Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Top xu hướng công nghệ trong tương lai gần 2025-2030

1. AI agents đang nổi lên, cảnh báo thời đại của các website và ứng dụng sẽ sớm biến mất

Các agent (nhân viên ảo) với core dùng agentic AI, có thể lập kế hoạch và hành động để đạt được mục tiêu do người dùng đặt ra. Các qui trình kinh doanh sẽ được tối ưu hóa theo hướng tự động và cá nhân hóa triệt để, thúc đẩy mối quan hệ giữa con người và máy móc lên tầm cao mới.

 


Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ cloud hàng đầu thế giới đã nhảy vào cuộc chơi này, cho ra lò từ single agent tới multi-agent system. Hiện nay, khi các hãng công nghệ lớn tập trung đầu tư và tung ra thị trường các AI agents này (Google AI agents, Agentforce của Salesforce, agent của Oracle, Operator của OpenAI, Copilot của Microsoft, các agents của SAP, WorkDay…), chúng ta đang và sẽ được chứng kiến “agent wars” - cuộc chiến cạnh tranh cho một lực lượng lao động thế hệ mới dự báo sẽ rất khốc liệt và nghiệt ngã (tất nhiên không chỉ đối với các hãng công nghệ, mà còn với cả con người).

Bạn hãy thử tưởng tượng, bạn muốn mua một bộ lễ phục mừng năm mới, bạn đi vào một cửa hàng. Một AI agent sẽ chào bạn bằng tên trân trọng từ cửa (qua nhận diện gương mặt): “Kính chào ngài X - Giám đốc công ty ABC tới cửa hàng của chúng tôi!”. Khi bạn tiến vào trong, toàn bộ hàng trưng bày trên màn hình được chọn lọc theo phong cách, đến cả style trang trí cũng đổi theo sở thích của bạn (lấy từ các lịch sử mua sắm và tương tác trên internet của bạn), mà vẫn đảm bảo phù hợp với các xu hướng hot nhất hiện tại. Các bộ đồ trưng bày hiển thị vừa khít với số đo của bạn - đo được từ scan cơ thể bạn ngay lúc bạn bước vào cửa hàng. Bạn bấm vào màn hình để chọn đồ thử. Nếu có đồ phù hợp để thử ngay, đồ sẽ được tự động chuyển từ băng chuyền ra giá đựng đồ cho bạn thử. Nếu chưa có đồ phù hợp, AI agent sẽ giải thích cho bạn lý do, và cho bạn nhìn hình ảnh preview (xem trước) của bạn trong bộ đồ đó trên màn hình demo để bạn cân nhắc. Đánh giá, nhận xét của những khách hàng khác về món đồ cũng được hiện ra để bạn tham khảo luôn. Bạn đắn đo, đổi ý, hay có thắc mắc gì, đều trò chuyện trực tiếp với AI agent. Nhân viên ảo này sẽ tinh tế, lịch sự và nhẹ nhàng giải thích mọi thắc mắc của bạn. Hình ảnh nhân viên ảo này tương tự Jisoo - nữ thần tượng của lòng bạn (đã được chuyển đổi về hình ảnh, giới tính cho phù hợp với sở thích của bạn ngay sau khi hệ thống nhận diện ra bạn ở ngoài cửa). Từ trải nghiệm ngoài cửa, vào cửa hàng, thử đồ, thanh toán, vận chuyển… của bạn, AI agent này sẽ phục vụ bạn trọn vẹn để mang lại cảm giác cá nhân hóa cao nhất, chân thực nhất, và hài hòa nhất với bạn, một trải nghiệm người dụng hoàn hảo từ ánh mắt, tới giọng nói, thái độ, am hiểu tâm tư tình cảm, chuyên môn và thậm chí cả các vấn đề cá nhân (sức khỏe, quan hệ xã hội…) của bạn, khiến ngay cả một nhân viên xuất sắc là người thật cũng phải khóc ròng vì không bằng.

 Những hoạt động như tìm kiếm thông tin, so sánh và đánh giá các đồ tương tự trên mạng… sẽ dần biến mất, vì chỉ cần một AI agent sẽ làm hết tất cả những việc này cho bạn.

Trong kinh doanh, những tác vụ lặp đi lặp lại, có thể tự động hóa, như phân tích thị trường, thu thập dữ liệu, viết code, giảng dạy cơ bản, các dây chuyển sản xuất, logistic… đều có thể để các nhân viên ảo này phụ trách với độ chính xác tuyệt đối, hiệu suất cao, làm việc 24/7 không cần phụ cấp, lương thưởng, hay đãi ngộ nào thêm. Doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa chi phí vận hành và nâng cao năng suất.

 Một số thứ được dự báo sẽ sớm biến mất, như website hay ứng dụng (vì nhân viên ảo đã làm hết việc của các trang này rồi). Nhân loại sẽ sớm chia tay với Google, Microsoft… Nếu có viết ứng dụng, chúng ta sẽ phải chuyển sang viết ứng dụng cho các AI agent. Có khi chính AI agent viết luôn ứng dụng cho AI agent. Xã hội tương lai được dự báo sẽ sớm tiến dần tới tình trạng: các AI agents tự điều khiển các AI agents khác, mua sắm hàng hóa dịch vụ, thương lượng với nhau, chốt hợp đồng, tranh cãi khiếu kiện, đóng/mở công ty,… thậm chí sẽ có thế hệ AI agent lãnh đạo để tạo ra/sửa chữa/phá bỏ các AI agents khác, quản lý một nhóm AI agents nhất định thực hiện những mục tiêu lớn hơn. Một thế giới ủy nhiệm (con người ủy nhiệm cho AI agents, AI agents lại ủy nhiệm cho các AI agents khác… cứ thế và cứ thế) sẽ dần hiện hình một cách có tổ chức. Vài cuốn truyện khoa học viễn tưởng giữa thế kỷ 20 đã từng dự báo về ngày này, thậm chí còn cho luôn mốc thời gian (mình không nhớ rõ tên cuốn sách vì lâu quá, nó viết, khoảng tầm năm 2030, AI agents và AI agent robots sẽ nhiều như lợn con, đi đầy đường, đánh nhau giữa các quốc gia cũng toàn là giữa các robots ủy nhiệm).

Cuộc chạy đua này cũng sẽ đẩy khoa học công nghệ - nhất là AI và máy móc, tiến nhanh hơn nữa, đồng thời khai phá nhiều mảng mới trong tối ưu hóa hiệu suất, tối ưu hóa kinh doanh, tự động hóa. Con người sẽ có những việc mới đầy sáng tạo hoặc kỳ lạ để làm, sau khi những việc đơn giản đã bị một rừng AI agents thay thế. Ví dụ, con người sẽ ngồi lại với nhau tạo ra các bộ tiêu chuẩn cho một AI agent chẳng hạn. Rồi khung pháp lý cho AI agents và người cung cấp, người sở hữu nó… Viễn cảnh đó hẳn rất đáng mong chờ.

 2. Những công nghệ mới trong bảo mật và an ninh

Các công nghệ nổi lên gần đây đều làm dấy lên một vấn đề đáng lo ngại: an toàn thông tin. Khi thế giới có quá nhiều đối tượng và nguồn thu thập, lưu trữ thông tin với những mục đích khác nhau, không theo một tiêu chuẩn nào, nó trở thành một tài sản khổng lồ với những ai sở hữu những công nghệ vượt trội hơn để khai thác và thu lợi từ đó. Điều này đến từ tốc độ phát triển chênh lệch quá xa giữa một bên là số lượng người/tổ chức/tập thể/ứng dụng… khổng lồ sử dụng/chia sẻ thông tin và một bên là các qui chuẩn/chế tài/công nghệ … cho bảo mật thông tin chỉ như muối bỏ bể.

