Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Sợ hãi - cách hành xử phù hợp di truyền từ tổ tiên chúng ta


"Những nỗi sợ hãi của chúng ta luôn luôn nhiều hơn số lượng nguy hiểm."
-          Lucius Annaeus Seneca (Nhà triết học La Mã, 4 TCN-65)

Các hành khách lên chuyến bay 651 đi Chicago. Hai giờ sau khi cất cánh, người phục vụ chuyến bay nghe thấy tiếng ồn khả nghi từ phòng vệ sinh. Các hành khách bắt đầu truyền nhau. Sự hoảng loạn tràn ra.

Chúng ta đều sợ hãi những sự kiện bi đát và đe dọa chúng ta. Ta sợ mất sức khỏe, gia đình, bạn bè, an toàn, tiền bạc, địa vị xã hội, quyền lực, hay công việc. Chúng ta cũng sợ hãi bạo lực, tội phạm, trừng phạt, từ chối, thất bại, không biết, sự cố bất thình lình, những gì không thể tiên đoán trước hay những gì không thể điều khiển được. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay khi chứng kiến một sự kiện gây chấn thương cũng có thể sinh ra những phản ứng sợ hãi giống như chính bạn bị chấn thương vậy.
Nỗi sợ hãi là cảm xúc cơ bản nhất của chúng ta. Sợ hãi tiến hóa để giúp chúng ta dự đoán nguy hiểm và tránh đau đớn. Nhà văn khoa học Rush Dozier đã viết trong cuốn Fear itself (Bản chất nỗi sợ hãi): “ Nỗi sợ hãi là cơ bản, vì sự sống là cơ bản. Nếu chúng ta chết, mọi thứ đều trở nên vô giá trị.”

Nhân loại đã phát triển cảm xúc mạnh mẽ về nỗi sợ hãi. Môi trường của tổ tiên chúng ta đầy hiểm nguy. Nỗi sợ hãi với những nguy hiểm vật lý, sự không thừa nhận của xã hội, thiếu thức ăn, không bạn tình, thú dữ, v.v… Tự tồn tại là một sự khuyến khích mạnh mẽ. Các sai lầm có thể phải trả giá cực đắt. Giả sử hai cá thể cùng nghe thấy một âm thanh lạ sau bụi rậm. Một người nhìn ra phía sau bụi rậm và bị một con rắn độc cắn rồi chết. Người kia nhìn những gì đã xảy ra, chạy trốn và sống sót. Luôn giả thiết có mối đe dọa sau những bụi cây và chạy trốn có thể cứu mạng ta. Chi phí của sai lầm và chạy khi không có con rắn nào là rất nhỏ. Nhưng cái giá của việc ở lại quanh quẩn khi có một con rắn có thể là chính mạng sống. Thất bại trong việc phát hiện ra các mối đe dọa tiềm tàng thường phải trả giá đắt hơn một cảnh báo sai. Tổ tiên chúng ta đã học thông qua việc thử và sai trong một thời gian dài, đau khổ có thể tránh được nếu họ sợ hãi. Họ sống sót thoát khỏi các hiểm nguy vì họ đã học được phải đáp trả như thế nào.
Nếu đau khổ và sung sướng là những chỉ dẫn hướng chúng ta tới sống sót và sinh sản, nỗi sợ hãi là dấu hiệu cảnh báo sinh học của chúng ta để tránh khỏi nỗi đau.  Sợ hãi cảnh báo chúng ta những đe dọa tiềm tàng và giữ chúng ta không hành động theo những con đường dẫn đến tự diệt. Nó giúp chúng ta tránh khỏi những đe dọa và khiến chúng ta hành động để ngăn chặn những tổn thương lớn hơn. Sợ hãi chỉ dẫn ta tránh khỏi những gì đã không làm việc trong quá khứ. Sợ hãi gây ra lo lắng và băn khoăn, một phản ứng bình thường trước các hiểm nguy vật lý. Nó kích hoạt các hormone như adrenaline và cortisol, chúng khiến chúng ta luôn chú ý các nguy cơ vì chúng ta đang cần tập trung trọn vẹn vào việc thoát ra khỏi mối đe dọa.
Mức độ sợ hãi mà chúng ta cảm nhận phụ thuộc vào việc biên dịch nguy cơ và nhận thức cách điều khiển. Chúng ta càng cảm thấy vô dụng và dễ bị tổn thương bao nhiêu, cảm xúc sợ hãi càng mạnh bấy nhiêu.
Giả sử bạn đang đi dạo một mình lúc đêm khuya trên một con phố hoang ở thành phố New York. Bỗng nhiên bạn nghe thấy những bước chân phía sau bạn. Chuyện gì xảy ra? Ngay lập tức bạn cảm thấy đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất – cướp, cưỡng hiếp, v.v… Hệ thống thần kinh tự trị của bạn sẽ chuyển giao và chuẩn bị cho bạn chiến đấu hoặc chạy trốn. Phản ứng của bạn bắt đầu hình thành trong bộ não và kích hoạt một quá trình hóa sinh học. Nhịp tim, nhịp thở, áp suất máu, xung thần kinh và lượng đường trong máu bạn đều tăng lên. Hành vi thông thường khi bạn là nạn nhân của stress, cũng được nhận thức tương tự. Bạn phản ứng với nỗi sợ hãi trên một con phố hoang vì tiến hóa đã đóng gói vào trong não bạn và đăng ký nỗi đau khổ này cần nhạy cảm hơn bất kỳ cảm xúc nào khác. Bạn đã sử dụng “bộ nhớ” của quá khứ các tổ tiên của bạn – hệ thống sợ hãi nguyên thủy của bạn để chiến đấu hoặc chạy trốn.
Những gì chúng ta sợ hãi và cường độ phản ứng của chúng ta phụ thuộc vào các gene, kinh nghiệm sống, và tình huống cụ thể. Thoạt tiên bạn sẽ phản ứng theo bản năng, nhưng nếu tình huống này bạn đã có kinh nghiệm trước đó (vì não bạn đã được nối dây liên tục với các kinh nghiệm sống), phản ứng cuối cùng có thể bình tĩnh hơn. Bạn nhìn quanh và thấy một bà già đang dắt chó đi dạo. Hoặc bạn có lẽ sẽ chạy mất, vì bạn muốn tránh những tình huống như trong quá khứ khiến bạn đau đớn. Bạn càng được tiếp xúc với một kích thích càng nhiều, dù là thứ rất kinh khủng đi chăng nữa, ngưỡng chịu đựng sợ hãi của bạn càng cao. Nếu bạn đã từng đi dạo trên cùng con phố hoang này rất nhiều lần trước đó và nhận ra mỗi lần tiếng ồn đều từ bà già dắt chó đi dạo kia, bạn có lẽ sẽ không sợ hãi nữa. Trừ khi một điều gì đó kinh khủng đã xảy ra.

