Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Thế là tôi muốn trở thành Product Manager


Quản lý sản phẩm (product management) có thể là một hòn đá tảng lớn đối với những cá nhân sớm có tham vọng sự nghiệp, không chỉ với những ai có nền tảng kỹ thuật. Từ các ví dụ thực tiễn, bài viết sẽ giải thích quản lý sản phẩm là gì, các kỹ năng căn bản một Product Manager (PM) cần phải có, cũng như làm sao bắt đầu và tìm ra điểm chung giữa những điểm mạnh của bạn với các vai trò PM khác nhau. Bất chấp làn sóng sa thải trong ngành công nghệ, quản lý sản phẩm vẫn duy trì được sức hút đầy hứa hẹn cho bất kỳ cá nhân có chuyên môn và tham vọng nào.


Đây là một thực tế có lẽ bạn không biết: rất nhiều lãnh đạo hàng đầu và CEO trong các công ty công nghệ ngày nay - từ Satya Nadella của Microsoft tới Marissa Mayer của Yahoo - đều từng là PM trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ.

Hiểu rồi chứ? Hầu hết các PM đều làm công việc dẫn dắt các đội nhóm thuộc nhiều bộ phận chức năng khác nhau, khiến họ có tầm nhìn tốt hơn và có cơ hội tạo ra ảnh hưởng với toàn công ty. Với những người thành công, đây có thể là một bước quí giá để bước lên cái thang lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng PM thực sự làm gì, và nó có thực sự phù hợp với bạn không?

Quản lý sản phẩm là gì?

Về cơ bản, quản lý sản phẩm là giải quyết các vấn đề nằm giao nhau giữa kinh doanh, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Một PM là người nhìn trước được sự phát triển và vòng đời của một sản phẩm, hoạt động như một cầu nối giữa các đội nhóm khác nhau để đảm bảo sản phẩm được bàn giao đúng như những gì khách hàng muốn, đồng thời phù hợp với các mục tiêu của doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm tạo ra một product roadmap (lộ trình sản phẩm), hay một kế hoạch hành động - ở đó phác họa tầm nhìn, định hướng, tiến độ kỳ vọng của một sản phẩm theo thời gian. Trong khi các trách nhiệm thực sự của vai trò này có thể thay đổi tùy theo loại hình sản phẩm, thì nói chung, PM vẫn quản lý vô số nhiệm vụ, miễn sao mang được sản phẩm ra thị trường như kế hoạch.

PM cần có những kỹ năng nào?

Nếu được đào tạo đúng đắn, bất kỳ ai cũng có thể làm chủ được vai trò này. Dưới đây là sáu kỹ năng cốt lõi mà các PM cần để thành công:

1. Giao tiếp

Bất kỳ ai bắt đầu sự nghiệp quản lý sản phẩm đều phải là một người có kỹ năng giao tiếp mạnh và rõ ràng. Các công việc trước đó của bạn nên hỗ trợ điều này, như làm trợ tá cho các Senior PM, điều phối các buổi họp hằng tuần với các bộ phận khác nhau, quản lý dự án, đảm bảo việc hợp tác trôi trảy để ra những quyết định then chốt. Bạn cũng nên làm những việc như gửi các bản cập nhật định kỳ cho mọi người, đảm bảo mọi người hiểu các ưu tiên của đội ngũ một cách như nhau.

Khi một PM có kỹ năng giao tiếp kém, các dự án sẽ nhanh chóng thất bại. Việc không ăn ý giữa các team - như team marketing không nhận ra những thay đổi mới gần đây trong sản phẩm - có thể dẫn đến công việc chồng chéo và trễ deadlines. Nói cách khác, giao tiếp tốt còn hơn cả việc tránh cho dự án bị trễ. Nó xóa bỏ những khúc mắc giữa các phòng ban, tạo ra môi trường làm việc đáng tin cậy.

2. Giải quyết tranh chấp

Đây là một kỹ năng quan trọng khác. Khi dự án đang chạy, nhiều đội nhóm làm việc cùng nhau có thể có tranh chấp về quan điểm, về nhiệm vụ... Là PM, bạn phải tự giải quyết hoặc làm trung gian hòa giải cho các bên. Cái này đòi hỏi khả năng ngoại giao và khôn khéo.

3. Kỹ năng thực thi

Thực thi là một quá trình làm cho mọi thứ diễn ra. Trong quản lý sản phẩm, điều đó có nghĩa là biến kế hoạch sản phẩm thành hành động và đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải hoàn thành trước thời hạn. Kỹ năng thực thi tốt gồm khả năng điều phối các thành viên đội nhóm, quản lý thời gian, và giải quyết các vấn đề ngay khi chúng xuất hiện, dù trong tay chỉ có lượng thông tin không đầy đủ. Có nghĩa là bạn cũng phải sở hữu một cấp độ thành thạo với dữ liệu và tư duy phản biện tốt để xác định ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề trong quá trình phát triển hay tung sản phẩm ra thị trường. Kỹ năng thực thi vô cùng quan trọng, vì mỗi nhiệm vụ là một phần của tổng thể. Bất kỳ sai sót nào trong việc hoàn thành một nhiệm vụ, như trễ, hay vượt quá ước lượng chi phí hay hợp tác kém, đều tạo một hiệu ứng gợn sóng đến đội ngũ.

