Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

"Inspiration is for amateurs"


Cảm hứng dành cho kẻ amateur, Kỷ luật là của dân chuyên nghiệp

Tình cờ đọc lại bài phỏng vấn họa sĩ kiêm nghiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Chuck Close (theo Inside the Painter’s Studio), tự nhiên thấy liên hệ to lớn với những vấn đề liên quan tới sự sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp… của cá nhân và doanh nghiệp (nhất là các startup) - hẳn các bạn và tôi có thể tìm ra câu trả lời từ đây.

Câu hỏi luôn làm đau đầu chúng ta là: “Tại sao những người sáng tạo lại sáng tạo được?”, “Nên tổ chức một ngày của chúng ta như thế nào để đạt hiệu suất cao nhất?”, “Ta cần tìm kiếm động lực nơi nào cho bản thân, cho đội ngũ, cho doanh nghiệp?”, “Lựa chọn thiết kế môi trường và tổ chức ra sao để tạo cảm hứng?”…

Cảm hứng và động lực rất có ý nghĩa với mỗi chúng ta. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên truyền cảm hứng là công việc hái ra tiền của vô số tác giả sách self-help và một lượng hùng hậu các diễn giả trên toàn thế giới.



Vậy cảm hứng là gì?
Tôi dùng định nghĩa thần thánh của Elizabeth Gilbert giải thích về “cảm hứng”: “Từ đó bản thân nó tới từ ý tưởng hít vào hơi thở của Chúa… Giấc mơ về cảm hứng không bao giờ được phép bị loại bỏ. Cảm hứng là đẹp đẽ. Cảm hứng là kỳ diệu. Cảm hứng là phi thường, không thể giải thích nổi và thiêng liêng. Cảm hứng cũng là quá độ, và hiếm hoi đến tuyệt vọng.”

Thế thì tại sao cảm hứng lại chỉ dành cho amateur?

OK. Trước hết phải nói rằng tôi chả có việc gì phải chống lại cảm hứng cả. Tôi cũng từng gặp vô số thất bại, quá nhiều tuyệt vọng, và mong có động lực từ trên trời rơi xuống hay từ tha nhân còn luyến tiếc con người này, hòng đá tôi ra khỏi những ngày dài vô bổ chán chê và có cảm hứng mãnh liệt mà tiến lên. Thế nên bạn có thể yên tâm đọc tiếp.

Trở lại với bài phỏng vấn tôi đề cập ở trên. Close đã nói gì?

Cảm hứng là dành cho dân nghiệp dư – còn chúng ta chỉ xuất hiện và làm việc. Với niềm tin rằng rồi mọi thứ sẽ sinh sôi từ chính hành động, và thông qua làm việc, bạn sẽ chạm tới những khả năng khác và mở ra những cánh cửa khác mà bạn có lẽ chưa bao giờ mơ tới nếu chỉ ngồi một chỗ chờ đợi một ‘ý tưởng’ vĩ đại. Và hãy tin rằng sự phát triển, theo một ý nghĩa nào đó, đang phóng thích ra và bạn không phải tái tạo lại bánh xe ấy mỗi ngày. Hôm nay bạn biết những gì mình sẽ làm, bạn có thể làm những gì bạn đang làm dở hôm qua, và ngày mai, bạn lại tiếp tục làm những việc bạn đã làm hôm nay, ít ra trong một giai đoạn nhất định, bạn phải làm việc. Nếu bạn cứ làm như vậy, nhất định bạn sẽ đạt được một cái gì đó.”

Pablo Picasso cũng từng bày tỏ thái độ với cảm hứng: “Cảm hứng có tồn tại, nhưng lúc ấy nó phải thấy bạn đang làm việc.” Ông nói những ý tưởng vĩ đại, những khoảnh khắc eureka… chỉ nảy sinh từ quá trình làm việc hằng ngày. Ít ra bạn cũng phải đang suy nghĩ về chủ đề hay vấn đề đó trước khi có thể tìm ra giải pháp sáng tạo cho nó.

Zig Ziglar, một tác giả và diễn giả truyền cảm hứng đã nói: “Người ta thường nói rằng động lực thì không kéo dài. Phải, tắm rửa cũng thế - đó là tại sao tôi đề nghị làm nó hằng ngày.”

Quả thực có những lúc cảm hứng hay động lực làm bạn phấn kích, chỉ trong khoảnh khắc hoặc thời gian ngắn thôi, nó thúc đẩy bạn tiến lên. Sau đó nó bắt đầu đông lại và lung lay, rồi dần biến mất. Khi những lúc “cao điểm” đó tan biến, bạn vẫn phải đào sâu và tiếp tục. Bạn không thể ngồi lại và nói, ừ, tôi cần phải chờ đợi một thời khắc khác làm nguồn cảm hứng/động lực cho tôi tiếp tục.

Nghe có vẻ như động lực hay cảm hứng đều mang tính nghịch lý?



