽ được phép để chính phủ trợ giúp tự tử. Một cuộc tranh luận đạo đức nông cạn đã nổ ra – trợ giúp tự tử đối với một tù nhân có quá gần với án tử hình không? – trước khi quân át chủ bài của quyền tự do cá nhân lên đài. Jacqueline Herremans, đứng đầu Hiệp hội Quyền được chết của Bỉ nói “Dù gì đi nữa, họ là một con người, một con người thì có quyền đòi hỏi sự an tử.”

Đây là đỉnh điểm của một số lý luận đạo đức: quyền con người được chấm dứt là một con người.

Nếu những giá trị quan trọng hơn với bạn là quyền tự do cá nhân và sự lựa chọn, đây quả là một tình huống dễ dàng. Trong thực tế, mọi tình huống – dù bi kịch đến đâu đi chăng nữa – theo lý thuyết đều rất dễ dàng. Một tội phạm đang có vấn đề về tâm thần – hay một người già cô đơn, một thiếu niên chán đời – đều có mọi quyền lấy đi cuộc sống của chính mình. Từ bỏ sự tồn tại mà người ta thấy không thể chịu nổi.

Nhưng ngay cả người dân Bỉ cũng không thực sự tin vào điều này. Họ bao vây vấn đề trợ giúp tự tử bằng những tiêu chuẩn pháp lý. Trong tình huống này, người tù nhân rõ ràng gặp phải chứng rối loạn tâm thần không thể chữa được, đó là lời trích từ ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Bỉ, coi đó là lý do cho hành động của nhà nước giúp người đó chết. Hỗ trợ tự tử nói chung vẫn có ở Bỉ trong trường hợp đau ốm thể chất nghiêm trọng hoặc (gần đây hơn) mắc bệnh về tâm thần. Theo Hiệp Hội Báo Chí, 1.800 người Bỉ đã lợi dụng điều này năm 2013 – tăng 400 so với năm trước đó. Các bệnh gồm sa sút trí tuệ, ung thư và tâm thần. Bỉ chỉ đơn giản đang mở rộng quyền này cho các tù nhân.

Điều đó được biện hộ bằng hệ thống lý luận về sự lựa chọn. Nhưng việc xác định một số tầng lớp xã hội nhất định được trợ giúp tự tử thật khó mà phân biệt với bản án khi tầng lớp đó phạm tội. Trong trường hợp này, quyền tự tử không phải là của tất cả mọi người mà chỉ là của những người bệnh tật hoặc có khiếm khuyết rõ ràng nào đó. Và một “quyền” như vậy bắt đầu trông giống một kỳ vọng hơn. Cuối cùng, một người bị đau ốm tâm thần hay thể chất có thể bị giết, vì họ bị bệnh. Một tiêu chuẩn có thể sa tới chỗ thành một sự bao biện.

Đây là một thông điệp xã hội đặc biệt mạnh mẽ vì người dân mắc bệnh ung thư hoặc trầm cảm nặng đôi khi cảm thấy vô giá trị, hoặc giống như họ là gánh nặng đối với gia đình. Thật đáng thương khi quyền trợ giúp này dễ dàng biến họ thành công cụ cho hành động của chính mình.

Tất cả chúng ta – đặc biệt những người đang phải đối mặt với ung thư, Alzheimer, Huntington hay những bệnh kinh hoàng khác – đều có thể tưởng tượng ra các tình huống trong đó việc kéo dài sự sống có lẽ cũng không phục vụ cho mục đích sống. Nhà xã hội học Emile Durkheim nói: “sự khoan dung quá mức” của chúng ta với việc tự tử “là do thực tế, khi tình trạng tâm thần khiến việc này trở nên phổ biến, chúng ta không thể lên án nó mà không lên án chính chúng ta.” Chúng ta bị chính những suy nghĩ đen tối của bản thân buộc tội.

Nhưng khi một người bạn tự tước đi mạng sống của mình – nguyên nhân chết này giờ đây phổ biến ở Mỹ hơn cả chết vì tai nạn giao thông – có vẻ như đó không giống như một lựa chọn. Nó có lẽ giống kết cục trước mọi khả năng của một lựa chọn. Nó không có vẻ giống như tự do; nó có lẽ giống tình trạng nô lệ cho một khoảnh khắc tuyệt vọng. Phản ứng tức thời của chúng ta là: Tôi ước gì tôi biết được tình hình cậu ấy đang thật tăm tối. Tôi có thể đã làm nhiều hơn.

Ngay cả trong những trường hợp đau khổ kéo dài, một số trong chúng ta hẳn đã từng thấy người sắp chết để lại những món quà to lớn, yêu đời – những lời lẽ đầy tính khích lệ, chẳng hạn như lòng dũng cảm và đức tin – cho người ở lại. Hầu hết chúng ta đều cần các mô hình kiểu đó. T.S. Eliot viết: “Ông vẫn đang sống dù giờ đã chết. Còn chúng ta sống mà như đang chết. Với một chút kiên trì.”

Tình huống khó khăn nhất – hôn mê vô vọng, đột quỵ khiến hầu hết các chức năng não không hoạt động. Nhưng khuynh hướng đầu tiên của xã hội nên phản ánh những bản năng tốt đẹp nhất của chúng ta với tư cách là con người: hỗ trợ những người bị bệnh tâm thần và thể chất nghiêm trọng. Quan tâm tới họ trong những giờ phút tăm tối. Và đừng mang thông điệp xã hội tới – thông qua luật sư hay bác sĩ – khiến những người đang cảm thấy mong manh vô dụng cho rằng điều đang nghĩ là đúng.

Dù các học thuyết chính trị hiện đại tuyên bố bất cứ điều gì, sự sống có giá trị lớn hơn tự do và lựa chọn. Giá trị đó không tuyệt đối, như được thể hiện trong chiến tranh, bản án hình sự và tự vệ. Nhưng giá trị của sự sống rất lớn, và đặc biệt thể hiện trong cách một xã hội nhìn nhận và đối xử với những người dễ bị tổn thương.

Không có quyền con người nào làm mất đi tất cả quyền của chúng ta. Và phẩm giá của chúng ta vẫn tồn tại ngay cả khi chúng ta thôi không nhận ra nó.

-          Michael Gerson

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Tản mạn về đạo Phật và thiền (6)



Phần 4: Tại sao ngày nay người ta đổ xô đi học thiền?


Thống kê đáng ngạc nhiên là, hiện nay người châu Âu, Mỹ… ngồi thiền nhiều hơn người châu Á. Việc ứng dụng thiền ở các quốc gia phát triển cũng nhiều hơn các quốc gia đang hoặc kém phát triển. Có vẻ như cái cội nguồn lịch sử lâu đời vô cùng quí giá cũng chẳng được người phương Đông biết đường gìn giữ và phát triển.

“Thiền” là từ tiếng Việt. Tiếng Phạn là “Dhyana”. Tiếng Pali của Phật Tổ là “Jhana” (nghĩa là tập trung tĩnh lặng). Tiếng Trung là “Ch’an”. Tiếng Tạng là “Dzogchen”. Tiếng Nhật là “Zen”. Các ngôn ngữ phương Tây đều dùng từ “Zen” để chỉ nó. Ngoài ra, tiếng Anh còn một từ “Meditation” (chiêm niệm) cũng hay dùng cho thiền.

Ai cũng nghĩ Thiền là sản phẩm của Phật giáo. Nhưng thực ra thiền ra đời trước cả Phật Tổ. Thế kỷ 3, thiền được phổ biến ở Seria, Jordan và các quốc gia vùng Lưỡng Hà (sau này là đất của các nước Hồi giáo). Thế kỷ 10, thiền được truyền tới Nhật, châu Âu, Nga… Đến thế kỷ 18, gần như cả thế giới đều biết đến thiền. Do giao thoa văn hóa, thiền biến tướng dưới nhiều dạng và nhiều môn phái, dần dần không còn cái nào là mẫu mực.