Thường thường các cảm xúc mang thông tin cảm tính giúp chúng ta ra quyết định tốt hơn. Ví dụ, tội lỗi có thể làm chúng ta ăn năn hối hận khi gây ra những việc sai trái, và ta sẽ sữa chữa. Nó cũng có thể khiến ta hợp tác. Sự thù ghét có vẻ cũng là một phản ứng với nguy hiểm bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật và nguy cơ bị làm hại. Xấu hổ cũng giúp ta tránh vài cám dỗ hay giảm rủi ro đối đấu trong nhóm. Người không thể trải nghiệm với các đáp ứng cảm xúc do não bị thương tổn, sẽ có thể không có khả năng học từ sai lầm hay lựa chọn một cách thức mạnh lạc.
(Trích Tìm kiếm trí khôn: Từ Darwin tới Munger - Peter Bevelin)

Hợp tác - Prisoner's Dilemma



Nếu con người không vị tha như bản chất tự nhiên, họ có thể hợp tác không?


Trợ giúp lẫn nhau có giá trị sống còn to lớn. Nhưng con người đã cộng tác với nhau trong hoàn cảnh nào? Trò chơi Prisoner’s Dilemma (Bài toán khó của tù nhân) có lẽ sẽ mở ra tia sáng cho vấn đề: Giả sử bạn và đối tác đồng ý đi ăn trộm. Cả hai bạn bị cảnh sát bắt và hỏi cung từng người một. Không đủ bằng chứng để kết tội bạn, trừ khi đối tác của bạn thú nhận. Điều tra viên cho các bạn lựa chọn hợp tác hoặc không.

“Nếu cả hai từ chối phạm tội, vẫn đủ bằng chứng đưa cả hai vào tù một năm.”
“Nếu cả hai thú nhận, cả hai cùng vào tù 3 năm.”
“Nếu bạn thú nhận nhưng đối tác của bạn từ chối, bạn được tự do còn đối tác của bạn sẽ đi tù 10 năm.”
“Nếu bạn từ chối nhưng đối tác của bạn thú nhận, bạn sẽ vào tù 10 năm.”

