Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan Từ Darwin tới Munger: HAI


HAI


SỰ TIẾN HÓA ĐÃ CHỌN LỌC CÁC KẾT NỐI SINH RA NHỮNG HÀNH VI HỮU DỤNG ĐỂ SỐNG SÓT VÀ SINH SẢN


Tiến hóa nghĩa là gì?
Tiến hóa là sự thay đổi (về mặt cấu trúc, sinh lý, hành vi) – nó xảy ra theo thời gian thông qua tương tác với môi trường. Giáo sư cổ sinh vật học John Horner nói trong cuốn Dinosaur Lives (Sự sống của khủng long): “Khi bạn lật từng trang cuốn album của gia đình bạn đang chứng kiến một cuộc tiến hóa đang diễn ra.”
Thuyết tiến hóa cho rằng tất cả các cá thể sống ngày nay đều phát triển từ những dạng thức sống đơn giản hơn và nguyên thủy hơn. Vì mỗi sinh vật sống đều sử dụng một bộ mã hóa di truyền như nhau, nên có vẻ như sự sống đã rơi xuống từ một tổ tiên chung xa xôi nào đó có bộ mã này. Nếu một con khỉ, chúng ta hay bất kỳ một tổ chức sống nào khác lần dấu ngược lại các tổ tiên của mình đủ xa, chúng ta có lẽ sẽ tìm ra vị tổ tiên chung.
Những cơ chế chủ yếu nào chịu trách nhiệm cho sự tiến hóa và cho việc bộ não của chúng ta phát triển như thế nào? Đột biến và chọn lọc tự nhiên.

Đột biến tạo ra các biến thể
Đột biến sinh ra bởi một lỗi sao chép trong chuỗi với các phân tử A, C, G và T khi DNA được sao chép. Lỗi đọc gene này có thể gây ra một thay đổi trong một protein dẫn đến việc thay đổi trong cá thể kế thừa gene đó. Ví dụ, một lệnh chỉ dẫn mới có thể là “hãy tạo ra Peter với một màu mắt khác.” Vì sự thay đổi là ngẫu nhiên và không đoán được, không ai có thể nói gene hay những gene nào sẽ tiến hóa.

Chọn lọc tự nhiên
Tôi đã gọi nguyên tắc này là bảo tồn, đối với những biến thể nhỏ được giữ lại nếu hữu ích, theo thuật ngữ của Chọn lọc Tự nhiên.
-                Charles Darwin (nhà tự nhiên học người Anh, 1809 – 1882)
Charles Darwin, và một nhà tự nhiên học người Anh độc lập khác – Alfred Russell Wallace, đã khám phá ra thuyết tiến hóa theo con đường chọn lọc tự nhiên. Darwin đã gọi công trình của ông, “Trong Nguồn gốc Các loài theo nghĩa Chọn lọc Tự Nhiên, hoặc Bảo tồn những chủng được yêu thích trong cuộc đấu tranh sinh tồn.”
Darwin đã lấy cảm hứng từ cuốn “An Essay on the Principle of Population” (Tiểu luận về Nguyên tắc Dân số) của mục sư Thomas Malthus, trong đó Malthus viết: “ Dân số của loài người tăng trưởng theo cấp số nhân, giống như lãi kép trong tài khoản ngân hàng, nhưng đầu ra của nông trại tăng theo tỷ lệ số học chậm hơn; kết quả là, dân số chắc chắn sẽ vượt xa nguồn cung thức ăn cho mình.” Malthus đã ghi chú rằng dân số có thể luôn vượt xa các tài nguyên, nhưng cũng bị kìm lại bởi bệnh tật, chiến tranh, thú dữ và các nguồn tài nguyên giới hạn như thức ăn.
Darwin đã tiến hành ba quan sát như sau:
(1)   Cạnh tranh và thay đổi môi trường. Trong hầu hết các giống loài (một loài là một nhóm các cá thể có khả năng tạo ra con cháu đông đúc; như rắn, sư tử, loài người) luôn luôn có các thế hệ con cháu được sinh ra có thể sống sót tới trưởng thành và tiếp tục sinh sản. Darwin tìm ra hai lý do cho điều này: (1) Vì có một lượng giới hạn tài nguyên (như thức ăn, không gian, bạn đời) nên có sự cạnh tranh giữa các cá thể với những tài nguyên đó, và (2) Vì môi trường thay đổi theo thời gian và từ vùng này sang vùng khác, nên luôn có những mối đe dọa (các loài thú ăn thịt, biến đổi khí hậu, cô lập, bệnh tật, biến đổi môi trường vật lý) tới sự sống sót của con cháu và khả năng tái sinh sản thành công.
(2)   Biến đổi cá thể. Trong một loài, có một số lượng khổng lồ các biến thể cá thể. Không có hai cá thể nào của cùng một loài giống nhau hoàn toàn về cấu trúc giải phẫu, sinh lý hay hành vi (chúng ta không phải là bản sao y nguyên của bố mẹ chúng ta). Các cá thể này biến đổi trong cấu trúc tế bào, khả năng đấu tranh và các kỹ năng xã hội. Các biến thể tạo ra mỗi cá thể duy nhất và biến thể theo một cách nào đó, có khả năng được thừa kế. Nói cách khác, con cháu có thể không giống bố mẹ chúng nhiều hơn so với việc chúng giống các cá thể khác.
(3)   Thế giới không cố định mà không ngừng tiến hóa. Mọi giống loài đều đang thay đổi, vài loài mới xuất hiện và vài loài khác tuyệt chủng.
Darwin gọi nguyên lý đó là chọn lọc tự nhiên. Bất kì một biến thể nhỏ nào trong các đặc điểm cũng sẽ mang lại lợi thế cho cá thể trong cuộc cạnh tranh với các cá thể khác của cùng hoặc khác loài, hoặc trong việc thích nghi với những thay đổi trong môi trường của chúng, tăng khả năng may mắn sống sót, tái sinh sản, và di truyền các đặc điểm này cho thế hệ kế tiếp. Có lẽ chúng cũng có sức đề kháng lớn hơn với bệnh tật, hoặc có thể chạy nhanh hơn, hoặc sống sót trong biến đổi khí hậu tốt hơn.
Darwin dùng từ “chọn lọc”, nhưng tự nhiên không quan tâm ai được chọn lọc để sống sót. Tiến hóa không có chủ đích. Một cách khác để mô tả chọn lọc tự nhiên là giống như một quá trình đào thải. Vài cá thể sống sót vì chúng có đặc điểm cấu trúc, sinh lý, hành vi hay những cái khác giúp chúng tránh khỏi bị đào thải. Những cá thể không có các đặc điểm này bị loại bỏ. Di truyền cải thiện khả năng các biến thể không bị đào thải hay được chọn lọc sẽ được bảo tồn. Darwin không biết về di truyền. Do đó ông cũng không thể biết rằng những đặc điểm này được gây ra bởi các đột biến và chúng có thể được kế thừa qua gene.
Sau khi một đột biến biến đổi một cá thể, môi trường sẽ quyết định liệu thay đổi đó có cho cá thể đó lợi thế không. Nếu đặc điểm mới hữu ích, cá thể bị đột biến sẽ có nhiều khả năng sống sót, tái sinh sản và truyền đặc điểm mới cho con cháu của nó.
Lấy một con nhện độc làm ví dụ. Giả sử quần thể (một nhóm các cá thể cùng một loài chiếm giữ cùng một khu vực địa lý hay sinh thái trong cùng một thời điểm) của các góa phụ áo đen khác với nọc độc của chúng độc như thế nào. Nếu vài con nhện (đột biến) được sinh ra với nhiều độc tố hơn các con khác, hai thứ có thể xảy ra theo thời gian. Nếu nhiều độc hơn tạo lợi thế trong môi trường của lũ nhện, nhiều độc hơn sẽ được chọn lọc và đặc điểm này sẽ được truyền cho con cháu. Nếu các nàng nhện góa phụ áo đen với nhiều độc hơn sống sót và sinh sản tốt hơn những con có ít độc hơn, thì tất cả các góa phụ áo đen theo thời gian sẽ phát triển theo hướng có nhiều độc hơn. Nếu không phải là lợi thế, đặc điểm này sẽ biến mất và số lượng con nhện ít độc hơn sẽ tăng lên.
Khi các cơ thể chịu sự chọn lọc, vài đặc điểm có lẽ vẫn mang theo mà không được chọn lọc. Thậm chí nếu một đặc điểm không tạo lợi thế có thể vẫn được mang theo, chỉ cần nó không có hại, ví dụ, không được ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống sót và sinh sản. Nhưng tình huống có thể gia tăng trong tương lai khi đặc điểm đó trở nên hữu dụng.