4. Hợp tác và ảnh hưởng

Các đội ngũ phát triển sản phẩm gồm có các kỹ sư, nhà thiết kế, marketing, nhân viên luật, và nhiều người thuộc nhiều chức năng khác - phụ thuộc vào chính sản phẩm. Mỗi đội ngũ lại có chuyên môn và những ưu tiên của riêng họ. Là một PM, bạn chịu trách nhiệm mang mọi người lại bên nhau và đảm bảo tất cả cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng. Để làm được điều đó, bạn phải có khả năng thuyết phục và tạo ra ảnh hưởng với họ. Họ phải tin tưởng và tin vào tầm nhìn về sản phẩm của bạn, và muốn đi theo sự dẫn dắt của bạn - thậm chí ngay cả khi bạn không phải là quản lý trực tiếp của họ.

5. Trực giác về sản phẩm

Là một PM, bạn phải hiểu nhu cầu của người dùng, các cơ hội trên thị trường và phát triển sản phẩm giải quyết được các bài toán thực tế đó. Một giác quan mạnh mẽ về sản phẩm cho phép PM xác định các nỗi đau của người dùng hiện tại, trực giác nhìn ra tương lai chuyện gì có thể sẽ đến. Marty Cagan, một chuyên gia sản phẩm, đã nói về trực giác với sản phẩm như sau: "Kỹ năng quan trọng nhất của một người quản lý sản phẩm là có khả năng phân biệt những gì người dùng nói họ muốn và những gì họ thực sự cần."

6. Tư duy chiến lược

Cuối cùng, bạn phải có khả năng tham gia vào các xu hướng thị trường nơi có sản phẩm của bạn, ngành nghề của bạn, cân bằng việc theo đuổi việc thắng nhanh với các mục tiêu dài hạn hơn của tổ chức, và hiểu hiệu quả sản phẩm của bạn đang và sẽ đóng góp thế nào cho việc kinh doanh. Khi bạn đã lão luyện với vị trí PM, bạn bắt đầu nhìn ra trước được những thứ khác nữa, tư duy một cách chiến lược, và việc truyền tải "bức tranh lớn" tới đội ngũ của bạn lúc đó sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.


Bắt đầu sự nghiệp PM như thế nào đây?

Có nhiều cách để theo đuổi sự nghiệp này, nhưng từ kinh nghiệm của phần lớn các PM, con đường nhẹ nhàng và dễ dàng nhất là trở thành APM - Associate Product Manager trong chương trình Phát triển APM ở các công ty như Google, Atlassian, Meta... Các chương trình này đều nhắm vào sinh viên mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, có một qui trình ứng tuyển đã được chuẩn hóa, nhưng kể cả những người đang trong giai đoạn đầu sự nghiệp (đi làm được 3-5 năm) hoặc muốn chuyển hướng nghề nghiệp cũng vẫn có thể nộp đơn.

Trong một chương trình APM, bạn sẽ làm việc như một nhân viên toàn thời gian, nhưng được luân chuyển giữa các đội nhóm khác nhau để phát triển các tập kỹ năng cần thiết. Ví dụ, bạn sẽ được dành vài tháng để nhìn và bắt chước cách một senior PM làm việc cho một sản phẩm cụ thể trước khi chuyển sang một đội khác với một sản phẩm khác, mà ở đó bạn sẽ được giao những nhiệm vụ nho nhỏ để tự làm. Các nhiệm vụ của bạn có thể là tổ chức các cuộc họp định kỳ, nghiên cứu người dùng hay nghiên cứu thị trường. Bạn cũng có thể giúp xác định tầm nhìn sản phẩm, tạo các kế hoạch marketing, hay tham gia làm hoàn thiện UX.

Sau khoảng một năm, nhiều APM được giao các trách nhiệm ra quyết định quan trọng hơn, dựa trên việc bắt chước và thực thi theo những PM có kinh nghiệm. Bạn sẽ được yêu cầu phân tích ý kiến của khách hàng, đưa ra khuyến nghị xem đội ngũ nên từ bỏ, hay sửa lại hay cải tiến một tính năng nào đó của sản phẩm.

Cuối chương trình, mục tiêu là trở thành một vị trí PM chính thức tại tổ chức, từ đó bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và thực thi các công việc có tính chiến lược hơn. Bạn sẽ được đánh giá từ nhiều chiều: sự ảnh hưởng của bạn (khả năng bàn giao các tính năng sản phẩm tạo ra lợi ích cho việc kinh doanh hoặc cho người dùng cuối), khả năng làm việc hiệu quả với người khác, khả năng xác định các ưu tiên với thông tin không đầy đủ, và khả năng tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Nếu không có chương trình APM, công việc PM có thể sẽ nhiều thử thách hơn khi bạn nhảy vào hoặc được chuyển đổi qua. Ví dụ, khi một kỹ sư chuyển sang PM ở Airbnb, cô ấy được kỳ vongj sẽ giải quyết các vấn đề của cấp C-level ngay trong tháng đầu tiên. Cô ấy phải tự học làm sao để cân bằng giữa nhiều dự án cùng một lúc, điều chỉnh kỹ năng giao tiếp thành công để dẫn dắt các kỹ sư ở các cấp độ công việc khác nhau. Dù đây là một cơ hội lớn để phát triển và thăng tiến, nhưng cũng là một khó khăn rất lớn, không dễ dàng thành tựu khi không có những chương trình cầm tay chỉ việc như các khóa APM cung cấp.

