Nếu kỷ luật tự giác khó
khăn, bạn đang thực hiện sai cách
Khi tôi còn là học sinh, trên
internet có người tuyên bố rằng bạn có thể tự huấn luyện bản thân ngủ ít đi, chỉ
2 giờ mỗi ngày. Hãy nhớ lúc đó mới đầu những năm 2000, khi hầu như tất cả chúng
ta vẫn còn tin vào mấy thứ ngẫu nhiên quỉ quái đọc được trên internet.
Câu chuyện diễn ra thế này: Có một
qui trình ngủ siêu năng suất được các nhà khoa học quân sự khám phá ra. Họ đã
thử nghiệm các giới hạn của việc thiếu ngủ trên các binh sĩ và tìm ra khám phá
đáng kinh ngạc này. Người ta cho rằng, các nhân vật lịch sử vĩ đại như
Napoleon, Da Vinci và Tesla tuân theo lịch trình ngủ như nhau và đó là lý do tại
sao họ lại năng suất và có ảnh hưởng lớn đến vậy trong lịch sử. Người ta cũng
cho rằng bất kỳ ai (chẳng hạn bạn và tôi) đều có thể đạt được trạng thái siêu
năng suất này hằng ngày. Tất cả những gì chúng ta cần là sức mạnh ý chí để vượt
qua những ngày thiếu ngủ và “làm quen” với lịch trình siêu phàm mới mẻ này. Người
ta cũng cho rằng đây là sự thật, đã được kiểm chứng và có ý nghĩa.
Tất cả đều là giả thiết.
Phác đồ đó được gọi là “Lịch
trình giấc ngủ Uberman”, cách thực hiện như sau:
-
Ngủ theo qui luật 80/20 – 80% hồi phục của bạn đến
từ 20% thời gian vô thức. Ngược lại, nếu 80% thời gian bạn dành để ngủ thì bạn
đúng là một tên lười biếng khốn kiếp.
-
Phần ngủ hiệu quả này được gọi là giấc ngủ REM
và chỉ kéo dài 15 – 20 phút mỗi lần. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi hai giờ bạn ngủ,
thực ra chỉ có 20 phút cuối hoặc hơn là giấc ngủ hữu ích. Do đó khi bạn ngủ 8
tiếng trong đêm, chỉ có khoảng 80 – 100 phút trong đó khiến bạn thực sự được
nghỉ ngơi và cảm thấy được phục hồi. Mọi người trên internet quyết định điều
này không hiệu quả và cần được sửa lại.
-
Điều mà các nhà khoa học quân sự (được cho là)
đã phát hiện ra, đó là, nếu bạn mất ngủ trầm trọng, cơ thể bạn sẽ ngay lập tức
rơi vào giấc ngủ REM ngay khi bạn chợp mắt. Nó làm điều này để bù đắp cho sự
thiếu hụt nghỉ ngơi. Mọi người trên internet quyết định điều này vô cùng hiệu
quả.
-
Ý tưởng về Lịch trình giấc ngủ Uberman là nếu bạn
ngủ ngắn 20 phút, cứ mỗi 4 giờ, hằng ngày và hằng tuần thực hiện đều đặn, bạn sẽ
rèn luyện trí não của mình rơi vào giấc ngủ REM ngay khi đặt mình xuống. Ngay
sau khi giấc ngủ REM kết thúc, bạn sẽ cảm thấy được nghỉ ngơi và phục hồi trong
3-4 giờ tiếp theo.
-
Nếu bạn cứ tiến hành ngủ ngắn 20 phút sau mỗi bốn
tiếng, bạn có thể tỉnh táo mãi mãi. Xin chúc mừng, bạn giờ đã thành Uberman.
Đây, xin dành tặng một ngôi sao vàng.
-
Nhưng có một nhược điểm: cách này bị cho là mất
1-2 tuần thiếu ngủ dữ dội để điều chỉnh đúng lịch trình giấc ngủ Uberman. Bạn
phải thức suốt đêm, hằng tối phải buộc bản thân chỉ ngủ 20 phút mỗi lần, sáu lần
khác nhau mỗi ngày. Nếu có bất kỳ thời điểm nào bạn làm hỏng, ngủ nhiều quá, tất
cả sẽ về mo, và bạn phải thực hiện lại từ đầu.