Ngày nay, các lớp học thiền mọc lên như nấm ở khắp nơi trên thế giới, do công dụng to lớn của thiền đã được khoa học chứng minh. Nhiều bệnh viện ở phương Tây và các quốc gia phát triển như Nhật, Hàn, Singapore, Hồng Kong, Đài Loan sử dụng thiền như một lựa chọn điều trị cho bệnh nhân. Các trường học đưa thiền vào thời khóa giảng dạy cho học sinh từ rất sớm: học sinh cấp 1 ở Hàn Quốc, Nhật, Singapore đã học thiền, học sinh cấp 2 và cấp 3 ở châu Âu và Mỹ có thể lựa chọn thiền làm môn học phụ. Các nhân vật nổi tiếng của thế giới phương Tây cũng hành thiền như cựu Tổng thống Mỹ Obama, Bill Clinton, vợ chồng phó tổng thống Mỹ Al Gore…

Khoa học công nhận tác dụng
Khoa học dùng thực chứng và thí nghiệm. Thiền dùng trực giác và chiêm nghiệm. Về đối tượng, khoa học hướng tới bản chất và qui luật của thế giới vật chất, khách quan (bao gồm cả con người). Đối tượng của Thiền là thế giới nội tâm con người. Mục đích của cả hai đều nhằm giải đáp, xử lý các vấn đề của thế giới và con người. Nói chung, Thiền cùng Phật giáo có nhiều quan niệm và bản chất gần với khoa học hơn chúng ta tưởng.
Từ những năm 70 thế kỷ trước, giới khoa học phương Tây đã bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu thiền. Có thể kể đến những cái tên như Richard Peterson, John Kabatzin, Sam Harris… Mấy chục năm qua có hàng ngàn báo cáo khoa học liên quan đến thiền trên các tạp chí và diễn đàn khoa học chính thống.
Họ phát hiện ra rằng, thiền – dù có vô số phương pháp và trường phái tràn lan trên thế giới – nhưng đều nhằm vào sự tập trung và khả năng kiểm soát phản ứng của con người. Thiền được giới khoa học công nhận là một cách cực kỳ hiệu quả giúp:
-          Cân bằng cảm xúc
-          Tập trung tốt hơn
-          Nâng cao năng suất và sự sáng tạo
-          Nâng cao trí nhớ
-          Nâng cao đầu óc (kiểu thông minh, sáng suốt hơn)
-          Tăng cường hệ miễn dịch
-          Tăng cường lòng từ bi, bác ái, cảm thông…

Do tâm trí con người luôn xao động, điền đầy những tin tức, suy tưởng, hình ảnh,… nên luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi. Thiền tạo ra nhiều khoảng trống trong đầu. Tập lâu dần sẽ ít bị xao lãng, thoát khỏi các luồng ý thức cũng dễ dàng hơn, khả năng tập trung của não mạnh lên. Nhiều thí nghiệm chiếu/chụp não bộ của các thiền sư hoặc những người tập thiền đều đặn một thời gian đều cho thấy phần bên trái của thùy não trước (liên quan tới những cảm xúc tốt, tích cực) phát triển hơn hẳn, mật độ chất xám dày hơn người bình thường.
Một nghiên cứu kéo dài gần 2 tháng do Harvard thực hiện tại bệnh viện đa khoa Massachusetts cho thấy, thiền có thể khôi phục lại lượng chất xám của não chỉ trong 8 tuần. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh thiền làm thay đổi não bộ theo thời gian. Ngoài ra, họ còn công bố nghiên cứu cho biết thiền tác động đáng kể đến các triệu chứng lâm sàng của chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột. Nó giúp giảm căng thẳng và cải thiện triệu chứng trong tất cả các rối loạn này. Nghiên cứu chỉ ra, sau 8 tuần tập thiền trung bình 27 phút mỗi ngày, cấu trúc não sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn: tăng độ dày chất xám tại hippocampus – phần não phụ trách trí nhớ, kiểm soát cảm xúc, nhận thức; giảm mật độ chất xám tại vùng amydala – vùng quản lý cảm giác lo lắng, sợ sệt. Như vậy các chuyên gia cho thấy tốt nhất nên tập thiền 20-40 phút/ngày vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Nếu quá bận rộn thì bạn có thể tập thiền ngắn 2-10 phút vào những khoảng lịch trống trong ngày. Thực ra độ dài mỗi lần tập không quá quan trọng, bạn chỉ cần thường xuyên uốn nắn tâm trí, tạo cho nó những thói quen tốt.
Thiền còn giúp trẻ hóa, chậm lão hóa. Những nghiên cứu cho thấy người sống trong căng thẳng sẽ có telomere (loại protein bít hai đầu chuỗi ADN, mỗi lần phân chia tế bào, telomere lại ngắn thêm chút nữa) ngắn nhanh chóng, và trông họ già hơn người bình thường, do đó có tuổi thọ ngắn hơn. Thiền giúp thúc đẩy quá trình sản sinh ra telomerase – loại enzyme tự nhiên ngăn sự co lại của telomere và bảo vệ telomere, thậm chí còn bổ sung chiều dài cho telomere và giúp một số loại tế bào có tuổi thọ cao hơn. Những người thiền định lâu năm có độ dày vỏ não và chất xám vượt trội hơn những người không thiền từ mười đến vài chục năm lão hóa.
Nghiên cứu về chất trắng của 20 vùng não bộ của tiến sĩ thần kinh học Eileen Luders tại UCLA cho thấy, khi người ta già đi, chất trắng theo tự nhiên sẽ giảm dần. Nhưng hiện tượng này lại không xảy ra ở những người thiền định lâu năm. Đó là lý do một người có hàng nghìn giờ tọa thiền vẫn rất minh mẫn và thông tuệ dù ở tuổi thất thập cổ lai hi.
Trong nghiên cứu khác, Paul Ekman (Viện Đại học California) cho rằng thiền định và quán chiếu có thể chế phục được nhân hạnh đào (amygdale) – một vùng não lưu trữ những ký ức sợ hãi. Ông khám phá ra rằng các thiền sư lâu năm khó bị chấn kinh, bất an, hoảng hốt hay nổi giận như người khác. Tuyến thượng thận – nơi tiết adrenalin điều khiển nhịp tim khi sợ hãi – gần như được các thiền sư khống chế hoàn toàn.
Ngồi kiết già có công dụng chữa bệnh, hai chân ép lên các vị trí huyệt mạch trên đùi sẽ ép các mạch máu, gây tác động tới não phải. Chỉ cần ngồi vào tư thế kiết già, dù không cần tập trung tư tưởng vẫn có một sự thay đổi sóng não từ nhịp Beta khoảng 20c/s xuống nhịp Alpha khoảng 8c/s (nhịp Alpha là sóng não của một người trầm tĩnh, minh mẫn, tâm lý ổn định). Điều này có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng để dẫn dắt người tập dễ đi đến trạng thái thư giãn, an tĩnh.
Thiền liên quan đến các cảm nhận mang tính cá nhân. Nhưng luyện tập với một nhóm nhiều người sẽ được trợ lực và tọa thiền lâu hơn ngồi một mình, cũng tiến bộ nhanh hơn. Đây là vấn đề đã được các nhà tâm lý học chỉ ra.
Tiến sĩ Dean Radin (giám đốc nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa Học Tinh Thần – Institute of Noetic Sciences) từng nghiên cứu những người tập thiền ở phương Tây một thời gian dài, và nhận thấy khi ngày càng có nhiều người ngồi thiền vì lý do sức khỏe, thể chất hay tinh thần, những khả năng tâm linh phi thường xuất hiện ngày càng nhiều, theo nhiều cách khác nhau.  Ví dụ như dùng ý nghĩ di chuyển đồ vật, thần giao cách cảm, thấu thị (nhìn từ xa, nhìn xuyên vật chất)… - những hiện tượng vốn chỉ biết trên phim ảnh hoặc từ các tăng sĩ Mật giáo ở Tây Tạng. Nhưng nay, những hiện tượng tâm linh kỳ lạ này – giới khoa học gọi là “siêu năng lực” – đã phổ biến trong những người hành thiền lâu năm và được các nhà khoa học nghiên cứu xác nhận. Các nhà sinh học lượng tử thấy rằng, sự rối lượng tử Albert Einstein mô tả cho thế giới vi mô (các hạt hạ nguyên tử) cũng tồn tại ở cấp độ vĩ mô (con người). Thiền định được khoa học cho rằng có thể sản sinh siêu năng lực. Thần giáo cách cảm, thấu thị… vốn dĩ bị coi là bất thường và gây sợ hãi ở văn hóa phương Tây, thì nay lại được coi là bình thường, được giải thích theo khoa học. Những người trải qua hàng ngàn giờ thiền định sẽ biết đó chỉ là một chứng ngộ bình thường.
Còn một vấn đề cũng chưa được khoa học giải đáp, nhưng đã được xác nhận: thiền giúp giảm tiêu hao năng lượng đáng kể. Những người tập thiền lâu năm thường không ăn nhiều, cũng không có các nhu cầu lớn cho sinh hoạt. Các thiền sư thường chỉ ăn một bữa vào chính ngọ mà vẫn sinh hoạt như bình thường. Người ta tạm giải thích rằng, người tập thiền đúng và đủ lâu sẽ tạo lập được trạng thái cân bằng, điều hòa được các nhu cầu sinh hoạt tinh thần, chủ động điều tiết được hệ thần kinh sinh dục, luôn cân bằng ý thức và tâm thức, các cơ quan nội tạng cân bằng và tương tác với nhau ở mức chuyển hóa rất thấp, cho nên tiêu hao năng lượng ít và hợp lý. Dần dần họ sẽ không có nhu cầu vật chất lớn.Người tu thiền lâu sẽ có khuynh hướng sống giản dị hơn, gần gũi tự nhiên hơn, khiêm tốn hơn, từ bi hơn.