Dù sao, không cần biết bạn đi theo con đường nào, chìa khóa ở đây là luôn duy trì khả năng thích nghi, học hỏi liên tục, và tập trung vào việc mang tới giá trị cho người dùng và cho doanh nghiệp.

Vị trí PM nào là phù hợp với bạn?

Có PM ở hầu hết mọi lĩnh vực. Nếu bạn có nền tảng trong ngành khoa học máy tính, kỹ sư hay toán, bạn sẽ quan tâm tới vị trí PM tập trung vào mảng kỹ thuật như AI. Với những vị trí này, khả năng "nói cùng một ngôn ngữ" với các kỹ sư là điều bắt buộc.

Với những ai ngay từ ngày đầu sự nghiệp đã có nền tảng mạnh trong phân tích dữ liệu và thống kê, các vị trí PM tập trung vào đo lường và các chỉ số sẽ là lý tưởng. Trong các công ty lớn, đặc biệt các công ty công nghệ internet có người dùng cuối, họ thường ra quyết định về sản phẩm dựa trên việc đo lường phức tạp để xem người dùng đã tương tác, thích thú, trải nghiệm hay tận hưởng sản phẩm của họ như thế nào.

Với ai đam mê về chiến lược, marketing, và vận hành, hãy tìm kiếm các vị trí PM ở các công ty phục vụ các khách hàng B2B lớn. Miếng bánh mì phết bơ của họ nằm ở khả năng thay đổi thị trường nhanh chóng bằng một sản phẩm then chốt. Bạn sẽ thường thấy các vị trí kiểu này với những tên rất đặc trưng, như "product manager, partnerships" hay trong mô tả công việc, sẽ nhấn mạnh ở "tạo và quản lý đối tác".

Với những ai có niềm đam mê sâu sắc với người dùng hoặc có nền tảng thiết kế, vị trí PM ở các startup giai đoạn đầu có thể rất thú vị. Các kỹ năng của bạn sẽ tỏa sáng khi bạn liên tục gặp phản hồi từ người dùng, thúc đẩy bạn phải cải tiến nhanh chóng, đổi mới không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ trong đầu qui mô công ty mà bạn gia nhập. Công ty lớn trên 50,000 nhân viên như Meta hay TikTok, việc giao tiếp trao đổi về sản phẩm cần một cách thức có cấu trúc hơn. PM, cùng với các engineering leader, design leader, sẽ được kỳ vọng cùng nhau chia sẻ sự tiến triển và thách thức gặp phải trong các cuộc họp để đưa ra quyết định quan trọng.

Trong khi đó, ở các công ty nhỏ hơn hay các startups, giao tiếp tự do hơn. Không có nhiều qui tắc, và người ta phải thích nghi với mọi tình huống. Một thắng lợi lớn từ sản phẩm sẽ có thể được chia sẻ trên Slack với cả công ty. CEO nếu quan tâm tới một chi tiết sản phẩm nào đó, có thể đi thẳng tới chỗ PM để hỏi.

 -----

Dù làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ gần đây không có dấu hiệu dừng lại, nhưng quản lý sản phẩm vẫn đang là lĩnh vực hứa hẹn và tươi sáng cho con đường sự nghiệp của bạn. Ước chừng hơn 1/3 các vị trí PM đang đăng tuyển là cho người mới bắt đầu hoặc có vừa phải kinh nghiệm. Vì thế, hãy dành thời gian suy nghĩ tới những gì đang dẫn lối cho bạn và làm bạn hào hứng, cũng như thế mạnh của bạn nằm ở đâu. Nếu bạn chọn con đường này, nó có thể đưa sự nghiệp của bạn sang một trang mới.

Lucas Ou-Yang và Natalie Xia

Tháng 11, năm 2024

Harvard Business Review

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?



Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ghi chú của mình ra đây để mọi người tham khảo.

 

Mục tiêu (tại sao phải đi học một khóa thiền Vipassana?)

Trước khi làm gì thì cũng nên đặt cho mình một mục tiêu, hoặc ít ra là một lý do để bắt đầu. Với người chưa biết gì về Vipassana, thường tâm lý tò mò chiếm phần lớn, nghe người này người kia nói, lại bị nhồi thêm vài câu chuyện hoang đường, nên muốn đến thử xem nó thế nào. Nói chung, người ta đi tham gia khóa thiền với đủ loại lý do, đôi khi cười ra nước mắt.

- Kiểu tinh tấn: đây là con ngoan trò giỏi chính hiệu. Họ có sự tìm hiểu kỹ càng về Vipassana, về khóa học và thậm chí đã/đang theo đuổi con đường thực hành Vipassana lâu dài hoặc suốt đời. Do đó, họ có mục tiêu và sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt (kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, tâm lý…). Nhóm đối tượng này luôn được ưu ái nhất trong các khóa thiền, và họ có thể là giáo viên đứng lớp trong tương lai. Trong khóa, họ thường được xếp ở vị trí hàng đầu, trung tâm.