 


Thời các nam thanh nữ tú hack hệ thống “dạo” cho vui, để chứng tỏ tài năng hay để giết thời gian (những năm đầu thế kỷ 21) đã thành dĩ vãng. Hackers bây giờ lập thành công ty, thành cộng đồng hẳn hoi, tạo product (ransomwares, campaigns…) bài bản theo agile methodologies, rồi launch product (tới hàng triệu đối tượng mục tiêu cùng lúc), và ngồi count revenue thu được (từ tiền chuộc của các nạn nhân) như mình ngồi track số sales hàng tháng vậy. Công nghệ trong lĩnh vực bảo mật gần như không có nhiều thay đổi suốt 20 năm qua, vẫn những kỹ thuật truyền thống hoặc đã biết, chỉ là vàng bạc châu báu (thông tin) đột nhiên rải la liệt ở khắp nơi mà không có bảo vệ hay súng ống hiệu quả đứng canh phòng, khiến ngay cả kẻ không có tâm cũng trở thành có tâm. Giờ vài ngày lại thấy có công ty từ vừa tới lớn báo tin toang vì ransomware, mất nhẹ thì 20% doanh thu, nặng thì 80%, có khi sập tiệm.

Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, khi vấn nạn an ninh trở nên lớn dần, mất mát lớn sẽ khiến nhận thức rõ ràng hơn, nhu cầu về bảo mật thông tin sẽ tăng dần tới thúc đẩy cung phát triển. Những thể chế, điều lệ, qui tắc và luật về an toàn thông tin đang và sẽ được xây dựng ở các quốc gia. Các công nghệ bảo mật mới ưu việt cũng bắt đầu được phát minh ra. Số lượng các công ty trong lĩnh vực bảo mật tăng lên đáng kể trong vòng 5 năm qua, và đều rất ăn nên làm ra, dù công nghệ không có gì khác biệt. Việc tăng cường xác thực danh tính, chấm điểm rủi ro, nhận diện ngữ cảnh, áp dụng các mô hình học tập đa lớp, continuous adaptive trust model… đang nổi lên như một lựa chọn bắt buộc cho mọi nhà cung cấp dịch vụ. Hy vọng, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đột phá hơn ở mảng này trong thời gian tới.

 3. Tính toán lượng tử vượt ra khỏi nhiều ranh giới

Ngay cuối năm 2024, Google cho ra đời chip lượng tử mang tính đột phá mới, có thể đánh bại mọi máy tính mạnh nhất đời trước nó ở góc độ chuyên môn, vượt xa cả AI - theo nhiều nhà khoa học dự đoán. Sự kiện chấn động này được cho là đã giải xui cho tính toán lượng từ, vốn ì ạch không có nhiều đột phá từ hàng chục năm qua, và sẽ là cú huých mạnh mẽ để thế giới điện toán bước vào cuộc đua mới, giống như cách OpenAI đã làm với chatGPT cuối năm 2022 khiến cả thế giới AI đang bùng lên mạnh mẽ. Các biên giới của điện toán mà chúng ta vốn đã biết nhất định sẽ liên tục bị phá vỡ. Các tổ chức và cá nhân sẽ xem xét lại cách họ tính toán.

 


Những mảng được cho là có lợi lớn nhất từ làn sóng này sẽ gồm:

- Mã hóa hậu lượng tử (Post-quantum cryptography - PQC): bảo vệ dữ liệu trước các rủi ro của tính toán lượng tử. Các thuật toán PQC không thay thế cho các thuật toán bất đối xứng hiện có. Các ứng dụng hiện tại nếu có vấn đề về hiệu suất, sẽ cần được kiểm tra, thậm chí phải viết lại.

- Ambient invisible intelligence ( công nghệ tích hợp kín đáo vào môi trường để mang lại trải nghiệm tự nhiên, trực quan hơn): cho phép theo dõi và cảm biến các thứ theo thời gian thực, chi phí thấp, hiển thị hiệu quả, truy xuất được nguốn gốc, không thể giả mạo.

- Tính toán tiết kiệm năng lượng: xây dựng kiến trúc, viết code, giải thuật hiệu quả hơn, tối ưu hóa phần cứng, dùng năng lượng tái tạo để vận hành hệ thống, giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên việc chuyển đổi sang nền tảng máy tính mới sẽ phức tạp và tốn kém.

- Hybrid computing: kết hợp các cơ chế tính toán, lưu trữ và mạng khác nhau để giải quyết các bài toán phức tạp. AI đang hoạt động mạnh mẽ, sẽ sớm vượt qua giới hạn của công nghệ hiện tại, nhu cầu tự động hóa của doanh nghiệp và con người cũng sẽ sớm thay đổi, đòi hỏi một môi trường mới có tính chuyển đổi, tốc độ cao, hiệu quả cao, qui mô lớn, có thể sử dụng cơ thể con người làm nền tảng điện toán. Công nghệ này có độ phức tạp cao, có nhiều rủi ro, chi phí cao, nên cần nhiều thời gian phối hợp và thử nghiệm.

 4. Robots đa chức năng

Robots thế hệ mới đang và sẽ liên tục ra lò, tích hợp những công nghệ tối tân nhất, để làm được ngày càng nhiều tác vụ thay thế con người. Không cần thay đổi cơ sở hạ tầng, có thể triển khai nhanh, rủi ro thấp, có khả năng mở rộng và thay thế hoặc cộng tác với con người, giúp nâng cao hiệu quả, ROI nhanh hơn. Sẽ sớm có những qui chuẩn chung về chức năng, giá cả… cho thế hệ robot này.

 


Những công nghệ đang và chắc chắn sẽ được xài trong những robots đời mới này gồm:

- Tính toán không gian: công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường giúp robot có trải nghiệm nhập vai chính xác hơn. Hiện đang dùng nhiều trong game, giáo dục, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và sản xuất. Nhưng chi phí quá cao, phải sạc thường xuyên, giao diện phức tạp, dễ gây tai nạn là những vấn đề hiện tại của robot loại này, khiến nó không được yêu thích.

- Cải thiện về thần kinh (các chức năng nhận thức, mô phỏng n

gày càng nhiều các hoạt động của não người): cho phép robot tham gia những việc phức tạp hơn, như giáo dục cá nhân, tiếp thị…). Nhưng robot loại này rất đắt tiền, pin hạn chế, có nhiều thách thức về bảo mật và đạo đức.

theo Gartner

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Dùng tư duy chiến lược để thiết kế cuộc đời bạn muốn

Trong các dự án chiến lược của công ty, đội ngũ các nhà lãnh đạo luôn phải làm việc thông qua hàng chuỗi các câu hỏi để xác định cách các hoạt động kinh doanh của họ có thể thành công. Mỗi cá nhân cũng có thể sử dụng qui trình tương tự để khám phá ra cách để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Điều này bắt đầu bằng việc xác định điều gì làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vời đối với bạn, sau đó phác thảo ra mục đích và tầm nhìn của bạn. Bạn cũng cần nhìn lại “portfolio” (danh mục đầu tư) hiện tại của mình - những lĩnh vực mà bạn đã và đang dành thời gian, năng lượng và tiền bạc vào đó - để xem liệu bạn có đang đầu tư tốt nhất cho bản thân vào những gì quan trọng nhất cho bạn không. Bạn nên cân nhắc tham khảo nghiên cứu về cách làm sao người ta có thể tìm ra ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Cuối cùng, bạn chắc sẽ muốn xác định những lĩnh vực mà bạn cần thay đổi, và đảm bảo bạn theo đuổi nhất quán những mục tiêu và kết quả chính. Chương trình “Chiến lược hóa cuộc đời bạn” đã được thử nghiệm với hơn 500 người trên thế giới. Chỉ sau vài giờ làm việc, bạn có thể phát triển một chiến lược cho cuộc sống cá nhân và tóm tắt nó chỉ trong 1 trang giấy.

 

Trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều người trong chúng ta sẽ suy ngẫm những câu hỏi hiện sinh về sức khỏe, an toàn, mục đích, sự nghiệp, gia đình và di sản. Tuy vậy, những suy tư kiểu này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những đòi hỏi của cuộc sống thường ngày sẽ nhấn chìm chúng ta, để chừa lại cho chúng ta chút xíu thời gian nghĩ về dài hạn và những gì chúng ta đang hướng tới. Kết quả là, khi phải đối mặt với những quyết định lớn nhỏ của cuộc đời, chúng ta chẳng có gì để dẫn lối ngoài cảm xúc hoặc trực giác.

