Trong các dự án chiến lược của công ty, đội ngũ các nhà lãnh đạo luôn phải làm việc thông qua hàng chuỗi các câu hỏi để xác định cách các hoạt động kinh doanh của họ có thể thành công. Mỗi cá nhân cũng có thể sử dụng qui trình tương tự để khám phá ra cách để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Điều này bắt đầu bằng việc xác định điều gì làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vời đối với bạn, sau đó phác thảo ra mục đích và tầm nhìn của bạn. Bạn cũng cần nhìn lại “portfolio” (danh mục đầu tư) hiện tại của mình - những lĩnh vực mà bạn đã và đang dành thời gian, năng lượng và tiền bạc vào đó - để xem liệu bạn có đang đầu tư tốt nhất cho bản thân vào những gì quan trọng nhất cho bạn không. Bạn nên cân nhắc tham khảo nghiên cứu về cách làm sao người ta có thể tìm ra ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Cuối cùng, bạn chắc sẽ muốn xác định những lĩnh vực mà bạn cần thay đổi, và đảm bảo bạn theo đuổi nhất quán những mục tiêu và kết quả chính. Chương trình “Chiến lược hóa cuộc đời bạn” đã được thử nghiệm với hơn 500 người trên thế giới. Chỉ sau vài giờ làm việc, bạn có thể phát triển một chiến lược cho cuộc sống cá nhân và tóm tắt nó chỉ trong 1 trang giấy.
Trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều người trong chúng ta sẽ suy ngẫm những câu hỏi hiện sinh về sức khỏe, an toàn, mục đích, sự nghiệp, gia đình và di sản. Tuy vậy, những suy tư kiểu này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những đòi hỏi của cuộc sống thường ngày sẽ nhấn chìm chúng ta, để chừa lại cho chúng ta chút xíu thời gian nghĩ về dài hạn và những gì chúng ta đang hướng tới. Kết quả là, khi phải đối mặt với những quyết định lớn nhỏ của cuộc đời, chúng ta chẳng có gì để dẫn lối ngoài cảm xúc hoặc trực giác.
Tất nhiên, với doanh nghiệp, điều đó tương đương với kinh doanh mà không có chiến lược, điều mà mọi độc giả đều biết là đại diện cho khả năng thua lỗ cao. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: liệu chúng ta có thể điều chỉnh mô hình tư duy chiến lược dùng trong doanh nghiệp để giúp các cá nhân tự thiết kế tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ không? Câu trả lời là Có, và kết quả là chúng ta có một chương trình với tên gọi Strategize Your Life - Chiến lược hóa cuộc đời bạn (của Harvard Business Review). Chương trình đã thử nghiệm trên 500 người - gồm sinh viên, nhân viên trẻ, nhân viên trung niên và quản lý tầm trung, quản lý cấp cao, thành viên hội đồng quản trị, và người nghỉ hưu - để giúp họ phát triển các chiến lược cho cuộc sống cá nhân của họ.
Bạn có thể tạo chiến lược cho cuộc đời bạn bất cứ lúc nào, nhưng có vài cột mốc thời điểm đặc biệt phù hợp để làm việc này - khi vừa tốt nghiệp, bắt đầu công việc đầu tiên, khi bắt đầu được thăng chức, khi bắt đầu trở nên trống rỗng, khi bắt đầu tuyệt vọng, khi bắt đầu nghỉ hưu - hoặc sau một biến cố lớn trong đời, như bị bạo bệnh, ly dị, mất việc, khủng hoảng tuổi trung niên, một người thân qua đời. Nếu có chiến lược, bạn có thể điều hướng bản thân chuyển đổi tốt hơn qua những thời khắc khó khăn, xây dựng và phục hồi, tìm lại niềm vui và sự đủ đầy, tối thiểu hóa stress. Và bài viết này sẽ giúp bạn bắt đầu.