Khoa học đến giờ đã công nhận thiền là phương pháp tốt nhất để tập trung và sống tốt hơn trong thực tại, nhưng ngoài ra cũng có nhiều phương pháp luyện tập khác giúp tập trung và/hoặc giúp ta quay về thực tại. Thiền có khả năng “rửa” lại não, giải tỏa khu vực căng thẳng vì máu ở trong tình trạng ách tắc. Trong trào lưu thiền định rầm rộ khắp Mỹ và Châu Âu ngày nay, nhiều người cho biết họ chữa được cả bệnh tim, ung thư, nghiện rượu, stress, HIV-AISD, thậm chí cả suy giảm ham muốn tình dục… chỉ bằng cách ngồi thiền.

Các nhà khoa học cho biết, trong 20 năm đầu đời, những kết nối giữa các tế bào não gia tăng và giảm xuống, năng suất đang sung mãn, tốc độ quá trình nhanh hơn. Đây là thời điểm lý tưởng để xây dựng các mạch trong não bộ mà sẽ kéo dài cả cuộc đời. Tư duy đúng sẽ phát sinh từ cấp độ cơ bản nhất, sâu nhất của cuộc đời. Sau đó, một cách tự động, các hành động sẽ diễn ra phù hợp theo tư duy; nếu tập thiền, nó sẽ giúp hòa hợp với môi trường và những người xung quanh, có tầm nhìn rộng và khả năng thích nghi cao độ - trạng thái của sự khai sáng. Đó là lý do bạn nên tập thiền ở ngay 20 năm đầu tiên trong đời mình.

Kỹ thuật thiền phổ biến nhất ở phương Tây là Thiền Siêu Việt - được giới khoa học phương Tây khám phá và phổ biến từ những năm 60-70 cho thấy, dù hành trì hết sức đơn giản, nhưng hiệu quả lại cao bất ngờ: cải thiện chức năng não, giảm tình trạng cao huyết áp, tăng khả năng tập trung, tăng tính sáng tạo, tăng sự trầm tĩnh, sức đề kháng, tăng tính tổ chức, cải thiện các mối quan hệ, tăng khả năng tự thể hiện. Thiền siêu việt sau đó được các trường học phương Tây sử dụng đại trà để dạy cho học sinh.

Đông y ưa dùng
Đông y quan niệm: tinh, khí, thần là căn bản, cội rễ của sự sống con người (tam bảo). Tinh – thức ăn, nước uống – gồm tinh của tiên thiên (di truyền) và tinh của hậu thiên (từ ăn, uống, thở). Khí có chân khí/thanh khí (oxy) và trọc khí (CO2,…). Thần – tâm linh, tinh anh - có thần của tiên thiên (có sẵn trong người – tâm, Phật tính, bản tánh chân thật, linh hồn bất tử… - không thể thấy được, chỉ cảm nhận được khi đạt tới một trình độ nhất định) và thần của hậu thiên (ở não, biểu hiện qua tư tưởng, cảm giác, cá tính…).
Thiền giúp định tâm cực kỳ hiệu quả - đến nay vẫn là phương pháp độc tôn trong Đông y để chữa các bệnh liên quan đền thần (tâm thần, nghiện hút, ảo giác, cai rượu…) và cả các bệnh nan y, hiểm nghèo (ung thư, suy nhược, huyết áp, tim mạch, khớp mãn tính, hen suyễn, phong hàn, …).

Bản thân tư thế ngồi thiền đã là một tổ hợp tái tạo năng lượng hoàn hảo.
Khi ngồi kiết già, xương mắt cá chân sẽ tạo sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt tam âm giao của chân còn lại, khiến huyệt này được kích hoạt – huyệt này ở chỗ lõm bờ sau xương chày. Người hay tọa thiền bằng tư thế kiết già sẽ dần dần có một dấu ấn trên mặt da tại vùng huyệt đó. Khi huyệt tam âm giao được kích hoạt, toàn bộ quá trình chuyển hóa, hấp thu, bài tiết ở khu vực này được kích hoạt. Ngoài ra, huyệt này còn có tác dụng “dưỡng âm kiện tỳ” và “sơ tiết can khí” – giúp tái lập cân bằng nội tiết, nội tạng và điều hòa thần kinh giao cảm. Chính vì thế, kiết già giúp an định cả thân và tâm trong quá trình hành thiền.
Vậy nên ngồi kiết già thế nào: chân phải chồng lên chân trái hay chân trái chồng lên chân phải? Tam âm giao là một số ít huyệt vị có tính tự điều chỉnh rất cao. Dù kích thích vào huyệt bằng cách nào, lâu hay mau, bên phải hay bên trái thì hiệu ứng mang lại vẫn rất tích cực: luôn cải thiện, điều chỉnh để tiến tới hòa hợp và cân bằng. Nên tùy sở thích, thói quen, hai cách ngồi kiết già đều mang lại kết quả tốt đẹp cho việc hành thiền.
Khi ngậm miệng, để đầu lưỡi chạm vào nướu hàm trên ở huyệt Ngân Giao, là đang nối thông hai mạch Nhâm Đốc âm dương lại với nhau. Trường phái nhân điện gọi là ‘nạp điện’. Đây là động tác mà những người tập khí công hoặc tu luyện nội công cũng phải dùng tới. Họ thậm chí còn nhìn huyệt Thiên Môn (trên đỉnh đầu) để biết một người có tu thiền hay không – từ đó mà đánh giá nội lực và tu dưỡng của người đó. Người tu thiền không liên tục, hoặc theo nhiều pháp môn khác nhau, đường giữa đỉnh đầu từ huyệt Thiên Môn tới huyệt Bách Hội sẽ lồi lõm không liên tục. Người tu thiền lâu năm và chỉ theo một pháp môn sẽ có đường này giống một rãnh lớn.
Hai bàn tay để lên nhau, hai đầu ngón cái chạm vào nhau. Đầu ngón tay cái là huyệt Thiếu Thương, có các đường kinh lạc liên quan tới hệ hô hấp. Hai đầu ngón cái chạm vào nhau là nối hai mạch âm dương Thiếu Thương lại với nhau, nạp điện và kích thích cho hệ hô hấp hoạt động cân đối.
Xả thiền cũng là phương pháp nạp điện rất tích cực, được Đông y khuyên dùng trong điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt những bệnh liên quan đến khí, thần như suy nhược, ung thư…

Một số trường phái Đông y còn cho rằng, bệnh là do năng lượng ứ đọng, thiền là quá trình dẫn năng lượng ứ đọng ra ngoài. Vì thế về mặt lý thuyết, thiền có thể điều chỉnh được tất cả các bệnh. Nhưng với mỗi người, hiệu quả sẽ khác nhau do công phu luyện tập. Họ tạo ra nhiều bài thiền khác nhau với mục đích chính là chữa bệnh, như bài thiền thư giãn, thiền giãn thân, thiền thư giãn nội tạng, thiền nhân điện… Thiền kiểu này giống dưỡng sinh nhiều hơn, chủ đích là sức khỏe, mục đích tâm linh bị bỏ qua. Để thực hành hiệu quả cần thả lỏng tuyệt đối và có tâm yêu thương. Tuy nhiên, cũng có một số người lợi dụng hướng mọi người đến niềm tin mù quáng, bóp méo hay làm biến tướng giáo lý Đức Phật để chữa bệnh kiếm tiền. Cần nhớ rằng, thiền được nhiều tôn giáo và phi tôn giáo sử dụng với những mục đích khác nhau. Không phải ai cũng ngồi thiền được. Và không phải ai ngồi thiền cũng chữa bệnh được. Cho nên trước khi áp dụng thiền (hay bất cứ phương pháp điều trị nào), phải tìm hiểu cho kỹ.