Tất nhiên, với doanh nghiệp, điều đó tương đương với kinh doanh mà không có chiến lược, điều mà mọi độc giả đều biết là đại diện cho khả năng thua lỗ cao. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: liệu chúng ta có thể điều chỉnh mô hình tư duy chiến lược dùng trong doanh nghiệp để giúp các cá nhân tự thiết kế tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ không? Câu trả lời là Có, và kết quả là chúng ta có một chương trình với tên gọi Strategize Your Life - Chiến lược hóa cuộc đời bạn (của Harvard Business Review). Chương trình đã thử nghiệm trên 500 người - gồm sinh viên, nhân viên trẻ, nhân viên trung niên và quản lý tầm trung, quản lý cấp cao, thành viên hội đồng quản trị, và người nghỉ hưu - để giúp họ phát triển các chiến lược cho cuộc sống cá nhân của họ.

Bạn có thể tạo chiến lược cho cuộc đời bạn bất cứ lúc nào, nhưng có vài cột mốc thời điểm đặc biệt phù hợp để làm việc này - khi vừa tốt nghiệp, bắt đầu công việc đầu tiên, khi bắt đầu được thăng chức, khi bắt đầu trở nên trống rỗng, khi bắt đầu tuyệt vọng, khi bắt đầu nghỉ hưu - hoặc sau một biến cố lớn trong đời, như bị bạo bệnh, ly dị, mất việc, khủng hoảng tuổi trung niên, một người thân qua đời. Nếu có chiến lược, bạn có thể điều hướng bản thân chuyển đổi tốt hơn qua những thời khắc khó khăn, xây dựng và phục hồi, tìm lại niềm vui và sự đủ đầy, tối thiểu hóa stress. Và bài viết này sẽ giúp bạn bắt đầu.

Một sự đối xứng đáng ngạc nhiên

Mỗi dự án chiến lược của doanh nghiệp đều khác nhau. Nhưng hàng trăm dự án cho các tổ chức lớn đều có những điểm chung: sử dụng một số phương pháp và công cụ nhất định. Chúng thường có 7 bước, mỗi bước được chỉ dẫn bằng một câu hỏi:

1. Tổ chức định nghĩa thành công như thế nào?

2. Mục đích của chúng ta là gì?

3. Tầm nhìn của chúng ta là gì?

4. Chúng ta đánh giá danh mục đầu tư của mình như thế nào?

5. Chúng ta có thể học được gì từ các thước đo tiêu chuẩn?

6. Chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn nào cho danh mục đầu tư?

7. Làm thế nào để chúng ta bảo đảm một sự thay đổi thành công, bền vững?

 

Các bước này dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với một cá nhân:

1. Tôi định nghĩa một cuộc đời tuyệt vời là như thế nào?

2. Mục đích cuộc đời tôi là gì?

3. Tầm nhìn trong cuộc sống của tôi là gì?

4. Làm sao để đánh giá danh mục đầu tư cho cuộc đời tôi?

5. Tôi có thể học được gì từ các thang đo tiêu chuẩn?

6. Tôi có thể có những lựa chọn nào cho danh mục đầu tư cho đời mình?

7. Làm thế nào để tôi có thể bảo đảm cho một sự thay đổi (đời) thành công, bền vững?

 

 

Một cựu giám đốc chiến lược của một công ty Fortune 50 có trụ sở tại Mỹ nói “Biết đặt câu hỏi đúng khó hơn nhiều so với tìm câu trả lời.” Giống như chiến lược doanh nghiệp là một tập các lựa chọn giúp định vị doanh nghiệp dành chiến thắng, chiến lược cuộc đời của một người là tập các lựa chọn giúp định vị người đó có một cuộc đời tuyệt vời. Hơn nữa, chúng ta có thể áp dụng các công cụ từ chiến lược doanh nghiệp cổ điển và những lĩnh vực khác để giúp bạn tìm ra câu trả lời cho bảy câu hỏi trên và đưa ra những quyết định tốt hơn.

Chiến lược hóa cuộc đời bạn là một nỗ lực sửa đổi tư duy chiến lược để giúp đỡ các cá nhân một cách cụ thể, từng bước. Nó có thể dẫn bạn đến những hiểu biết mới về cách bạn xác định và tìm thấy cuộc sống tuyệt vời của mình. Mục tiêu là tạo dựng khía cạnh logic, phân tích cho cảm xúc và trực giác của bạn.

Khi khảo sát những người tham gia huấn luyện, kết quả cho thấy, trong quá khứ, chỉ 21% đã vạch ra ý nghĩa của một cuộc sống tuyệt vời cho bản thân, 9% xác định mục đích cho cuộc đời, 12% đặt ra tầm nhìn cho đời mình, 17% tạo ra mục tiêu cụ thể và từng mốc thời gian cần đạt được, 3% phát triển thứ mà có thể tạm coi là chiến lược cho đời họ. Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng lại rất ít người trong chúng ta dành đủ thời gian cho nó.

Martha, một sinh viên 26 tuổi vừa tốt nghiệp, giải thích: “Cuộc sống cứ tiếp tục hình thành… Khi tất cả các bữa tiệc Giáng Sinh và cưới xin, du lịch đột nhiên kết thúc, bạn tự hỏi ‘Liệu mình đã thực sự sống cuộc đời vừa xảy ra với mình không nhỉ’” Cô ấy muốn chủ động hơn. “Rõ ràng cần một kế hoặc ở một cấp độ cao hơn cho cuộc đời. Không phải để tuân theo nó một cách khắc nghiệt hay ngăn chặn cuộc đời mở ra các hướng khác, mà cần một định hướng lớn. Câu chuyện của tôi nên là gì? Tôi nên trải nghiệm những điều gì để khi nó kết thúc tôi có thể tự nói với chính mình ‘Tôi đã sống’?”

Đây không phải là cuốn sách self-help, nên không có con đường dát vàng nào dẫn tới hạnh phúc và no đủ. Vì mỗi người là duy nhất, nên chúng ta sẽ chỉ có những công cụ để bạn tự tìm ra con đường của mình trong qui trình chiếc lược cuộc đời 7 bước.

Bước 1 bạn định nghĩa thế nào là cuộc sống tuyệt vời với bạn.

Bước 2 bạn xác định mục đích của đời bạn.

Bước 3 tầm nhìn của bạn.

Bước 4 phân tích danh mục đầu tư - làm sao bạn sử dụng 168 giờ mỗi tuần của mình.

Bước 5 xây dựng tiêu chuẩn cho đời bạn.

Bước 6 là kết quả của 5 bước đầu tiên, xác định những lựa chọn và những thay đổi cần có cho đời bạn.

Bước 7 bạn vẽ ra một kế hoạch, rồi đưa các lựa chọn của bạn vào hành động.

Bạn nên làm cụ thể với giấy bút. Hoàn thành xong phiên bản 1, chiến lược đời bạn sẽ vừa vặn trong 1 trang giấy.

Công việc có vẻ khó khăn, nhưng thực tế, bạn chỉ mất vài giờ. Nó không dễ dàng. Bạn phải thử thách bản thân và vượt qua những điều hiển nhiên. Bạn không nên bỏ cuộc, vì những câu trả lời bạn khám phá ra rất đáng giá. Rốt cuộc, điều gì quan trọng hơn cả cuộc sống của chính bạn? Hãy cam kết suy nghĩ một cách chiến lược về nó, mong chờ những hiểu biết sâu sắc bạn sẽ đạt được, và tận hưởng hành trình.

 

Chiến lược trong 7 bước

Qui trình này bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc:

 1. Bạn định nghĩa thế nào là một cuộc đời tuyệt vời?

Những thước đo nào sẽ phù hợp với cuộc sống cá nhân của riêng bạn? Các tiêu chuẩn và thứ bậc xã hội của chúng ta có thể đề xuất tiền, danh tiếng, địa vị, quyền lực. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiền chỉ mang tới nhiều hạnh phúc hơn khi nó phục vụ cho nhu cầu cơ bản, sau đó lợi ích của nó giảm dần hoặc không đổi. Nhiều người trong chúng ta ở trạng thái của “máy chạy bộ khoái lạc”: sau khi vừa được tăng lương, tăng chức hay mua thứ gì đó kích thích sự hài lòng cao độ, chúng ta lại trở về với mức độ hạnh phúc trước đó. Bất cứ thứ gì bạn đạt được, sẽ luôn có người khác giàu hơn, nổi tiếng hơn, quyền lực hơn bạn.