Close nói tiếp:
“Tôi không bao giờ nằm trong số những người cần phải có một tình huống hoàn hảo mới vẽ được. Tôi có thể làm nghệ thuật ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào – không thành vấn đề. Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ, đối với họ, có một không gian hoàn hảo là điều căn bản nhất. Họ dành nhiều năm để thiết kế, xây dựng, trang trí cho không gian hoàn hảo đó, rồi khi đi vào làm việc họ lại bán nơi đó đi và xây dựng một không gian khác. Dường như làm vậy thường xuyên là một cách tránh phải làm việc. Còn tôi có thể vẽ ở bất kỳ đâu. Tôi đã vẽ những bức tranh lớn trong những phòng ngủ, gara nhỏ nhất. Bạn biết không, một khi tôi quay về phòng, tôi có thể như ở bất kỳ chốn nào.”

Cũng giống nhiều nhân vật nổi tiếng khác, Close luôn có niềm tin với thói quen hằng ngày của mình.

“Vào mỗi ngày, tôi bắt đầu vẽ lúc 9h, và thường làm việc tới trưa. Ba giờ làm việc cho buổi sáng. Tôi ăn trưa ngay tại bàn làm việc, đôi khi nếu đẹp trời, tôi sẽ ra bể bơi. Nếu tốt hơn, tôi sẽ ra bãi biển một giờ. Ăn trưa trên bãi biển, sau đó trở lại và vẽ tiếp từ 1h tới 4h, thêm ba tiếng nữa. Khi ánh sáng tự nhiên tắt dần, tôi bắt đầu trở nên thô lỗ. Vì thế y tá của tôi thường đến vào lúc 4h, còn tôi dừng làm việc, dọn dẹp, uống thật nhiều, đó là một ngày làm việc điển hình của tôi. Tôi làm việc mọi ngày đều thế.”
“Tôi nghĩ trong khi sự phù hợp đã sản sinh ra một số công việc thú vị… thì đối với tôi, điều thú vị nhất là trở lại với chính mình trong góc riêng của bản thân nơi không có câu trả lời của ai khác phù hợp chen vào. Bằng cách nào đó bạn phải đưa ra giải pháp cá nhân cho vấn đề mà bạn đã tự đặt cho mình vì không có giải pháp nào từ người khác có thể phù hợp.”
“Tôi nghĩ xã hội của chúng ta đã quá mức hướng vào việc giải quyết vấn đề. Việc “tạo ra vấn đề” còn thú vị hơn nhiều… Bạn biết đó, hãy tự hỏi bản thân một câu hỏi đủ thú vị và nỗ lực tìm giải pháp thích hợp sẽ sớm đẩy bạn tới một nơi để bạn có thể tìm thấy chính mình – một cách đơn độc – và tôi nghĩ nơi đó còn thú vị hơn nhiều.”

Lại một lần nữa, luôn luôn có nghi vấn liệu có khả năng chúng ta có thể hoàn toàn rũ bỏ khỏi các ảnh hưởng, sáng tạo ra những thứ là pha trộn kinh nghiệm sống của bản thân – một thứ “văn hóa vi mô cá nhân”, thứ mà nếu không có nó, chúng ta không có khả năng đưa ra những ý tưởng kết hợp “mới mẻ”?

Hãy đi theo sự tò mò của bạn, đây là nguồn xung lực chung nhất, phổ biến nhất, đáng tin nhất. Bạn quan tâm tới điều gì? Thứ gì có thể làm bạn quay đầu lại và nói “Tôi muốn biết nhiều hơn về…” Chủ đề hay vấn đề nào đủ lôi cuốn để có thể duy trì bền vững sự chú ý của bạn qua nhiều năm nỗ lực?

Hãy tìm ra điều đó, cam kết bản thân với nó, rồi chỉ “xuất hiện và làm việc”.

Đừng chờ đợi theo đuổi một thần tượng nào cả. Thần tượng sẽ chạy theo bạn một khi họ thấy bạn nghiêm túc lao động. Trước tiên phải làm việc, rồi điều kỳ diệu sẽ tới. Vì những khoảnh khắc của cảm hứng vô cùng hữu ích, đáng yêu, nhưng lại quá ngắn ngủi trên con đường bạn đi, và thực ra, chúng chỉ xuất hiện sau khi bạn đã bỏ ra hàng nghìn giờ cống hiến.

Cảm hứng quả thực chỉ dành cho amateur. Chúng ta là dân chuyên nghiệp. Chúng ta cần kỷ luật để tồn tại và lớn mạnh.



Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Hình ảnh mới của phong trào lao động ở Thung Lũng Silicon


Hình ảnh mới của phong trào lao động ở Thung Lũng Silicon



Tháng 8, không lâu sau khi The Intercept (kênh tin tức online đối lập) tiết lộ rằng Google đang làm việc với chính phủ Trung Quốc để khởi động công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt, những người làm việc tại Google đã soạn một lá thư yêu cầu các ông chủ của mình ngừng kế hoạch đó lại và đưa ra một “qui trình minh bạch rõ ràng và có giám sát” để tránh bị qua mặt trong tương lai trước những dự án xung đột về mặt đạo đức với nhân viên làm việc cho họ. Cho đến nay, theo Buzzfeed, hơn 1400 người đã ký vào lá thư.

