Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Thế là tôi muốn trở thành Product Manager


Quản lý sản phẩm (product management) có thể là một hòn đá tảng lớn đối với những cá nhân sớm có tham vọng sự nghiệp, không chỉ với những ai có nền tảng kỹ thuật. Từ các ví dụ thực tiễn, bài viết sẽ giải thích quản lý sản phẩm là gì, các kỹ năng căn bản một Product Manager (PM) cần phải có, cũng như làm sao bắt đầu và tìm ra điểm chung giữa những điểm mạnh của bạn với các vai trò PM khác nhau. Bất chấp làn sóng sa thải trong ngành công nghệ, quản lý sản phẩm vẫn duy trì được sức hút đầy hứa hẹn cho bất kỳ cá nhân có chuyên môn và tham vọng nào.


Đây là một thực tế có lẽ bạn không biết: rất nhiều lãnh đạo hàng đầu và CEO trong các công ty công nghệ ngày nay - từ Satya Nadella của Microsoft tới Marissa Mayer của Yahoo - đều từng là PM trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ.

Hiểu rồi chứ? Hầu hết các PM đều làm công việc dẫn dắt các đội nhóm thuộc nhiều bộ phận chức năng khác nhau, khiến họ có tầm nhìn tốt hơn và có cơ hội tạo ra ảnh hưởng với toàn công ty. Với những người thành công, đây có thể là một bước quí giá để bước lên cái thang lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng PM thực sự làm gì, và nó có thực sự phù hợp với bạn không?

Quản lý sản phẩm là gì?

Về cơ bản, quản lý sản phẩm là giải quyết các vấn đề nằm giao nhau giữa kinh doanh, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Một PM là người nhìn trước được sự phát triển và vòng đời của một sản phẩm, hoạt động như một cầu nối giữa các đội nhóm khác nhau để đảm bảo sản phẩm được bàn giao đúng như những gì khách hàng muốn, đồng thời phù hợp với các mục tiêu của doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm tạo ra một product roadmap (lộ trình sản phẩm), hay một kế hoạch hành động - ở đó phác họa tầm nhìn, định hướng, tiến độ kỳ vọng của một sản phẩm theo thời gian. Trong khi các trách nhiệm thực sự của vai trò này có thể thay đổi tùy theo loại hình sản phẩm, thì nói chung, PM vẫn quản lý vô số nhiệm vụ, miễn sao mang được sản phẩm ra thị trường như kế hoạch.

PM cần có những kỹ năng nào?

Nếu được đào tạo đúng đắn, bất kỳ ai cũng có thể làm chủ được vai trò này. Dưới đây là sáu kỹ năng cốt lõi mà các PM cần để thành công:

1. Giao tiếp

Bất kỳ ai bắt đầu sự nghiệp quản lý sản phẩm đều phải là một người có kỹ năng giao tiếp mạnh và rõ ràng. Các công việc trước đó của bạn nên hỗ trợ điều này, như làm trợ tá cho các Senior PM, điều phối các buổi họp hằng tuần với các bộ phận khác nhau, quản lý dự án, đảm bảo việc hợp tác trôi trảy để ra những quyết định then chốt. Bạn cũng nên làm những việc như gửi các bản cập nhật định kỳ cho mọi người, đảm bảo mọi người hiểu các ưu tiên của đội ngũ một cách như nhau.

Khi một PM có kỹ năng giao tiếp kém, các dự án sẽ nhanh chóng thất bại. Việc không ăn ý giữa các team - như team marketing không nhận ra những thay đổi mới gần đây trong sản phẩm - có thể dẫn đến công việc chồng chéo và trễ deadlines. Nói cách khác, giao tiếp tốt còn hơn cả việc tránh cho dự án bị trễ. Nó xóa bỏ những khúc mắc giữa các phòng ban, tạo ra môi trường làm việc đáng tin cậy.

2. Giải quyết tranh chấp

Đây là một kỹ năng quan trọng khác. Khi dự án đang chạy, nhiều đội nhóm làm việc cùng nhau có thể có tranh chấp về quan điểm, về nhiệm vụ... Là PM, bạn phải tự giải quyết hoặc làm trung gian hòa giải cho các bên. Cái này đòi hỏi khả năng ngoại giao và khôn khéo.

3. Kỹ năng thực thi

Thực thi là một quá trình làm cho mọi thứ diễn ra. Trong quản lý sản phẩm, điều đó có nghĩa là biến kế hoạch sản phẩm thành hành động và đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải hoàn thành trước thời hạn. Kỹ năng thực thi tốt gồm khả năng điều phối các thành viên đội nhóm, quản lý thời gian, và giải quyết các vấn đề ngay khi chúng xuất hiện, dù trong tay chỉ có lượng thông tin không đầy đủ. Có nghĩa là bạn cũng phải sở hữu một cấp độ thành thạo với dữ liệu và tư duy phản biện tốt để xác định ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề trong quá trình phát triển hay tung sản phẩm ra thị trường. Kỹ năng thực thi vô cùng quan trọng, vì mỗi nhiệm vụ là một phần của tổng thể. Bất kỳ sai sót nào trong việc hoàn thành một nhiệm vụ, như trễ, hay vượt quá ước lượng chi phí hay hợp tác kém, đều tạo một hiệu ứng gợn sóng đến đội ngũ.