Người Hy Lạp cổ đại nhìn nhận 2 khía cạnh của một cuộc đời tuyệt vời: hedonia (tập trung vào niềm vui) và eudaimonia (tập trung vào đức hạnh và ý nghĩa). Ngày nay, các học giả đã chỉ ra tầm quan trọng của kết nối xã hội. Một nghiên cứu trên 27.000 người ở châu Á cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa hôn nhân và sự hài lòng với cuộc sống (người đã kết hôn hài lòng với cuộc sống hơn nhiều so với người không kết hôn hoặc sống một mình). Một nghiên cứu trên 268 nam giới trường Harvard từ 1938 tới nay, mở rộng tới cả các con và vợ họ, hay nghiên cứu trên 456 công dân ở Boston từ những năm 1970, cũng mở rộng tới cả các con và vợ họ, cho thấy rằng, những mối quan hệ ý nghĩa là động lực chính cho hạnh phúc lâu dài. Giáo sư trường Kinh doanh Harvard Clayton Christensen đồng ý: “Tôi đã kết luận rằng thước đo mà Chúa dùng để đánh giá đời tôi không phải là đô la, mà là những cá nhân tôi đã chạm vào.”

Một hệ thống bao gồm tất cả những yếu tố này - khoái lạc, hạnh phúc và các mối quan hệ - gọi là mô hình PERMA, do Martin Seligman đề cập trong cuốn sách Flourish (2011) - ông là người đặt nền móng cho tâm lý học tích cực và là giáo sư đại học Pennsylvania. Các nghiên cứu sau đó đã phát triển nó thành PERMA-V, các chữ cái thay cho

P - positive emotions (cảm xúc tích cực, thường xuyên thấy vui vẻ và hài lòng)

E - engagement (gắn kết, hòa vào dòng chảy, mất dấu thời gian)

R - relationships (các mối quan hệ, cảm giác trưởng thành với sự quan tâm, hỗ trợ và yêu thương)

M - meaning (ý nghĩa, cống hiến, làm cho thế giới thành nơi tốt đẹp hơn)

A - achievement (thành tựu, nỗ lực thành công hay làm chủ, đạt được các mục tiêu)

V - vitality (sức sống, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng)

Để xác định điều gì tạo nên cuộc sống tuyệt vời với bạn, hãy bắt đầu với từng yếu tố trong PERMA-V, hoặc thậm chí bạn có thể tự thêm các yếu tố riêng của bạn, như quyền tự chủ, tâm linh… Sau đó, hãy đánh giá tầm quan trọng của mỗi cái với bạn trên thang điểm từ 0 (không quan trọng) tới 10 (rất quan trọng). Hãy cố gắng nhớ lại những khoảng thời gian bạn cảm thấy hài lòng sâu sắc trong quá khứ và xem xét điều gì đã tạo ra chúng.

Trong bước 1 này, chúng ta tiến hành phân tích toàn diện về hiện trạng. Vì vậy, hãy đánh giá mức độ hài lòng của bạn với mỗi khía cạnh theo thang điểm từ 0 đến 10 như trước. Bản đánh giá nhanh này sẽ cho bạn một ý tưởng sơ bộ về cách bạn định nghĩa thế nào là một cuộc đời tuyệt vời, và những ý tưởng ban đầu về những gì bạn cần thay đổi.

 2. Mục đích của đời tôi là gì?

Hãy tự hỏi mình, bạn giỏi cái gì? Hãy nghĩ về những tình huống tại nơi làm việc hoặc trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, khi bạn thể hiện được những điểm mạnh như tính sáng tạo, tinh thần đồng đội, khả năng giao tiếp. Sau đó hãy hỏi: giá trị cốt lõi của tôi là gì? Hãy nghĩ về những quyết định quan trọng mà bạn đã đưa ra, những nguyên tắc mà bạn yêu quí như sự trung thực, công bằng, liêm chính. Có hàng tá danh sách và bài kiểm tra trực tuyến giúp bạn xem xét các giá trị quan trọng nhất của mình. Câu hỏi tiếp theo là, hoạt động nào làm tôi hào hứng? Cố vấn, giải quyết vấn đề, tương tác với nhiều loại người khác nhau… Cuối cùng, hãy hỏi: tôi có thể giúp giải quyết nhu cầu gì trên thế giới? Y tế, giáo dục, bình đẳng giới, khí hậu, tình yêu, lòng tốt, tin tưởng…

Hoặc hỏi bạn bè, người quen của mình, xem điểm mạnh của bạn là gì, bạn sống theo những giá trị nào, điều gì khiến bạn hứng thú, và bạn có thể giúp cho nhu cầu gì?

Hoặc bạn có thể tham gia hỏi đáp với ChatGPT.

Joudi, một người Kurd tị nạn từ Syria hiện đang sống ở Đức, trải qua bài tập này, anh đã xác định được điểm mạnh của mình là tham vọng, niềm đam mê và khao khát kiến thức. Giá trị cốt lõi của anh là công lý, hòa bình, gia đình, từ thiện. Anh hào hứng nhất với sự đổi mới, phẫu thuật thần kinh và tinh thần kinh doanh (kinh nghiệm bán phụ kiện rong ở Istanbul và thành lập nền tảng hỗ trợ tích hợp đa ngôn ngữ với AI cho những người Ukraine đã trốn khỏi đất nước họ và đến Đức). Về nhu cầu của thế giới, Joudi muốn giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe, tự do, bình đẳng. Tuyên bố mục đích của anh ấy: “Hãy duy trì đam mê với y học, sẵn sàng học hỏi, tinh thần kinh doanh và ý chí mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới y học, tạo ra khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người.”

Một giám đốc nhân sự tại một công ty công nghiệp toàn cầu muốn từ bỏ vai trò hiện tại, nhưng không chắc liệu cô có nên tìm kiếm một vai trò tương tự ở một công ty khác hay làm một việc gì đó hoàn toàn khác. Cô đã trải qua qui trình 7 bước và đưa ra một tuyên bố mục đích đơn giản: “Giúp đỡ và dẫn dắt những người khác khao khát”. Từ đó, cô nhận ra rằng mình thực sự muốn một vai trò nhân sự cấp cao khác, chỉ là ở một công ty khác.

Tất nhiên có nhiều cách xác định được mục đích sống của một người. Quan trọng là có thời gian và cách thức để thực hiện điều đó. Một số người tham gia mài giũa các ý tưởng về mục đích hiện có của họ, một số khác đã có khoảnh khắc ‘aha’ thực sự. Cuối cùng, bạn phải hiểu được bạn phải làm gì. Mục đích sẽ dẫn hướng cho chiến lược cuộc đời bạn.

 3. Tầm nhìn của tôi là gì?

Năm hay mười năm nữa bạn muốn là ai? Nhà triết học Seneca của chủ nghĩa Khắc kỷ nói: “nếu bạn không biết mình đang đi đến bến cảng nào, thì không có cơn gió nào thuận”. Hãy luôn cởi mở với những điều bất ngờ và tình cờ. “May mắn là điều xảy ra khi sự chuẩn bị gặp được cơ hội.” Quá trình lập chiến lược cho cuộc đời bạn là một sự chuẩn bị.

Vì thế, hãy tự hỏi: tôi muốn mọi người kể câu chuyện nào về tôi sau 5 đến 10 năm nữa? Tôi sẽ làm gì khi tiền không còn là vấn đề? Tôi sẽ làm điều gì khi tôi 80 tuổi và không muốn bỏ lỡ điều đó?

Bạn có thể sử dụng phương pháp “bảng tâm trạng” - trong số vài trăm bức ảnh, hãy chọn ra 2-4 bức thể hiện rõ tầm nhìn cá nhân và nghề nghiệp của bạn.

Trong kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân, tầm nhìn giúp bạn tập trung. Jim, người sắp trở thành bác sĩ, đã đưa ra tuyên bố mục đích: “Gắn kết mọi người lại với nhau, chia sẻ đam mê.” Tầm nhìn của anh cụ thể hơn: “Tạo không gian cho nhiều cuộc gặp gỡ xã hội hơn, hành nghề y với một quán cà phê, tham gia vào công tác y tế cho người vô gia cư”.