- Kiểu tò mò: nghe bạn bè kể giây phút ngồi thiền thấy ánh sáng/sấm chớp/điện giật/… vô cùng huyền ảo nên muốn đi để chứng nghiệm, xem có phê hơn thế không. Có bạn muốn trải nghiệm một thứ gì đó mới mẻ, chưa từng làm trong đời để không uổng phí tuổi trẻ (có lẽ được cuốn sách 100 Việc Nên Làm Trước Tuổi 20, Năng Đoạn Kim Cương… thôi thúc). Dù sao cũng nên vui, số lượng nhóm này đang ngày càng tăng trong các khóa thiền.

- Kiểu mộ đạo: Có bạn bảo, nghe nói đây là phương pháp của Đức Phật tạo ra, mà mình theo đạo Phật, nên nhất định phải học. Bạn thì nói, mình hay đi chùa, hay tầm sư học đạo, cúng dường chỗ thầy X, thầy Y… thầy bảo làm gì cũng theo, nay thầy bảo đi học Vipassana, vậy thì đi thôi. Thành phần này trước giờ là nhiều nhất. Mình cũng thuộc nhóm này, nhưng đi rồi mới thấy vô cùng cảm ơn thầy giới thiệu (hehe, mình học mấy courses của thầy Trần Việt Quân, course nào thầy cũng bảo học viên nên tham gia khóa thiền Vipassana 10 ngày đi).

- Kiểu lánh đời: Là những người gặp rắc rối cá nhân, muốn ngưng liên lạc với gia đình bạn bè một khoảng thời gian để suy ngẫm. Thành phần này cũng không hề ít nha.

- Kiểu logic: đây là một nhóm nhỏ các phần tử tri thức với trí tuệ không vừa, đang gặp một số biến cố hay vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống, công việc… khiến tâm trí không còn vững vàng như trước, ra quyết định không còn đủ tỉnh táo và hiệu quả như trước… Họ nhận ra chỗ cần phải vá lại, rồi nghiên cứu tìm hiểu và thấy thiền Vipassana nguyên thủy là một phương pháp giúp họ vá lỗ hổng tốt nhất, nhanh nhất, nên quyết định theo học, để mài giũa lại tâm trí, năng lực tập trung, khả năng làm việc của mình. Mình từng gặp vài đối tượng kiểu này, họ có địa vị xã hội, có sự nghiệp tốt, tâm thế kiên định, quyết tâm cao, kỷ luật bản thân còn cao hơn. Nhóm đối tượng này theo học có mục đích rất rõ ràng, tìm hiểu và chuẩn bị bài bản, nên họ vô cùng nghiêm túc, do đó dễ đạt được mục đích của mình nhất. Họ không quan tâm tới mục đích của Đức Phật hay mục đích tối hậu của Vipassana, nên có thể sẽ không cam kết theo đuổi Vipassana lâu dài.

- Kiểu tâm linh, chữa bệnh: Đối tượng này có lẽ đáng thông cảm nhất. Họ nghe đồn phương pháp thiền Vipassana có thể giúp chữa bệnh liên quan thần kinh, trí tuệ, tâm lý, nên đi đến với một lòng cầu vạn sự thành, dù đường sá xa xôi hay bản thân không chắc đã đủ sức khỏe (thể chất, trí tuệ hay tinh thần) để tham dự. Cũng có người bị người nhà ép đi, sau khi đã thử qua nhiều phương pháp mà bệnh tình không thuyên giảm. Nếu bạn đang trong nhóm đối tượng này, thì cần cân nhắc nhé. Vì Ban Quản Lý khóa thiền có thể sẽ hỏi thăm (dựa vào tình trạng bạn nêu lúc đăng ký khóa thiền) để đảm bảo bạn đủ năng lực theo học. Mình từng chứng kiến cô giáo cho một thiền sinh về giữa khóa vì phát hiện ra người này bị người nhà bắt đi trong khi không đủ năng lực trí tuệ để theo học (bị thiểu năng và tâm thần).

- Kiểu lông bông: đây là những phần tử rảnh quá không có việc gì làm, lại được người thân bạn bè rủ nên cứ đi chơi cho vui, cho biết đó biết đây. Họ có thể là mầm mống cho các hoạt động vô kỷ luật trong khóa thiền, bị thầy cô điểm mặt gọi tên nhắc nhở nhiều nhất. Nhưng cũng đừng xem thường nhóm này, một số trong đó lại có được thu hoạch bất ngờ (mình nghe một số anh chị theo đuổi Vipassana lâu năm kể, ban đầu họ cũng thuộc nhóm này, nhưng không ngờ thu được nhiều lợi ích quá lớn, nên quyết định thực hành suốt đời, và chuyển sang nhóm Tinh tấn liệt kê bên trên đó).

 

Tóm lại, sau khi biết thực sự tại sao mình phải tới một khóa thiền, thì bạn mới nên tìm hiểu và đăng ký. Học thiền không dễ dàng, nên mục tiêu hay động lực càng mạnh, bạn càng có thêm sức mạnh để kiên trì tới hết khóa, và thậm chí là theo đuổi lâu dài.

 

Tìm hiểu (nên chọn khóa thiền nào?)