Điều gì xảy ra khi môi trường thay đổi?
Vì môi trường thay đổi theo thời gian và địa lý, những biến số khác nhau cũng được chọn lọc trong những điều kiện khác nhau. Các đặc điểm thành công trong một môi trường có thể không thành công trong một môi trường khác. Điều này được mô tả rất hay trong cuốn “Wonderful Life” (Cuộc sống tươi đẹp) của nhà cổ sinh vật học người Mỹ sau này Stephen Jay Gould: “Ngay cả khi cá trau dồi khả năng thích nghi của mình tới tột đỉnh của sự hoàn hảo đối với loài sống dưới nước, chúng cũng sẽ chết hết nếu các ao hồ khô cạn.”
Các nghiên cứu cho thấy các tổ chức cơ thể khác nhau sẽ phản ứng khác nhau khi căng thẳng môi trường. Nhưng có vẻ như một cơ thể vẫn sống sót và sinh sản độc lập với biến đổi và căng thẳng trong môi trường – loài gián. Nhà văn Richard Schweid nói trong cuốn The Cockroach Papers (Nghiên cứu về loài gián): “Nếu Thượng Đế đã tạo ra tất cả các hình dạng của sự sống, một lời chúc đặc biệt tốt lành đã được ban cho loài gián, bởi đó là thiết kế tốt nhất trong tất cả các giống loài.”
Gián là loài côn trùng cổ nhất trên hành tinh chúng ta, các tiêu bản hóa thạch từ 325 triệu năm trước đã chứng minh điều này. Nó có thể ăn hầu hết mọi thứ, sống 45 ngày không cần thức ăn, và có một hệ thống sinh sản hiệu quả với con cái có khả năng lưu trữ tinh trùng kéo dài suốt đời và một hệ thống bảo vệ vĩ đại. Gián có tổ chức cơ thể giống như hàng triệu năm về trước vì các đặc điểm của nó đã thích nghi hoàn hảo từ xưa tới nay.
Thường thường một đặc điểm hay một thay đổi trong một cá thể không xảy ra theo một bước đơn giản, mà qua một chuỗi các đột biến nhỏ tổng hợp dần dần được chọn lọc trong một thời gian dài. Khi xem xét niên đại các thiên thạch, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng Trái đất khoảng 4.6 tỉ năm tuổi. Các hóa thạch của vi khuẩn cổ xưa nhất cách đây 3.5 tỉ năm. Với biến đổi và thời gian đủ dài, thậm chí cả những thứ phức tạp như đôi mắt cũng dần dần phát triển.
Những thay đổi trong tiến hóa có thể xảy ra rất nhanh. Những nghiên cứu về loài ruồi giấm cho thấy sự khác nhau trong kích thước cánh có thể xảy ra chỉ trong một thập kỷ. Sự thay đổi trong lãnh thổ của một loài (ví dụ khí hậu) cũng có thể dẫn tới những thay đổi cấu trúc nhanh chóng (biến thể). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy một thay đổi trong vài gene có thể tới nhanh hơn (và gây nên những thay đổi hành vi rộng lớn) so với phụ thuộc vào những thay đổi trong nhiều gene.
Đột biến không phải là nguồn duy nhất gây ra biến dị di truyền. Các cơ chế khác (đôi khi là tương tác) có thể là biến động di truyền, luồng gene, hay cộng sinh. Biến động di truyền xảy ra khi những sự kiện ngẫu nhiên gây ra tần suất biến đổi gene khác nhau giữa các thế hệ (quan trọng hơn trong quần thể nhỏ). Luồng gene hay sự di cư là sự chuyển gene trong một loài từ quần thể này sang quần thể khác do giao phối. Ví dụ, có bằng chứng về luồng gene giữa các giống cây được nuôi trồng và các họ hàng hoang dã của chúng. Cộng sinh là sự tương tác phối hợp giữa các tổ chức cơ thể khác nhau có thể sinh ra những thay đổi di truyền. Đó còn gọi là đồng tiến hóa hay tiến hóa song song của hai loài. Một nguồn biến thể khác là sự trùng lặp gene hay sự trùng lặp ngẫu nhiên toàn bộ các gene. Như vậy chọn lọc tự nhiên không phải là cơ chế duy nhất làm thay đổi các tổ chức sống theo thời gian. Nhưng nó là qui trình duy nhất được biết đến có vẻ làm các tổ chức sống thích nghi theo thời gian.

Bằng chứng tiến hóa
Có bằng chứng hóa thạch về giải phẫu học và phân tử cho tiến hóa. Mẫu hóa thạch cho thấy hình thái đã bị sửa đổi như thế nào. Sự tương tự của các cơ quan trong các cơ thể sống có họ hàng gần gũi cho thấy chúng có cội rễ chung. Cũng có những bằng chứng hóa thạch DNA tương đối liên quan đến con người có thể đo bằng phân tích chuỗi DNA.
Một ví dụ tiến hóa là chất thải công nghiệp. Trước cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, màu của bướm hạt tiêu chủ yếu là màu sáng. Khi chưa có sự ô nhiễm công nghiệp, bướm tối màu hơn đã xuất hiện do đột biến. Nhưng vì bướm tối màu hơn dễ nhận ra trên những vỏ cây, lũ chim hung dữ chộp ngay được chúng. Chỉ khi môi trường thay đổi, bồ hóng từ các nhà máy mới phủ đầy cành cây, màu tối trở thành lợi thế. Sự chọn lọc bắt đầu ưu ái cho bướm tối màu. Những con bướm tối màu hơn được ngụy trang tốt hơn trên cành cây phủ đầy muội khói. Những con sáng màu hơn bị ăn thịt và con tối màu tăng dần về số lượng. Khoảng những năm 1950, môi trường bắt đầu thay đổi lại. Việc cắt giảm sử dụng than và hệ thống lọc tốt hơn trong các nhà máy tạo ra môi trường trong lành hơn, và bướm hạt tiêu lại quay dần trở về với màu sáng.
Vi khuẩn có khả năng thích nghi rộng rãi nhất. Để chúng trong kháng sinh đủ lâu, chúng sẽ thích nghi và tìm ra cách sống sót. Điều đó có nghĩa là chúng ta sử dụng càng nhiều kháng sinh, sự kháng thuốc càng xảy ra nhanh hơn. Và bất cứ cách nào chúng ta dùng để diệt sâu bọ, trừ khi nó hoàn toàn quét sạch một loài, còn không sẽ tạo ra một quần thể sâu bọ có khả năng đề kháng.
Giống như chúng ta không thể đổ lỗi cho một con vật khi nó ăn thịt con vật khác để sống sót, chúng ta không thể đổ lỗi cho vi khuẩn đã làm chúng ta nhiễm dịch bệnh. Chúng không có ý thức làm hại chúng ta. Vi khuẩn làm những việc rất tự nhiên như tất cả chúng ta – sống sót và sinh sản.