Bạn cũng có thể đưa ra các gạch đầu dòng ngắn gọn. Dù bạn nắm bắt nó thế nào, tầm nhìn có thể có tác dụng mạnh mẽ trong việc định hướng cuộc sống của bạn. Sebastian khi 14 tuổi, nhận kết quả bài kiểm tra toán kém, giáo viên đã bảo cậu: “dạy em thật lãng phí thời gian” rồi cảnh báo cậu sẽ không bao giờ lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Sebastian ghi nhớ điều đó, bỏ học và làm thợ hồ. Tuy nhiên, anh ấy muốn thay đổi. Anh đã bắt đầu với tuyên bố về tầm nhìn này: “tôi sẽ vào đại học, lấy bằng tiến sĩ, rồi quay lại gặp giáo viên dạy toán của mình - trong 10 năm tới.” Anh ấy đã làm được. Tốt nghiệp hạng ưu với bằng tiến sĩ kinh tế, rồi 10 năm sau, anh là giám đốc điều hành và đối tác tại BCG.

 4. Tôi đánh giá danh mục đầu tư của đời mình như thế nào đây?

Các công ty thường sử dụng phân tích danh mục đầu tư để đánh giá các mục kinh doanh của họ (dựa trên tốc độ tăng trưởng, thị phần,…) và để quyết định đầu tư vốn vào đâu.

Với cuộc đời, chúng ta sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực chiến lược: các mối quan hệ, cơ thể - tâm trí - tâm linh, cộng đồng và xã hội, công việc - học tập - tài chính, sở thích - giải trí, chăm sóc cá nhân. Sau đó, mỗi lĩnh vực sẽ được chia thành các đơn vị nhỏ hơn.

  

Những khoản tương đương với tiêu hao vốn là gì? Thời gian, năng lượng, tiền bạc. Một tuần có 168 giờ. Bạn xài chúng như thế nào? Với người đặc biệt của bạn, với gia đình, với công việc, chơi thể thao, đi nhà thờ, thư giãn buổi tối…?

Hãy nhìn lại năm vừa qua, tính cả ngày lễ, đánh giá xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho mỗi đơn vị trong số 16 đơn vị trên trong một tuần. Nếu 1 hoạt động chứa nhiều hơn một đơn vị, hãy tự phân chia thời gian cho hợp lý. Ví dụ, bạn chạy bộ cùng người yêu một giờ mỗi tuần, hãy phân bổ nửa giờ cho các mối quan hệ - người đặc biệt và nửa giờ cho hoạt động thể thao/sức khỏe thể chất. Tiếp theo, hãy đánh giá tất cả 16 đơn vị theo thang điểm từ 0 đến 10 dựa trên mức độ quan trọng của chúng với bạn. Sau đó đánh giá mức độ hài lòng mà bạn nhận được từ mỗi điều.

Bây giờ hãy phác thảo danh mục đầu tư chiến lược của riêng bạn, bản 2x2. Hãy đặt tầm quan trọng của từng đơn vị lên trục y và sự hài lòng mà nó mang lại lên trục x. Mỗi đơn vị là một bong bóng, kích thước của nó tỷ lệ thuận với phần trăm thời gian một tuần bạn dành cho nó.

Ở góc phần tư trên cùng bên trái, bạn sẽ thấy đơn vị có tầm quan trọng cao và mức độ hài lòng thấp. Đây là những thứ có tính cấp bách cao, vì bạn quan tâm sâu sắc tới chúng nhưng lại không tập trung vào chúng. Các đơn vị ở góc phần tư phía trên bên phải cũng đáng được chú ý: bạn cần tiếp tục đầu tư thời gian và sức lực cho những thứ quan trọng nhất và mang lại độ hài lòng cao nhất của mình. Những thứ ở góc phía dưới bên trái và phải nên đầu tư ít hơn vì chúng ít quan trọng hơn.

Cuối cùng, hãy nhìn lại bảng 2x2 của bạn và tự hỏi: danh mục đầu tư hiện tại của mình có đang đi đúng hướng để hỗ trợ mục đích và đạt được tầm nhìn cho mình không? Nó có đưa mình tới gần hơn với cách định nghĩa một cuộc đời tuyệt vời của mình không? Mình nên phân bố và tiết kiệm lại thời gian ở đâu? Nên đặt ra các ưu tiên để đầu tư thời gian, sức lực, tiền bạc của mình.

Khi Tony, một kỹ sư, hoàn thành bài tập này, anh ấy thấy bốn điều phải cải thiện khẩn cấp ở góc phần tư trên cùng bên trái: người đặc biệt (vì anh ấy chưa có ai), sức khỏe tâm thần, tương tác xã hội, giáo dục/học tập. Anh đã dành quá nhiều thời gian cho giải trí online. Tony đã thấy rõ anh ấy cần thay đổi điều gì. 



  

5. Tôi có thể học được điều gì từ các thước đo tiêu chuẩn?

Trong hầu hết các dự án kinh doanh chiến lược cho doanh nghiệp, chúng ta luôn thực hiện phân tích so sánh với các thước đo tiêu chuẩn để tìm ra phương pháp thực hành tốt nhất từ các công ty hàng đầu. Chúng ta sẽ làm tương tự với cá nhân bằng cách xem xét các hình mẫu và sự hài lòng về cuộc sống.

Hãy tự hỏi: ai quản lý cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ theo cách mà tôi ngưỡng mộ? Đó có thể là một đồng nghiệp đang chăm sóc người mẹ nằm liệt giường, một bà mẹ ba con ở trường của con bạn, một người quản lý bảng lương cho một công ty Fortune 500, hoặc một nhà lãnh đạo tôn giáo mà bạn tôn thờ. Hãy tự hỏi điều gì khiến họ trở nên đáng ngưỡng mộ với bạn, và họ sẽ đưa ra những lựa chọn nào nếu ở vị trí của bạn.

Bây giờ hãy xem xét những gì các nghiên cứu khoa học cho chúng ta biết về sự hài lòng trong cuộc sống - xét trên bình diện dân số lớn. Một trong những nghiên cứu lớn nhất trên toàn thế giới về sự hài lòng trong cuộc sống là khảo sát của Ban Kinh tế Xã hội Đức, gồm gần 100.000 người từ năm 1984 đến năm 2019, thu thập hơn 700.000 câu trả lời hoàn chỉnh. Họ phát hiện ra rằng nhóm những người đặc biệt, con cái, bạn bè, thể thao, tâm linh, cộng đồng, tài chính đều góp phần tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống.

 


Các nghiên cứu khác chỉ ra các biện pháp cải thiện cuộc sống đã được chứng minh gồm thực hành lòng tốt, chánh niệm, thiền, lòng biết ơn, trau dồi thêm sự hài hước và tiếng cười, dành thời gian cho học tập, tư duy phát triển.

Ở bước này, bạn phải hiểu và học hỏi những gì đã hiệu quả với người khác. Nhưng nhớ đừng chỉ sao chép người khác, chiến lược cuộc sống của bạn là duy nhất với bạn.

 6. Tôi nên chọn danh mục đầu tư nào?

Điều gì xảy ra nếu tôi cứ tiếp tục sống như hiện tại? Nếu tôi thay đổi các ưu tiên của mình thì sao?

Hãy quay lại bước 1 và xem bạn có thể làm gì để giải quyết những điều bạn không hài lòng. Xem lại mục đích và tầm nhìn của bạn ở bước 2 và bước 3 xem bạn sẽ hiện thực hóa chúng như thế nào? Hãy nghĩ tiếp về danh mục đầu tư ở bước 4 xem cần phân bổ lại thế nào. Sau đó, nhìn vào những hiểu biết thu được từ bước 5, xem xét chúng sẽ giúp bạn thực hiện các điều trên như thế nào. Từ danh sách các lựa chọn thay đổi này - cả lớn lẫn nhỏ - hãy chọn ra một số điều sẽ đưa bạn đến một cuộc sống tuyệt vời nhất và cam kết thực hiện chúng.