Có rất nhiều loại thiền, mỗi loại có kỹ thuật khác nhau, phục vụ cho những mục đích, đối tượng khác nhau. Vì thế hãy tìm hiểu cho cẩn thận, nhất là nếu bạn đang gặp vấn đề về tâm lý, thần kinh.

Tương tự, cũng có một rừng khóa thiền của các chùa, thiền viện, trung tâm… thậm chí của cả cá nhân tự đứng ra tổ chức cho đủ các loại thiền. Nên sau khi đã tìm được loại thiền phù hợp, thì bạn cần chọn một nơi đáng tin cậy để theo học.

Vipassana cũng vậy. Vipassana là một phương pháp thiền do Đức Phật sáng tạo ra và đã giúp Ngài giải thoát. Bằng sự từ bi của mình, Ngài đã truyền bá lại cho mọi người. Một nhánh thiền sư ở Miến Điện (Myanmar) đã giúp duy trì, bảo tồn phương pháp nguyên thủy này đến tận ngày nay, trong đó Thiền sư Goenka là người truyền thừa và nhân rộng nó ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các khóa thiền Vipassana có đủ loại hình thức, được chỉnh sửa từ ít đến nhiều theo quan điểm người dạy hoặc đơn vị tổ chức. Mình có nghe nhiều bạn thiền sinh cùng học kể, họ đã tham gia các khóa Vipassana của Làng Mai, của thiền viện Phước Sơn, chùa Tiêu Dao… có điểm giống và điểm khác với khóa của thầy Goenka thế nào. Do chưa trải nghiệm, nên mình sẽ không có comment gì.

Ở đây, mình chỉ đề cập tới các khóa học Vipassana của thầy Goenka. Nếu bạn tham gia khóa học Vipassana ở nơi khác, có thể không cần đọc tiếp.

 

Thông tin về Thiền Vipassana do Thiền sư Goenka giảng dạy theo truyền thống Thiền sư Sayagyi U Ba Khin, bạn vui lòng xem ở websites chính thức:

https://www.dhamma.org (có tiếng Việt)

https://www.vridhamma.org (các nghiên cứu về Vipassana của nhánh này, không có tiếng Việt, nhiều nghiên cứu khá thú vị, thậm chí bạn có thể tự học tiếng Pali ở đây)

Có một website (không chính thức) chỉ dành cho người Việt:

https://vipassana.vn (nhưng vẫn do những người tổ chức khóa học Vipassana của Thiền sư Goenka phụ trách)

 

Các khóa học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam chỉ được chính thức công nhận giảng dạy ở:

- tịnh xá Ngọc Thành, tp Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh (khóa 10 ngày, khóa 1 ngày) - cơ sở tu tập chính thức, là nơi duy nhất chấp nhận thiền sinh người nước ngoài

- chùa Y Sơn, tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (khóa 10 ngày, khóa Sati)

- tịnh xá Ngọc Chơn, Buôn Hồ, Đắc Lắc

- cơ sở Hoằng Nguyện, Trảng Bom, Đồng Nai

- chùa Chánh Đẳng Giác, Tây Ninh

- chùa Hoằng Bà, Hưng Yên

Vui lòng xem chi tiết tại: http://www.vn.dhamma.org/chinhthuc/

 

Riêng tịnh xá Ngọc Thành (Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh) là một nơi đặc biệt. Tịnh xá thành lập năm 1967, theo hệ khất sĩ. Sư bà Kiến Liên ở đây là người đã đi học khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ, thấy giá trị quá, nên quyết tâm đưa các khóa thiền của thầy Goenka về Việt Nam. Chính sư bà đã đi lên Hà Nội mấy lượt xin cấp phép cho tổ chức khóa thiền. Các khóa thiền Vipassana đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam chính là tại tịnh xá Ngọc Thành, tất nhiên ban đầu do các thầy từ nước ngoài về phụ trách, mỗi năm 2 khóa, rồi cứ tăng dần, tăng dần tới ngày nay. Mấy khóa trước, cuối khóa, các thiền sinh được nghe sư bà kể chuyện và tặng sách vui lắm. Năm nay (2024), sư bà đã trăm tuổi, yếu đi nhiều, nên không còn ai kể chuyện lúc kết khóa nữa.

Và có lẽ do thâm niên, nên các thiền sinh cũ đều bảo, thiền đường của tịnh xá Ngọc Thành luôn có từ trường mạnh và ấm cúng nhất, khiến ai vào cũng có cảm giác an tĩnh, hòa hợp.

Nếu bạn muốn học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam, bạn có thể thử trải nghiệm một khóa ở tịnh xá Ngọc Thành.

 

Đăng ký

Điều kiện cho mỗi khóa học Vipassana của thầy Goenka: https://vipassana.vn/khoa-thien/tieu-chuan/

 

Nếu bạn chưa biết gì về Vipassana, thì tốt nhất nên bắt đầu với 1 khóa ngồi thiền 10 ngày - được coi là lớp mẫu giáo của Vipassana. Sau khi hoàn thành 1 khóa ngồi 10 ngày này, bạn chính thức đặt 1 chân vào thế giới Vipassana.