-
P/S: Cà phê cũng không được xài. Rượu cũng là tự
sát. Do đó, Lịch trình giấc ngủ Uberman trở thành một loại công cụ làm suy giảm
sức mạnh ý chí của người dùng internet theo chủ nghĩa self – help – một bài kiểm
tra cấp độ cao nhất về tính kỷ luật tự giác với khoản hồi báo cũng cao nhất: có
thêm 20-30% số giờ thức giấc hiệu quả mỗi ngày trong phần còn lại của cuộc đời.
Giống như có thêm hai ngày mỗi tuần vậy, hay có thêm ba tháng rưỡi trong một
năm. Thật điên rồ! So với cuộc đời của một con người, đó là hơn một thập kỷ thức
giấc. Hãy thử tưởng tượng mọi thứ bạn có thể hoàn thành với một thập kỷ nữa của
cuộc đời, trong khi toàn bộ người khác còn đang ngủ.
Giống như một thằng ngốc, tôi đã
thử làm điều này. Rất nhiều lần. Trong nhiều năm, tôi bị ám ảnh với việc đạt được
Lịch trình giấc ngủ Uberman. Và trong nhiều năm, tôi liên tục thất bại với nó.
Bạn có lẽ đã từng trải qua một
đêm không ngủ trước đây. Không ngủ một đêm không khó lắm. Đặc biệt nếu có thời
hạn hoặc dùng thuốc trợ giúp.
Điều khó khăn là đêm thứ hai, thứ
ba và thứ tư. Thiếu ngủ cực độ là khóa học tàn nhẫn dạy bạn thấy tâm trí của
chúng ta thực sự mong manh như thế nào. Vào ngày thứ ba, bạn sẽ bắt đầu buồn ngủ
ngay cả khi đang đứng. Bạn sẽ ngủ gật khi đang đi bộ trên phố dưới ánh sáng ban
ngày. Bạn sẽ quên cả những sự kiện cơ bản như tên mẹ mình hay ngày hôm nay mình
đã ăn hay chưa, thậm chí – chết tiệt hơn, hôm nay là ngày gì?
Vào ngày thứ tư, bạn trở nên mê sảng,
tưởng tượng rằng mọi người đang nói chuyện với bạn khi không hề có, tin rằng bạn
đang viết một email trong khi bạn chả viết gì, rồi sau đó phát hiện ra bạn không
nhớ nổi mình muốn gửi email cho ai. Tôi thường đi bộ theo vòng tròn trong phòng
khách khoảng một giờ, để giữ mình tỉnh táo. Khi thời gian ngủ ngắn tới, tôi tưởng
như muốn sụp đổ, rơi vào vô thức ngay lập tức và tiến hành những giấc mơ mãnh
liệt, dữ dội như thể chúng kéo dài tới 5 giờ. Rồi 20 phút sau, báo thức lại lôi
tôi dậy, tôi sẽ dành ba giờ tiếp theo, tuyệt vọng nói dối bản thân, cố gắng tự
thuyết phục mình rằng tôi cảm thấy đã được nghỉ ngơi, và rằng tôi không muốn
quay lại – chuyện gì nữa nếu tôi phải làm lại từ đầu?
Cuối cùng, tôi không bao giờ có
thể vượt qua ngày thứ tư. Mỗi lần tôi thất bại, tôi cảm thấy thất vọng dữ dội
vì sự thiếu ý chí của mình. Tôi tin đây là việc tôi có thể làm được. Điều làm
tôi bực mình là một số người ngẫu nhiên trên internet nói rằng có thể làm được
mà tôi thì không thể. Tôi cảm thấy như có gì đó sai sai với mình. Rằng nếu tôi
không siết kỷ luật để ngủ ít đi, thế thì Mark, cậu còn có thể làm bản thân hiệu
suất hơn thế quái nào đây?
Thế là tôi tự hành hạ bản thân.
Tôi càng tự hành hạ mình, những kỳ vọng đối với bản thân tôi càng trở nên phi
thực tế.
May mắn là tại một số thời điểm trong đời, bạn
đã cố gắng thay đổi hành vi bản thân thông qua sức mạnh ý chí. Và may mắn hơn nữa
là, bạn đã thất bại thảm hại. Đừng cảm thấy tồi tệ! Đây chỉ là những gì vốn
luôn xảy ra.