Một sự đối xứng đáng ngạc nhiên
Mỗi dự án chiến lược của doanh nghiệp đều khác nhau. Nhưng hàng trăm dự án cho các tổ chức lớn đều có những điểm chung: sử dụng một số phương pháp và công cụ nhất định. Chúng thường có 7 bước, mỗi bước được chỉ dẫn bằng một câu hỏi:
1. Tổ chức định nghĩa thành công như thế nào?
2. Mục đích của chúng ta là gì?
3. Tầm nhìn của chúng ta là gì?
4. Chúng ta đánh giá danh mục đầu tư của mình như thế nào?
5. Chúng ta có thể học được gì từ các thước đo tiêu chuẩn?
6. Chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn nào cho danh mục đầu tư?
7. Làm thế nào để chúng ta bảo đảm một sự thay đổi thành công, bền vững?
Các bước này dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với một cá nhân:
1. Tôi định nghĩa một cuộc đời tuyệt vời là như thế nào?
2. Mục đích cuộc đời tôi là gì?
3. Tầm nhìn trong cuộc sống của tôi là gì?
4. Làm sao để đánh giá danh mục đầu tư cho cuộc đời tôi?
5. Tôi có thể học được gì từ các thang đo tiêu chuẩn?
6. Tôi có thể có những lựa chọn nào cho danh mục đầu tư cho đời mình?
7. Làm thế nào để tôi có thể bảo đảm cho một sự thay đổi (đời) thành công, bền vững?
Một cựu giám đốc chiến lược của một công ty Fortune 50 có trụ sở tại Mỹ nói “Biết đặt câu hỏi đúng khó hơn nhiều so với tìm câu trả lời.” Giống như chiến lược doanh nghiệp là một tập các lựa chọn giúp định vị doanh nghiệp dành chiến thắng, chiến lược cuộc đời của một người là tập các lựa chọn giúp định vị người đó có một cuộc đời tuyệt vời. Hơn nữa, chúng ta có thể áp dụng các công cụ từ chiến lược doanh nghiệp cổ điển và những lĩnh vực khác để giúp bạn tìm ra câu trả lời cho bảy câu hỏi trên và đưa ra những quyết định tốt hơn.
Chiến lược hóa cuộc đời bạn là một nỗ lực sửa đổi tư duy chiến lược để giúp đỡ các cá nhân một cách cụ thể, từng bước. Nó có thể dẫn bạn đến những hiểu biết mới về cách bạn xác định và tìm thấy cuộc sống tuyệt vời của mình. Mục tiêu là tạo dựng khía cạnh logic, phân tích cho cảm xúc và trực giác của bạn.
Khi khảo sát những người tham gia huấn luyện, kết quả cho thấy, trong quá khứ, chỉ 21% đã vạch ra ý nghĩa của một cuộc sống tuyệt vời cho bản thân, 9% xác định mục đích cho cuộc đời, 12% đặt ra tầm nhìn cho đời mình, 17% tạo ra mục tiêu cụ thể và từng mốc thời gian cần đạt được, 3% phát triển thứ mà có thể tạm coi là chiến lược cho đời họ. Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng lại rất ít người trong chúng ta dành đủ thời gian cho nó.
Martha, một sinh viên 26 tuổi vừa tốt nghiệp, giải thích: “Cuộc sống cứ tiếp tục hình thành… Khi tất cả các bữa tiệc Giáng Sinh và cưới xin, du lịch đột nhiên kết thúc, bạn tự hỏi ‘Liệu mình đã thực sự sống cuộc đời vừa xảy ra với mình không nhỉ’” Cô ấy muốn chủ động hơn. “Rõ ràng cần một kế hoặc ở một cấp độ cao hơn cho cuộc đời. Không phải để tuân theo nó một cách khắc nghiệt hay ngăn chặn cuộc đời mở ra các hướng khác, mà cần một định hướng lớn. Câu chuyện của tôi nên là gì? Tôi nên trải nghiệm những điều gì để khi nó kết thúc tôi có thể tự nói với chính mình ‘Tôi đã sống’?”