Bây giờ bạn phải cụ thể về những gì bạn muốn thay đổi. Ví dụ: kết nối lại với ba người bạn cũ thời phổ thông, đến thăm ông nội mỗi tuần, một cuộc đi chơi nhỏ mỗi tuần với bạn gái, thực hành thiền hàng ngày, viết nhật ký về lòng biết ơn, tập thể dục 1 tiếng mỗi ngày, dành 15 phút để học mỗi ngày, chuyển ra nước ngoài, dành thời gian nhiều hơn cho con cái, bắt đầu kinh doanh…

Mặt khác, bạn chỉ có 168 giờ mỗi tuần, nghĩa là bạn phải kết hợp các hoạt động hoặc thuê ngoài để làm cho chúng hiệu quả hơn. Ví dụ: tập thể dục hằng ngày cùng bạn đời (làm 2 đơn vị đồng thời), đi thiện nguyện cùng gia đình (3 hay 4 đơn vị cùng lúc)…

Chiến lược cho cuộc đời là thiết lập thứ tự ưu tiên, chứ không phải nhồi nhét làm cho đầy kín mọi hoạt động mọi lúc. Các nghiên cứu tại Wharton của đại học Pennsylvania và trường quản lý Anderson của UCLA cho thấy mọi người hạnh phúc nhất khi họ có từ hai đến năm giờ rảnh rỗi mỗi ngày.

Chiến lược cuộc đời bạn có thể gồm những bước lớn như khởi nghiệp kinh doanh, đi du lịch vòng quanh thế giới, thành lập một tổ chức phi chính phủ, hoặc gồm những bước nhỏ như gặp gỡ hằng tuần với người mà bạn quan tâm. Ngay cả một thay đổi nhỏ cũng có thể có tác động lớn theo hai cách chính. Thứ nhất, nếu bạn làm đi làm lại điều đó, bạn sẽ tận dụng được tốc độ tăng trưởng kép. Thứ hai, bạn là một nút trong mạng lưới rộng hơn, nên sự thay đổi của bạn sẽ ảnh hưởng tới những người quanh bạn và lan sang bên ngoài. Như hiệu ứng cánh bướm - những thay đổi lớn có thể được gây ra từ những hành động rất nhỏ, dường như không đáng kể. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần thực hiện 15 phút hoạt động thể chất mỗi ngày sẽ tăng tuổi thọ lên 3 năm. Tập thể dục cũng giúp bạn tăng dopamine, cải thiện tâm trạng, mang lại lợi ích cho những người xung quanh, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, có khả năng dẫn đến những kết quả mới tác động lớn đến cuộc sống của người khác.

Nếu bạn đã nhận ra đơn vị nào mình cần phải thay đổi, nhưng lại không biết nên thay đổi thế nào, thì hãy tìm hiểu sâu hơn và phát triển nền tảng cho phần đó. Ví dụ, bạn muốn đầu tư vào nghề nghiệp mà không biết nên làm gì, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau: công việc hiện tại có hỗ trợ mục đích và tầm nhìn của tôi không? Có mang lại cho tôi cảm giác thành tựu và sự gắn kết không? Nó có phù hợp với những điểm mạnh của tôi không? Hãy đánh giá công việc của bạn theo một bảng tiêu chí nào đó của các tổ chức nghề nghiệp hàng đầu. Câu trả lời sẽ gợi ý cho bạn những ý tưởng về cách tiến lên trong sự nghiệp của mình.

 7. Làm thế nào tôi đảm bảo một sự đổi đời thành công và bền vững?

Thay đổi không dễ. Hơn 40% người Mỹ đã đặt ra mục tiêu cho năm mới vào tháng 1 hàng năm và 90% trong số đó không thực hiện được các mục tiêu đó.

Nhiều công ty, như Google chẳng hạn, sử dụng OKR (mục tiêu và kết quả chính) để đo lường mức độ đạt được mục tiêu. Chúng ta cũng nên làm tương tự cho bước 6. Hãy xác định mục tiêu lớn và mốc thời gian mà bạn muốn đạt được. Sau đó chia nhỏ nó ra thành một số kết quả hoặc hành động nhỏ hơn, kèm thời hạn. Hãy thử đi. Có thể dùng app để quản lý các OKRs này.

 

Chiến lược cuộc đời trong 1 trang giấy

Thông thường, tầm quan trọng của một việc lại là điều ngăn chúng ta thực hiện nó. Vì thế, để biến điều không tưởng thành có thể, hãy viết toàn bộ chiến lược cuộc đời bạn ra 1 trang giấy.

- bắt đầu bằng viết ra định nghĩa về một cuộc đời tuyệt vời với bạn

- điểm mạnh, giá trị của bạn, điều gì khiến bạn hào hứng, và bạn có thể làm gì cho thế giới, tuyên bố mục đích của bạn để sử dụng tất cả những thứ đó

- tầm nhìn cuộc sống của bạn

- phác thảo bản 2x2 danh mục đầu tư của bạn hiện tại, tầm quan trọng - sự hài lòng - thời gian phân bổ

- những thay đổi mà bạn muốn làm cho danh mục 2x2

- chọn ra những thay đổi mà bạn muốn làm và cam kết thực hiện. Với mỗi thay đổi, liệt kê một mục tiêu và 2-3 kết quả chính cùng thời hạn. Lưu ý các điểm mấu chốt, hậu quả và kế hoạch kiểm tra việc thực hiện.

 

Rainer Strack, Susanne Dyrchs, Allison Bailey

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Thế là tôi muốn trở thành Product Manager


Quản lý sản phẩm (product management) có thể là một hòn đá tảng lớn đối với những cá nhân sớm có tham vọng sự nghiệp, không chỉ với những ai có nền tảng kỹ thuật. Từ các ví dụ thực tiễn, bài viết sẽ giải thích quản lý sản phẩm là gì, các kỹ năng căn bản một Product Manager (PM) cần phải có, cũng như làm sao bắt đầu và tìm ra điểm chung giữa những điểm mạnh của bạn với các vai trò PM khác nhau. Bất chấp làn sóng sa thải trong ngành công nghệ, quản lý sản phẩm vẫn duy trì được sức hút đầy hứa hẹn cho bất kỳ cá nhân có chuyên môn và tham vọng nào.


Đây là một thực tế có lẽ bạn không biết: rất nhiều lãnh đạo hàng đầu và CEO trong các công ty công nghệ ngày nay - từ Satya Nadella của Microsoft tới Marissa Mayer của Yahoo - đều từng là PM trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ.

Hiểu rồi chứ? Hầu hết các PM đều làm công việc dẫn dắt các đội nhóm thuộc nhiều bộ phận chức năng khác nhau, khiến họ có tầm nhìn tốt hơn và có cơ hội tạo ra ảnh hưởng với toàn công ty. Với những người thành công, đây có thể là một bước quí giá để bước lên cái thang lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng PM thực sự làm gì, và nó có thực sự phù hợp với bạn không?

Quản lý sản phẩm là gì?

Về cơ bản, quản lý sản phẩm là giải quyết các vấn đề nằm giao nhau giữa kinh doanh, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Một PM là người nhìn trước được sự phát triển và vòng đời của một sản phẩm, hoạt động như một cầu nối giữa các đội nhóm khác nhau để đảm bảo sản phẩm được bàn giao đúng như những gì khách hàng muốn, đồng thời phù hợp với các mục tiêu của doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm tạo ra một product roadmap (lộ trình sản phẩm), hay một kế hoạch hành động - ở đó phác họa tầm nhìn, định hướng, tiến độ kỳ vọng của một sản phẩm theo thời gian. Trong khi các trách nhiệm thực sự của vai trò này có thể thay đổi tùy theo loại hình sản phẩm, thì nói chung, PM vẫn quản lý vô số nhiệm vụ, miễn sao mang được sản phẩm ra thị trường như kế hoạch.

PM cần có những kỹ năng nào?

Nếu được đào tạo đúng đắn, bất kỳ ai cũng có thể làm chủ được vai trò này. Dưới đây là sáu kỹ năng cốt lõi mà các PM cần để thành công:

1. Giao tiếp

Bất kỳ ai bắt đầu sự nghiệp quản lý sản phẩm đều phải là một người có kỹ năng giao tiếp mạnh và rõ ràng. Các công việc trước đó của bạn nên hỗ trợ điều này, như làm trợ tá cho các Senior PM, điều phối các buổi họp hằng tuần với các bộ phận khác nhau, quản lý dự án, đảm bảo việc hợp tác trôi trảy để ra những quyết định then chốt. Bạn cũng nên làm những việc như gửi các bản cập nhật định kỳ cho mọi người, đảm bảo mọi người hiểu các ưu tiên của đội ngũ một cách như nhau.