Hầu hết mọi người nghĩ về kỷ luật
tự giác theo hướng sức mạnh ý chí. Nếu chúng ta thấy ai đó thức dậy lúc 5 giờ
sáng mỗi ngày, ăn một ly sinh tố bơ – hạt chia – lá hồi – mơ – đu đủ mỗi bữa,
khịt mũi trước bông cải Brussel, rồi làm việc ba giờ trước khi nhấc mông lên
chào buổi sáng, chúng ta giả sử họ làm được điều này nhờ lạm dụng trực tiếp bản
thân – tức có một con quỉ nội tâm vô độ nào đó đang điều khiển họ như một nô lệ
để làm mọi thứ đúng đắn, bất kể đó là gì.
Nhưng đó không phải sự thật. Vì nếu
bạn biết bất kì ai như thế, bạn sẽ nhận thấy một điều thực sự đáng sợ về họ: họ
thực sự thích thú với nó.
Nhìn nhận kỷ luật tự giác chỉ
theo ý nghĩa sức mạnh ý chí sẽ thất bại vì tự hành hạ bản thân khi không đủ cố
gắng sẽ chả có kết quả gì. Thực tế, nó còn phản tác dụng. Và, như bất kỳ ai từng
cố gắng ăn kiêng nói cho bạn, nó thường chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.
Vấn đề là sức mạnh ý chí hoạt động
như cơ bắp. Nếu bạn làm việc quá sức, nó sẽ mệt mỏi và mặc kệ bạn. Tuần đầu
tiên của chế độ ăn kiêng mới, hay chế độ tập luyện mới, thói quen buổi sáng mới,
mọi thứ trở nên tuyệt vời. Nhưng đến tuần thứ hai hay thứ ba, bạn lại trở về với
những cách thức yêu thích ngày trước.
Giống như cách bạn không chỉ đi
vào phòng tập gym lần đầu tiên và nâng tạ 500 pounds, bạn không thể chỉ dậy lúc
4h sáng rồi làm gì đó ít lố bịch như lịch trình giấc ngủ Uberman. Để có cơ hội
thành công, ý chí của bạn phải được rèn luyện trong một khoảng thời gian dài.
Nhưng điều này khiến chúng ta rơi
vào một câu hỏi hóc búa: nếu chúng ta nhìn tính kỷ luật tự giác về mặt ý chí,
nó sẽ tạo ra tình huống con gà hay quả trứng: để xây dựng ý chí, chúng ta cần kỷ
luật tự giác trong một thời gian dài; nhưng để có kỷ luật tự giác, chúng ta cần
có ý chí rất lớn.
Vậy thì cái nào trước đây? Chúng
ta nên làm gì? Chúng ta bắt đầu thế nào đây? Hay quan trọng hơn, Ben and
Jerry’s (một nhãn hàng nổi tiếng của Unilever) đang ở đâu?
Coi kỷ luật tự giác là sức mạnh ý
chí sẽ tạo ra nghịch lý vì lý do đơn giản: điều đó không đúng. Như chúng ta đã
thấy, xây dựng tính kỷ luật tự giác trong đời bạn là một bài tập hoàn toàn
khác.
Tại sao ý chí thuần túy
lại là ý tưởng tồi?
Hành vi của chúng ta không dựa
trên logic hay ý tưởng nào. Logic và các ý tưởng có thể ảnh hưởng đến quyết định
của chúng ta, nhưng cuối cùng, cảm xúc lại quyết định chúng ta sẽ làm gì.
Chúng ta làm những gì bản thân cảm
thấy tốt và tránh những gì bản thân cảm thấy xấu. Và cách duy nhất chúng ta
không bao giờ làm những gì bản thân cảm thấy tốt, mà lại làm những gì bản thân
cảm thấy xấu, là thông qua một cơ chế nổi lên tạm thời của ý chí – tự chối bỏ
các mong muốn và cảm xúc của bản thân và thay vào đó làm những gì được coi là
“đúng đắn”.
Trong suốt lịch sử, đức hạnh đã
được nhìn nhận theo kiểu tự chối bỏ và tự phủ định này. Để trở thành người tốt,
bạn không chỉ phải từ chối bản thân trước bất kỳ trò vui thú nào, mà còn phải
trưng ra tinh thần sẵn sàng làm tổn hại bản thân. Bạn thấy có những nhà sư tự
đánh mình và nhốt mình trong phòng nhiều ngày không ăn, không nói suốt nhiều
năm, thậm chí đến chết. Bạn thấy có những đội quân tự ném mình vào trận chiến
vì chút xíu lý do hoặc chả vì lý do gì. Bạn thấy có những người kiêng quan hệ
tình dục cho đến khi kết hôn, hoặc thậm chí cả đời. Chết tiệt, toàn những thứ
không vui.
