Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Dạo quanh đền chùa: những điều lý thú




Ngày xưa mỗi làng có một chùa (thờ Phật), một đình (thờ Thành Hoàng làng) phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cả làng. Xã hội hiện đại, qui hoạch làm biến mất nhiều làng, cũng như đình chùa, nhưng đời sống người dân lại sung túc hơn. Phú quí sính lễ nghĩa, dân ta đua nhau nô nức đi lễ và tìm hiểu Phật pháp.

Ngày xuân đi đền chùa vãn cảnh, cầu an là phong tục đẹp của người Việt ta.
Nhân dịp năm mới, xin giới thiệu vài điều lý thú về một số đền, chùa của các địa phương, hy vọng giúp mọi người có thêm chút hiểu biết cho hành tranh du xuân.

Hà Nội:

Hà Nội là đất kinh đô ngàn năm văn hiến, nên đền chùa đều có nét trang trọng, bề thế và tiếng tăm hơn nhiều nơi khác. Chùa Trấn Quốc, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Quán Sứ, chùa Một Cột, đền Gióng, đền Cổ Loa, … là những địa danh nhiều người biết đến xưa nay. Nhưng có thể bạn chưa biết mấy điều này:

·         Chùa có món cháo chay ngon nhất Hà Nội?

Đó là chùa Tương Mai (ở đường Trương Định, gần ngã ba Trương Định – Nguyễn An Ninh). Vào ngày mồng một và rằm hàng tháng, chùa có cháo chay (tất nhiên là miễn phí – của chùa mà), giống vài chùa khác. Nhưng cháo ở đây rất thơm ngon, bùi, ngậy, đến độ nhiều người chỉ chờ tới ngày rằm mồng một vào chùa xin cháo. Có người ăn xong rồi còn tay xách nách mang thêm vài túi cháo về cho cả nhà. Có bạn ăn liền tù tỳ tới 4, 5 bát. Các bác làm công quả ở đây cũng rất vui vẻ, nhiệt tình, nên ăn lại càng thấy ngon. Hơn nữa, cạnh thùng cháo không có hòm “công đức” ám ảnh tâm lý du khách và Phật tử như nhiều chùa khác. Có chùa, mình ăn cháo mà không bỏ tiền vào hòm công đức đặt ngay cạnh nồi cháo, liền bị mấy bác làm công quả lườm cho rách mặt, hoặc được nhắc nhở bỏ tiền ngay khi chưa kịp cầm bát cháo. Mà vấn đề tiền nong này khá tế nhị, mình không có thói quen rải tiền lẻ các ban, chỉ công đức một lần tại một ban tầm 100K-200K khi có tiền, hoặc 50K khi hết tiền. Nhiều lúc trong túi cũng chả có tiền lẻ. Thế nên mình đành bỏ qua hàng cháo. Trừ hàng cháo chùa Tương Mai, tất nhiên vì không cái hòm tiền nào cạnh nồi cháo.
Thế nên nếu bạn chưa từng thử món cháo chay, sao không tới chùa Tương Mai ngay nhỉ? Nhớ sau khi ăn xong phải tự rửa bát của mình nhé. Yên tâm cháo ở đây ngon nhưng không hiếm, mà rất nhiều, từ sáng sớm tới tối mịt đều có cháo cho du khách và Phật tử. Tiếng lành đồn xa mà!

Chùa Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Sư thầy đang nuôi nhiều em bé mồ côi (nghe một số người kể, các bé bị cha mẹ bỏ lại ngoài cửa chùa; trộm vía, giờ các bé đều khỏe mạnh và vô cùng dễ thương). Nếu bạn có nhiều tiền, thì nên công đức thêm nha.