4. Hợp tác và ảnh hưởng

Các đội ngũ phát triển sản phẩm gồm có các kỹ sư, nhà thiết kế, marketing, nhân viên luật, và nhiều người thuộc nhiều chức năng khác - phụ thuộc vào chính sản phẩm. Mỗi đội ngũ lại có chuyên môn và những ưu tiên của riêng họ. Là một PM, bạn chịu trách nhiệm mang mọi người lại bên nhau và đảm bảo tất cả cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng. Để làm được điều đó, bạn phải có khả năng thuyết phục và tạo ra ảnh hưởng với họ. Họ phải tin tưởng và tin vào tầm nhìn về sản phẩm của bạn, và muốn đi theo sự dẫn dắt của bạn - thậm chí ngay cả khi bạn không phải là quản lý trực tiếp của họ.

5. Trực giác về sản phẩm

Là một PM, bạn phải hiểu nhu cầu của người dùng, các cơ hội trên thị trường và phát triển sản phẩm giải quyết được các bài toán thực tế đó. Một giác quan mạnh mẽ về sản phẩm cho phép PM xác định các nỗi đau của người dùng hiện tại, trực giác nhìn ra tương lai chuyện gì có thể sẽ đến. Marty Cagan, một chuyên gia sản phẩm, đã nói về trực giác với sản phẩm như sau: "Kỹ năng quan trọng nhất của một người quản lý sản phẩm là có khả năng phân biệt những gì người dùng nói họ muốn và những gì họ thực sự cần."

6. Tư duy chiến lược

Cuối cùng, bạn phải có khả năng tham gia vào các xu hướng thị trường nơi có sản phẩm của bạn, ngành nghề của bạn, cân bằng việc theo đuổi việc thắng nhanh với các mục tiêu dài hạn hơn của tổ chức, và hiểu hiệu quả sản phẩm của bạn đang và sẽ đóng góp thế nào cho việc kinh doanh. Khi bạn đã lão luyện với vị trí PM, bạn bắt đầu nhìn ra trước được những thứ khác nữa, tư duy một cách chiến lược, và việc truyền tải "bức tranh lớn" tới đội ngũ của bạn lúc đó sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.


Bắt đầu sự nghiệp PM như thế nào đây?

Có nhiều cách để theo đuổi sự nghiệp này, nhưng từ kinh nghiệm của phần lớn các PM, con đường nhẹ nhàng và dễ dàng nhất là trở thành APM - Associate Product Manager trong chương trình Phát triển APM ở các công ty như Google, Atlassian, Meta... Các chương trình này đều nhắm vào sinh viên mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, có một qui trình ứng tuyển đã được chuẩn hóa, nhưng kể cả những người đang trong giai đoạn đầu sự nghiệp (đi làm được 3-5 năm) hoặc muốn chuyển hướng nghề nghiệp cũng vẫn có thể nộp đơn.

Trong một chương trình APM, bạn sẽ làm việc như một nhân viên toàn thời gian, nhưng được luân chuyển giữa các đội nhóm khác nhau để phát triển các tập kỹ năng cần thiết. Ví dụ, bạn sẽ được dành vài tháng để nhìn và bắt chước cách một senior PM làm việc cho một sản phẩm cụ thể trước khi chuyển sang một đội khác với một sản phẩm khác, mà ở đó bạn sẽ được giao những nhiệm vụ nho nhỏ để tự làm. Các nhiệm vụ của bạn có thể là tổ chức các cuộc họp định kỳ, nghiên cứu người dùng hay nghiên cứu thị trường. Bạn cũng có thể giúp xác định tầm nhìn sản phẩm, tạo các kế hoạch marketing, hay tham gia làm hoàn thiện UX.

Sau khoảng một năm, nhiều APM được giao các trách nhiệm ra quyết định quan trọng hơn, dựa trên việc bắt chước và thực thi theo những PM có kinh nghiệm. Bạn sẽ được yêu cầu phân tích ý kiến của khách hàng, đưa ra khuyến nghị xem đội ngũ nên từ bỏ, hay sửa lại hay cải tiến một tính năng nào đó của sản phẩm.