Tôn giáo coi là công cụ đắc lực
Thiền - tự chính nó không có bóng dáng tôn giáo.
Chiêm niệm (Meditation) – bắt đầu từ thời sơ khai của Giáo hội Ki-tô và chỉ dành riêng cho các tu sĩ. Kinh điển Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo ghi lại vào thế kỷ thứ 3, nhiều tu sĩ vào sa mạc để chiêm niệm. Bản thân các từ monk (tu sĩ) và monastery (tu viện) đều có gốc từ tiếng Hy Lạp “monos” (đơn độc). Các nhân vật nổi tiếng trong các tôn giáo lớn như Nhà tiên tri Moses, Đức cha Poemen, Thánh Joseph… đều ngồi thiền. Cựu Ước nói tới từ “Mặc Khải” (revelation) cũng được nhiều học giả cho là một dạng thiền. Kinh Khải Huyền (apocalypse) mô tả những cõi giới hoàn toàn tương ứng với một tam muội. Thánh Jean de la Croix cũng mô tả thể nghiệm tâm linh của chính ngài như một hành giả thiền (cuốn Ascension of Mount Carmel). Như vậy nhiều tôn giáo coi thiền là phương pháp thực hành tâm linh từ xa xưa.
“Hãy về tĩnh tọa trong phòng. Căn phòng sẽ dạy ta mọi sự.” (Nhà tiên tri Moses – Hồi giáo)
“Ngài đơn độc vào sa mạc ẩn trú trong hốc đá. Cứ 6 tháng ngài đi lấy lương thực một lần. Ngài đơn độc như vậy trong nhiều năm để tu luyện cách từ bỏ mình.” (Giám mục Atanasius viết về Thánh Anthony)

Linh mục Ki-tô giáo John Main (1926-1982) lập ra 2 thiền viện ở châu Âu để phổ biến thiền cho tín đồ Ki-tô giáo. Họ cho rằng phương thế giữ mình trong im lặng là sự an trú trong tình yêu của Chúa. Mọi khuôn mẫu đều bị giới hạn trong vòng kiểm soát của trí óc. Chưa buông xả là chưa đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Chỉ khi nào từ bỏ mọi tư tưởng, hoàn toàn tĩnh lặng, tâm hồn sẽ chìm sâu vào hư vô, nơi Thiên Chúa hiện diện. Thiền Ki-tô là một dạng thiền phương Đông kết hợp với lối chiêm niệm của các ẩn sĩ Ki-tô giáo thế kỷ thứ 3. Linh hồn tín đồ Ki-tô phải gặp Chúa của mình. Thiền là cách giữ tâm thanh tịnh và trong sạch. “Ai là người đứng trước mặt Chúa. Ấy là người tay không nhúng tội và trái tim trong sạch.” Vì Thiên Chúa là ánh sáng quá chói chang khiến trí óc và mắt con người chỉ thấy tối tăm. Để gặp Người, tín đồ Ki-tô phải đi vào bóng tối. Thiên Chúa không thể hiểu được bằng lời nói, âm thanh, nên để gặp Người, họ phải đi vào bóng tối, im lặng, cầu nguyện với kinh vô thanh. Chủ yếu là chứng nghiệm cá nhân, nên khi thiền, đừng mong cầu điều gì. Quyền lực của thiền ở sự qui thuận hoàn toàn Thiên Chúa. Thiền là trở thành chính mình: sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Jesus, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian tu thiền, bản tính đạo đức ẩn khuất sẽ từ từ được khai triển (ví dụ, tự nhiên ta có lòng bác ái).

Với đạo Phật, Đức Thích Ca cho rằng, biết Phật Pháp là chìa khóa. Nhưng biết Phật pháp mà không hành thiền thì giống như có học mà không có hành, không thể đi tới giải thoát và an lạc, coi như uổng công học đạo. Thiền vốn có trước thời Đức Phật, nhưng chỉ có Ngài mới là người đầu tiên trong lịch sử khám phá ra sự kì diệu của nó và biến nó thành công cụ hoàn hảo trợ giúp đắc lực cho hành trình đi tới giải thoát, đạt được trí tuệ lớn lao.
Tất nhiên, việc một thiền sư ngồi thiền mười mấy tiếng một ngày suốt hàng chục năm ròng, đạt đến cảnh giới thâm sâu và uyên bác về mặt trí tuệ, cũng không thể làm cho vị đó trở thành chuyên gia năng lượng, vũ trụ, vật lý hạt nhân… Không nên quy chụp chồng chéo, lẫn lộn giữa hai lĩnh vực tôn giáo/triết học và khoa học.
Ở nước ta, có vẻ như mọi người chờ đến khi già yếu, hoặc gặp sự cố, thất bại trong đời mới tới cửa chùa, cầu xin than khóc với Phật, học Phật pháp nhằm xoa dịu nỗi đau hoặc mong được siêu thoát về cõi Cực Lạc. Nên nhớ, Phật giáo chân chính không có chuyện cầu nguyện, lễ bái. Vì Phật là người – một bậc giác ngộ và người thầy dạy cách giác ngộ, không phải là thần thánh mà xin xỏ. Các vị sư chân chính sẽ bảo bạn “hãy phát nguyện”, “hãy ngồi thiền”, “hãy học theo lời Phật dạy để thoát khổ”.
Phật giáo cho rằng, muốn có hạnh phúc chân chính, thì nên giác ngộ. Giác ngộ càng sớm càng tốt. Nói chung, ai và ở lứa tuổi nào cũng có thể làm theo lời Đức Phật – đây là tôn giáo của sự giải thoát – trí tuệ - an lạc, dựa trên lý trí và hiểu biết, không phải dựa trên niềm tin. (Không có chuyện Phật tử đi lôi kéo mọi người vào đạo. Họ thường chỉ nói khi bạn hỏi tới.) Đó là lý do tại sao ngày nay, nhiều người còn rất trẻ, thậm chí trẻ con vừa sinh ra, đã ngồi thiền và học Phật pháp.
Nhà Phật coi thiền là cách giúp phát huy sự can đảm, ý chí vượt qua khó khăn, đặc biệt tăng sự tự tin nhờ nhận rõ bản chất nỗi sợ trong lòng. Thiền cũng giúp hành giả ý thức về bản chất của vật chất, sự giàu có và phương pháp sử dụng nó để tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Thiền giúp người trẻ biết định hướng đường đi. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Phật giáo (Nhật, Hàn quốc, Thái, Singapore) và cả Âu Mỹ ngày nay đều dạy trẻ con học thiền từ cấp một, đưa vào giáo trình học hẳn hoi. Người về già mới tập thiền, dù muộn còn hơn không. Già thì dính mắc, cố chấp càng nhiều, cái tôi càng lớn, thường bảo thủ. Thiền giúp họ hòa hợp, an vui, mở tâm từ bi, bao dung hơn để giúp họ nhận thức được ý nghĩa thâm sâu của cuộc đời. Đặc biệt hơn, thiền giúp chúng ta tự biến cải bản thân một cách tích cực.
Phật giáo coi “ngồi” không phải chỉ là một động tác của thân xác, mà nó liên quan đến toàn diện con người của mình. Thân xác biểu tượng cho trái đất và bầu trời, trái tim là vương miện của đế vương. Bạn ngồi thật vững vàng trên mặt đất, trong tư thế sẵn sàng đón nhận bầu không gian của thực tại, hòa nhập vào thể dạng hiện hữu đang phát động một cách tự nhiên ấy. Tư thế ngồi biểu trưng trọn vẹn cho toàn thể giáo huấn nhà Phật. Ngồi kiết già phải luyện công phu, chữa được bệnh, lại khiến con người ta bớt tham ái dục, còn có thể “bay được nếu có thần thông”. Ngồi bán già “không bay được”. Tư thế ngồi chưa phải toàn bộ kỹ thuật tập luyện. Ngồi đúng cách chỉ là biểu lộ quyết tâm của hành giả. Ví tư thế ngồi như quả núi, hành giả có thể tìm thấy ở đó chỗ ẩn cư thuận lợi dù đang phải sống trong bất cứ bối cảnh nào.
Giữ tâm thức vắng lặng rất quan trọng, đặc biệt với tôn giáo phương Tây, nhưng trong đạo Phật, đó không phải là cốt lõi. Lục tổ Huệ Năng từng bảo đó là “một hình thức bệnh hoạn”.