Tại sao vi khuẩn luôn tồi tệ với chúng ta?
Không, chúng rất quan trọng với hệ tiêu hóa và miễn dịch của chúng ta. Chúng cũng là những sinh vật sống trên trái đất này. Không có chúng, chúng ta không thể tồn tại. Để sinh ra năng lượng, chúng ta cần oxy. Oxy này được coi là sinh ra bởi một nhóm vi khuẩn gọi là cyanobacteria (hay tảo xanh), vi khuẩn hướng sáng này chủ yếu sống trong nước biển.
Nguồn gốc chính của năng lượng cho hầu hết sự sống là mặt trời. Năng lượng ánh sáng này được chuyển thành năng lượng hóa học trong cây cối, tảo và vài loại vi khuẩn nhờ quang hợp. Ví dụ, cây cối tạo ra thức ăn – thường là glucose – từ carbon dioxide (thông qua lá) và nước (chủ yếu qua rễ). Ánh sáng mặt trời cung cấp năng lượng cần thiết để vận hành quá trình sinh hóa tạo ra đường và sản phẩm phụ - oxy (do các phân tử nước tạo thành) được giải phóng vào không khí. Khi chúng ta ăn cây trồng (hay động vật ăn thực vật), chúng ta có được năng lượng chứa trong đó.
Trong cây, quang hợp được điều khiển bởi chất diệp lục. Chúng chứa các phân tử diệp lục, cho phép cây cối hấp thụ năng lượng từ mặt trời. Diệp lục có lẽ tiến hóa từ cyanobacteria khi chúng bị phản ứng tổng hợp với cây cối trong một thời gian dài. Các mẫu hóa thạch cho thấy có những loài vi khuẩn giống như cyanobacteria trên trái đất 3.5 tỷ năm về trước. Người ta cũng tin rằng mitochondria (cấu trúc tế bào không phải của vi khuẩn trong đó oxy được sử dụng để đốt cháy thức ăn tạo ra năng lượng) là kết quả tiến hóa từ phản ứng tổng hợp của loại tế bào vi khuẩn khác.
Hoạt động khác của một số cyanobacteria là cố định nitơ. Ví dụ, trong các cây trồng họ đậu, vi khuẩn sống trong rễ và chuyển hóa (cố định) nitơ trong không khí bằng phản ứng hóa học thành ammonia rất bổ ích cho các cơ thể sống khác.

Tại sao thế giới không bị phủ đầy cây cối và động vật chết?
Một phần do vi khuẩn đã phá hủy các mô của cây trồng và động vật chết, biến nó thành dinh dưỡng như cacbon và nitơ rồi giải phóng ra môi trường.
Hãy ra ngoài và quan sát một con chim mới chết. Sau một tháng hãy quan sát lại. Chỉ còn bộ xương.
Như vậy, tiến hóa đã chọn lọc những hành vi làm cho tổ tiên chúng ta sống sót và sinh sản. Hệ thống chỉ dẫn nào được tiến hóa chọn lọc để giúp chúng ta ra quyết định sống sót và sinh sản tốt hơn?

Chỉ dẫn thông qua giá trị và kinh nghiệm sống
Con người bị kéo theo hướng rất tự nhiên để kiếm tìm sự vui thú, trong khi họ chạy trốn và từ chối đau khổ.
-          Epicurus (nhà triết học người Hy Lạp, 341 – 270 TCN)

Cái gì điều khiển chúng ta?
Nhà triết học người Anh thế kỷ 17 John Locke đã nói: “Tốt và xấu, thưởng và phạt, là những động cơ duy nhất đối với một sinh vật có lý trí: những cái đó sẽ thúc đẩy và kiềm chế, theo đó cả nhân loại được vận hành và chỉ dẫn.” Chúng ta được điều khiển bởi nhu cầu tránh đau khổ của chính chúng ta (trừng phạt) và mong muốn đạt được sự vui thú (thưởng). Tiến hóa khiến cho bất kì hành vi nào trợ giúp chúng ta sống sót và sinh sản đều gây ra cảm giác vui thú và tưởng thưởng. Hành vi xấu với chúng ta gây ra cảm giác đau khổ hay đáng bị trừng phạt. Cảm giác về nỗi đau và niềm vui là một chỉ dẫn hữu ích cho những gì tốt hay xấu với chúng ta. Nếu ta ăn, ta cảm thấy vui. Nếu ta đói khát, ta cảm thấy đau khổ.
Tránh những điều có hại trước tiên. Bộ não chúng ta hình thành việc nhận diện nỗi đau nhạy cảm hơn bất kỳ cảm xúc nào. Chúng ta cũng ghi nhớ những kích thích tiêu cực tốt hơn. Giáo sư thần kinh học Antonio Damasio nói trong cuốn Descartes’ Error (Sai lầm của Descartes): “Chính những tín hiệu liên quan đến đau khổ chỉ dẫn chúng ta tránh xa khỏi những rắc rối sắp xảy ra.” Nó tạo ra cảm nhận cách mạng rằng chúng ta mong muốn tránh khỏi nỗi đau. Giáo sư tâm lý học Randolph Nesse và Giáo sư sinh học George Williams nói trong cuốn Why we get Sick (Tại sao chúng ta ốm yếu): “Đau đớn là dấu hiệu các mô đang bị thương tổn. Nó phải nhanh chóng thúc đẩy chúng ta đặt những hoạt động khác qua một bên để làm bất kỳ điều gì có thể cần thiết nhằm chấm dứt sự thương tổn.”
Chúng ta rất nhạy cảm trước những sự kiện hay kích thích có dấu hiệu chỉ dẫn gây đau đớn cho ta, điều đó giải thích lý do tại sao chúng ta ác cảm với mất mát. Richard Dawkins nói trong cuốn The Blind Watchmaker (Người thợ đồng hồ mù): “Bao nhiêu cách để sống đi nữa, thì chắc chắn còn có nhiều hơn vô số nữa các cách để chết, hay đúng hơn là không sống.” Nỗi sợ hãi mất mát lớn hơn rất nhiều so với mong muốn thắng lợi. Nghiên cứu cho thấy chúng ta cảm thấy đau khổ vì mất mát hơn nhiều so với khi chúng ta vui vì đạt được điều gì đó có cùng giá trị, và chúng ta làm việc vất vả hơn để tránh mất mát chứ không phải để chiến thắng. Điều khiến chúng ta tập trung vào mất mát hơn là phần thưởng có ý nghĩa với chúng ta hơn. Trong cuốn sách của Steven Pinker, How The Mind Works (Ý thức hoạt động thế nào), nhà tâm lý xã hội Timothy Ketelaar nói: “Khi những thứ nào đó trở nên tốt hơn, gia tăng đến một giới hạn sẽ làm lợi ích giảm dần: nhiều thức ăn thì tốt hơn, nhưng chỉ tới một ngưỡng nhất định. Nhưng khi những thứ nào đó trở nên tệ hơn, giảm dần đến một giới hạn có thể làm bạn ra khỏi trò chơi: không đủ ăn thì bạn sẽ chết.”
Ác cảm của chúng ta với nỗi đau cũng cổ vũ vài hành vi con người khác: bắt lấy những sự kiện được tưởng thưởng cao nhất. Chúng ta tự biên dịch các lựa chọn và các sự kiện theo cách làm chúng ta cảm thấy tốt hơn. Chúng ta thường thích nghe những lý do hỗ trợ niềm tin của bản thân; cho rằng bản thân tài năng hơn người khác, và cố hết sức trong những tình huống tồi tệ.