Chùa Tương Mai cũng là địa điểm giảng pháp định kỳ hàng tháng của Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì chùa Phật Quang ở Vũng Tàu, đây là vị thượng tọa nổi tiếng nhất trong giới Phật giáo Việt Nam hiện nay, vì cách thức truyền bá Phật pháp khác biệt, mới mẻ, gần gũi mà ấn tượng và đi vào lòng người, nên được đông đảo quần chúng yêu thích, nhất là giới trẻ, kể cả những người không theo Phật giáo). Nếu bạn muốn nghe Pháp, hoặc chỉ đơn giản là nghe thầy Thích Chân Quang nói chuyện, hãy hỏi chùa lịch giảng Pháp của thầy (nhiều người gọi thầy là sư phụ). Những bài giảng của thầy rất hay và ý nghĩa đấy!

·         Chùa có tiếng đọc kinh hay nhất?

Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (ở Cự Khối, Bồ Đề, Long Biên, gần đê sông Hồng và cầu Thanh Trì).

Tiếng đọc kinh ở đây rất truyền cảm, chậm rãi, như cô đọng mọi thứ cùng thời gian. Lời cầu nguyện xua tan mọi ưu phiền, sân si, vọng tưởng, xua đuổi mọi ma quỉ, tà khí chính là đây.Cá nhân mình thấy hay vô cùng. Nếu ở Hà Nội, những lúc mệt mỏi, tuyệt vọng hay chán đời, mình lên đây. Chỉ nghe tiếng đọc kinh đã thấy lòng thanh thản lạ thường. Nếu bạn quen với kiểu đọc kinh như máy khâu ở nhiều chùa trong thành phố (Hà Nội), khi đến đây bạn hẳn sẽ cực kỳ ấn tượng. Kinh nghiệm của mình và mấy người bạn mà. Mình thích nơi này nhất cũng vì tiếng đọc kinh.

Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội

Thiền viện tu theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có lẽ là rất khổ hạnh (ít nhất thì cũng khổ hơn các chùa theo Tịnh độ). Cơm chay ở đây rất, rất đơn giản, theo đúng nghĩa đen của từ “khổ”, khác xa so với các chùa khác ở Hà Nội. Mình ăn cơm và nhìn thấy các thầy, có nhiều người già và rất gầy guộc, mình chỉ lo các thầy bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Mọi người chớ bỏ qua trải nghiệm bữa ăn đạm bạc của Thiền viện nếu có dịp ghé qua.Ai đến chùa mà chưa qui y, đều được mời ghi danh qui y. Mình cũng qui y ở đây và thấy rất thích.
Đây cũng là chùa hiếm hoi hiện giờ mình thấy sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào tiếng chuông, mõ, tiếng kinh cũng vang lên đều đặn đúng giờ. Thời khóa tu hành chặt chẽ và kỷ luật hơn hẳn các chùa khác. Có lẽ chỉ cần nghe cách đọc kinh chậm rãi ngân nga, bạn cũng hiểu ngay rằng, để đọc được như vậy cần rất nhiều công phu luyện tập. Nhớ tham dự một khóa lễ ở Thiền viện, bạn sẽ cực kỳ ấn tượng đấy!

Học thiền ở đây rất thoải mái và vui. Thiền viện có các lớp học thiền miễn phí cho mọi lứa tuổi, từ trẻ con đến già, từ chưa biết tới biết, từ biết ít tới biết nhiều. Trang thiết bị cho thiền khá đầy đủ và chất lượng tốt, đứng số một nếu so với các chùa khác ở Hà Nội. Trong giờ tu thiền, thầy phụ trách cầm thiết bổng đi, nếu ai sai tư thế hay ngủ gật, thầy sẽ phát cho một cái - mùa đông thì thấy nhẹ nhàng như ru cho ngủ thêm, nhưng mùa hè thì chắc phải tỉnh ngủ ngay. Các thầy có nhiều phong cách giảng, đều rất lôi cuốn. Có thầy hiền, có thầy nghiêm khắc. Có thầy theo kiểu trẻ trung (dù thầy đã già), hát, đọc thơ cho các bạn tu; có thầy uyên bác, đông tây kim cổ, triết lý nhân sinh và điển tích từ đời nào mà thầy cứ bình vanh vách. Mình ban đầu nghe cũng chẳng hiểu gì, nhưng nghe nhiều thì cũng vỡ vạc ra một ít. Thầy trụ trì giảng Pháp rất hay và tâm huyết.