Đây không phải là cuốn sách self-help, nên không có con đường dát vàng nào dẫn tới hạnh phúc và no đủ. Vì mỗi người là duy nhất, nên chúng ta sẽ chỉ có những công cụ để bạn tự tìm ra con đường của mình trong qui trình chiếc lược cuộc đời 7 bước.
Bước 1 bạn định nghĩa thế nào là cuộc sống tuyệt vời với bạn.
Bước 2 bạn xác định mục đích của đời bạn.
Bước 3 tầm nhìn của bạn.
Bước 4 phân tích danh mục đầu tư - làm sao bạn sử dụng 168 giờ mỗi tuần của mình.
Bước 5 xây dựng tiêu chuẩn cho đời bạn.
Bước 6 là kết quả của 5 bước đầu tiên, xác định những lựa chọn và những thay đổi cần có cho đời bạn.
Bước 7 bạn vẽ ra một kế hoạch, rồi đưa các lựa chọn của bạn vào hành động.
Bạn nên làm cụ thể với giấy bút. Hoàn thành xong phiên bản 1, chiến lược đời bạn sẽ vừa vặn trong 1 trang giấy.
Công việc có vẻ khó khăn, nhưng thực tế, bạn chỉ mất vài giờ. Nó không dễ dàng. Bạn phải thử thách bản thân và vượt qua những điều hiển nhiên. Bạn không nên bỏ cuộc, vì những câu trả lời bạn khám phá ra rất đáng giá. Rốt cuộc, điều gì quan trọng hơn cả cuộc sống của chính bạn? Hãy cam kết suy nghĩ một cách chiến lược về nó, mong chờ những hiểu biết sâu sắc bạn sẽ đạt được, và tận hưởng hành trình.
Chiến lược trong 7 bước
Qui trình này bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc:
1. Bạn định nghĩa thế nào là một cuộc đời tuyệt vời?
Những thước đo nào sẽ phù hợp với cuộc sống cá nhân của riêng bạn? Các tiêu chuẩn và thứ bậc xã hội của chúng ta có thể đề xuất tiền, danh tiếng, địa vị, quyền lực. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiền chỉ mang tới nhiều hạnh phúc hơn khi nó phục vụ cho nhu cầu cơ bản, sau đó lợi ích của nó giảm dần hoặc không đổi. Nhiều người trong chúng ta ở trạng thái của “máy chạy bộ khoái lạc”: sau khi vừa được tăng lương, tăng chức hay mua thứ gì đó kích thích sự hài lòng cao độ, chúng ta lại trở về với mức độ hạnh phúc trước đó. Bất cứ thứ gì bạn đạt được, sẽ luôn có người khác giàu hơn, nổi tiếng hơn, quyền lực hơn bạn.
Người Hy Lạp cổ đại nhìn nhận 2 khía cạnh của một cuộc đời tuyệt vời: hedonia (tập trung vào niềm vui) và eudaimonia (tập trung vào đức hạnh và ý nghĩa). Ngày nay, các học giả đã chỉ ra tầm quan trọng của kết nối xã hội. Một nghiên cứu trên 27.000 người ở châu Á cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa hôn nhân và sự hài lòng với cuộc sống (người đã kết hôn hài lòng với cuộc sống hơn nhiều so với người không kết hôn hoặc sống một mình). Một nghiên cứu trên 268 nam giới trường Harvard từ 1938 tới nay, mở rộng tới cả các con và vợ họ, hay nghiên cứu trên 456 công dân ở Boston từ những năm 1970, cũng mở rộng tới cả các con và vợ họ, cho thấy rằng, những mối quan hệ ý nghĩa là động lực chính cho hạnh phúc lâu dài. Giáo sư trường Kinh doanh Harvard Clayton Christensen đồng ý: “Tôi đã kết luận rằng thước đo mà Chúa dùng để đánh giá đời tôi không phải là đô la, mà là những cá nhân tôi đã chạm vào.”