 

Nếu thấy mình đủ tiêu chuẩn với khóa mà mình dự định đăng ký, thì bạn ghi danh tại đây:

https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn

 

Sau khi đăng ký thành công trên website, bạn sẽ nhận được email tự động thông báo đã nhận được đăng ký ghi danh của bạn và yêu cầu chờ. Sau đó Ban tổ chức sẽ liên hệ với bạn để xác nhận tình trạng của bạn (nếu bạn là thiền sinh mới, hoặc có vấn đề về thể chất, trí tuệ, tinh thần…). Rồi một email chấp thuận/từ chối/yêu cầu chờ tiếp, nếu chấp thuận thì sẽ yêu cầu bạn xác nhận sẽ tham gia một lần nữa. Cuối cùng, nếu bạn được chấp thuận, đến gần ngày diễn ra khóa, sẽ có một email thông báo chính xác thời gian, địa điểm khóa thiền, bạn phải chuẩn bị những gì, có những yêu cầu gì đi kèm…

 

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana lâu dài, mỗi năm bạn nên tham gia một khóa ngồi 10 ngày. Nếu có điều kiện tham gia phục vụ và dona, thì hãy luôn sẵn sàng.

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana sâu hơn, thì bạn phải học các khóa dài ngày hơn. Tất nhiên, luôn có điều kiện ràng buộc, ví dụ, để tham gia 1 khóa 20 ngày thì bạn phải tham gia 5 khóa ngồi 10 ngày + 1 khóa Sati + 1 khóa phục vụ 10 ngày + … Việt Nam hiện chưa có khóa dài ngày (20 ngày trở lên). Hy vọng chúng ta chuẩn bị đủ nhân lực và tài nguyên để sớm tổ chức được khóa 20 ngày trong thời gian tới.

 

Vài tips để chuẩn bị tốt cho khóa ngồi thiền 10 ngày

Đồ dùng cá nhân nên nhẹ nhàng, gọn gàng, nếu không bạn sẽ phải take care tới chúng, bỏ bớt mất thời gian cho học thiền. Cá nhân mình rút ra kinh nghiệm (từ theo dõi vài nhân vật VIP ngồi thiền hiệu quả và chất lượng nhất trong mỗi course):

- Nên mang 11 bộ quần áo (quần + áo + đồ lót tương ứng) và 1-2 bộ đồ ngủ (nếu muốn mỗi ngày 1 bộ thì cứ nhân lên) + 1 khăn tắm cho 11 ngày lưu lại khóa thiền. Quần áo nên mỏng, nhẹ, dễ thấm mồ hôi. Để không phải bận tâm giặt giũ. Đi ra đi vào cái toa lét cũng phát sinh nhiều bất định với mọi người lắm đó, rồi lại mệt đầu, không có đủ tĩnh tại khi vào thiền. Mặc legging hay quần đùi, áo 2 dây là vi phạm nội quy. Mình thấy khóa nào cũng vẫn có người mặc mấy đồ này ra vào phòng thiền. Thầy cô chắc không biết (vì già nhìn không rõ, hoặc ánh sáng phòng thiền yếu quá, hoặc căn bản không để ý), quản lý biết mà bỏ qua thì chả sao. Chắc họ chỉ nhắc ai nữ hở 3/4 ngực hoặc nam cởi trần.

Chú ý thời tiết và năng lực chịu đựng thời tiết của bản thân. Nếu tham gia course ở nơi quanh năm nóng nực như tp Hồ Chí Minh, thì đồ mặc càng mỏng, nhẹ càng tốt. Nhưng đừng có mặc đồ lụa mỏng hay đồ điệu đà quá, vì ngồi rất nhiều (9-11 tiếng mỗi ngày) nên đồ sẽ nhăn nhúm, lại vào toilet giải quyết nhiều, toilet tập thể không rộng rãi sạch sẽ khô ráo như ở nhà, nên sẽ dính nước/giấy/amoniac tè le, mấy cái đồ lụa là lượt bay phấp phới đó sẽ trở nên rất kỳ và thậm chí là thảm họa với người xung quanh (tất nhiên sẽ chả ai nói gì, vì không được nói, và vì lịch sự nữa).

- Nếu không chịu được lạnh (ở vùng núi hay trong điều hòa), nên mang theo khẩu trang + 1 khăn ấm + 1 áo khoác. Đặt mấy thứ này ngay tại chỗ ngồi thiền, không cần mang ra vác vào làm chi cho mệt. Nếu đang thiền, thấy ho thì tự lấy khẩu trang ra đeo vào, lấy khăn/áo ra mặc vào, để không ảnh hưởng tới mình và người khác. Có nhiều bạn ho liên tục khi ngồi thiền (trong điều hòa), mà không chịu đeo khẩu trang hay khoác thêm khăn/áo, ảnh hưởng tới cả lớp. Vì bạn biết đấy, bạn ho/hắt hơi, một đống vi khuẩn, nước bọt và đờm dãi bắn ra tứ phía, điều hòa khiến đống vi khuẩn và đờm dãi bay quanh quẩn khắp cả phòng, dính vô người khác. Người yếu sẽ lại bị ho/hắt hơi theo. Trong một khóa thiền mình tham gia, có bạn (nam) cứ mỗi lần ăn xong, lên thiền là ho liên tục, bạn í vệ sinh kém, khiến cả phòng nồng nặc mùi thức ăn, không còn mấy ai đủ an tâm mà thiền nổi vì thấy ghê hết cả người. Còn có bạn nữ, mặc đồ rất đẹp và điệu đà, nhưng dính nước + amoniac tèm lem, buổi thiền nào cũng được 15 phút là lạch bạch đi ra ngoài về phòng lấy khăn vì sợ điều hòa, rồi lại lạch bạch mở cửa vào ngồi lại, khiến các bà các chị ngồi mắng thầm (cái này các bạn sẽ tha hồ nghe vào ngày cuối, khi mọi người được nói chuyện trở lại).