Vài liên kết được tăng cường như thế nào?
Nếu vài liên kết giúp chúng ta tương tác với môi trường, chúng ta sử dụng chúng thường xuyên hơn những cái không giúp chúng ta. Vì được sử dụng thường xuyên, chúng trở nên mạnh hơn.
Tiến hóa cho chúng ta những ưu tiên giúp ta phân loại cái đó là tốt hay xấu. Khi những giá trị này được thỏa mãn (gây ra vui thích hơn hay ít đau đớn) thông qua tương tác với môi trường, các liên kết thần kinh này sẽ được tăng cường. Những giá trị này được làm mạnh thêm theo thời gian vì chúng khiến con người có nhiều lợi thế sống sót và sinh sản.
Ví dụ, sáng được yêu thích hơn so với tối tăm, ăn một ít thức ăn sẽ tốt hơn không ăn gì… Khi ta uống sữa mẹ, bộ não nói với chúng ta rằng “ăn” rất vui. May mắn sống sót của chúng ta tăng lên. Nếu ta không ăn ngay sau khi ra đời, phản hồi từ bộ não sẽ là “không ăn” rất đau khổ. May mắn là chúng ta đã ăn cho tương lai. Vì phản hồi từ việc ăn là vui vẻ, vài kết nối thần kinh sẽ được tăng cường. Trong tương lai, khi chúng ta chứng kiến một kích thích tương tự, nhóm neuron đó sẽ phản ứng mạnh hơn. Hành vi nào chúng ta thấy được tưởng thưởng, tức có thể vui sướng và ít đau khổ, sẽ được tăng cường.
Các liên kết trong bộ não được tăng cường hoặc làm suy yếu, phát triển và thay đổi. Chúng ta càng tiếp thu nhiều kinh nghiệm, càng nhiều kết nối thần kinh cụ thể được tăng cường, chúng ta sẽ học và ghi nhớ tốt hơn những kinh nghiệm này. Rồi chúng ta sử dụng những đại diện của những gì đã xảy ra được lưu trữ trong não, khi ta phản ứng với mọi người và các tình huống. Một cách cơ bản, những gì ta làm hôm nay là một chức năng của những gì đã hoạt động trong quá khứ. Chúng ta thích nghi với môi trường bằng cách học hỏi từ kết quả các hành động trước đó. Chúng ta làm những thứ mà ta gắn kết nó với niềm vui, và tránh những thứ mà ta liên kết nó với nỗi đau.

Bộ não hoạt động giống máy tính – hệ thống và logic, có phải không?
Không, đó là một hệ thống chọn lọc đặt các mô hình mẫu và các neuron cạnh nhau. Tiến sĩ Ralph Greenspan nói:
Vô nghĩa nếu bộ não hoạt động giống máy tính. Máy tính ghi và có những thứ được lưu trữ trong những vùng cụ thể và ổn định. Não chúng ta không làm những cái đó. Khi kì thủ cờ vua vĩ đại Gary Kasparov thua siêu máy tính Big Blue, mọi người đều nói “Aha, cái máy đó có thể suy nghĩ”. Big Blue không biết suy nghĩ. Big Blue đơn giản đang chơi lại bằng cách sử dụng toàn bộ lịch sử các ván đấu cờ vua. Đó không phải là cách mà Gary Kasparov hay bất kỳ con người nào chơi cờ. Chúng ta nhận dạng mô hình. Dù chúng ta có khả năng logic, não cũng không hoạt động theo các nguyên tắc logic. Nó hoạt động bằng cách lựa chọn nhận diện mô hình mẫu. Đó là một mạng động. Nó không phải là một cái máy logic “nếu – thì”.
Máy tính chơi cờ vua không có khả năng nhận dạng mô hình. Thay vào đó, nó tìm kiếm tất cả các khả năng di chuyển có thể trên bàn cờ đã cho. Các kỳ thủ thường tìm kiếm các mô hình mẫu và quyết định làm gì dựa trên những gì đã diễn ra tốt đẹp trong quá khứ. Tại sao? Vì những gì đã làm việc trong quá khứ sẽ làm việc được trong tương lai. Warren Buffett đã theo đuổi điều này:
Có một bài báo lớn trên tạp chí New Yorker… khi các trận đấu cờ vua Fischer/Spassky đang diễn ra. Nó đã đặt ra ý tưởng liệu con người có khả năng đấu một ván cờ với máy tính hay không. Chúng ta đang có những chiếc máy tính làm hàng trăm nghìn phép tính trong một giây. Và bài báo hỏi, “Khi tất cả chúng ta đang thực sự nhìn vào các kết quả từ vô số nước đi trong tương lai, liệu bộ óc con người có thể làm giống như máy tính – có thể suy nghĩ với tốc độ không thể tin được như vậy?”…
Nào, hóa ra một bộ óc giống như … của Fischer hay Spassky cơ bản đã đang loại bỏ 99.99% khả năng mà thậm chí không cần suy nghĩ. Vì vậy không phải là họ có thể suy nghĩ vượt xa máy tính về mặt tốc độ, mà họ có khả năng – cái mà bạn gọi là “phân nhóm” hay “loại trừ”, trong đó họ đơn giản chỉ đi thẳng vào một số rất ít khả năng trong số hàng triệu tỷ khả năng thực sự chả có mấy cơ may thành công.
Bây giờ chúng ta có một câu hỏi quan trọng: Phần nào trong hệ thống giá trị được coi là “đặc trưng con người”?
Chúng ta đã biết các liên kết giữa các neuron quyết định chúng ta suy nghĩ và cư xử như thế nào. Gene của chúng ta đưa ra một cơ sở để phát triển thần kinh và kinh nghiệm sống cũng như môi trường sẽ định hình bộ não.
Vì bộ não được tạo thành từ kinh nghiệm sống và vì một cá thể không tiếp tục làm những gì không còn vận hành được (học thông qua thử và sai), tiến hóa tăng cường hành vi và giá trị trợ giúp chúng ta sống sót và sinh sản. Hành vi này phải thích nghi với môi trường mà con người đã trải qua trong hầu hết lịch sử tiến hóa. Câu hỏi theo đó sẽ trở thành: Cái gì là môi trường vận hành để não người tiến hóa?