Khi một PM có kỹ năng giao tiếp kém, các dự án sẽ nhanh chóng thất bại. Việc không ăn ý giữa các team - như team marketing không nhận ra những thay đổi mới gần đây trong sản phẩm - có thể dẫn đến công việc chồng chéo và trễ deadlines. Nói cách khác, giao tiếp tốt còn hơn cả việc tránh cho dự án bị trễ. Nó xóa bỏ những khúc mắc giữa các phòng ban, tạo ra môi trường làm việc đáng tin cậy.

2. Giải quyết tranh chấp

Đây là một kỹ năng quan trọng khác. Khi dự án đang chạy, nhiều đội nhóm làm việc cùng nhau có thể có tranh chấp về quan điểm, về nhiệm vụ... Là PM, bạn phải tự giải quyết hoặc làm trung gian hòa giải cho các bên. Cái này đòi hỏi khả năng ngoại giao và khôn khéo.

3. Kỹ năng thực thi

Thực thi là một quá trình làm cho mọi thứ diễn ra. Trong quản lý sản phẩm, điều đó có nghĩa là biến kế hoạch sản phẩm thành hành động và đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải hoàn thành trước thời hạn. Kỹ năng thực thi tốt gồm khả năng điều phối các thành viên đội nhóm, quản lý thời gian, và giải quyết các vấn đề ngay khi chúng xuất hiện, dù trong tay chỉ có lượng thông tin không đầy đủ. Có nghĩa là bạn cũng phải sở hữu một cấp độ thành thạo với dữ liệu và tư duy phản biện tốt để xác định ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề trong quá trình phát triển hay tung sản phẩm ra thị trường. Kỹ năng thực thi vô cùng quan trọng, vì mỗi nhiệm vụ là một phần của tổng thể. Bất kỳ sai sót nào trong việc hoàn thành một nhiệm vụ, như trễ, hay vượt quá ước lượng chi phí hay hợp tác kém, đều tạo một hiệu ứng gợn sóng đến đội ngũ.

4. Hợp tác và ảnh hưởng

Các đội ngũ phát triển sản phẩm gồm có các kỹ sư, nhà thiết kế, marketing, nhân viên luật, và nhiều người thuộc nhiều chức năng khác - phụ thuộc vào chính sản phẩm. Mỗi đội ngũ lại có chuyên môn và những ưu tiên của riêng họ. Là một PM, bạn chịu trách nhiệm mang mọi người lại bên nhau và đảm bảo tất cả cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng. Để làm được điều đó, bạn phải có khả năng thuyết phục và tạo ra ảnh hưởng với họ. Họ phải tin tưởng và tin vào tầm nhìn về sản phẩm của bạn, và muốn đi theo sự dẫn dắt của bạn - thậm chí ngay cả khi bạn không phải là quản lý trực tiếp của họ.

5. Trực giác về sản phẩm

Là một PM, bạn phải hiểu nhu cầu của người dùng, các cơ hội trên thị trường và phát triển sản phẩm giải quyết được các bài toán thực tế đó. Một giác quan mạnh mẽ về sản phẩm cho phép PM xác định các nỗi đau của người dùng hiện tại, trực giác nhìn ra tương lai chuyện gì có thể sẽ đến. Marty Cagan, một chuyên gia sản phẩm, đã nói về trực giác với sản phẩm như sau: "Kỹ năng quan trọng nhất của một người quản lý sản phẩm là có khả năng phân biệt những gì người dùng nói họ muốn và những gì họ thực sự cần."

6. Tư duy chiến lược

Cuối cùng, bạn phải có khả năng tham gia vào các xu hướng thị trường nơi có sản phẩm của bạn, ngành nghề của bạn, cân bằng việc theo đuổi việc thắng nhanh với các mục tiêu dài hạn hơn của tổ chức, và hiểu hiệu quả sản phẩm của bạn đang và sẽ đóng góp thế nào cho việc kinh doanh. Khi bạn đã lão luyện với vị trí PM, bạn bắt đầu nhìn ra trước được những thứ khác nữa, tư duy một cách chiến lược, và việc truyền tải "bức tranh lớn" tới đội ngũ của bạn lúc đó sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.


Bắt đầu sự nghiệp PM như thế nào đây?

Có nhiều cách để theo đuổi sự nghiệp này, nhưng từ kinh nghiệm của phần lớn các PM, con đường nhẹ nhàng và dễ dàng nhất là trở thành APM - Associate Product Manager trong chương trình Phát triển APM ở các công ty như Google, Atlassian, Meta... Các chương trình này đều nhắm vào sinh viên mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, có một qui trình ứng tuyển đã được chuẩn hóa, nhưng kể cả những người đang trong giai đoạn đầu sự nghiệp (đi làm được 3-5 năm) hoặc muốn chuyển hướng nghề nghiệp cũng vẫn có thể nộp đơn.

Trong một chương trình APM, bạn sẽ làm việc như một nhân viên toàn thời gian, nhưng được luân chuyển giữa các đội nhóm khác nhau để phát triển các tập kỹ năng cần thiết. Ví dụ, bạn sẽ được dành vài tháng để nhìn và bắt chước cách một senior PM làm việc cho một sản phẩm cụ thể trước khi chuyển sang một đội khác với một sản phẩm khác, mà ở đó bạn sẽ được giao những nhiệm vụ nho nhỏ để tự làm. Các nhiệm vụ của bạn có thể là tổ chức các cuộc họp định kỳ, nghiên cứu người dùng hay nghiên cứu thị trường. Bạn cũng có thể giúp xác định tầm nhìn sản phẩm, tạo các kế hoạch marketing, hay tham gia làm hoàn thiện UX.

Sau khoảng một năm, nhiều APM được giao các trách nhiệm ra quyết định quan trọng hơn, dựa trên việc bắt chước và thực thi theo những PM có kinh nghiệm. Bạn sẽ được yêu cầu phân tích ý kiến của khách hàng, đưa ra khuyến nghị xem đội ngũ nên từ bỏ, hay sửa lại hay cải tiến một tính năng nào đó của sản phẩm.

Cuối chương trình, mục tiêu là trở thành một vị trí PM chính thức tại tổ chức, từ đó bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và thực thi các công việc có tính chiến lược hơn. Bạn sẽ được đánh giá từ nhiều chiều: sự ảnh hưởng của bạn (khả năng bàn giao các tính năng sản phẩm tạo ra lợi ích cho việc kinh doanh hoặc cho người dùng cuối), khả năng làm việc hiệu quả với người khác, khả năng xác định các ưu tiên với thông tin không đầy đủ, và khả năng tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Nếu không có chương trình APM, công việc PM có thể sẽ nhiều thử thách hơn khi bạn nhảy vào hoặc được chuyển đổi qua. Ví dụ, khi một kỹ sư chuyển sang PM ở Airbnb, cô ấy được kỳ vongj sẽ giải quyết các vấn đề của cấp C-level ngay trong tháng đầu tiên. Cô ấy phải tự học làm sao để cân bằng giữa nhiều dự án cùng một lúc, điều chỉnh kỹ năng giao tiếp thành công để dẫn dắt các kỹ sư ở các cấp độ công việc khác nhau. Dù đây là một cơ hội lớn để phát triển và thăng tiến, nhưng cũng là một khó khăn rất lớn, không dễ dàng thành tựu khi không có những chương trình cầm tay chỉ việc như các khóa APM cung cấp.

Dù sao, không cần biết bạn đi theo con đường nào, chìa khóa ở đây là luôn duy trì khả năng thích nghi, học hỏi liên tục, và tập trung vào việc mang tới giá trị cho người dùng và cho doanh nghiệp.

Vị trí PM nào là phù hợp với bạn?

Có PM ở hầu hết mọi lĩnh vực. Nếu bạn có nền tảng trong ngành khoa học máy tính, kỹ sư hay toán, bạn sẽ quan tâm tới vị trí PM tập trung vào mảng kỹ thuật như AI. Với những vị trí này, khả năng "nói cùng một ngôn ngữ" với các kỹ sư là điều bắt buộc.