Bà la môn giáo (Ấn Độ giáo ngày nay) cũng thực hành bằng thiền định, để giúp con người hòa vào làm một với vũ trụ. Họ cho rằng ngồi kiết già khiến hai chân ở vị thế khóa nhau, tạo sức ép lên 2 luân xa ở dưới cùng của cơ thể, làm cho dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Việc giữ cột sống thẳng giúp luồng năng lượng mạnh mẽ chạy dọc cột sống lên não. Nếu ngồi cong hoặc gập người sẽ ngăn nguồn năng lượng này, cản trở hơi thở và giảm sự tập trung của tâm trí.

Ở Việt Nam, một số hình thức nghi lễ truyền thống như hầu đồng, một số tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo cũng có thiền – gọi là thiền động, theo hình thức tập thể.

Ngày nay, có nhiều phương pháp thiền mới ra đời, như Pháp Luân Công ở Trung Quốc (1992), thiền Osho ở Ấn Độ (1989)…


Như thế chưa đủ, còn thực tại khách quan
Hòa bình yên ổn
Cuộc sống thừa mứa vật chật. Công việc ổn định. Gia đình yên ả. Xã hội tràn lan những thứ hào nhoáng. Tivi, internet, báo chí… khiến chúng ta ngập đầu trong hàng đống tin tức tào lao vô bổ. Tất cả khiến con người cảm thấy vô vị, tẻ nhạt.
Trường học và công sở, trong nhà và ngoài ngõ… đều khuyến khích, ưu ái sự hòa đồng. Hòa đồng là một kỹ năng quan trọng cần có. Nhưng nó cũng ẩn chứa nguy cơ. Do luôn kiếm tìm con đường ít trở kháng nhất - con đường hòa giải, bạn sẽ quên bạn là ai, rồi chìm vào trung tâm cùng mọi người.
Chúng ta bị cào bằng, đồng hóa, bị chìm lấp giữa cả tỷ người như chúng ta - không còn khác biệt. Tự trong đáy lòng phát ra những tiếng nói bức bối, muốn nổi dậy, muốn làm loạn… để gây sự chú ý, để thấy mình đặc biệt và khác biệt, để có cảm giác mình không tầm thường. Trạng thái này khiến con người ta hoặc cứ mải tìm kiếm vu vơ không chủ đích hoặc tự chôn mình trong cảm giác bất lực. Họ tìm nhiều cách để giải tỏa, để bộc lộ bản tính thực sự - những cách khiến họ căng thẳng hoặc tức giận, vì chỉ khi căng thẳng hay tức giận, những gì bạn cố che dấu mới có khả năng hiển lộ. Nhẹ thì rượu chè, cờ bạc; nặng thì ma túy, dạt nhà đi đây đó kiếm tìm; nặng nữa thì thành đệ tử IS hay những thứ điên cuồng, quái thai.
Con người sống trong hòa bình sẽ mang nội tâm đầy bão tố, dù chỉ là trong vô thức. Họ dễ bị tấn công và kích động bởi những thứ kỳ lạ, mới mẻ, hoặc những thứ đối lập với thực tại của họ - những thứ đại diện cho chiến tranh. Bị tấn công là dấu hiệu chứng tỏ bạn khá quan trọng để trở thành một mục tiêu. Đôi khi họ thấy điều đó là hạnh phúc, dù thực ra đang ảo tưởng và bị lợi dụng.
Một số ít có lý trí hơn, tỉnh táo hơn, sẽ tìm các giải pháp đúng đắn để giảm thiểu tác hại của tình trạng này. Họ coi thiền là một trong những giải pháp ấy. Bạn vẫn có thể tranh đấu và kiếm tìm, nhưng bạn sẽ dần học cách điều khiển được mục tiêu của mình để không lạc lối.

Quá nhiều mối quan hệ
Người thân, họ hàng, đồng nghiệp, bạn làm ăn, bạn chơi, bạn đạo, bạn rượu, bạn nhậu, bạn facebook, bạn instagram… Nhiều mối quan hệ thường dẫn tới một nỗi buồn chán nhất định, có thể đoán trước được.
Ngày nay công nghệ cho chúng ta những khả năng không tưởng trong tạo lập và mở rộng các liên kết. Bạn ngồi một góc nhà hàng tháng trời, mà vẫn có thể giao tiếp với cả thế giới. Cả tuần bạn không nói một câu nào, không gặp mặt trực tiếp một ai, nhưng vẫn “trò chuyện” sôi nổi trên các diễn đàn. Bạn không có thứ gì, nhưng bạn vẫn có thể khoác Dior, đi Benley, du lịch Dubai hay NewYork, sống cuộc đời như mơ chỉ với mấy cái apps. Bạn khóc trong thất bại cay đắng, nhưng bạn vẫn có thể “show” cho mẹ bạn và thiên hạ thấy bạn đang vui vẻ, thành công dường nào, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Bạn tập trung vào viết báo cáo hay ưu tiên khoe hàng trên instagram? Bạn lau nốt nước mũi cho con hay trả lời ngay một tin nhắn điện thoại? “Giá trị thị trường của bạn là bao nhiêu? – 1.800 friends”.
Internet biến quan hệ cả xã giao lẫn thân mật truyền thống thành những cú click chuột “like”, “unlike”, “share”… ; những mối quan tâm bắt buộc phải có tương tác vật lý thành những biểu tượng ảo; rồi những cuộc nói chuyện hời hợt, những mối quan hệ nông cạn, và những ảo tưởng lớn dần cùng cái tôi ngày càng lạc lõng.
Tại sao người hiện đại cô độc? Có cả ngàn lý do – bạn có thể tìm hiểu trong vô vàn nghiên cứu tâm lý xã hội thời gian gần đây. Chủ đề “Nỗi cô đơn của con người” còn đầy rẫy trên internet, phim ảnh, văn học nghệ thuật… Con người cô đơn trong lễ hội hơn triệu người tham gia, cô đơn trong cuộc sống hạnh phúc đủ đầy, cô đơn trong công việc tốt lương cao, cô đơn trên trang facebook với hơn 20.000 friends…
Bạn chẳng còn biết mình thật sự muốn gì, nên làm gì để thoát khỏi những khuôn khổ chật hẹp ấy. Vậy thì tôi giới thiệu cho bạn, hãy học thiền.
Không phải thiền sẽ làm tiêu biến tức khắc nỗi cô đơn của bạn. Nó giúp bạn sáng suốt hơn, trung thực hơn, khách quan hơn, từ bi hơn khi đối diện với bản thân và thế giới. Ít nhất bạn cũng sẽ biết bạn là ai, đang ở chỗ quái quỉ nào trên cõi đời này.

Quá nhiều lựa chọn
Nói chung cái gì “quá” cũng đều không tốt.
Khi bạn là khách hàng, doanh nghiệp hay đối tác cố đưa ra nhiều phương án để bạn lựa chọn – không phải chỉ vì họ chuyên nghiệp, tận tâm, giỏi chăm sóc khách hàng, cũng không phải chỉ vì bạn là bát cơm hay mỏ vàng của họ, mà vì đối thủ của họ làm thế, cả xã hội làm thế, cả thế giới buộc họ và cho họ khả năng làm thế.
Đến lượt bạn, cũng thế thôi. Nếu ngày xưa cụ Hồ phải loay hoay, gian khổ hầu tìm cho ra một con đường cứu nước, thì nay để đạt được một điều gì đó, bạn loay hoay đứng giữa trăm dòng nước “chọn một dòng hay để nước trôi xuôi”.
Xã hội tiêu dùng đa phương tiện đẻ ra cả ngàn vật thay thế, tạo cơ hội lựa chọn phong phú cho mỗi người, và cũng tạo cơ hội để mỗi người có thể làm phong phú thêm các lựa chọn.
Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn khiến bạn không thể đặt tâm trí đủ sâu vào một việc để tiến hành nó một cách trọn vẹn. Cuối cùng bạn không hoàn toàn có được cái bạn muốn hoặc có nhưng cảm giác chiến thắng không trọn vẹn. Bạn sống trong cảm giác lúc nào cũng thấy thiếu một cái gì đó.
Dù ai cũng biết rằng tinh thần có tính chất lây lan; khi có ít hơn, họ sẽ sáng tạo hơn. Nhưng xã hội kồng kềnh của “đa số”, của sự thừa mứa, phung phí khiến chúng ta không tự chủ, kiềm chế, kiểm soát hay thay đổi được.
Thiền có là liệu pháp? Có thể. Thiền giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống, tập trung và sáng suốt hơn, tư duy theo phong cách tối giản và hiệu quả hơn. Thay vì bâng khuâng đứng trước cả trăm dòng nước, bạn sẽ chỉ tập trung vào những dòng nước có tốc độ chảy phù hợp với cái bè nứa của bạn mà thôi.