Môi trường săn bắn hái lượm đã tạo nên đặc tính cơ bản của chúng ta
Tiến hóa của loài người bắt đầu khoảng 4 tới 7 triệu năm trước và não người hiện đại ngày nay đã xuất hiện trong thời gian khoảng 150,000 – 200,000 năm trước. Hầu hết thời gian, cha ông chúng ta sống trong các xã hội săn bắn hái lượm nguyên thủy. Những xã hội này tồn tại cho đến khi kết thúc kỷ Băng Hà, khoảng 13,000 năm trước. Ngay sau đó, 10,000 năm trước, nông nghiệp đã phát triển.
Điều đó có nghĩa là nhân loại đã trải qua trên 99% lịch sử tiến hóa của mình trong môi trường săn bắn hái lượm. Nếu ta nén 4 triệu năm trong 24 tiếng đồng hồ, và nếu lịch sử của loài người bắt đầu lúc nửa đêm, thì nông nghiệp xuất hiện lúc 23 giờ 55 phút.
Nếu những điều kiện và thách thức của môi trường săn bắn hái lượm đã được chọn lọc tự nhiên lựa chọn cho các đặc điểm thích nghi để sống sót và sinh sản, chúng ta phải tìm ra xem môi trường đó như thế nào. Điều gì điều khiển sự tiến hóa của tổ tiên chúng ta? Điều gì là đặc trưng cho môi trường đã định hình nên bộ não chúng ta ngày nay? Điều kiện môi trường những người săn bắn hái lượm đã sống như thế nào? Liệu có sẵn các tài nguyên như thức ăn và bạn tình không? Khí hậu và địa lý khi đó thế nào? Có vẻ như môi trường mà tổ tiên của chúng ta sống, có điều kiện sinh thái, xã hội và con người hoàn toàn khác với ngày nay. Con người khi đó sống trong các ngôi làng nhỏ nơi mà mọi người đều quen biết nhau và người lạ không thường xuất hiện. Có kẻ thù, thú dữ ăn thịt và bệnh tật. Những tài nguyên hữu hạn tạo ra cạnh tranh thức ăn và bạn tình.
Đàn ông và đàn bà đóng những vai trò khác nhau nào? Đàn ông có trách nhiệm săn bắn, và bảo vệ cả nhóm khỏi thú dữ và kẻ thù. Phụ nữ hái lượm và chuẩn bị thức ăn gần nhà, chăm sóc con cái.
Nếu đó là môi trường, cái gì có thể là hành vi phù hợp làm gia tăng khả năng sống sót và sinh sản? Hành vi nào là tự nhiên trong suốt 99% lịch sử của chúng ta?






Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan Từ Darwin Tới Munger: MỘT


MỘT


CƠ THỂ CỦA CHÚNG TA ĐẶT RA GIỚI HẠN CHO HÀNH VI CỦA CHÚNG TA


Để hiểu cách chúng ta suy nghĩ và tại sao chúng ta đánh giá sai, trước tiên chúng ta phải xác định điều gì ảnh hưởng tới hành vi của chúng ta.

Tại sao chúng ta không thể bay?
Để làm những gì chúng ta làm ngày nay đòi hỏi một nền tảng cơ sở giải phẫu học thích hợp. Để bay chúng ta cần có cánh. Để đi bộ chúng ta cần có chân, để nhìn chúng ta cần mắt, và để nghĩ chúng ta cần não. Giải phẫu, sinh lý và hóa sinh học cơ thể của chúng ta là những cơ sở chính cho hành vi của chúng ta.
Nếu chúng ta thay đổi giải phẫu cơ thể, chúng ta sẽ thay đổi hành vi. Chim không thể bay nếu cánh của nó được đặt ở nơi không có chiếc xương nào neo giữ. Vượn không thể nói vì chúng cần một tổ chức giọng nói và nó phải được định vị theo một cách nào đó. Ví dụ, một thay đổi nhỏ trong cơ quan phát âm cũng có thể làm ta không thể nói ra tiếng được.
Một ví dụ khác về một thay đổi trong giải phẫu học cơ thể gây ra biến đổi trong hành vi đến từ Học viện Thần kinh học ở California. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học lấy một phần nhỏ của các mô não đang phát triển của một con chim cút và đặt nó trong một phôi gà. Phụ thuộc vào những gì các tế bào đã được ghép, các kết quả là một con gà kêu như chim cút hay một con gà có cái đầu lúc lắc như chim cút.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tổn thương một phần não, vỏ não trước (nằm giữa trán và mắt), có khuynh hướng làm một người rơi vào tình trạng vô lễ cao độ so với chuẩn mực xã hội, bao gồm cả những hành vi bạo lực. Một ví dụ cổ điển về người quản lý xây dựng đường sắt Phineas Gage. Năm 1848, ông là nạn nhân của một vụ nổ, thanh sắt đã xuyên qua vùng não trước của ông, làm tổn thương vỏ não trước. Trước tai nạn, ông là một người trầm ổn, đáng tin cậy, siêng năng và thân thiện. Phineas được cứu sống sau vụ tai nạn, nhưng tính cách của ông thay đổi. Ông trở thành kẻ trôi dạt khắp nơi không đáng tin cậy, kiêu ngạo, bốc đồng và thiếu suy nghĩ.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy tổn thương vùng hạch hạnh nhân – một vùng trong não, nối liền với các trạng thái cảm xúc và hành vi xã hội – sẽ làm giảm cảm xúc phản ứng trước sợ hãi. Kích thích hạch hạnh nhân có thể dẫn tới những phản ứng cảm xúc cường độ cao. Năm 1966, Charles Whitman đã giết 14 người và làm bị thương 38 người trên tháp đồng hồ Đại học Texas, Austin. Khám nghiệm tử thi cho thấy có một khối u đang tấn công hạch hạnh nhân trong não anh ta.
Đó là bộ não của chúng ta, giải phẫu, sinh lý và hóa sinh của nó, những thành phần này hoạt động như thế nào sẽ tạo ra giới hạn cho những gì ta suy nghĩ. Nhưng vì các phần não của chúng ta cũng tương tác với giải phẫu, sinh lý và hóa sinh của cơ thể chúng ta, chúng ta phải xem xét não và cơ thể cùng nhau. Chúng là các phần của cùng một hệ thống – chúng ta.
Hãy xem giải phẫu học bộ não để hiểu rõ hơn những gì tác động đến hành vi của chúng ta.

Những gì chúng ta cảm thấy và suy nghĩ đều phụ thuộc vào các liên kết thần kinh
Có rất nhiều điều đã được khám phá về bộ não, nhưng chưa phải tất cả. Có rất nhiều tranh cãi và những câu hỏi không lời giải.
Tiến sỹ đoạt giải Nobel Gerald Edelman, giám đốc Học viện Thần kinh học nói:
Bộ não là đối tượng vật chất phức tạp nhất được biết đến trong vũ trụ này. Nếu bạn cố gắng đếm số lượng liên kết, một cái trong một giây, trên lớp áo choàng của bộ não (vỏ não), bạn có thể phải kết thúc đếm sau 32 triệu năm. Nhưng đó không phải là tất cả câu chuyện. Cách thức bộ não được kết nối – tiêu bản mẫu giải phẫu thần kinh học của nó – là một sự phức tạp khổng lồ. Trong giải phẫu này, một tập hợp tiêu biểu các sự kiện động diễn ra một phần trăm giây và số lượng ống điều khiển những sự kiện này, từ phân tử tới hành vi, là vô cùng lớn.
Nặng chỉ ba pound, bộ não được tạo thành từ ít nhất 100 tỉ tế bào thần kinh hay neuron. Nó cũng chứa hàng chục tỷ tế bào khác, gọi là tế bào thần kinh đệm hỗ trợ cho các neuron. Các neuron được kết nối tới các neuron khác và tương tác với nhau. Mỗi neuron có một thân tế bào với các nhánh nhỏ gọi là các dendrite (tế bào tua gai thần kinh) – nhận thông tin từ các neuron khác. Mở rộng ra từ thân tế bào là những sợi dài gọi là axon làm nhiệm vụ gửi thông tin tới các neuron khác.
Vì những kết nối giữa các neuron tạo ra khả năng tinh thần của chúng ta, không phải số lượng các tế bào là quan trọng, mà là số lượng các kết nối tiềm năng giữa chúng.