- Nên mang theo 1 đôi dép hoặc giày nhẹ, đơn giản. Đừng mang giày cao gót, giày thể thao, sneakers… Vì bạn chỉ có đi từ phòng ngủ tới thiền đường, phòng ăn và toilet. Không được gặp các bạn khác giới mà thể hiện (có gặp lúc ngồi thiền, nhưng người ta nhắm mắt mất tiêu rồi, còn lúc nghe pháp thoại thì cũng không dám quay ngang ngửa, vì cả phòng sáng trưng đèn, và thầy cô giáo nhìn chằm chằm). Hoặc nếu buộc phải mang, thì bạn hãy gửi hết ở tủ đựng đồ (cả đồ gì quí giá hoặc không cần thiết thì gửi hết đi cho nhẹ đầu). Rồi cứ mượn tạm 1 đôi dép của chùa xài trong 11 ngày.

- Mang theo bàn chải + kem đánh răng. Có thể mang theo sữa tắm + dầu gội (cái này tùy nha, có chỗ bị cấm chỉ cho tắm gội với nước sạch, nên nhớ đọc kỹ email thông báo của Ban Tổ Chức). Tất nhiên, một số bạn nữ vẫn tô son, bôi kem dưỡng, đánh BB hàng ngày - cái này là vi phạm nội quy nha, nhưng mình chưa thấy ai bị phạt.

 

Tips trong khóa thiền

Trải nghiệm 10 ngày ngồi thiền Vipassana lần đầu rất đáng nhớ - nếu bạn bền bỉ và chú tâm. Đây là vài notes dành cho người mới:

- Hãy tập trung 100% sức lực và sự chú tâm của bạn vào việc hành thiền. Nhất định bạn sẽ có một trải nghiệm thực sự khó có thể quên được. Đừng quan tâm tới bạn cùng phòng (bạn í xinh quá mức, bạn í kỳ lạ quá mức, con bé đó thần kinh quá mức, nhỏ đó sao nó ghét mình thế… cái này nên để trải nghiệm ở các lần ngồi thiền sau) - nói thêm, bạn cùng phòng luôn là vấn nạn của nhiều chị em - với nữ thôi, và với khóa 10 ngày ở phòng tập thể thôi. Đừng quan tâm mấy chuyện vặt vãnh (dầu gội của mình sao tự nhiên hết, ai xài khăn tắm của tôi, sao con bé giường bên chèn giường nó sang bên mình làm mình không có lối vào, sao lạnh và mình ho khụ khụ cả đêm mà chúng nó bật hết quạt lên vậy…). Đừng quan tâm tới đàng giai (thằng bồ của mình không biết có bỏ về không, chồng/con/bạn trai mình có ăn nổi đồ chay không, anh chàng hàng thứ hai trông như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, bạn nam người Mỹ í mỗi ngày đều nhìn mình mỉm cười 3 lần…). Nếu bạn lãng phí sự chú tâm và sức lực cho mấy việc này, cuối khóa bạn sẽ phải hối hận, hoặc thấy trải nghiệm với khóa thiền thật tầm phào nhạt nhẽo.

- Chú ý tập trung nghe lời tụng. Nếu âm lượng to đủ sức lan tỏa ảnh hưởng, lời tụng bằng tiếng Pali của thầy Goenka nhất định sẽ tạo ám ảnh trong bạn. Khóa đầu tiên của mình, mỗi lần tiếng tụng của thầy cất lên, mạch máu hai bên thái dương của mình giật đùng đùng, cơ mặt như tê liệt. Một số bạn cũng trải qua những hiệu ứng rất ám ảnh. Có những giọng nói có sức mạnh tâm linh đáng kinh ngạc - và giọng thầy Goenka đúng là chất giọng đó. Nhiều bạn còn thuộc luôn cả đoạn lời tụng sau vài ngày ngồi và hát theo nữa kia. Tuy nhiên, sau này, mình thấy có khóa, âm lượng cô giáo để nhỏ quá, bị tiếng gà kêu chó sủa bên ngoài át cả tiếng tụng, và cả khóa đó chả mấy ai có ấn tượng gì về lời tụng của khóa thiền. Cho nên, nếu bạn thấy cô giáo để âm lượng nhỏ, hãy bảo cô bật to lên. Những lời chú tụng chỉ tạo ra sức mạnh khi nó được đặt trong đúng điều kiện và hoàn cảnh.

- Hãy nghe bài pháp thoại - dù không phải luôn hợp lý, nhưng nó cho bạn một nền tảng hiểu biết nhất định về phương pháp thiền Vipassana. Và quan trọng hơn nữa, nó rất thú vị, và tạo thêm động lực cho bạn kiên trì hành thiền.