Nghe quá nhiều sách vở và diễn thuyết
Các khóa học làm giàu, diễn đàn tư duy triệu phú, trường dạy kỹ năng thương lượng và bán hàng, lớp yoga, lớp thôi miên, lớp tiếng Anh tiếng Nhật tiếng Hàn, lớp kỹ năng sống cho trẻ em và người lớn, lớp phòng ung thư cho người già… cùng vô số sách, đĩa, bài báo dạy kinh doanh bất động sản không dùng tiền, khởi nghiệp 0 đồng, 10 cách kiếm tiền nhanh nhất, 30 bước thành tỉ phú trước 30 tuổi, cách ngồi thiền kiểu Tây Tạng trị hết bệnh ung thư, liệu pháp thôi miên chữa bách bệnh, buôn tiền thế nào để giàu hơn Buffett, 3 bước thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, tư duy làm giàu, tư duy lãnh đạo, cách đánh thức tài năng kiệt xuất trong con bạn, con đường từ anh nông dân vô học đến tỷ phú giàu nhất tỉnh… Phần lớn con người không sống cuộc đời họ muốn vì họ suy nghĩ quá nhiều. Mà với lượng thông tin khủng bố thế kia, không nghĩ mới lạ đấy!
Con người ngày nay thật đáng thương. Sau khi đã mệt mỏi vì sự nhàm chán của cuộc đời an ổn, những mối quan hệ nhạt nhẽo, và vô số lựa chọn nhảm nhí hỗn loạn; người ta lại chịu áp lực từ những tấm gương to nhỏ của đủ thể loại nhân vật: từ nông dân đến lãnh tụ, từ người tàn tật đến tỷ phú, từ anh hàng xóm đến thằng cha ất ơ ở tận bên kia bán cầu… Thế nên đừng hỏi tại sao ngày càng có nhiều trại tâm thần, bệnh viện, trung tâm cai nghiện!
Sách vở là kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Ta đọc sách vì tương lai Việt Nam, vì tương lai chính mình, hoặc vì chồng con, hoặc chẳng vì cái gì. Sách vở - những thứ này dù có gây phấn chấn thế nào thì cũng chỉ là một kinh nghiệm quá thụ động để có một ảnh hưởng lâu dài. Nói thế, không có nghĩa tôi phủ nhận tác dụng to lớn của sách vở và tri thức nói chung. Tôi chỉ muốn nói tới tình trạng lạm dụng các hình thức giáo dục để kiếm tiền, qua đó gián tiếp đặt gánh nặng hoặc làm sai lệch nhận thức của nhiều người.
Thiền trong trường hợp này đúng là giải pháp vô cùng tốt. Thiền của phái Thiền tôn có tư tưởng “bất lập văn tự” – không nặng nề sách vở, không tư duy trên ngôn từ. Học thiền không phải để quẳng hết sách vở đi mà vẫn có tri thức tốt. Thiền định giúp bạn quan sát và nhìn nhận hiện tượng, sự việc như những gì nó đang diễn ra, trong hiện tại, đúng với bản chất thực sự của nó. Bạn học được cách nhìn nhận vấn đề, cách tư duy hiệu quả, từ đó áp dụng cho những thứ khác trong cuộc sống. Bạn được thư giãn, trở thành chính mình, không phải chạy theo những sở thích có tính “trào lưu” méo mó của thiên hạ.
Hiển nhiên, tôi không khuyến khích bạn tới các lớp học thiền của các trung tâm rêu rao nhan nhản ngoài kia. Bạn nên cân nhắc lên chùa, hoặc tìm hiểu qua internet, hoặc thử tập ở nhà vài lần xem căn cơ mình có phù hợp không, và phù hợp với trường phái nào. Thật ngớ ngẩn nếu bạn bỏ một đống tiền theo học anh chàng ất ơ nào đó hoặc sang tận Tây Tạng, Ấn Độ để học thứ mà người ta chỉ mất 10 phút đọc tài liệu trên mạng là có thể tự làm được ở nhà.

Nhu cầu quá dễ dàng được thỏa mãn
Đời nó theo kiểu “Phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Matthew 25:29)
Bạn có quá nhiều nhu cầu: ăn pizza, uống Ken, mặc đồ D&G, đi làm văn phòng nhẹ nhàng, lương xài dư dả, xe mới, sửa nhà, đi du lịch, cho con học trường tốt… Nhiều cũng chẳng sao. Nhưng vấn đề là nhiều nhu cầu mà lại quá dễ dàng được thỏa mãn. Bạn sẽ có nhiều thời gian trống. Bạn sẽ làm những việc nhảm nhí hoặc chẳng làm gì. Đừng để cho bản thân nghỉ ngơi, vì nó sẽ là một loại “nghiện”. Nghiện cảm giác buồn chán. Nghiện trạng thái hoang hoải, vô vị. Nghiện sự cô đơn.
Thiền cũng có thể giúp bạn cai mấy cái nghiện đó (đến ma túy mà có người còn bảo cai được bằng thiền nữa là). Quan trọng là hành thiền đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực vượt qua những chướng ngại rất vi tế; nhờ đó, bạn biết trân trọng hơn bản thân, có những cảm xúc tích cực hơn với cuộc sống.

Hiệu quả và hưởng thụ
Cuộc sống hiện đại lái chúng ta hướng vào cuộc chạy đua theo hiệu quả và xu hướng hưởng thụ tối đa. Con người càng ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn. Thế giới phương Đông cố gắng bắt chước thế giới phương Tây về lý tưởng và giá trị vật chất, làm biến mất những phẩm chất quí báu truyền thống của mình (kiên nhẫn, chăm chỉ, quyết tâm) và cả những giá trị văn hóa tinh thần là cốt tủy từng có thời kỳ huy hoàng trong các nền văn minh vĩ đại của quá khứ (các bộ môn nghệ thuật truyền thống, các tư tưởng và tôn giáo cổ…). Nếu biết cách tu thiền hiệu quả, bạn sẽ sửa được những lỗ hổng tính cách này.

Tinh thần doanh nhân muôn năm - Khởi nghiệp! Khởi nghiệp nào!
Thế giới vật chất này coi trọng ai? Các doanh nhân.
Người người kinh doanh. Nhà nhà kinh doanh. Phật tử kinh doanh. Đến sư chùa cũng là doanh nhân.
Nhưng bài viết này không có tham vọng và tâm tư bàn đến việc làm ăn, tư duy kinh doanh hay ý chí khởi nghiệp của các Phật tử và các chùa, chỉ bàn đến những gì liên quan tới thiền.
Ở Tây, mấy ông khoa học tìm mãi không ra câu trả lời cho “Ta là ai?” bèn xách ba lô lên đường tới Ấn Độ, rồi Tây Tạng. Đứng trên đỉnh Himalaya, có ông hốt nhiên đại ngộ, về viết sách, lập web, tổ chức hội thảo diễn thuyết, mở lớp dạy thiền, tính đầu người thu tiền.
Việt Nam chậm hơn một chút, sau 30 năm nhà nước mới phát động toàn dân khởi nghiệp. Học theo tấm gương các nhà khoa học, các học giả trời Tây đủ mọi lứa tuổi mà vẫn hăng say đi Tây Trúc rồi về kiếm tiền, những người Việt trẻ cũng tự lên đường hoặc thuê người lên đường đi Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Nhật Bản, Đài Loan, thậm chí cả Mỹ, để học vài khóa tu, tu thân còn chưa ngộ, nhưng vẫn trở về mở trường, mở lớp dạy thiền.
Các lớp này thường đầu voi đuôi chuột, chỉ dạy được phần kỹ thuật thiền, còn những cái tinh hoa cốt tủy của thiền thì không sao truyền được hoặc truyền không hết, không đúng. Đó là lý do tại sao, các học viên theo học những lớp này chỉ đạt được một phần hiệu quả về mặt thể chất, sức khỏe, còn tác dụng hoán cải tâm tính, cải biến tâm linh, và những tác dụng to lớn hơn kể cả về mặt thể chất (chữa bệnh thần kinh, ung thư, cao huyết áp... có siêu năng lực…) đều không thể đạt được. Thậm chí có người còn tẩu hỏa nhập ma, oan gia thay!
Lời khuyên của các vị thiền sư cho hành giả ở những lớp kiểu này là: thiền – về kỹ thuật chỉ cần 10 phút lên mạng đọc tài liệu là đủ, có thể tự thực hành ở nhà được, nhưng sau một thời gian (tùy căn cơ từng người, hoặc khi bạn thấy có những dấu hiệu tâm linh hay hơi thở bất thường), thì nên đến tìm các đạo sư (tùy việc bạn chọn loại thiền nào mà chọn thầy của loại đó – các đạo sư chính phái Phật giáo không bao giờ lấy tiền cho những việc thế này nhé!) hoặc những người có kinh nghiệm hơn để học hỏi. Hiệu quả tốt nhất của thiền, là khi gắn với những truyền giảng về mặt tâm linh. Chỉ khi đó, bạn mới có khả năng đạt được lợi lạc nhiều nhất.
Ở Việt Nam, các chùa và đạo tràng Phật giáo dạy thiền miễn phí (chủ yếu là Thiền quán – Thiền Minh Sát của Phật Giáo Nguyên Thủy/Thượng Tọa Bộ/Tiểu Thừa, hoặc Thiền quán của Đại Thừa, một số ít dạy Thiền Yoga của Mật giáo/Phật giáo Tây Tạng).