Một hệ thống bao gồm tất cả những yếu tố này - khoái lạc, hạnh phúc và các mối quan hệ - gọi là mô hình PERMA, do Martin Seligman đề cập trong cuốn sách Flourish (2011) - ông là người đặt nền móng cho tâm lý học tích cực và là giáo sư đại học Pennsylvania. Các nghiên cứu sau đó đã phát triển nó thành PERMA-V, các chữ cái thay cho
P - positive emotions (cảm xúc tích cực, thường xuyên thấy vui vẻ và hài lòng)
E - engagement (gắn kết, hòa vào dòng chảy, mất dấu thời gian)
R - relationships (các mối quan hệ, cảm giác trưởng thành với sự quan tâm, hỗ trợ và yêu thương)
M - meaning (ý nghĩa, cống hiến, làm cho thế giới thành nơi tốt đẹp hơn)
A - achievement (thành tựu, nỗ lực thành công hay làm chủ, đạt được các mục tiêu)
V - vitality (sức sống, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng)
Để xác định điều gì tạo nên cuộc sống tuyệt vời với bạn, hãy bắt đầu với từng yếu tố trong PERMA-V, hoặc thậm chí bạn có thể tự thêm các yếu tố riêng của bạn, như quyền tự chủ, tâm linh… Sau đó, hãy đánh giá tầm quan trọng của mỗi cái với bạn trên thang điểm từ 0 (không quan trọng) tới 10 (rất quan trọng). Hãy cố gắng nhớ lại những khoảng thời gian bạn cảm thấy hài lòng sâu sắc trong quá khứ và xem xét điều gì đã tạo ra chúng.
Trong bước 1 này, chúng ta tiến hành phân tích toàn diện về hiện trạng. Vì vậy, hãy đánh giá mức độ hài lòng của bạn với mỗi khía cạnh theo thang điểm từ 0 đến 10 như trước. Bản đánh giá nhanh này sẽ cho bạn một ý tưởng sơ bộ về cách bạn định nghĩa thế nào là một cuộc đời tuyệt vời, và những ý tưởng ban đầu về những gì bạn cần thay đổi.
2. Mục đích của đời tôi là gì?
Hãy tự hỏi mình, bạn giỏi cái gì? Hãy nghĩ về những tình huống tại nơi làm việc hoặc trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, khi bạn thể hiện được những điểm mạnh như tính sáng tạo, tinh thần đồng đội, khả năng giao tiếp. Sau đó hãy hỏi: giá trị cốt lõi của tôi là gì? Hãy nghĩ về những quyết định quan trọng mà bạn đã đưa ra, những nguyên tắc mà bạn yêu quí như sự trung thực, công bằng, liêm chính. Có hàng tá danh sách và bài kiểm tra trực tuyến giúp bạn xem xét các giá trị quan trọng nhất của mình. Câu hỏi tiếp theo là, hoạt động nào làm tôi hào hứng? Cố vấn, giải quyết vấn đề, tương tác với nhiều loại người khác nhau… Cuối cùng, hãy hỏi: tôi có thể giúp giải quyết nhu cầu gì trên thế giới? Y tế, giáo dục, bình đẳng giới, khí hậu, tình yêu, lòng tốt, tin tưởng…
Hoặc hỏi bạn bè, người quen của mình, xem điểm mạnh của bạn là gì, bạn sống theo những giá trị nào, điều gì khiến bạn hứng thú, và bạn có thể giúp cho nhu cầu gì?
Hoặc bạn có thể tham gia hỏi đáp với ChatGPT.
Joudi, một người Kurd tị nạn từ Syria hiện đang sống ở Đức, trải qua bài tập này, anh đã xác định được điểm mạnh của mình là tham vọng, niềm đam mê và khao khát kiến thức. Giá trị cốt lõi của anh là công lý, hòa bình, gia đình, từ thiện. Anh hào hứng nhất với sự đổi mới, phẫu thuật thần kinh và tinh thần kinh doanh (kinh nghiệm bán phụ kiện rong ở Istanbul và thành lập nền tảng hỗ trợ tích hợp đa ngôn ngữ với AI cho những người Ukraine đã trốn khỏi đất nước họ và đến Đức). Về nhu cầu của thế giới, Joudi muốn giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe, tự do, bình đẳng. Tuyên bố mục đích của anh ấy: “Hãy duy trì đam mê với y học, sẵn sàng học hỏi, tinh thần kinh doanh và ý chí mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới y học, tạo ra khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người.”