Các thầy đều rất thân thiện và dễ nói chuyện (dễ bắt chuyện thì đúng hơn). Có lẽ cuộc sống tu hành tịch mịch, nên gặp du khách và Phật tử các thầy nói nhiều hơn chăng? Hay là do mình có duyên với nơi này cũng nên. Chủ đề chuyện thì đủ cả: từ chuyện trong làng tới chuyện quốc gia đại sự, từ chuyện nhà Phật đến chuyện đời… Tư tưởng của các thầy khá tiến bộ và trẻ trung (gần với tư tưởng gốc của Phật giáo). Bạn có thể học thêm được nhiều điều từ những cuộc nói chuyện như thế đấy.

Một điều cần phải đề cập tới nữa, đó là nơi này không có cái hòm công đức nào (dạo này hình như có đặt 1 cái hòm nhân đạo ở ngoài hành lang thì phải). Ngày trước, mình đã nghe có nhiều người (cả người thuộc tôn giáo khác, và nhất là khách nước ngoài) đề cập đến vấn đề các hòm công đức ở đền chùa Việt Nam. Có chùa số hòm công đức còn nhiều hơn số ban, chùa bé xíu mà có tới hai chục ban thờ và hơn hai chục hòm tiền. Ông bạn Tây của mình từng thắc mắc “Tại sao chúng mày phải đổi 1 tờ 100 ngàn lấy 90 tờ tiền 1 ngàn cho bà bán vàng mã, rồi rải 90 tờ 1 ngàn đó ở hơn 20 chục cái hòm của cùng 1 ngôi chùa? Đưa luôn tờ 100 ngàn cho người phụ trách chùa hay bỏ vào 1 cái hòm không tiết kiệm và tốt hơn cho cả chùa lẫn bản thân sao?” Ôi giời, chả nhẽ mình lại bảo, lề thói dân gian từ ngày xưa là thế, nó lại chả cười cho, nên chỉ đành lịch sự bảo nó “100 ngàn đó là tiền bố thí. 10 ngàn bố thí cho chúng sinh. 90 ngàn còn lại công đức cho chùa, phải trải đều các ban nếu muốn tỏ rõ lòng thành với từng vị thần linh. Còn không thì vẫn có thể bỏ cả 90 ngàn vào một hòm.”
Đến Thiền viện, ít nhất bạn không phải đau tim khi thấy các hòm công đức, vì chả có cái hòm nào. Mọi người thường để tiền vào trong bát chuông – một hình ảnh khác của hòm công đức, nhưng ít ra như thế tinh tế, kín đáo mà thực tế và kinh tế hơn, hợp với phong thái nhà Phật.
Có rất ít ban thờ, vì nơi này chỉ thờ Phật và Bồ tát cùng tổ sư Thiền. Luôn có thầy trực bên các điện thờ, gõ chuông cho khách hành lễ - điều cực hiếm thấy ở các chùa Hà Nội và miền Bắc nói chung.
Những buổi lễ chính của Thiền viện rất đông - tới cả vài ngàn người, luôn trông xe miễn phí. Ngày thường thì tự bảo quản đồ cá nhân.
Nói chung, mình thích nơi này nhất vì hai lý do: đọc kinh hay tuyệt và các thầy vô cùng thân thiện.

·         Chùa có nhiều lớp học miễn phí, khám bệnh miễn phí, sách miễn phí… và nhiều cái miễn phí nhất?

chùa Tứ Kỳ (ở phường Hoàng Liệt, đầu đường Ngọc Hồi, đối diện bến xe Nước Ngầm).