Bức thư này là bằng chứng mới nhất cho thấy các nhân viên trong giới công nghệ đang đòi hỏi vai trò của họ trong việc thay đổi thế giới. Trước đó, thành công lớn nhất của giới công nhân công nghệ cao có tổ chức (giới cổ cồn trắng) xảy ra vào tháng 6, khi Google đã phải tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng cho dự án Maven của Lầu Năm Góc – một dự án “liên quan tới máy bay không người lái và nhận dạng đối tượng có độ phân giải thấp bằng trí tuệ nhân tạo.” Hơn 3100 nhân viên Google đã kí một bức thư ngỏ, vì đối với họ, bản hợp đồng này không chỉ “gây thiệt hai không thể khắc phục được cho thương hiệu Google” mà còn biến công ty trở thành “doanh nghiệp của chiến tranh”.

Kể từ lúc đó tới giờ, hơn 100 nhân viên Microsoft đã phản đối hợp đồng của công ty với Cơ Quan Di Trú và Hải Quan Hoa Kỳ trong một lá thư ngỏ trên bảng tin nội bộ, tuyên bố họ tin rằng công ty nên đặt “trẻ em và gia đình lên trên lợi nhuận”; còn các nhân viên của Amazon kêu gọi ông chủ của họ, Jeff Bezos, ngừng bán phần mềm nhận dạng khuôn mặt Palantir cho các cơ quan thực thi pháp luật, vì cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng để “làm hại những người vốn bị thiệt thòi nhất”; và đối mặt với hợp đồng của Cục Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới, các nhân viên của Salesforce cảm thấy đây là thỏa thuận “vô nhân đạo” và đã tổ chức một chiến dịch tẩy chay để lôi kéo các công ty khác từ chối các khoản tài trợ của Salesforce.

Rõ ràng đang có một cách tiếp cận trong tổ chức giới lao động rất khác biệt so với truyền thống vốn chỉ chú trọng sử dụng sức mạnh của giới lao động thông qua các tổ chức công đoàn. Trong khi giới cổ cồn xanh ở các công ty công nghệ (nhân viên an ninh) đã bắt đầu tự tổ chức sức mạnh lao động của họ từ nhiều năm qua – ví dụ, nhân viên an ninh của Thung Lũng Silicon và nhân viên phục vụ ăn uống của Facebook  đã thành lập các công đoàn riêng của chính họ - thì một việc hiếm hoi xảy ra vào tháng Giêng, khi các kỹ sư phần mềm tại công ty logistic dựa trên điện toán đám mây Lanetix cố gắng đoàn kết nhau lại. Đáp lại, Lanetix đã sa thải họ - theo một khiếu nại các kỹ sư đệ trình Ủy Ban Quan Hệ Lao Động Quốc Gia. (Lanetix đã không phúc đáp các yêu cầu trả lời)

Rõ ràng, nỗ lực tổ chức giới cổ cồn trắng công nghệ đều bắt đầu và kết thúc bằng những chiến dịch đơn lẻ. Đầu mùa hè năm nay, các tổ chức bao gồm Silicon Valley Rising, Tech Workers Coalition và các ban ngành của ACLU bắt đầu một loạt các sự kiện gọi là Tech Won’t Build It, để giới nhân viên cổ cồn trắng chia sẻ những bài học tranh đấu từ các chiến dịch trước đây buộc giới chủ của họ dừng các dự án gây tranh cãi của chính phủ. Các sự kiện này diễn ra ở các trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ, như San Francisco, Seattle, và Cambridge, đồng thời được phát trực tuyến. Ben Tarnoff, một nhà báo và nhân viên công nghệ, đồng thời chủ trì một số sự kiện tại Tech Won’t Build It, nói: “Chủ đề chung của các chiến dịch này là giới công nhân công nghệ yêu cầu một chỗ ngồi tại chiếc bàn nơi ra các quyết định xem liệu công nghệ nào sẽ được xây dựng”.

Một số nhà hoạt động trong giới công nghệ đang tưởng tượng ra một phong trào công nhân bền vững hơn – nếu nó không phải là một liên minh toàn cầu thì ít nhất cũng là một liên minh toàn ngành mạnh mẽ, bao gồm cả giới cổ cồn xanh và cổ cồn trắng, nhằm tìm kiếm một thay đổi dài hạn chứ không phải là những nhượng bộ một lần. Dù những chiến dịch đơn lẻ là một khởi đầu tốt để huy động sức mạnh của nhân viên, nhưng chúng bị hạn chế trong những gì họ có thể thực hiện. Các hợp đồng chính phủ bị từ chối bởi công ty này thì sẽ có thể bị công ty khác lấy, và những nhân viên phản đối hoạt động của doanh nghiệp có thể bị thay thế bởi những người có lập trường ngược lại. Những lá thư phản đối của giới cổ cồn trắng còn có thể phát triển thành một thứ nào đó nữa hay không, câu hỏi này vẫn đang đợi câu trả lời.

Rick Paulas
4 tháng 9 năm 2018