Cách tiếp cận cổ điển chính là
cách chúng ta đã giả định “ý chí = kỷ luật tự giác” rõ ràng đến từ đây. Nó hoạt
động dựa trên niềm tin rằng kỷ luật tự giác đạt được thông qua việc chối bỏ hay
bỏ qua những cảm xúc khác. Bạn có muốn ăn món taco đó không? Thật tồi tệ, Mark!
Cậu không muốn thế đâu! Cậu là tên khốn! Cậu xứng đáng chết đói, đồ vong ân bội
nghĩa!
Khuynh hướng cổ điển châm ngòi
cho khái niệm ý chí – chẳng hạn, đó là khả năng từ chối hay bỏ qua mong muốn và
cảm xúc của ai đó – với tinh thần đạo đức. Ai đó có thể nói không với món taco
là người tốt. Kẻ không thể đúng là làm người thất bại.
ĐỊNH NGHĨA KỶ LUẬT TỰ GIÁC THEO CÁCH CỔ ĐIỂN:
KỶ LUẬT TỰ GIÁC = Ý CHÍ = TỰ CHỐI BỎ = NGƯỜI LƯƠNG THIỆN
Việc hợp nhất ý chí và đạo đức vốn
mang những dự định tốt đẹp. Người ta đã nhận ra (một cách đúng đắn) rằng, khi để
lại những ham muốn bản năng của riêng mình, tất cả chúng ta đều trở thành những
tên khốn mắc chứng vĩ cuồng. Vì thế các nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại, các triết
gia và các vị vua trong suốt lịch sử đã thuyết giảng một khái niệm về đức hạnh
theo kiểu đàn áp cảm xúc của chúng ta hòng ủng hộ sự hợp lý và phủ nhận các
xung lực giúp chúng ta phát triển ý chí.
Và phương pháp cổ điển này lại vận
hành tốt! Chà, được rồi, trong khi nó làm cho xã hội ổn định hơn, thì nó cũng
hoàn toàn làm chúng ta lạc lối.
Phương pháp cổ điển có tác dụng
ngược là đào tạo chúng ta có cảm xúc tồi tệ về tất cả những điều chúng ta cảm
thấy tốt. Cơ bản nó tìm cách dạy chúng ta kỷ luật tự giác thông qua việc khiến
chúng ta cảm thấy xấu hổ - làm chúng ta căm ghét chính mình vì đơn giản chúng
ta là chính mình. Và ý tưởng rằng một khi chúng ta chịu đựng sự xấu hổ vừa đủ về
lượng trước tất cả những gì mang tới cho ta niềm vui thú, chúng ta sẽ tự thấy
ghê tởm và sợ hãi những ham muốn của chính mình.
Trong trường hợp bạn
không biết: nỗi xấu hổ sẽ bao vây bạn
Siết kỷ luật cho mọi người bằng nỗi
xấu hổ sẽ có hiệu quả một thời gian, nhưng về lâu dài, nó phản tác dụng. Ví dụ,
có lẽ hãy dùng nguồn xấu hổ phổ biến nhất hành tinh: tình dục.
Não thích tình dục. Bởi vì a)
tình dục tạo ra cảm giác tuyệt vời, và b) chúng ta đã được tiến hóa về mặt sinh
học để thèm muốn nó. Ai cũng tự giải thích được.
Bây giờ, nếu bạn lớn lên như hầu
hết mọi người – đặc biệt nếu bạn là phụ nữ - đúng là cơ hội tốt để bạn học được
tình dục là thứ xấu xa, dâm đãng, làm bạn hư hỏng và biến bạn thành người khủng
khiếp, ghê tởm. Bạn đã bị trừng phạt vì muốn nó, và do đó, có rất nhiều cảm xúc
mâu thuẫn xung quanh tình dục: nghe có vẻ tuyệt vời nhưng cũng đáng sợ; nó vừa
có cảm giác đúng đắn nhưng cũng vẫn sai trái. Cuối cùng, bạn vẫn muốn quan hệ
tình dục, nhưng bạn cũng bê theo rất nhiều cảm giác tội lỗi và lo lắng, nghi ngờ
bản thân.