Kỹ thuật thiền
Đức Phật chia ra 2 loại thiền: thiền chỉ và thiền quán. Thiền quán là của đạo Phật, mục đích cuối cùng là giải thoát. Thiền chỉ là thiền ngoại đạo nói chung (của các tôn giáo khác, hoặc cá nhân tự nghĩ ra… Đức Phật chia nó thành 40 loại đề mục: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên…), mục đích cũng đa dạng (đạt trí tuệ, chữa bệnh, luyện võ, luyện thần thông bát quái, định tâm, …).
Thiền ngoại đạo thường dẫn tới thiền hữu sắc (có các bậc: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền), thiền vô sắc (có các bậc: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ). Khái quát về thiền ngoại đạo như sau:
-          Tà thiền: tu thiền với mục đích không chân chính để có phép lạ, cám dỗ mê hoặc người, có thần thông biến hóa tường tận quá khứ tương lai…
-          Thiền của đạo Tiên: tu luyện cho âm khí mất đi, chỉ còn dương khí sẽ đắc đạo Tiên và có thần thông.
-          Luyện yoga (nhớ rằng không phải phương pháp thiền Yoga của Mật giáo Tây Tạng): xuất phát từ Bà la môn giáo, mục đích làm toàn thể thân tâm tập trung hòa làm một với bản thể của trời đất. Có thể đạt những siêu năng lực.
-          Thôi miên: tự thôi miên, ám thị tập thể… là cách tập trung trường điện từ và điều khiển được chúng tác động lên trường điện từ hoặc các giác quan, nội tạng của người khác. Các thiền sư hoặc người tập thiền lâu năm đều có thể có khả năng này. Hình thức này hay dùng để chữa bệnh, hoặc điều tra tâm lý… nếu tâm không chân chính sẽ dùng để gây họa.

Trong khi tu thiền, trí tuệ thiền được đánh giá là cực kỳ quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sinh tử. Tùy theo môn phái thiền và mục đích bạn theo học, hãy tìm hiểu và học hỏi để đạt được tri thức đúng đắn về loại thiền đó. Không có trí tuệ thiền, hoặc hiểu sai, hiểu nhầm là cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi bạn tu luyện thiền của Mật giáo, thiền tạo siêu năng lực… – hiểu sai có thể dẫn tới mất mạng. Ví dụ, Thiền Minh Sát của Phật giáo thượng tọa bộ sẽ có 5 giai đoạn. Nếu bạn tự tu thiền, đến một ngày bạn tự nhiên không còn cảm nhận được bản thân mình, chỉ thấy các luồng khí đi lại ấm/lạnh, tạo thành sóng lực ở tay, lòng bàn chân, bụng, bạn phải biết mình đang bắt đầu vào giai đoạn 4 để không thấy sợ hãi hay tự mãn, và biết phải làm gì để hoạnh đạt được mức cao nhất năng lực và tuyệt kỹ của giai đoạn này (người bình thường sau 5-20 năm tập có thể đạt đến giai đoạn này, tùy căn cơ). Ví dụ khác, tu thiền Yoga của Mật giáo Tây Tạng, nếu đến một ngày bạn thấy mình nhắm mắt mà vẫn cảm nhận được mọi vật chuyển động xung quanh – thậm chí cả lá rơi, bạn sẽ làm gì?
Nhớ rằng đừng bao giờ hỏi đạo sư khác phái bạn đang theo học. Người chân chính sẽ không trả lời bạn. Còn thầy dỏm (rất tiếc ngày nay đại đa số là loại thầy này) sẽ dẫn bạn càng đi sai đường mà hệ lụy khôn nguôi.

Thiền của Phật giáo
(Thiền quán – hay Thiền Minh Sát được coi là phương pháp thiền nguyên thủy có tính khoa học nhất, nhưng cũng khó nhất. Ngoài ra mỗi trường phái đạo Phật sẽ có tiểu xảo và lý luận về tọa thiền khác nhau. Ở đây chỉ trình bày phương pháp phổ biến nhất của Thiền tôn.)
-          Ngồi kiết già hoặc bán già, giữ sống lưng thẳng tắp, mắt mở 1/3 hoặc nhắm lại, bàn tay để ngửa lên gót chân, tay trái trên tay phải, hai đầu ngón cái chạm vào nhau, hai hàm răng khép lại, đầu lưỡi chạm vào lợi hàm trên, thả lỏng tự nhiên, giữ vẻ mặt thư thái.
Phật giáo nguyên thủy và Mật giáo: nơi ngồi thiền nên thuận lợi cho việc khất thực, không có côn trùng nhiều, khí hậu không quá nóng hoặc quá lạnh, trong lịch trình tu dài thì không được phép có điện thoại, internet, tivi... Phòng hạn chế đồ đạc ở mức tối thiểu để tránh phân tâm. Có bạn đồng tu hỗ trợ hoặc thầy tốt (với Mật giáo Tây Tạng, sư phụ là bắt buộc – nhưng ở Việt Nam hay Đông Nam Á nói chung thường cực khó tìm được vị Lạt ma Mật giáo đích thực – toàn những vị đi Tây Tạng vài khóa, tu thân còn chưa ngộ, đã về mở lớp kiếm tiền, nên hầu như hành giả không thể được thọ những nghi lễ như truyền giới và thấu hiểu tri thức đúng đắn để đạt tới trí tuệ thiền cần thiết và tuyệt kỹ do thiền Yoga mang lại).
Trường phái Trúc Lâm: sử dụng tọa cụ, ngồi trong phòng kín/ít gió và ánh sáng nhẹ, không có côn trùng, tư thế giống như trên, giữ vẻ mặt vui vẻ, hạnh phúc.
-          Tĩnh tọa vài phút để tâm thanh thản trước khi chính thức nhập thiền.
-          Khởi động thiền (tùy từng trường phái, có thể hít vào thở ra, hoặc tụng kinh, hoặc sư phụ hướng dẫn giảng một bài khai tâm…).
Trường phái Trúc Lâm: hít vào bằng mũi thật sâu rồi thở dài ra bằng miệng 3 lần.
-          Tọa thiền: mỗi trường phái có một vài phương pháp khác nhau.
Chú ý hơi thở - là công cụ giữ nhịp cho thiền. Quan tâm tới hơi thở để nâng cao hiệu quả thiền.
Người mới tập sẽ được hướng dẫn cách tập trung vào một vật (tùy từng trường phái, có thể là một vật nào đó, một điểm cố định phía trước cách thân 30-50 cm, hơi thở, âm thanh, một câu chú, một câu niệm Phật…)
Trường phái Trúc Lâm: nhắm mắt hoặc nhìn ra phía trước (một vật hoặc một điểm cố định).
-          Tọa thiền xong, đọc kinh hồi hướng (tùy từng trường phái).
Trường phái Trúc Lâm: niệm thầm trong đầu đoạn kinh
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
-          Xả thiền: làm một số động tác massage toàn thân để chống nhức mỏi, khơi thông kinh lạc, và quan trọng nhất, để bảo toàn năng lượng sinh học (tùy từng trường phái sẽ có bài tập khác nhau).
Trường phái Trúc Lâm: massage bằng cách xoa trên da nhiều lần theo thứ tự từ đầu, mặt, mắt, tai, cổ, vai, tay, bụng, hông, đầu gối, chân, giãn cột sống, các khớp gối, đến khi nào hết mỏi thì thôi.