Các neuron liên kết và giao tiếp thế nào?
Mỗi neuron có thể kết nối với một neuron khác tại các điểm kết nối, không gian giữa một neuron và một neuron khác gọi là synapses (các khớp thần kinh). Khi một neuron phóng ra một xung điện tới axon, xung điện này được giải phóng từ một chất hóa học gọi là neurotransmitter (chất dẫn truyền xung động thần kinh). Khi chất hóa học này phản ứng với dendrite của neuron khác, nó sẽ làm bắn ra một xung điện. Sau đó một chuỗi các phản ứng hóa học bắt đầu. Vài kích thích phải xảy ra với neuron thì nó mới phóng xung điện. Cường độ xung điện và loại neurotransmitter nào được giải phóng phụ thuộc vào chất kích thích.
Neurotransmitter gây ra xung điện như thế nào? Trên bề mặt của neuron nhận có các protein gọi là receptor (nơi tiếp nhận) và mỗi receptor được may khít với một chất hóa học cụ thể. Chất hóa học đó là chìa khóa, và receptor, hay cái khóa, chỉ cần được đặt vào đúng chìa.

Tại sao ta cảm thấy sung sướng khi được người yêu hôn hay khen ngợi?
Đó là do chất Dopamine của neurotransmitter được giải phóng. Dopamine có trong hệ thống khen thưởng và động viên của bộ não, và khi bị nghiện. Các cấp độ cao của dopamine được tin rằng sẽ gia tăng cảm giác hưng phấn và giảm trừ nỗi đau.
Một neurotransmitter khác là serotonin. Serotonin được kết nối với tâm trạng và cảm xúc. Quá nhiều căng thẳng có thể dẫn tới mức độ serotonin thấp và các mức độ thấp này hay dẫn đến lo âu và trầm cảm. Điều gì xảy ra khi ta uống một viên thuốc chống trầm cảm? Loại thuốc này làm tăng lượng serotonin trong não. Nó bắt chước cấu trúc của serotonin. Những người bị trầm cảm không làm chúng ta vui; họ cư xử như thể họ là những người bất hạnh. Quan sát cho thấy, ngay cả khi neurotransmitter và các loại thuốc này ảnh hưởng tới chúng làm thay đổi các hoạt động tinh thần của chúng ta, chúng vẫn là một phần trong một hệ thống tương tác phức tạp giữa các phân tử, tế bào, synape và các hệ thống khác, trong đó có cả kinh nghiệm sống và các nhân tố từ môi trường.
Hơn nữa chúng ta biết rằng bộ não là một hệ thống hóa chất, và các neuron giao tiếp với nhau thông qua việc giải phóng các neurotransmitter (các hóa chất mang thông điệp giữa các neuron). Những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận phụ thuộc vào các phản ứng hóa học. Và những phản ứng hóa học này là một hoạt động chức năng trong cách thức các neuron liên kết.
Điều gì quyết định các neuron liên kết như thế nào và có bản mẫu của chúng không? Bộ gene và kinh nghiệm sống của chúng ta, tình huống hay điều kiện môi trường, và yếu tố ngẫu nhiên.

Các gene điều khiển hóa học bộ não có thể bị bật lên hay tắt đi do môi trường
Gene là gì? Nó làm cái gì?
Gene là những thứ tạo ra một thực thể sống, ví dụ, tạo ra hai mắt màu xanh, hai tay, một mũi, và một bộ não với một kiến trúc nhất định.
Cơ thể của chúng ta được tạo thành bởi các loại tế bào liên kết chức năng với nhau. Mỗi tế bào có 46 chromosome (nhiễm sắc thể) hay một chuỗi các gene. 23 nhiễm sắc thể đến từ mỗi bố hoặc mẹ. Mỗi nhiễm sắc thể được tạo thành từ DNA hóa học hay deoxyribonucleic acid. DNA là sự kế thừa của chúng ta; một nửa từ bố và một nửa từ mẹ. Các gene này là những đoạn DNA của chúng ta và là đơn vị thừa kế nhỏ nhất của chúng ta cho người khác. Một gene chứa 4 phân tử hóa học: adenine, cytosine, guanine, thymine hoặc A,C,G và T cùng nhau tham gia trong một chuỗi. Tên hóa học ngắn gọn của một chuỗi bất kỳ các phân tử này, dù xếp theo thứ tự nào, là DNA. Thứ tự xắp xếp của các phân tử này qui định các lệnh mã hóa cho những thứ mà một tế bào phải làm.
Công việc của gene là tạo protein – các khối xây dựng nên sự sống. Protein là những phân tử chứa hầu hết các chức năng sinh học và được tạo thành từ các amino acid. Có 20 loại amino acid có thể được sử dụng để tạo ra làn da, tóc, râu … của chúng ta.
Đôi khi một gene bị “tắt” và không thể tạo ra protein. Sứ giả truyền tin RNA là vật liệu di truyền dịch DNA thành các protein cụ thể. Chủ nhân của giải Nobel y học năm 2006, đã phát hiện ra một cơ chế gọi là “RNA can thiệp - RNAi” có thể làm “tắt” một gene bằng cách khóa qui trình này lại. RNAi đóng vai trò chính trong cơ chế bảo vệ của chúng ta khi nhiễm trùng.
Các nghiên cứu gần đây cũng giả thiết rằng các gene làm nhiều chức năng hơn là tạo ra protein. Ví dụ, có một gene trong nấm men bật và tắt được các gene tạo protein khác trong khi nó không tạo ra bất kỳ protein nào.
Mọi cơ thể sống đều sử dụng cùng mã di truyền – từ mèo tới người. Có nghĩa là chúng ta có thể truyền một gene đơn của người sang một con mèo và con mèo đó “có thể đọc được nó” và nghe theo các lệnh chỉ dẫn của gene đó. Nhưng không có một ai có bộ DNA giống nhau hoặc các phiên bản của gene giống nhau (ngoại trừ những cặp sinh đôi giống hệt nhau). Không phải tất cả mọi thứ đều được “phát âm” giống nhau. Đó là lý do tại sao con người khác nhau về màu mắt, chiều cao…Những người có quan hệ huyết thống càng gần gũi thì sự khác biệt này càng ít đi. Nhưng ngay cả khi sự khác nhau là rất nhỏ, công thức gene – khi nào và ở đâu chúng sẽ bị bật hay tắt vẫn là một chìa khóa. Một ví dụ về người họ hàng gần gũi nhất của chúng ta – loài hắc tinh tinh. Các nghiên cứu di truyền học cho thấy loài người và hắc tinh tinh chung nhau ít nhất 94% trong chuỗi DNA. Điều đó có nghĩa là không tới 6% trong DNA của chúng ta đã tạo ra chúng ta khác biệt với hắc tinh tinh. Cái gì gây ra sự khác biệt lớn trong hành vi? Các nghiên cứu chỉ ra rằng não người có những mẫu gene khác biệt nổi bật so với não hắc tinh tinh.