Cuối chương trình, mục tiêu là trở thành một vị trí PM chính thức tại tổ chức, từ đó bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và thực thi các công việc có tính chiến lược hơn. Bạn sẽ được đánh giá từ nhiều chiều: sự ảnh hưởng của bạn (khả năng bàn giao các tính năng sản phẩm tạo ra lợi ích cho việc kinh doanh hoặc cho người dùng cuối), khả năng làm việc hiệu quả với người khác, khả năng xác định các ưu tiên với thông tin không đầy đủ, và khả năng tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Nếu không có chương trình APM, công việc PM có thể sẽ nhiều thử thách hơn khi bạn nhảy vào hoặc được chuyển đổi qua. Ví dụ, khi một kỹ sư chuyển sang PM ở Airbnb, cô ấy được kỳ vongj sẽ giải quyết các vấn đề của cấp C-level ngay trong tháng đầu tiên. Cô ấy phải tự học làm sao để cân bằng giữa nhiều dự án cùng một lúc, điều chỉnh kỹ năng giao tiếp thành công để dẫn dắt các kỹ sư ở các cấp độ công việc khác nhau. Dù đây là một cơ hội lớn để phát triển và thăng tiến, nhưng cũng là một khó khăn rất lớn, không dễ dàng thành tựu khi không có những chương trình cầm tay chỉ việc như các khóa APM cung cấp.

Dù sao, không cần biết bạn đi theo con đường nào, chìa khóa ở đây là luôn duy trì khả năng thích nghi, học hỏi liên tục, và tập trung vào việc mang tới giá trị cho người dùng và cho doanh nghiệp.

Vị trí PM nào là phù hợp với bạn?

Có PM ở hầu hết mọi lĩnh vực. Nếu bạn có nền tảng trong ngành khoa học máy tính, kỹ sư hay toán, bạn sẽ quan tâm tới vị trí PM tập trung vào mảng kỹ thuật như AI. Với những vị trí này, khả năng "nói cùng một ngôn ngữ" với các kỹ sư là điều bắt buộc.

Với những ai ngay từ ngày đầu sự nghiệp đã có nền tảng mạnh trong phân tích dữ liệu và thống kê, các vị trí PM tập trung vào đo lường và các chỉ số sẽ là lý tưởng. Trong các công ty lớn, đặc biệt các công ty công nghệ internet có người dùng cuối, họ thường ra quyết định về sản phẩm dựa trên việc đo lường phức tạp để xem người dùng đã tương tác, thích thú, trải nghiệm hay tận hưởng sản phẩm của họ như thế nào.

Với ai đam mê về chiến lược, marketing, và vận hành, hãy tìm kiếm các vị trí PM ở các công ty phục vụ các khách hàng B2B lớn. Miếng bánh mì phết bơ của họ nằm ở khả năng thay đổi thị trường nhanh chóng bằng một sản phẩm then chốt. Bạn sẽ thường thấy các vị trí kiểu này với những tên rất đặc trưng, như "product manager, partnerships" hay trong mô tả công việc, sẽ nhấn mạnh ở "tạo và quản lý đối tác".

Với những ai có niềm đam mê sâu sắc với người dùng hoặc có nền tảng thiết kế, vị trí PM ở các startup giai đoạn đầu có thể rất thú vị. Các kỹ năng của bạn sẽ tỏa sáng khi bạn liên tục gặp phản hồi từ người dùng, thúc đẩy bạn phải cải tiến nhanh chóng, đổi mới không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ trong đầu qui mô công ty mà bạn gia nhập. Công ty lớn trên 50,000 nhân viên như Meta hay TikTok, việc giao tiếp trao đổi về sản phẩm cần một cách thức có cấu trúc hơn. PM, cùng với các engineering leader, design leader, sẽ được kỳ vọng cùng nhau chia sẻ sự tiến triển và thách thức gặp phải trong các cuộc họp để đưa ra quyết định quan trọng.

Trong khi đó, ở các công ty nhỏ hơn hay các startups, giao tiếp tự do hơn. Không có nhiều qui tắc, và người ta phải thích nghi với mọi tình huống. Một thắng lợi lớn từ sản phẩm sẽ có thể được chia sẻ trên Slack với cả công ty. CEO nếu quan tâm tới một chi tiết sản phẩm nào đó, có thể đi thẳng tới chỗ PM để hỏi.

 -----

Dù làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ gần đây không có dấu hiệu dừng lại, nhưng quản lý sản phẩm vẫn đang là lĩnh vực hứa hẹn và tươi sáng cho con đường sự nghiệp của bạn. Ước chừng hơn 1/3 các vị trí PM đang đăng tuyển là cho người mới bắt đầu hoặc có vừa phải kinh nghiệm. Vì thế, hãy dành thời gian suy nghĩ tới những gì đang dẫn lối cho bạn và làm bạn hào hứng, cũng như thế mạnh của bạn nằm ở đâu. Nếu bạn chọn con đường này, nó có thể đưa sự nghiệp của bạn sang một trang mới.

Lucas Ou-Yang và Natalie Xia

Tháng 11, năm 2024

Harvard Business Review