Hỗn hợp cảm xúc này tạo ra một sự
căng thẳng khó chịu trong con người. Khi thời gian trôi qua, căng thẳng tăng dần
lên. Vì ham muốn tình dục không bao giờ biến mất. Nên khi ham muốn còn tiếp tục,
thì sự xấu hổ tăng lên.
Đến khi sự căng thẳng này trở nên
không thể chịu đựng được và phải tự giải quyết theo một trong hai cách.
Cách thứ nhất là lạm dụng quá mức
nó. Căng thẳng đã trở nên lớn đến mức chúng ta cảm thấy cách giải quyết duy nhất
là đi ra ngoài chơi bời thả phanh. Tìm cực khoái với gái điếm. Thủ dâm bắt buộc
suốt nhiều ngày chấm dứt. Ngoại tình vô độ. Và đáng buồn thay, thường có bạo lực
tình dục.
Nhưng sự lạm dụng không thực sự
giải quyết được căng thẳng. Nó chỉ đá cái lon xuống đường. Vì sau khi bạn bỏ tiền
xuống, những cô điếm về nhà, nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi sẽ trở lại. Và
chúng trở lại với sự báo thù.
Vậy nếu lạm dụng không có hiệu quả,
thì lựa chọn khác là gì?
À, lựa chọn khác duy nhất để
thoát khỏi sự căng thẳng bên trong là làm tê liệt nó. Đánh lạc hướng bản thân
khỏi sự căng thẳng bằng cách tìm ra những sự căng thẳng to lớn hơn, kích thích
hơn. Rượu là một cách phổ biến. Tiệc tùng và ma túy nữa, tất nhiên rồi. Ngồi
xem tivi 14h liên tục cũng có thể là một lựa chọn. Hoặc tự gặm nhấm bản thân tới
chết.
Đôi khi người ta tìm ra những
cách hữu ích đánh lạc hướng bản thân khỏi sự xấu hổ. Họ chạy siêu marathon hay
làm việc 100 giờ mỗi tuần suốt nhiều năm liên tục. Trớ trêu thay, nhiều người
chúng ta đã ngưỡng mộ thứ ý chí vô nhân đạo đó. Nhưng sự tự chối bỏ sẽ đến dễ
dàng khi trong sâu thẳm, bạn thấy căm ghét chính mình.
Bởi vì xấu hổ không thể bị tê liệt.
Nó chỉ thay đổi hình thức. Có người chạy theo tôn giáo để thoát khỏi sự ghê tởm
bản thân, cuối cùng lại tìm ra cách tự làm cho mình thấy ghê tởm thói quen đó.
Chẳng mấy chốc, những gì bắt đầu như một thứ đạo đức nghề nghiệp đáng ngưỡng mộ
trong phòng gym sẽ biến dạng thành một kiểu rối loạn thể chất, như mấy tay tiêm
synthol vào cánh tay để khiến mình trông giống Popeye.
Tương tự, vị doanh nhân chuyển sự
xấu hổ của mình thành công việc xuất sắc tại văn phòng, cuối cùng cũng xấu hổ về
năng suất của chính mình tới mức không thể về nhà theo đúng nghĩa. Anh ta sợ
hãi làm điều đó. Bất kỳ giây phút không hiệu suất nào cũng cảm thấy như một thất
bại không lường trước. Và trong khi phần còn lại của cuộc đời sụp đổ quanh
mình, anh ta vẫn chỉ đang lo lắng về những bảng tính và những con số hàng quí.
Đó là lý do tại sao những người
khó tính nhất, không thỏa hiệp nhất lại thường là những người bị tổn thương nhiều
nhất. Đó là lý do tại sao những lãnh đạo tôn giáo chính thống chống lại sự vô đạo
đức của thế giới luôn là người ra lệnh những tên khốn phải ra khỏi Craigslist.
Đó là lý do tại sao hầu hết các chính trị gia lên tiếng về lòng trung thành của
đảng và lòng yêu nước luôn là những người nổ súng trong phòng tắm sân bay. Họ
đang chạy trốn khỏi con quỷ của họ. Và một cách để làm điều đó là tạo ra những
con quỷ sáng sủa hơn, được xã hội chấp nhận hơn.