Vì chúng ta kế thừa gene toàn bộ từ bố mẹ, tại sao chúng ta không giống như sự pha trộn của họ?
Trong hầu hết các cơ thể sống, các gene đều đi thành cặp. Chúng ta kế thừa hai phiên bản của mỗi gene cho một chân dung cụ thể (ví dụ một phiên bản mắt xanh và một bản mắt nâu) từ mỗi bố hoặc mẹ. Khi gene của bố và mẹ kết hợp lại, ảnh hưởng của một gene không lấn át ảnh hưởng của gene kia. Vài đặc điểm bị ngủ quên. Đó là lý do tại sao một đứa trẻ có bố mẹ một mắt xanh và một mắt nâu nhưng lại có mắt không phải pha trộn xanh và nâu. Đứa trẻ có mắt màu nâu nếu gene màu nâu chiến thắng. Gene mắt xanh lặn. Nhưng vì đứa trẻ kế thừa gene mắt xanh, nên nó vẫn có thể truyền gene đó cho các thế hệ kế tiếp. Bởi vì sự kết hợp lại của các phiên bản gene có thể do ngẫu nhiên, chúng vẫn có thể tạo ra những tổ hợp mới. Nói cách khác, nếu cả bố và mẹ của đứa trẻ đều có mắt xanh, đứa trẻ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài mắt xanh.
Vài phiên bản gene bị ngủ quên, trong một số trường hợp chúng bị hòa trộn, và đôi khi ta sẽ thấy một công thức mới của hai phiên bản. Do một vài cặp gene chi phối hầu hết các đặc điểm, rất nhiều tổ hợp có thể tạo ra.

Sự tương tác và linh hoạt tạo ra tính riêng biệt cho các chức năng sinh học của chúng ta
Mỗi gene đóng vai trò trong một phần cụ thể nào đó?
Không, chúng ta không thể tách một gene riêng ra theo một nguyên nhân nào đó hay sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng. Chúng đều là một phần trong hệ thống liên kết với rất nhiều sự kết hợp. Và hầu hết các gene đều đóng góp vào nhiều hơn một đặc điểm. Các gene có thể có ảnh hưởng khác nhau, phụ thuộc vào chúng được bật lên ở nơi nào, khi nào và như thế nào. Tương tác là thuộc tính cơ bản trong sinh học. Có những tương tác giữa phân tử, gene, neuron, các vùng não, các cơ quan và giữa những hệ thống riêng lẻ khác. Mỗi hệ thống làm công việc của chính nó nhưng chúng cũng hợp tác đầy đủ để tạo ra một con người có các chức năng sinh học và duy nhất.
Nhưng phần bên phải và bên trái của não không có chức năng gì khác nhau?
Tiến sỹ Ralph Greenspan ở Học viện Tâm thần học nói:
Mặc dù nói sự khác biệt “não phải/não trái” nghe có vẻ văn chương. Thực tế là những gì là “não phải” xảy ra ở mọi nơi và những gì là “não trái” cũng xảy ra ở mọi nơi. Có một vài khía cạnh có thể được thiên vị bởi nửa bên này hơn so với nửa bên kia, nhưng bộ não hoàn toàn không bị giới hạn. Mọi thứ khi đã xảy ra trong não bạn, là đang xảy ra trong một khối đoàn kết của rất rất rất nhiều các vùng đồng thời.
Ông cũng cho biết:
Isaac Newton có lẽ thích quang cảnh gọn gàng của các hệ thống sinh học tạo nên các thành phần chuyên dụng, với vai trò nhân quả có thể được nghiên cứu độc lập, và trong những điều kiện cụ thể sẽ sinh ra những đáp ứng có thể tiên đoán được và duy nhất. Charles Darwin, ngược lại, có lẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ở nhà với ý tưởng về một hệ thống mới phức tạp làm từ nhiều thành phần không xác định, không có vai trò duy nhất, không có các môí quan hệ duy nhất, vài cách tạo bất kỳ đầu ra cho trước, và rất nhiều phụ kiện đi kèm mỗi cách.
Kết quả nối bật nhất trong mạng lưới tương tác là sự linh hoạt. Sự linh hoạt đóng những vai trò mới khi các điều kiện thay đổi và khả năng tạo ra cùng một kết quả theo những cách thức khác nhau. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy những cấu hình khác nhau giữa các neuron có thể đạt cùng một kết quả. Cấu hình phụ thuộc vào lựa chọn sẵn có trong một thời điểm nhất định và một tình huống giả định cho trước (vì hành vi phụ thuộc vào ngữ cảnh hay tình huống), những kinh nghiệm sống của một cá nhân và một yếu tố may mắn. Có nhiều cách thay thế để tạo ra cùng một kết quả sẽ cho chúng ta lợi ích lớn. Ví dụ, chúng ta có thể bù lại phần bị thương tích và tái thích nghi với các điều kiện mới.
Gene của chúng ta có cuộc đời riêng của chúng chứ?
Không, công thức gene phụ thuộc điều kiện môi trường. Gene điều khiển hóa học trong bộ não nhưng cần được kích hoạt bởi môi trường. Một sự kiện của môi trường có thể bật hoặc tắt nó, hoặc thay đổi mức độ hoạt động của nó, trước khi chúng có thể bắt đầu tạo protein ảnh hưởng tới các liên kết thần kinh. Các gene của chúng ta quyết định liệu chúng ta kế thừa một đặc điểm cụ thể không nhưng chính môi trường làm cho các gene vốn chỉ sinh ra protein lại sinh ra vài “khuynh hướng đáp ứng lại”. Vì vậy hành vi của chúng ta là trộn lẫn từ hoạt động phụ thuộc lẫn nhau của các nhân tố di truyền và môi trường.