Một giám đốc nhân sự tại một công ty công nghiệp toàn cầu muốn từ bỏ vai trò hiện tại, nhưng không chắc liệu cô có nên tìm kiếm một vai trò tương tự ở một công ty khác hay làm một việc gì đó hoàn toàn khác. Cô đã trải qua qui trình 7 bước và đưa ra một tuyên bố mục đích đơn giản: “Giúp đỡ và dẫn dắt những người khác khao khát”. Từ đó, cô nhận ra rằng mình thực sự muốn một vai trò nhân sự cấp cao khác, chỉ là ở một công ty khác.
Tất nhiên có nhiều cách xác định được mục đích sống của một người. Quan trọng là có thời gian và cách thức để thực hiện điều đó. Một số người tham gia mài giũa các ý tưởng về mục đích hiện có của họ, một số khác đã có khoảnh khắc ‘aha’ thực sự. Cuối cùng, bạn phải hiểu được bạn phải làm gì. Mục đích sẽ dẫn hướng cho chiến lược cuộc đời bạn.
3. Tầm nhìn của tôi là gì?
Năm hay mười năm nữa bạn muốn là ai? Nhà triết học Seneca của chủ nghĩa Khắc kỷ nói: “nếu bạn không biết mình đang đi đến bến cảng nào, thì không có cơn gió nào thuận”. Hãy luôn cởi mở với những điều bất ngờ và tình cờ. “May mắn là điều xảy ra khi sự chuẩn bị gặp được cơ hội.” Quá trình lập chiến lược cho cuộc đời bạn là một sự chuẩn bị.
Vì thế, hãy tự hỏi: tôi muốn mọi người kể câu chuyện nào về tôi sau 5 đến 10 năm nữa? Tôi sẽ làm gì khi tiền không còn là vấn đề? Tôi sẽ làm điều gì khi tôi 80 tuổi và không muốn bỏ lỡ điều đó?
Bạn có thể sử dụng phương pháp “bảng tâm trạng” - trong số vài trăm bức ảnh, hãy chọn ra 2-4 bức thể hiện rõ tầm nhìn cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
Trong kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân, tầm nhìn giúp bạn tập trung. Jim, người sắp trở thành bác sĩ, đã đưa ra tuyên bố mục đích: “Gắn kết mọi người lại với nhau, chia sẻ đam mê.” Tầm nhìn của anh cụ thể hơn: “Tạo không gian cho nhiều cuộc gặp gỡ xã hội hơn, hành nghề y với một quán cà phê, tham gia vào công tác y tế cho người vô gia cư”.
Bạn cũng có thể đưa ra các gạch đầu dòng ngắn gọn. Dù bạn nắm bắt nó thế nào, tầm nhìn có thể có tác dụng mạnh mẽ trong việc định hướng cuộc sống của bạn. Sebastian khi 14 tuổi, nhận kết quả bài kiểm tra toán kém, giáo viên đã bảo cậu: “dạy em thật lãng phí thời gian” rồi cảnh báo cậu sẽ không bao giờ lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Sebastian ghi nhớ điều đó, bỏ học và làm thợ hồ. Tuy nhiên, anh ấy muốn thay đổi. Anh đã bắt đầu với tuyên bố về tầm nhìn này: “tôi sẽ vào đại học, lấy bằng tiến sĩ, rồi quay lại gặp giáo viên dạy toán của mình - trong 10 năm tới.” Anh ấy đã làm được. Tốt nghiệp hạng ưu với bằng tiến sĩ kinh tế, rồi 10 năm sau, anh là giám đốc điều hành và đối tác tại BCG.
4. Tôi đánh giá danh mục đầu tư của đời mình như thế nào đây?
Các công ty thường sử dụng phân tích danh mục đầu tư để đánh giá các mục kinh doanh của họ (dựa trên tốc độ tăng trưởng, thị phần,…) và để quyết định đầu tư vốn vào đâu.