Kỷ luật tự giác dựa trên sự tự chối
bỏ không thể duy trì lâu dài. Nó chỉ sinh ra rối loạn chức năng lớn hơn, và cuối
cùng dẫn đến tự hủy diệt.
SỰ THẬT VỀ CÁCH CỔ ĐIỂN
Tự chối bỏ = Rối loạn cảm xúc = Tự hủy hoại = - (Kỷ luật tự giác)
Đây là vấn đề với tất cả những thứ
này – thoạt tiên khi nghe đến, tôi còn không thể tin chúng ta đã phải nói điều
đó. Bạn có thể tự mình tới phòng gym nếu bạn không cảm thấy như thế trong vài
ngày. Nhưng trừ khi tập gym tạo ra cảm xúc tốt đẹp, còn không bạn sẽ vẫn mất động
lực, hết ý chí và ngừng đi tập. Bạn có thể tự mình ngừng uống rượu một ngày hoặc
một tuần, nhưng trừ khi bạn cảm nhận được sự tưởng thưởng của việc không uống
rượu, còn nếu không bạn vẫn quay trở lại với nó.
Đó là lý do tại sao cơn ác mộng
ngủ đa pha của tôi liên tục kết thúc trong thảm họa. Thức suốt đêm và tự làm mất
ngủ không tạo ra lợi ích hữu hình. Nó không tạo ra cảm xúc tốt. Nó chả tạo ra cái
gì ngoài đau khổ và mê sảng. Đó là một bài tập về sự tự lạm dụng. Thế nên ý chí
của tôi cuối cùng cũng cạn kiệt và cảm xúc kết thúc, đẩy tôi bất tỉnh suốt 16h
liền.
Bất kỳ cách tiếp cận lành mạnh về
mặt cảm xúc để luyện tập ý thức tự kỷ luật phải hài hòa với cảm xúc của bạn, chứ
không phải chống lại chúng.
Cuối cùng, kỷ luật tự giác không
dựa trên ý chí hay sự tự chối bỏ, mà nó thực ra dựa trên điều ngược lại: tự thừa
nhận.
Kỷ luật tự giác bằng
cách tự thừa nhận
Giả sử bạn đang cố giảm cân và vấn
đề lớn của bạn là bạn ngốn hết khoảng ba lít kem mỗi tuần. Bạn yêu thích kem. Bạn
đã cố dùng ý chí để ngừng lại. Bạn thử các chế độ ăn kiêng với bạn bè. Bạn bảo
bạn đời đừng bao giờ mua kem nữa trong nỗ lực tuyệt vọng đổ lỗi cho họ vì những
thiếu sót của bạn.
Nhưng chả có gì thành công hết.
Không ngày nào trôi qua mà bạn giảm được một ngàn calo kem.
Và bạn ghét chính mình vì điều
đó.
Đó là vấn đề đầu tiên của bạn. Bước
một của kỷ luật tự giác là hủy hết những liên kết thất bại cá nhân của bạn khỏi
các vấn đề đạo đức. Bạn phải chấp nhận rằng bạn đã lạm dụng và điều đó không nhất
thiết biến bạn thành một người kinh khủng. Tất cả chúng ta đều lạm dụng dưới
nhiều hình thức. Tất cả chúng ta đều cảm thấy xấu hổ. Tất cả chúng ta đều thất
bại trong điều khiển ham muốn. Và tất cả chúng ta đều thích một tô kem ngon.
Kiểu thừa nhận này phức tạp hơn bạn
tưởng. Chúng ta thậm chí còn không nhận ra tất cả những cách dùng để tự đánh
giá về những thất bại nhận thức của chính mình. Những suy nghĩ liên tục truyền
vào đầu mà ta không hề nhận ra, khi chúng ta đang khắc phục “vì tôi là một người
kinh khủng” với phần lớn những suy nghĩ này.
“tôi đã làm hỏng dự án đó, vì tôi
là kẻ kinh khủng…”
“Toàn nhà bếp là một mớ hỗn độn
và bố mẹ sẽ ở đây sau 20 phút nữa, bởi vì tôi là người kinh khủng…”
“Người ta đều giỏi cái này, còn
tôi thì không, vì tôi là kẻ kinh khủng…”
“Mọi người có lẽ đều nghĩ tôi
ngu, vì tôi là kẻ kinh khủng…”
Ê, bạn có thể giải quyết những
dòng tự đánh giá này ngay bây giờ đấy! Thôi nào, tôi cũng từng đánh giá mình
như thế suốt… vì tôi cũng là kẻ kinh khủng.