Bạn nên làm gì? Kết quả của bạn đều phụ thuộc vào những gì đối tác của bạn làm. Từ quan điểm của một người ngoài cuộc, có vẻ như tốt nhất là cả hai cùng chối tội (chỉ bị tù 1 năm). Nhưng từ quan điểm cá nhân của chính bạn, có vẻ như tốt nhất là thừa nhận (tự do). Vấn đề là bạn không biết đối tác của bạn sẽ làm gì. Nếu anh ta phản bội bạn, tốt hơn là bạn cũng phản bội anh ta và cùng nhận 3 năm tù, thay cho 10 năm nếu bạn chối tội còn anh ta thừa nhận. Nếu anh ta từ chối nhận tội, cũng vẫn tốt hơn là bạn nên thừa nhận vì bạn sẽ được tự do, hơn là 1 năm tù nếu bạn cũng không thừa nhận.
Vì cả hai cùng theo đuổi logic như thế và đều nhận tội, cả hai bạn sẽ đi tù 3 năm. Làm những gì bạn tin là tốt nhất sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn nếu hai bạn cùng hợp tác và từ chối. Nhưng đây là một tình thế khó khăn. Bạn không biết liệu bạn có nên tin tưởng đối tác của mình hay không. Hợp tác chỉ có thể vận hành nếu bạn và đối tác của bạn tin tưởng lẫn nhau.
Các thử nghiệm cho thấy, nếu người ta chơi game thua lên thua xuống, họ học được một điều, sẽ có lợi hơn nếu hợp tác. Việc lặp đi lặp lại sẽ kiểm tra độ tin cậy. Tin tưởng là chìa khóa và rất mong manh. Nó có thể biến mất lúc nào đó. Tổng thống Mỹ thế kỷ 19 Abraham Lincoln đã viết: “Nếu bạn làm mất lòng tin của quần chúng, bạn không bao giờ có thể dành lại sự tôn trọng và yêu mến của họ. “
Cách khác tạo ra sự hợp tác là để cho các đối tác giao tiếp trong suốt trò chơi. Nói chuyện sẽ khích lệ việc cộng tác. Vì con người là động vật xã hội, họ có thể thay đổi hành vi của mình để người khác có lợi thế. Cuối cùng, vấn đề của lòng tin và trao cho các cá nhân lời khích lệ hợp tác.
Trong chương ba cuốn The Descent of Man (Nguồn gốc loài người), Charles Darwin viết:

Vào thời điểm hành động, con người không nghi ngờ nữa, sẽ hành động theo sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn; và dù đôi khi điều đó cũng có lẽ nhắc nhở anh ta hướng tới những hành vi cao quý nhất, nói chung nó vẫn dẫn dắt anh ta đi tới thỏa mãn các mong muốn cá nhân của chính anh ta nhiều hơn là chi phí cho người khác. Nhưng sau khi đã thỏa mãn bản thân, khi quá khứ và các ấn tượng trở nên yếu ớt hơn đối lập với những bản năng xã hội bất tận, việc trừng phạt chắc chắn sẽ đến. Con người khi đó sẽ cảm thấy bất mãn với bản thân, và sẽ giải quyết bằng ít hoặc nhiều nỗ lực hơn nữa để hành động khác đi trong tương lai. Đó gọi là lương tâm; khi lương tâm nhìn lại và phán xét quá khứ, trong đó có cả những loại bất mãn kia, nếu yếu đuối, chúng ta sẽ kêu gọi sự nuối tiếc, và nếu nghiêm trọng, sẽ ăn năn hối hận.

Nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy giao tiếp có thể cũng lừa phỉnh. Con người cũng giả dối. Cũng như vậy, giao tiếp trò chuyện không phải hoàn hảo – có thể có lỗi hay hiểu nhầm.
Chiến lược được sử dụng hiệu quả trong một thời gian dài là một phiên bản hiện đại của “răng đền răng” hay TIT – FOR – TAT. Nó cho rằng, chúng ta nên hợp tác ngay từ lần gặp đầu tiên và sau đó làm bất kỳ những cái gì mà “đối thủ” của chúng ta đã làm trong quá khứ. Khi đối thủ của bạn hợp tác, chúng ta nên hợp tác. Khi đối thủ không hợp tác, chúng ta nên trả đũa. Rồi sau đó hãy tha thứ và quay lại hợp tác lần kế tiếp. Nó tưởng thưởng sự hợp tác đã qua và trừng phạt việc bỏ đi trước đây. Nó giả sử rằng trò chơi được lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Thực tế chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu chúng ta có gặp lại đối thủ đó trong tương lai hay không. Cũng như đối thủ, chúng ta cũng không biết khi nào trò chơi kết thúc, có vẻ công bằng. Tất nhiên, trò Prisoner’s Dilemma chỉ là trò chơi hai người. Thực tế thường là sự tương tác của rất nhiều người.
Có một nhóm các nhà khoa học nói rằng, chúng ta cư xử tốt hơn người khác – các con cháu họ hàng gần về mặt di truyền với chúng ta. Đó là sự chọn lọc nhân thân. Chúng ta hành xử vị tha với thân nhân mình vì họ chia sẻ các gene chung với ta. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong các loài có tính xã hội, họ hàng thường giúp nhau nhiều nhất. Hai cá thể càng gần gũi nhau về mặt di truyền, họ càng có khuynh hướng đối xử với nhau tốt hơn. Nếu bạn hy sinh điều gì cho con cái bạn, có lẽ sẽ tổn hại bản thân bạn, nhưng vì con cái của bạn chia sẻ các gene của bạn, hiệu ứng nói chung là vẫn tích cực. Các nhà khoa học cho rằng một thử nghiệm chọn lọc thân nhân là những gì chúng ta có thể làm nếu một người họ hàng và một người bạn tốt cùng sắp bị chết đuối. Chúng ta chỉ có thể cứu được một trong số họ. Điều gì xảy ra nếu một trong số họ là anh em họ hàng xa mà bạn chỉ gặp 2 lần, còn người bạn kia ngày nào cũng cùng bạn chơi đùa? Bạn sẽ cứu ai?

(Trích "Tìm kiếm trí khôn: Từ Darwin tới Munger" - Peter Bevelin)

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Tìm kiếm sự khôn ngoan Từ Darwin tới Munger (bản dịch tiếng Việt) - Peter Bevelin

"Đọc và hiểu tác phẩm này sẽ giúp bạn có lợi thế hơn những người khác trong cuộc sống, cho dù đó chỉ là những lợi thế rất nhỏ. Tuy nhiên, đôi khi những khác biệt nhỏ giữa mỗi người lại tạo ra sự chênh lệch rất lớn trong cuộc sống về sau."


Link free download



Trích từ tác phẩm:



"Cuộc đấu tranh để sinh sản đôi lúc có thể có những hiệu ứng đặc biệt. Trong tự nhiên, mọi thứ không phải luôn luôn là những gì chúng có vẻ như thế.
Một con kiến trèo lên đầu một ngọn cỏ, ngã xuống, rồi lại cố thử đi thử lại… cho đến khi một con cừu đến và xơi luôn ngọn cỏ (và cả con kiến). TẠI SAO con kiến cứ mãi cố chấp trèo lên ngọn cỏ? Con kiến có lợi gì?
Không có lợi gì đối với con kiến. Đây là hành vi được thao tác bởi một loại sâu bọ ký sinh có nhu cầu đi vào ruột cừu để sinh sản. Bằng cách trưng dụng vật chủ tức thời là con kiến để trèo lên các ngọn cỏ, ký sinh trùng sẽ làm tăng cơ hội con kiến bị động vật ăn cỏ ăn thịt. Lợi ích ở đây là sự thành công về mặt sinh sản của ký sinh trùng, chứ không phải con kiến. Một loại ký sinh trùng khác, Toxoplasma, chỉ có thể sinh sản trong cơ thể mèo. Nó làm cho con chuột mất đi nỗi sợ hãi được kế thừa với loài mèo (mùi mèo) và sau đó khiến cho con chuột kết thúc trong bữa tối của một con mèo. Một loại ký sinh trùng khác làm cho cá bơi trong những vùng nước nông khiến chim có thể bắt được chúng, vật chủ cuối cùng của loại ký sinh trùng này.
Hầu hết động vật (gồm cả con người) làm vài việc để thu hút giới tính đối lập. Do chọn lọc tự nhiên tuyệt đối chỉ dành cho sinh sản trong một thế giới hữu hạn bạn tình, vài cá thể có năng lực tìm kiếm bạn tình tốt hơn những cá thể khác. Những cá thể có lợi thế trong thu hút bạn tình tiềm năng sẽ được “chọn lọc”. Những đặc điểm nào khiến chúng có lợi thế? Những đặc trưng giải phẫu hay hành vi nào sẽ thu hút được bạn tình khác giới hay đe dọa các đối thủ?
Darwin nhận thấy rằng nhiều đặc điểm giải phẫu và hành vi không có bất kỳ giá trị sống sót nào nhưng có thể đóng vai trò quan trọng trong thu hút bạn tình. Sức mạnh và vẻ đẹp là những dấu hiệu như vậy. Ông gọi cơ chế này là chọn lọc giới tính. Ví dụ, màu sắc phát sáng tạo ra sức hút giới tính giữa các con bướm. Và gà mái thích những con gà trống có đuôi to và đầy màu sắc.
Trong cuốn Parental Investment and Sexual Selection (Đầu tư của cha mẹ và chọn lọc giới tính), nhà sinh học Robert Trivers nói rằng sức mạnh đằng sau chọn lọc giới tính là đầu tư của cha mẹ, hay “một loại đầu tư nào đó của cha mẹ cho một cá thể của thế hệ con cháu để gia tăng cơ hội sống sót của con cháu (và do đó cả khả năng sinh sản thành công) với cái giá là khả năng đầu tư của cha mẹ cho một cá thể con cháu khác.”
Nam cần thu hút nữ. Nhưng họ cũng cần phải làm cho những người đàn ông khác tránh xa khỏi người phụ nữ “của họ”. Một phụ nữ phải đầu tư vào mỗi một trong các con của cô ấy. Đó là chín tháng mang thai và nhiều năm sau đó nữa để chăm con. Cô ấy đầu tư thời gian, năng lượng và làm tăng khả năng chết sớm của cô ấy. Có vài giới hạn trong việc có bao nhiêu đứa con cô ấy có thể sinh trong suốt cuộc đời. Một người đàn ông có ít chi phí hơn trong sinh sản. Anh ta có thể tương tác với nhiều phụ nữ và tạo ra một số lượng con khổng lồ. Anh ta không cần phải ở bên chúng suốt ngày. Nhiều phụ nữ có thể nuôi lớn con mà không cần trợ giúp.