Với cuộc đời, chúng ta sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực chiến lược: các mối quan hệ, cơ thể - tâm trí - tâm linh, cộng đồng và xã hội, công việc - học tập - tài chính, sở thích - giải trí, chăm sóc cá nhân. Sau đó, mỗi lĩnh vực sẽ được chia thành các đơn vị nhỏ hơn.
Những khoản tương đương với tiêu hao vốn là gì? Thời gian, năng lượng, tiền bạc. Một tuần có 168 giờ. Bạn xài chúng như thế nào? Với người đặc biệt của bạn, với gia đình, với công việc, chơi thể thao, đi nhà thờ, thư giãn buổi tối…?
Hãy nhìn lại năm vừa qua, tính cả ngày lễ, đánh giá xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho mỗi đơn vị trong số 16 đơn vị trên trong một tuần. Nếu 1 hoạt động chứa nhiều hơn một đơn vị, hãy tự phân chia thời gian cho hợp lý. Ví dụ, bạn chạy bộ cùng người yêu một giờ mỗi tuần, hãy phân bổ nửa giờ cho các mối quan hệ - người đặc biệt và nửa giờ cho hoạt động thể thao/sức khỏe thể chất. Tiếp theo, hãy đánh giá tất cả 16 đơn vị theo thang điểm từ 0 đến 10 dựa trên mức độ quan trọng của chúng với bạn. Sau đó đánh giá mức độ hài lòng mà bạn nhận được từ mỗi điều.
Bây giờ hãy phác thảo danh mục đầu tư chiến lược của riêng bạn, bản 2x2. Hãy đặt tầm quan trọng của từng đơn vị lên trục y và sự hài lòng mà nó mang lại lên trục x. Mỗi đơn vị là một bong bóng, kích thước của nó tỷ lệ thuận với phần trăm thời gian một tuần bạn dành cho nó.
Ở góc phần tư trên cùng bên trái, bạn sẽ thấy đơn vị có tầm quan trọng cao và mức độ hài lòng thấp. Đây là những thứ có tính cấp bách cao, vì bạn quan tâm sâu sắc tới chúng nhưng lại không tập trung vào chúng. Các đơn vị ở góc phần tư phía trên bên phải cũng đáng được chú ý: bạn cần tiếp tục đầu tư thời gian và sức lực cho những thứ quan trọng nhất và mang lại độ hài lòng cao nhất của mình. Những thứ ở góc phía dưới bên trái và phải nên đầu tư ít hơn vì chúng ít quan trọng hơn.
Cuối cùng, hãy nhìn lại bảng 2x2 của bạn và tự hỏi: danh mục đầu tư hiện tại của mình có đang đi đúng hướng để hỗ trợ mục đích và đạt được tầm nhìn cho mình không? Nó có đưa mình tới gần hơn với cách định nghĩa một cuộc đời tuyệt vời của mình không? Mình nên phân bố và tiết kiệm lại thời gian ở đâu? Nên đặt ra các ưu tiên để đầu tư thời gian, sức lực, tiền bạc của mình.
Khi Tony, một kỹ sư, hoàn thành bài tập này, anh ấy thấy bốn điều phải cải thiện khẩn cấp ở góc phần tư trên cùng bên trái: người đặc biệt (vì anh ấy chưa có ai), sức khỏe tâm thần, tương tác xã hội, giáo dục/học tập. Anh đã dành quá nhiều thời gian cho giải trí online. Tony đã thấy rõ anh ấy cần thay đổi điều gì.
5. Tôi có thể học được điều gì từ các thước đo tiêu chuẩn?
Trong hầu hết các dự án kinh doanh chiến lược cho doanh nghiệp, chúng ta luôn thực hiện phân tích so sánh với các thước đo tiêu chuẩn để tìm ra phương pháp thực hành tốt nhất từ các công ty hàng đầu. Chúng ta sẽ làm tương tự với cá nhân bằng cách xem xét các hình mẫu và sự hài lòng về cuộc sống.