Có chuyện cần nói ở đây: có một
loại thoải mái bệnh hoạn xuất hiện từ những lời tự đánh giá này. Bởi vì chúng
giảm trách nhiệm cho hành động của chúng ta. Nếu tôi quyết định tôi không thể từ
bỏ kem vì tôi là kẻ tồi tệ kinh khủng – thì “kẻ tồi tệ kinh khủng” ngăn ngừa khả
năng tôi thay đổi hay cải thiện trong tương lai – do đó, về mặt kỹ thuật nó đã
ngoài tầm tay tôi phải không? Nó ngụ ý rằng tôi chả thể làm gì với thèm muốn của
mình, thế nên kệ cha nó đi, tại sao phải thử?
Có một loại sợ hãi và lo lắng xuất
hiện khi chúng ta từ bỏ niềm tin vào sự kinh khủng của chính mình. Chúng ta thực
ra chống lại việc thừa nhận bản thân vì trách nhiệm thường gây sợ hãi. Nó cho
thấy không chỉ chúng ta có khả năng thay đổi tương lai (thay đổi luôn đáng sợ)
mà còn lãng phí phần lớn quá khứ của mình. Điều đó cũng không tạo ra cảm xúc tốt
đẹp. Thực tế, còn cái bẫy nhỏ khác. Khi mọi người thừa nhận mình không phải là
người kinh khủng – nhưng sau đó lại quyết định họ là người kinh khủng vì không
nhận ra điều đó từ nhiều năm trước!
Nhưng một khi chúng ta kết hợp cảm
xúc từ việc tự đánh giá – một khi chúng ta quyết định rằng, nếu chỉ vì có thứ
làm chúng ta cảm thấy tồi tệ, không có nghĩa là chúng ta tồi tệ - điều này sẽ mở
ra cho chúng ta một viễn cảnh mới.
Thứ nhất, nó cho thấy cảm xúc chỉ
là những cơ chế hành vi bên trong, có thể bị thao túng như bất cứ thứ gì khác.
Giống như đặt chỉ nha khoa bên cạnh bàn chải đánh răng nhắc nhở bạn dùng chỉ
nha khoa mỗi sáng, một khi các phán đoán đạo đức bị loại bỏ, việc cảm thấy tồi
tệ vì bạn tái nghiện bánh quy hay kem có thể chỉ là một lời nhắc nhở hoặc động
lực để giải quyết vấn đề tiềm ẩn.
Chúng ta phải giải quyết vấn đề cảm
xúc mà có sức mạnh đang cố làm tê liệt hay che đậy. Có một sức mạnh ép bạn ăn
hàng tá kem mỗi tuần. Tại sao? Chà, ăn – đặc biệt đồ ăn có đường, không tốt cho
sức khỏe – là một hình thức làm tê liệt. Nó mang lại sự thoải mái cho cơ thể.
Đôi khi người ta gọi là “ăn uống tình cảm”, cùng một cách với uống rượu để giải
phóng con quỷ trong người, việc ăn quá mức là để thoát khỏi nó.
Vậy những con quỷ đó là gì? Nỗi xấu
hổ đó là gì?
Hãy tìm kiếm nó. Hãy điều khiển
nó. Và quan trọng hơn: hãy chấp nhận nó. Hãy tìm trong phần sâu thẳm tăm tối xấu
xí của chính bạn. Hãy đối đầu với nó, cho phép bản thân cảm nhận tất cả những cảm
xúc tồi tệ đi kèm với nó. Sau đó hãy chấp nhận rằng đây là một phần của bạn, và
nó không bao giờ biến mất. Thế là ổn thôi. Bạn có thể sống cùng nó, còn hơn chống
lại nó.
Và đây mới là nơi phép thuật xảy
ra. Khi bạn ngừng cảm thấy tồi tệ về bản thân, có hai điều xảy ra:
-
Không có gì cần phải làm tê liệt nữa. Do đó, bỗng
nhiên các hũ kem trở nên vô nghĩa.
-
Bạn thấy không có lý do gì để trừng phạt chính
mình. Ngược lại, bạn thấy thích chính mình, vì vậy bạn muốn chăm sóc bản thân.