Các kết nối thần kinh được định hình bởi kinh nghiệm sống
Bộ não thay đổi liên tục là kết quả của kinh nghiệm. Các kinh nghiệm sinh ra các thay đổi vật lý trong bộ não cũng như thông qua các kết nối thần kinh mới hay thế hệ các neuron mới. Các nghiên cứu đều giả thiết rằng bộ não có thể thay đổi thậm chí trong vòng một bài giảng trong một ngày. Có nghĩa là tổ chức bộ não thay đổi từ cá nhân này đến cá nhân khác. Thậm chí các cặp sinh đôi giống hệt nhau với bộ gene giống hệt nhau cũng không có bộ não giống hệt nhau. Họ đã có kinh nghiệm sống khác nhau.
Kinh nghiệm là lý do khiến mỗi cá nhân là duy nhất. Không ai cùng đồng thời có một môi trường giáo dục, nuôi dưỡng, học tập, hoạt động xã hội, nền tảng thể chất, xã hội và văn hóa giống hệt nhau. Điều đó tạo ra những niềm tin, giá trị, tính cách và thói quen khác nhau. Mọi người đối xử khác nhau vì sự khác biệt trong môi trường của họ do kinh nghiệm sống khác nhau gây ra. Đó là lý do tại sao đôi khi rất khó hiểu hành vi của người khác. Để hiểu họ, chúng ta phải thích nghi với môi trường của họ và chia sẻ kinh nghiệm của họ. Điều này thường là bất khả thi.
Nếu chúng ta gặp tình huống căng thẳng, cách chúng ta phản ứng như thế nào phụ thuộc vào cái chúng ta được sinh ra, cái chúng ta có kinh nghiệm, và tình hình cụ thể. Giả sử một người tên là Sam và bạn cùng có gene “sợ hãi”. Các bạn đang đứng ở Savannah, Châu Phi và một con sư tử đang hướng đến. Cả hai sẽ có cùng một phản ứng khi được đặt trong cùng một tình huống chứ? Bạn sợ hãi chứ không phải là Sam. Sam cũng biết con sư tử là kẻ chinh phục hoặc Sam là kẻ chinh phục nó. Phản ứng của Sam đến từ kinh nghiệm sống của anh ấy. Sam cũng có lẽ dễ đoán theo di truyền, sẽ phản ứng khác đi với vài loại nguy hiểm. Nhưng thậm chí ngay cả khi Sam có điểm yếu với nỗi sợ hãi được di truyền ít hơn, anh ấy cũng có thể sinh ra nỗi sợ với sư tử. Một kinh nghiệm khủng khiếp với sư tử là đủ.

Hành vi bị tác động bởi trạng thái tinh thần của chúng ta
Cuộc đời của chúng ta là do những suy nghĩ của chúng ta tạo ra.
-          Marcus Aurelius Antonius (Hoàng đế và triết gia La Mã, 121 – 180)

Trạng thái tinh thần của chúng ta là một chức năng của kinh nghiệm sống và tình huống cụ thể. Giả sử (1) chúng ta đang ăn chocolate ngon lành, nghe nhạc du dương và thư giãn hoặc (2) chúng ta đau khổ trong giá lạnh, cảm thấy căng thẳng và chỉ ăn một bữa tồi tệ. Nếu chúng ta phải đánh giá, hai trường hợp sẽ có kết quả giống nhau không? Chắc chắn là không, vì trạng thái tinh thần của chúng ta sẽ khác nhau trong trường hợp 1 và 2.
Trạng thái tinh thần của chúng ta có thể ảnh hưởng tới hệ thống hóa sinh và miễn dịch của chúng ta không?
Không phải cái gì ảnh hưởng đến chúng ta đều đếm được – chỉ là những gì chúng ta nghĩ nó sẽ xảy đến với bản thân. Chúng ta chuyển các kỳ vọng của mình sang hiện thực hóa sinh, tức là trạng thái tinh thần và cơ thể vật lý được kết nối.
Ảnh hưởng của giả dược là một hiệu ứng điều trị tích cực mà không làm gì với thuốc thật, chỉ tác động vào tinh thần của bệnh nhân. Bất cứ khi nào bệnh nhân tin rằng điều trị sẽ gây ra phản ứng đặc biệt trong tâm lý, hành vi hay sinh lý, họ dễ có khuynh hướng mẫn cảm với nó.
Bác sỹ đã cho tôi thuốc giảm đau (khi thực tế đó là một viên đường) và sau đó tôi cảm thấy giảm đau rõ rệt.
Giả dược là một loại thuốc hoặc chất thụ động và không gây phản ứng (ví dụ, viên đường hoặc tiêm nước muối) thường được sử dụng không cùng với các loại thuốc thật sự khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giả dược có thể cải thiện điều kiện của bệnh nhân rất đơn giản vì bệnh nhân kỳ vọng nó sẽ hoạt động tốt. Các bằng chứng khám chữa bệnh cho thấy giả dược cũng có ảnh hưởng vật lý đến não, giống như thuốc tác động. Các nghiên cứu ở Thụy Điển chỉ ra rằng giả dược kích thích não bộ giống như thuốc giảm đau. Chín sinh viên nam được yêu cầu tình nguyện tham gia một nghiên cứu về thuốc giảm đau. Các nhà nghiên cứu trước tiên kiểm tra mức độ đau để các đối tượng có thể có kinh nghiệm khi đưa một bề mặt kim loại 48oC bị ấn vào sống tay họ. Thử nghiệm được lặp lại sau khi các đối tượng đã được dùng thuốc giảm đau.
Sau đó các đối tượng được nói cho biết sẽ thử nghiệm hai loại thuốc giảm đau mới và một trong số đó tương tự như loại đã thử nghiệm trước đó. Thanh kim loại 48oC một lần nữa được ấn vào sống tay họ. Một người đàn ông trong áo choàng trắng, mang huy hiệu “giáo sư”, bước vào phòng. “Giáo sư” tiêm vào tĩnh mạch của họ chất opioid (một loại hợp chất giống như thuốc phiện có liên kết với một trong ba thụ thể opioid của cơ thể) – một loại chất giảm đau, hoặc tiêm giả dược. Trong quá trình thí nghiệm các nhà nghiên cứu quét não của các đối tượng và so sánh các phản ứng của bộ não. Cả thuốc giảm đau và giả dược đều sinh ra cùng một phản ứng. Cả hai trường hợp đều gia tăng lượng máu tại những vùng não đã biết có một lượng lớn các thụ thể opioid. Tám trong số chín đối tượng nói rằng giả dược làm giảm đau rõ rệt.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy những người uống viên đường khi điều trị trầm cảm và các bệnh ốm đau khác có thể trải qua hành hạ dù là tạm thời, các thay đổi trong hoạt động não và hóa học thần kinh khiến cho tình trạng của họ được cải thiện. Đồng thời cũng phát hiện ra các giả dược có thể cải thiện huyết áp, nồng độ cholesterol và nhịp tim. Nó giống như thuốc đi vào trong cơ thể và làm một cuộc cách mạng trong suốt hàng triệu năm tiến hóa.

Điều gì xảy ra khi một người khỏe mạnh phát hiện anh ta sắp chết?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu người ta hi vọng điều tồi tệ xảy ra với sức khỏe của họ, nó thường sẽ xảy ra. Những mong muốn tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cơ thể của chúng ta và gây ra những hiệu ứng theo thời gian có thể làm suy nhược cơ thể. Trong một nghiên cứu, các phụ nữ hy vọng họ sẽ bị bệnh tim sẽ bị chết nhiều gấp gần bốn lần so với những người không mong như vậy, trong một tình trạng rủi ro như nhau. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra các bệnh nhân được cảnh báo về tác dụng phụ lên đường tiêu hóa khi dùng aspirin sẽ bị mắc gấp ba lần so với những người không biết. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy nếu người ta lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, họ hầu hết sẽ bị tác dụng phụ. Niềm tin có một hậu quả sinh học – tốt lẫn xấu.
Các gene và kinh nghiệm sống của chúng ta quyết định các neuron kết nối như thế nào, và do đó tác động đồng thời tạo ra những giới hạn cho hành vi của chúng ta. Chúng ta được sinh ra với những nền tảng cơ bản của sự sống. Chúng ta có các liên kết thần kinh điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ… Bộ não đã chọn lọc các kết nối thần kinh như thế nào để tạo ra các hành vi hữu ích? Bộ não là một sản phẩm của tiến hóa.