Ở chùa có nhiều lớp học miễn phí được tổ chức nhất trong số các chùa Hà Nội. Các lớp học đều do các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tình nguyện góp công, đa số đều liên quan đến Chúng Thanh Niên (một nhóm Phật tử trẻ tuổi xuất phát từ Đạo Tràng Phật Quang do thầy Thích Chân Quang sáng lập từ năm 2008, giờ đã mở rộng ra nhiều tỉnh thành cả nước – đây có lẽ là đạo tràng lớn nhất và hoạt động rầm rộ nhất Việt Nam hiện nay).

Chùa Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Tới đây bạn có thể tìm thấy khá nhiều lớp học thiết thực như: dạy võ phòng vệ cho nữ, dạy Đông y, tiếng Anh, tiếng Nhật… đến lớp thư pháp, hội họa…, cả dạy đàn cho trẻ em.

Ngoài ra còn có khám chữa bệnh miễn phí (bằng Đông y), nhất là chứng bại não và tự kỷ của trẻ em. Ai có nhu cầu thì tới phòng y tế của chùa (thầy Tùng) để hỏi chi tiết nhé.

Chùa có thư viện sách phong phú và hay phát nhiều tài liệu Phật giáo miễn phí. Nếu yêu sách và muốn tìm hiểu thêm về Phật giáo, bạn có thể đến thư viện của chùa, vừa được thưởng thức kiến thức trong tĩnh lặng, vừa ngắm không gian thanh bình của chùa.


·         Chùa có bảo tháp cao nhất (chỉ ở Hà Nội thôi nhé)?

Chùa Bằng (ở thôn Bằng Liệt, bán đảo Linh Đàm).

Chùa yên tĩnh, tịch mịch, rất rộng, phong cách Việt Nam truyền thống chính hiệu, chứ không lai Tàu, lai Đài Loan, lai Thái, … như đại đa số các chùa bây giờ. Có bảo tháp cao 13 tầng (45m). Có vườn đặt 32 tượng hóa thân của Bồ Tát.
Kiến trúc của chùa khá đẹp, thuần Việt.

Vườn Các hóa thân của Bồ Tát, chùa Bằng


Chùa có trang web được thiết kế khá tốt (đầy đủ thông tin liên quan, ít ra thì tốt hơn nhiều chùa nổi tiếng khác), nên bạn muốn tìm thông tin gì, đều có thể lên web tra cứu.

Đây có lẽ cũng là nơi làm nhiều lễ hằng thuận nhất Hà Nội. Một lần mình thấy có 7 cặp cùng làm lễ. Danh tiếng và địa vị cao của thầy trụ trì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng góp phần giúp ngôi chùa này nổi tiếng.

Hải Phòng
·      
        Chùa có tượng phật lớn nhất (chỉ ở Hải Phòng thôi nhé)?

Chùa Đỏ (ở đường Lê Lai, quận Ngô Quyền).

Chùa nhỏ và chật chội, nằm khuất nẻo ở một nơi xa trung tâm thành phố. Dân xung quanh lấn hết cả đường và đất của chùa.

Tam bảo, chùa Đỏ


Chùa Đỏ nổi tiếng nhất là kiến trúc kỳ lạ, chưa từng gặp ở bất kỳ chùa chiền nào trong Phật Giáo Việt Nam. Gọi là kiến trúc Cổ diêm chồng dấu với 3 tầng, 20 mái, trung đường và hậu cung hai mái giao nhau. Chùa cao 26m, bên trong trang trí với những hoa văn đẹp hiếm có.

Tượng Phật tổ trên Tam Bảo rất lớn, màu đỏ đồng, là một trong những tượng Phật lớn nhất khu vực.

Đây là một trong những ngôi chùa thiêng được người địa phương thường xuyên thăm nom.

Chỉ lạ một điều, sao kiến trúc đẹp và lạ, nặng yếu tố tâm linh như vậy mà không ai nghĩ đến chuyện mở rộng khu đất (mua hết đất của dân xung quanh và cải tạo, mở rộng khuôn viên chùa). Nếu ngôi chùa được nhìn từ một không gian rộng lớn hơn, không bị chặn hay chen chúc trong khu dân cư, thì nó sẽ nhanh chóng thành ngôi cổ tự được khách du lịch gần xa biết tới. Là một địa chỉ văn hóa tâm linh (vì du lịch tâm linh đang rất thịnh hành ở thế kỷ 21 mà), tiền thập phương thu được chắc hẳn dư rả để trả nợ cho việc thu mua đất của các hộ dân xung quanh.