Quan trọng hơn, bạn cảm thấy thật tốt khi chăm sóc bản thân.
Không ngờ bồn kem không còn tạo
ra cảm giác tốt đẹp nữa. Nó không còn giúp gãi ngứa cho nội tâm. Thay vào đó,
nó làm cho bạn cảm thấy ốm yếu, đầy hơi và thô thiển.
Tương tự, tập thể dục không còn
là nhiệm vụ bất khả thi mà bạn không bao giờ thực hiện được. Trái lại, nó bổ
sung và tăng cường sức khỏe cho bạn. Những cảm xúc tốt đẹp bắt đầu hiện ra làm
cho bạn cảm thấy nó thật dễ dàng.
Nhưng bạn không nhất thiết phải
làm công việc trị liệu sâu sắc này để có được tính kỷ luật tự giác. Đơn giản chỉ
cần hiểu và thừa nhận cảm xúc của bạn trước những gì chúng có thể cho phép bạn
làm, đừng chống lại chúng.
Có một cách để làm điều này: hãy
gọi cho người bạn thân nhất, bảo họ ghé qua. Lấy sổ ra viết tấm sec trị giá
2000 đô, ký tên, rồi đưa cho họ. Rồi bảo họ, nếu bạn còn ăn kem lại lần nữa, họ
có thể lấy tiền.
Xong.
Ăn kem bây giờ sẽ gây ra một vấn
đề cảm xúc lớn hơn nhiều. Và như thể bằng phép thuật, kiềm chế ăn kem sẽ bắt đầu
tạo ra cảm xúc tốt.
Trách nhiệm xã hội cũng hoạt động
theo cùng một cách. Ngồi thiền trong một phòng đầy người sẽ dễ dàng hơn ngồi
thiền một mình. Tại sao? Vì khi ở trong phòng đầy người, bạn không muốn trở
thành tên khốn đơn độc đứng dậy và bước ra sau ba phút, giống như bạn làm ở
nhà! Áp lực xã hội khiến cho việc không thiền định gây ra một vấn đề cảm xúc lớn
hơn việc ngồi thiền đủ thời gian.
Bạn cũng có thể làm điều này
thông qua các củng cố tích cực: tìm cách tự trao thưởng sau khi làm những hành
vi đúng đắn. Nghiên cứu cho thấy đây là cách thực sự tạo ra thói quen mới: bạn
làm các hành vi mong muốn, sau đó tự thưởng cho mình.
Kết quả: kỷ luật tự
giác không cần ý chí
Một khi bạn giải quyết được phần
lớn nỗi xấu hổ của mình, và một khi bạn đã tạo ra được các tình huống mang lại
lợi ích cảm xúc lớn hơn từ việc thực hiện hành vi mong muốn so với khi không thực
hiện, bạn sẽ nhận thấy sự xuất hiện của tính kỷ luật tự giác một cách kín đáo,
không cần nỗ lực thực sự. Bạn tạo ra được kỷ luật tự giác mà không cần ý chí.
Bạn thức dậy sớm hơn vì cảm thấy
tốt khi dậy sớm.
Bạn ăn cải xoăn thay vì hút thuốc
vì cảm thấy ngon miệng khi ăn cải xoăn và cảm thấy tồi tệ khi hút thuốc.
Bạn ngừng nói dối vì cảm thấy nói
dối tồi tệ hơn nói sự thật quan trọng.
Bạn tập thể dục vì cảm thấy tập
thể dục tốt hơn khi cứ ngồi ì, che mình trong lớp bụi Cheeto mỏng.
Không phải nỗi đau đã biến mất. Nỗi
đau vẫn còn đó. Chỉ là nỗi đau bây giờ có ý nghĩa. Nó có mục đích. Và điều đó tạo
ra sự khác biệt. Bạn sống cùng nỗi đau chứ không chống lại nó. Bạn theo đuổi
nó, chứ không trốn chạy khỏi nó. Và mỗi lần theo đuổi, bạn lại mạnh mẽ hơn, khỏe
khoắn hơn, hạnh phúc hơn.
Cuối cùng, nhìn từ bên ngoài,
trông như thể bạn đang nỗ lực hết sức, như thể bạn có nguồn ý chí vô tận. Tuy
nhiên với bạn, hoàn toàn chả có cảm giác gì cả.
Mark Manson
Ngày 8 tháng 2 năm 2019