Vì mục tiêu của tiến hóa là sinh sản, người đàn ông sẽ muốn quan hệ tình dục với càng nhiều phụ nữ càng tốt. Điều này gây ra sự cạnh tranh giữa đàn ông vì phụ nữ. Làm thế nào một người đàn ông trừ bỏ được cuộc cạnh tranh này? Anh ta phải làm bản thân cuốn hút hơn với phái nữ hoặc anh ta có thể bị loại khỏi cuộc cạnh tranh.
Thành công sinh sản của phụ nữ không phụ thuộc vào việc cô ta quan hệ với bao nhiêu đàn ông, mà là khả năng cô ta có cơ hội sử dụng các tài nguyên (như thức ăn, nơi trú ẩn, và sự bảo vệ) cho bản thân và các con của cô ta. Phụ nữ do đó phân biệt đối xử hơn đàn ông. Cô ta không thể lấy ngay anh chàng đầu tiên. Điều này làm cô ấy phải cạnh tranh với những người khác để sử dụng tài nguyên. Một người đàn ông được công nhận là giàu có và địa vị là một lợi thế. Vì thế các lựa chọn bạn tình (thể hiện như những ưu đãi vô thức) sẽ bị tác động bởi thực tế rằng phụ nữ gặp nhiều đe dọa hơn đàn ông.
Năm 1989, Giáo sư tâm lý học David Buss xuất bản một nghiên cứu với hàng nghìn đàn ông và phụ nữ từ 37 nền văn hóa trên thế giới, chỉ ra xếp hạng các chỉ tiêu quan trọng nhất khi lựa chọn ai đó để hẹn hò hay kết hôn. Phụ nữ nhấn mạnh vào triển vọng tài chính của bạn tình tiềm năng. Phụ nữ cùng thích những người đàn ông có tham vọng và siêng năng hơn. Phụ nữ thích đàn ông già hơn mình. Đàn ông thích phụ nữ trẻ hơn mình. Đàn ông xếp hạng cho sức hấp dẫn cơ thể cao hơn phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy đàn ông cảm thấy ghen tuông nhất khi người phụ nữ của anh ta quan hệ tình dục với bất kỳ ai khác. Phụ nữ cảm thấy ghen tuông nhất khi người đàn ông của cô ta bị cuốn hút về mặt cảm xúc từ bất kỳ ai khác.
Các nghiên cứu đã cho thấy sự khác nhau giữa các giới tính. Phụ nữ ít có khuynh hướng chấp nhận rủi ro. Họ bị tác động nhiều hơn nếu mất mát xảy ra. Họ ít cạnh tranh hơn và có ý thức về địa vị. Những nghiên cứu khác cũng cho thấy đàn ông và phụ nữ khác nhau trong hành vi và khả năng nhận thức. Vài khả năng trong số này phản ánh sự biến đổi hormone tác động đến sự phát triển của bộ não. Giống như hầu hết những thứ khác, điều này phụ thuộc hoàn cảnh.  "