- Hãy luôn đặc biệt chú tâm 100% vào buổi thiền cuối cùng sau giờ pháp thoại. Nó nói cho bạn biết ngày tiếp theo bạn phải làm gì, phải đạt được điều gì. Thầy Goenka nói rất ngắn gọn nhưng rất trọng tâm. Sẽ có vài mốc mà bạn phải đạt được trong chặng đường 10 ngày đó: ngày 1 - quan sát hơi thở, ngày 3 - quan sát được cảm giác ở 1 khu vực hẹp, ngày 4 - quan sát được cảm giác toàn thân… Nếu thấy mình chưa làm được, hãy tham vấn với giáo viên ngay, xem bạn đã làm sai ở đâu.

- Tận dụng giáo viên trợ giảng - thầy cô ở đó là để giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Nếu bạn có băn khoăn gì, dù là nhỏ nhất, hãy tận dụng mọi cách để hỏi và giải đáp bằng được khúc mắc của mình. Kể cả khi đó là sự tò mò về profile của chính thầy cô giáo mình, về cách thức vận hành của hệ thống các khóa thiền Vipassana ngay cả khi thầy Goenka đã qua đời. Nếu bạn chặc lưỡi bỏ qua cơ hội đó chỉ vì không tự tin, chỉ vì nghĩ mấy cái lăn tăn của mình rất tầm phào vớ vẩn, thì bạn có thể sẽ ra quyết định vội vàng với Vipassana sau này, hoặc lại mất thời gian nỗ lực để đi đường vòng tìm hiểu. Có bạn ngồi thiền cùng khóa đầu với mình, mà hơn một năm sau khi bạn í tham dự lại khóa 10 ngày khác và được một bé chia sẻ là đã hỏi cô giáo vài chuyện, bạn í mới ngộ ra một điều trong đó là nỗi lăn tăn bao lâu của bản thân - vốn rất đơn giản, chỉ cần hỏi thầy cô là xong. Có khóa, mình thấy thiền sinh còn tỉ tê bảo thầy kể chuyện học và dạy thiền từ thuở hàn vi ở Việt Nam. Rất xúc động (chắc với cả chính thầy cô nữa).

- Hãy tận hưởng 10 ngày ăn chay. Đồ ăn đều từ những nguyên liệu chay cơ bản. Nhưng nếu khóa thiền của bạn có một đầu bếp hoặc một người đam mê ẩm thực chay trong đội ngũ phục vụ, thì ăn uống sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khác của khóa thiền. Mình đã từng dự khóa thiền mà đồ ăn mỗi ngày đều như ở nhà hàng cao cấp, rất ngon, rất chu đáo, rất đẹp mắt. Mà thường phục vụ đã tận tâm thì mọi thứ đều rất chỉn chu (kiểu người cùng tần số hay đi với nhau, gió tầng nào gặp mây tầng đó í), từ quản lý tới đồ ăn, chén bát, vệ sinh… đều hết sức kỹ lưỡng và kỷ luật. Cái này là ngẫu nhiên thôi, không thể cầu mà có được. Nên chúc bạn may mắn. Còn không, thì cũng chả sao, đồ chay cơ bản ăn vẫn ổn. Nếu đó là lần đầu bạn ăn chay, mà đồ khó ăn, thì cũng vẫn không thể đói được, vì đồ ăn khá nhiều.

- Cuối cùng, một lưu ý liên quan ăn uống nữa. Vì phải ngồi khá nhiều, gần như 1/2 thời gian của một ngày, nên hãy ăn vừa phải, cố gắng vận động nhiều lên khi có thời gian rảnh. Nếu sức ăn bình thường của bạn là 10 phần, vậy chỉ ăn 5-6 phần thôi. Vì ăn nhiều, vào phòng thiền sẽ buồn ngủ. Có bé sinh viên kể đồ ăn ngon quá, em lấy 3 lần rồi mà vẫn còn muốn lấy tiếp. Lên thiền đường lần nào bé cũng ngáy khò khò, quản lý phải nhắc liên tục. Đồ ăn nhiều chất xơ nên dễ tiêu hóa, bạn ăn nhiều cũng sẽ ra vô toilet nhiều, ảnh hưởng tới thời gian thiền. Và quan trọng hơn, bạn sẽ xì hơi (mạnh yếu tùy cơ địa) liên tục, bụng dạ căng tràn ấm ách, tâm trí sẽ bị tác động, không tập trung ngồi thiền được. Xì hơi là chuyện tất yếu của mọi người trong khóa thiền, chỉ là mạnh yếu, nhiều ít, ngắn dài khác nhau thôi. Và nó bị quyết định phần lớn do lượng thức ăn mà bạn nạp vào. Nó bị quyết định bởi một phần khác do tần suất vận động của bạn. Nếu bạn chịu khó đi bộ thể dục một chút sau mỗi khi ăn xong, hoặc lúc giải lao, nghỉ ngơi, vậy là thời gian và cường độ, tần suất xì hơi của bạn khi ngồi thiền sẽ giảm đi đáng kể lắm đó.

 

Thôi, note tạm thế đã.

Chúc bạn thu được nhiều lợi lạc từ khóa thiền!