Hãy tự hỏi: ai quản lý cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ theo cách mà tôi ngưỡng mộ? Đó có thể là một đồng nghiệp đang chăm sóc người mẹ nằm liệt giường, một bà mẹ ba con ở trường của con bạn, một người quản lý bảng lương cho một công ty Fortune 500, hoặc một nhà lãnh đạo tôn giáo mà bạn tôn thờ. Hãy tự hỏi điều gì khiến họ trở nên đáng ngưỡng mộ với bạn, và họ sẽ đưa ra những lựa chọn nào nếu ở vị trí của bạn.
Bây giờ hãy xem xét những gì các nghiên cứu khoa học cho chúng ta biết về sự hài lòng trong cuộc sống - xét trên bình diện dân số lớn. Một trong những nghiên cứu lớn nhất trên toàn thế giới về sự hài lòng trong cuộc sống là khảo sát của Ban Kinh tế Xã hội Đức, gồm gần 100.000 người từ năm 1984 đến năm 2019, thu thập hơn 700.000 câu trả lời hoàn chỉnh. Họ phát hiện ra rằng nhóm những người đặc biệt, con cái, bạn bè, thể thao, tâm linh, cộng đồng, tài chính đều góp phần tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống.
Ở bước này, bạn phải hiểu và học hỏi những gì đã hiệu quả với người khác. Nhưng nhớ đừng chỉ sao chép người khác, chiến lược cuộc sống của bạn là duy nhất với bạn.
6. Tôi nên chọn danh mục đầu tư nào?
Điều gì xảy ra nếu tôi cứ tiếp tục sống như hiện tại? Nếu tôi thay đổi các ưu tiên của mình thì sao?
Hãy quay lại bước 1 và xem bạn có thể làm gì để giải quyết những điều bạn không hài lòng. Xem lại mục đích và tầm nhìn của bạn ở bước 2 và bước 3 xem bạn sẽ hiện thực hóa chúng như thế nào? Hãy nghĩ tiếp về danh mục đầu tư ở bước 4 xem cần phân bổ lại thế nào. Sau đó, nhìn vào những hiểu biết thu được từ bước 5, xem xét chúng sẽ giúp bạn thực hiện các điều trên như thế nào. Từ danh sách các lựa chọn thay đổi này - cả lớn lẫn nhỏ - hãy chọn ra một số điều sẽ đưa bạn đến một cuộc sống tuyệt vời nhất và cam kết thực hiện chúng.
Bây giờ bạn phải cụ thể về những gì bạn muốn thay đổi. Ví dụ: kết nối lại với ba người bạn cũ thời phổ thông, đến thăm ông nội mỗi tuần, một cuộc đi chơi nhỏ mỗi tuần với bạn gái, thực hành thiền hàng ngày, viết nhật ký về lòng biết ơn, tập thể dục 1 tiếng mỗi ngày, dành 15 phút để học mỗi ngày, chuyển ra nước ngoài, dành thời gian nhiều hơn cho con cái, bắt đầu kinh doanh…
Mặt khác, bạn chỉ có 168 giờ mỗi tuần, nghĩa là bạn phải kết hợp các hoạt động hoặc thuê ngoài để làm cho chúng hiệu quả hơn. Ví dụ: tập thể dục hằng ngày cùng bạn đời (làm 2 đơn vị đồng thời), đi thiện nguyện cùng gia đình (3 hay 4 đơn vị cùng lúc)…
Chiến lược cho cuộc đời là thiết lập thứ tự ưu tiên, chứ không phải nhồi nhét làm cho đầy kín mọi hoạt động mọi lúc. Các nghiên cứu tại Wharton của đại học Pennsylvania và trường quản lý Anderson của UCLA cho thấy mọi người hạnh phúc nhất khi họ có từ hai đến năm giờ rảnh rỗi mỗi ngày.