Thiền của Ki-tô giáo
-          Có thể ngồi kiết già, bán già, hoặc ngồi dựa lưng trên ghế.
-          Đừng kỳ vọng bất cứ một điều gì.
-          Giữ sống lưng thẳng đứng, hơi thở điều hòa, mắt nhắm lim dim, miệng tụng mantra (câu chú hay được dùng là “maranathan” – do John Main đề xuất – có nghĩa là “lạy Chúa xin hãy đến” bằng tiếng Aramiac tiếng mẹ đẻ của Chúa Jesus, là lời kinh tối cổ của giáo hội Ki-tô). Chỉ tụng lời, đừng nghĩ đến nghĩa.
-          Chìm vào hư vô.
Sau một thời gian công phu luyện tập, sẽ đạt tới trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng (nhập định), khi đó không cần dùng mantra nữa.

Thiền theo trường phái khoa học phương Tây
Của Douglas Harding
-          Nhiều người xếp thành vòng tròn (nếu nhiều hơn một người).
-          Ngồi xuống hoặc đứng lên, giữ thẳng lưng, mắt lim dim mở 1/3
-          Nhìn vào mắt bạn tập đối diện hoặc vào chân họ. Nếu một mình thì nhìn vào chân mình.
-          Im lặng và/hoặc niệm chú trong đầu trong vòng 20-40 phút.

Thiền siêu việt (kỹ thuật do các học giả châu Âu nghiên cứu Kinh Vệ Đà - Ấn Độ phổ biến khắp phương Tây từ những năm 60 -70)
-          Ngồi bất kì tư thế nào (có thể dựa lưng) miễn sao thoải mái dễ chịu, nhắm mắt lại
-          Đọc chú (cách chọn câu mantra phù hợp có thể tham khảo thêm các tài liệu)
-          Giữ trạng thái an bình 20-40 phút. Luyện ngày 2 lần.

Khó khăn và hiểu nhầm thường gặp
1.      Không phải lúc nào cũng thiền được. Nên ngồi thiền mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 20-30 phút vào những giờ nhất định. Nên vào sáng và tối, chỗ thanh vắng.
2.      Không nên chỉ chú trọng tới kỹ thuật thiền. Vì kỹ thuật chỉ biến nó thành một loại công phu kiểu yoga rèn luyện thể chất. Dù về mặt thể chất, ngồi im lặng cũng giúp giảm căng thẳng thể xác và thư giãn tinh thần, nhưng sẽ mất hoàn toàn khía cạnh tâm linh – đây mới là cái chính mà thiền nhắm đến.
3.      Cực kỳ khó tập trung vào hơi thở. Khi bạn mới tập, việc ngồi xuống và tập trung vào từng hơi thở gần như bất khả thi. Có hàng ngàn suy nghĩ, lời nói… xổ ra tự lúc nào, lấy đi mất sự chú tâm của bạn. Cái này các thiền sư gọi là “monkey mind” – tâm trí nhảy nhót loạn xạ. Đa số trường phái Phật giáo đều cho rằng, không thể tránh khỏi các thứ ý nghĩ và xúc cảm viếng thăm bạn, có lúc còn tràn ngập tâm thức bạn. Nhưng đừng vội xua đuổi chúng, hãy tìm cách quan sát quá trình xuất hiện và biến mất của chúng. Đừng vội vã sợ hãi hay nôn nóng mong cầu một trạng thái không còn ý nghĩ nào trong tâm trí ngay. Đôi khi bạn có thể cảm thấy không vừa ý với các kết quả mang lại hoặc hoàn toàn thất vọng khi nhận ra trong suốt buổi hành thiền đầu óc mình chỉ toàn hiện ra những chuyện tào lao vô tích sự. Hãy để mọi thứ thật tự nhiên. Thiền trước tiên giúp thiết lập mối tương quan giữa bản thân với thực tại. Khi bạn không thể làm gì được khiến chúng trải dài bất tận, thì cũng đừng vội bình luận gì. Các thiền sư đều từng trải qua việc này. Phật giáo cho rằng, chỉ cần quan sát các niệm (tư duy) hiện ra và mất đi – chúng không phải là mình, cũng không phải của mình – vì thế cứ dửng dưng thôi. Rất đơn giản phải không? Thế nhưng đại đa số chúng ta đều sẽ nhanh chóng thối chí.
4.      Càng tập càng hành thiền như tập yoga hay thể dục. Nếu thế bạn đã làm mất đi tác dụng tâm linh thiêng liêng nhất của nó. Bạn mất đi cơ hội hoàn hảo nhất giúp cải biến tất cả những gì có thể làm phương hại sâu rộng đến sự sống của mình. Nguyên nhân là do bạn chỉ muốn có kết quả ngay tức khắc. Trong khi thiền đòi hỏi kiên nhẫn và quyết tâm. Chúng ta chỉ có thể tiến bộ trên con đường thiền định khi đủ sức tự cải biến chính mình nhanh hơn ảnh hưởng chi phối bởi mọi thứ hoang mang. Giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ, vì lúc đó tâm thần chúng ta chưa đủ sáng suốt, dễ dàng thấy các hiệu quả mang lại. Nhưng càng luyện tập, chúng ta càng gặp những khó khăn tinh tế hơn, nên phải khéo léo hơn để loại bỏ chúng – nhờ đó bạn cũng sẽ thành thạo hơn trong việc tự bảo vệ mình trước gai góc của thực tại. Đó là lý do tại sao các thiền sư gạo cội khuyên “luôn giữ tinh thần của một người mới tu tập”. Thiền sư Fabrice Midal khuyên bạn thiền “Đối với việc luyện tập thì con ngựa tệ nhất lại là con ngựa xuất sắc nhất. Chính sự khiếm khuyết của bạn mới đúng là những gì sẽ giúp bạn bước vào con đường một cách vững chắc nhất. Thói thường những người gặp nhiều khó khăn khi luyện tập lại chính là những người sẽ tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất trong việc tu tập của mình.”
5.      Lo sợ thiền mang lại nguy cơ tự giam mình, tự tách rời với thế giới xung quanh. Đó là sai lầm chủ yếu của người phương Tây do mù tịt về ý nghĩa của thiền, tức thực hành thiền mà không có trí tuệ thiền. Triết học phương Tây cho rằng có sự đối nghịch giữa hai tình trạng ‘năng động’ và ‘bất động’. Sự năng động luôn được coi trọng, sự bất động bị khinh thường. Đó chỉ là khác biệt về mặt hình thức bề ngoài. Bản thân hành giả tu thiền sẽ nhận ra, ‘bất động’ được mới là khó, ‘bất động’ lâu lại càng khó. ‘Bất động’ cần rất nhiều nghị lực và sức khỏe. Do đó, thiền giúp ta ứng xử một cách thích đáng nhất trước mọi tình huống, cởi mở hơn với thế giới.
6.      Thiền chỉ cần tự học trong 10 phút là có thể tự thực hành được. Đúng, thực hành thiền rất đơn giản, chỉ cần 10 phút đọc tài liệu hướng dẫn đúng đắn. Giới trẻ, đặc biệt ở phương Tây, thường tự học. Nhưng quan điểm của Phật giáo lại khác. Dù tự học thì sau một thời gian cũng nên tìm một người khác giúp đỡ - một người đã đạt được nhiều kinh nghiệm trên con đường thiền định (một người tu thiền lão luyện, hoặc một vị thiền sư chân chính thì càng tốt). Có như thế bạn mới khám phá ra tất cả sự phong phú của thiền.
7.      Ngồi thiền có nguy hiểm gì không?
Nếu bạn đã đọc các phần trước tôi viết thì hẳn đã có câu trả lời rồi.
Nguy hiểm hay không tùy vào phương pháp thiền mà bạn tu luyện (tức trường phái mà bạn đi theo). Một số phương pháp có vận khí hoặc khai mở các trung tâm năng lượng, gia tăng nội lực… (như thiền của Mật giáo, Bà la môn giáo, các phái võ thuật phương Đông, tà giáo…) sẽ nguy hiểm nếu không có trí tuệ đầy đủ hoặc không có đạo sư hướng dẫn. Còn các phương pháp thiền đơn giản chỉ ngồi và đạt đến sự tĩnh lặng, thư giãn thì không có gì nguy hiểm.

-          HẾT -