Có lẽ các vị chức sắc địa phương chưa để tâm đến khía cạnh kinh tế của ngôi chùa này nên chưa có giải pháp tạo điều kiện thỏa đáng. Thật quá đáng tiếc cho một kiến trúc đẹp mà chả ai nhìn thấy trọn vẹn.


Chùa nhiều chuyện ly kỳ nhất?

Là chùa Cao Linh (nằm trên Quốc lộ 10, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng).

Chùa Cao Linh, huyện An Dương, Hải Phòng

"Chuyện" ở đây tốt xấu đủ cả.

Nói chuyện tốt trước.

Chùa mới được xây dựng lại nhờ công lao của đại đức Thích Giác Nghiêm - là một vị đại đức trẻ tuổi, tu học ở Đài Loan về nước. Lúc được phong làm trụ trì và mở rộng chùa, thầy mới hơn 30 tuổi. Dù trẻ, nhưng thầy đã sớm có uy tín nên kêu gọi được thập phương công đức khá lớn để mở rộng và xây dựng lại chùa dựa trên nền ngôi chùa cổ ngày trước. 

Chùa rất rộng, có lẽ là một trong những ngôi chùa rộng lớn nhất Hải Phòng hiện tại. Kiến trúc chùa không thuần Việt, chính xác là kiểu kiến trúc Phật Giáo hiện đại ở Đài Loan và phía Nam Việt Nam. Không nhiều ban bệ. Cảnh đẹp, thoáng đãng, lạ mắt.

Chùa nuôi một lượng lớn người già cả, cơ nhỡ, vô gia cư... Đây có lẽ là điểm cộng lớn nhất của chùa, cũng giúp cho danh tiếng ngôi chùa lan xa.

Do kiến trúc độc đáo và vị trí địa lý thuận tiện (nằm ngay đường lớn, giao giữa nhiều tỉnh thành, không gian rộng, thoáng, phô bày được hết nét đẹp của chùa), chùa trở thành một điểm du lịch hút khách. Tính chất du lịch của chùa còn vượt xa tính tâm linh.

Chuyện không tốt cũng nhiều chẳng kém.

Có lẽ vị đại đức còn quá trẻ, mới chân ướt chân ráo về nước, chưa kịp gây dựng uy tín trong tăng đoàn và địa phương, nhưng đã xây được một ngôi chùa to lớn với kiểu kiến trúc lai lạ mắt, khiến bản thân thầy trụ trì trở thành tâm điểm của nhiều rắc rối một thời gian dài. Đủ mọi tin tức không hay thêu dệt về thầy và thân nhân thầy. Nhưng sau này mới biết, nhà thầy rất nghèo, tiền công đức thầy dùng tu bổ chùa và nuôi người già trẻ nhỏ tứ xứ đến nương nhờ cửa chùa hết, chẳng để cho bản thân và gia đình chút gì. Thậm chí có tin thầy bị loại khỏi tăng đoàn vì bị ghen ghét, đố kỵ, vu hãm.

Rồi nhiều chuyện khác cũng ly kỳ không kém. Nào là chùa chứa vũ khí, ma túy, phản động... Có cậu bên quân đội còn kể như đúng rồi rằng, một buổi tối, một đoàn xe thiết giáp quân sự chắn ngang trước cổng chùa, lính đặc nhiệm lặng lẽ đi vào vây ráp rồi chở đi một đống quân trang hạng nặng giấu trong tượng Phật. 

Những chuyện thêu dệt cứ đến rồi đi, trở thành chuyện lúc trà dư tửu hậu của dân chúng địa phương. Nhưng nó cũng làm được một điều: khiến ngôi chùa và vị đại đức trụ trì càng thêm nổi tiếng.