Chiến lược cuộc đời bạn có thể gồm những bước lớn như khởi nghiệp kinh doanh, đi du lịch vòng quanh thế giới, thành lập một tổ chức phi chính phủ, hoặc gồm những bước nhỏ như gặp gỡ hằng tuần với người mà bạn quan tâm. Ngay cả một thay đổi nhỏ cũng có thể có tác động lớn theo hai cách chính. Thứ nhất, nếu bạn làm đi làm lại điều đó, bạn sẽ tận dụng được tốc độ tăng trưởng kép. Thứ hai, bạn là một nút trong mạng lưới rộng hơn, nên sự thay đổi của bạn sẽ ảnh hưởng tới những người quanh bạn và lan sang bên ngoài. Như hiệu ứng cánh bướm - những thay đổi lớn có thể được gây ra từ những hành động rất nhỏ, dường như không đáng kể. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần thực hiện 15 phút hoạt động thể chất mỗi ngày sẽ tăng tuổi thọ lên 3 năm. Tập thể dục cũng giúp bạn tăng dopamine, cải thiện tâm trạng, mang lại lợi ích cho những người xung quanh, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, có khả năng dẫn đến những kết quả mới tác động lớn đến cuộc sống của người khác.
Nếu bạn đã nhận ra đơn vị nào mình cần phải thay đổi, nhưng lại không biết nên thay đổi thế nào, thì hãy tìm hiểu sâu hơn và phát triển nền tảng cho phần đó. Ví dụ, bạn muốn đầu tư vào nghề nghiệp mà không biết nên làm gì, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau: công việc hiện tại có hỗ trợ mục đích và tầm nhìn của tôi không? Có mang lại cho tôi cảm giác thành tựu và sự gắn kết không? Nó có phù hợp với những điểm mạnh của tôi không? Hãy đánh giá công việc của bạn theo một bảng tiêu chí nào đó của các tổ chức nghề nghiệp hàng đầu. Câu trả lời sẽ gợi ý cho bạn những ý tưởng về cách tiến lên trong sự nghiệp của mình.
7. Làm thế nào tôi đảm bảo một sự đổi đời thành công và bền vững?
Thay đổi không dễ. Hơn 40% người Mỹ đã đặt ra mục tiêu cho năm mới vào tháng 1 hàng năm và 90% trong số đó không thực hiện được các mục tiêu đó.
Nhiều công ty, như Google chẳng hạn, sử dụng OKR (mục tiêu và kết quả chính) để đo lường mức độ đạt được mục tiêu. Chúng ta cũng nên làm tương tự cho bước 6. Hãy xác định mục tiêu lớn và mốc thời gian mà bạn muốn đạt được. Sau đó chia nhỏ nó ra thành một số kết quả hoặc hành động nhỏ hơn, kèm thời hạn. Hãy thử đi. Có thể dùng app để quản lý các OKRs này.
Chiến lược cuộc đời trong 1 trang giấy
Thông thường, tầm quan trọng của một việc lại là điều ngăn chúng ta thực hiện nó. Vì thế, để biến điều không tưởng thành có thể, hãy viết toàn bộ chiến lược cuộc đời bạn ra 1 trang giấy.
- bắt đầu bằng viết ra định nghĩa về một cuộc đời tuyệt vời với bạn
- điểm mạnh, giá trị của bạn, điều gì khiến bạn hào hứng, và bạn có thể làm gì cho thế giới, tuyên bố mục đích của bạn để sử dụng tất cả những thứ đó
- tầm nhìn cuộc sống của bạn
- phác thảo bản 2x2 danh mục đầu tư của bạn hiện tại, tầm quan trọng - sự hài lòng - thời gian phân bổ
- những thay đổi mà bạn muốn làm cho danh mục 2x2
- chọn ra những thay đổi mà bạn muốn làm và cam kết thực hiện. Với mỗi thay đổi, liệt kê một mục tiêu và 2-3 kết quả chính cùng thời hạn. Lưu ý các điểm mấu chốt, hậu quả và kế hoạch kiểm tra việc thực hiện.
Rainer Strack, Susanne Dyrchs, Allison Bailey