Với những ai ngay từ ngày đầu sự nghiệp đã có nền tảng mạnh trong phân tích dữ liệu và thống kê, các vị trí PM tập trung vào đo lường và các chỉ số sẽ là lý tưởng. Trong các công ty lớn, đặc biệt các công ty công nghệ internet có người dùng cuối, họ thường ra quyết định về sản phẩm dựa trên việc đo lường phức tạp để xem người dùng đã tương tác, thích thú, trải nghiệm hay tận hưởng sản phẩm của họ như thế nào.

Với ai đam mê về chiến lược, marketing, và vận hành, hãy tìm kiếm các vị trí PM ở các công ty phục vụ các khách hàng B2B lớn. Miếng bánh mì phết bơ của họ nằm ở khả năng thay đổi thị trường nhanh chóng bằng một sản phẩm then chốt. Bạn sẽ thường thấy các vị trí kiểu này với những tên rất đặc trưng, như "product manager, partnerships" hay trong mô tả công việc, sẽ nhấn mạnh ở "tạo và quản lý đối tác".

Với những ai có niềm đam mê sâu sắc với người dùng hoặc có nền tảng thiết kế, vị trí PM ở các startup giai đoạn đầu có thể rất thú vị. Các kỹ năng của bạn sẽ tỏa sáng khi bạn liên tục gặp phản hồi từ người dùng, thúc đẩy bạn phải cải tiến nhanh chóng, đổi mới không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ trong đầu qui mô công ty mà bạn gia nhập. Công ty lớn trên 50,000 nhân viên như Meta hay TikTok, việc giao tiếp trao đổi về sản phẩm cần một cách thức có cấu trúc hơn. PM, cùng với các engineering leader, design leader, sẽ được kỳ vọng cùng nhau chia sẻ sự tiến triển và thách thức gặp phải trong các cuộc họp để đưa ra quyết định quan trọng.

Trong khi đó, ở các công ty nhỏ hơn hay các startups, giao tiếp tự do hơn. Không có nhiều qui tắc, và người ta phải thích nghi với mọi tình huống. Một thắng lợi lớn từ sản phẩm sẽ có thể được chia sẻ trên Slack với cả công ty. CEO nếu quan tâm tới một chi tiết sản phẩm nào đó, có thể đi thẳng tới chỗ PM để hỏi.

 -----

Dù làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ gần đây không có dấu hiệu dừng lại, nhưng quản lý sản phẩm vẫn đang là lĩnh vực hứa hẹn và tươi sáng cho con đường sự nghiệp của bạn. Ước chừng hơn 1/3 các vị trí PM đang đăng tuyển là cho người mới bắt đầu hoặc có vừa phải kinh nghiệm. Vì thế, hãy dành thời gian suy nghĩ tới những gì đang dẫn lối cho bạn và làm bạn hào hứng, cũng như thế mạnh của bạn nằm ở đâu. Nếu bạn chọn con đường này, nó có thể đưa sự nghiệp của bạn sang một trang mới.

Lucas Ou-Yang và Natalie Xia

Tháng 11, năm 2024

Harvard Business Review

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?



Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ghi chú của mình ra đây để mọi người tham khảo.

 

Mục tiêu (tại sao phải đi học một khóa thiền Vipassana?)

Trước khi làm gì thì cũng nên đặt cho mình một mục tiêu, hoặc ít ra là một lý do để bắt đầu. Với người chưa biết gì về Vipassana, thường tâm lý tò mò chiếm phần lớn, nghe người này người kia nói, lại bị nhồi thêm vài câu chuyện hoang đường, nên muốn đến thử xem nó thế nào. Nói chung, người ta đi tham gia khóa thiền với đủ loại lý do, đôi khi cười ra nước mắt.

- Kiểu tinh tấn: đây là con ngoan trò giỏi chính hiệu. Họ có sự tìm hiểu kỹ càng về Vipassana, về khóa học và thậm chí đã/đang theo đuổi con đường thực hành Vipassana lâu dài hoặc suốt đời. Do đó, họ có mục tiêu và sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt (kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, tâm lý…). Nhóm đối tượng này luôn được ưu ái nhất trong các khóa thiền, và họ có thể là giáo viên đứng lớp trong tương lai. Trong khóa, họ thường được xếp ở vị trí hàng đầu, trung tâm.

- Kiểu tò mò: nghe bạn bè kể giây phút ngồi thiền thấy ánh sáng/sấm chớp/điện giật/… vô cùng huyền ảo nên muốn đi để chứng nghiệm, xem có phê hơn thế không. Có bạn muốn trải nghiệm một thứ gì đó mới mẻ, chưa từng làm trong đời để không uổng phí tuổi trẻ (có lẽ được cuốn sách 100 Việc Nên Làm Trước Tuổi 20, Năng Đoạn Kim Cương… thôi thúc). Dù sao cũng nên vui, số lượng nhóm này đang ngày càng tăng trong các khóa thiền.

- Kiểu mộ đạo: Có bạn bảo, nghe nói đây là phương pháp của Đức Phật tạo ra, mà mình theo đạo Phật, nên nhất định phải học. Bạn thì nói, mình hay đi chùa, hay tầm sư học đạo, cúng dường chỗ thầy X, thầy Y… thầy bảo làm gì cũng theo, nay thầy bảo đi học Vipassana, vậy thì đi thôi. Thành phần này trước giờ là nhiều nhất. Mình cũng thuộc nhóm này, nhưng đi rồi mới thấy vô cùng cảm ơn thầy giới thiệu (hehe, mình học mấy courses của thầy Trần Việt Quân, course nào thầy cũng bảo học viên nên tham gia khóa thiền Vipassana 10 ngày đi).

- Kiểu lánh đời: Là những người gặp rắc rối cá nhân, muốn ngưng liên lạc với gia đình bạn bè một khoảng thời gian để suy ngẫm. Thành phần này cũng không hề ít nha.

- Kiểu logic: đây là một nhóm nhỏ các phần tử tri thức với trí tuệ không vừa, đang gặp một số biến cố hay vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống, công việc… khiến tâm trí không còn vững vàng như trước, ra quyết định không còn đủ tỉnh táo và hiệu quả như trước… Họ nhận ra chỗ cần phải vá lại, rồi nghiên cứu tìm hiểu và thấy thiền Vipassana nguyên thủy là một phương pháp giúp họ vá lỗ hổng tốt nhất, nhanh nhất, nên quyết định theo học, để mài giũa lại tâm trí, năng lực tập trung, khả năng làm việc của mình. Mình từng gặp vài đối tượng kiểu này, họ có địa vị xã hội, có sự nghiệp tốt, tâm thế kiên định, quyết tâm cao, kỷ luật bản thân còn cao hơn. Nhóm đối tượng này theo học có mục đích rất rõ ràng, tìm hiểu và chuẩn bị bài bản, nên họ vô cùng nghiêm túc, do đó dễ đạt được mục đích của mình nhất. Họ không quan tâm tới mục đích của Đức Phật hay mục đích tối hậu của Vipassana, nên có thể sẽ không cam kết theo đuổi Vipassana lâu dài.

- Kiểu tâm linh, chữa bệnh: Đối tượng này có lẽ đáng thông cảm nhất. Họ nghe đồn phương pháp thiền Vipassana có thể giúp chữa bệnh liên quan thần kinh, trí tuệ, tâm lý, nên đi đến với một lòng cầu vạn sự thành, dù đường sá xa xôi hay bản thân không chắc đã đủ sức khỏe (thể chất, trí tuệ hay tinh thần) để tham dự. Cũng có người bị người nhà ép đi, sau khi đã thử qua nhiều phương pháp mà bệnh tình không thuyên giảm. Nếu bạn đang trong nhóm đối tượng này, thì cần cân nhắc nhé. Vì Ban Quản Lý khóa thiền có thể sẽ hỏi thăm (dựa vào tình trạng bạn nêu lúc đăng ký khóa thiền) để đảm bảo bạn đủ năng lực theo học. Mình từng chứng kiến cô giáo cho một thiền sinh về giữa khóa vì phát hiện ra người này bị người nhà bắt đi trong khi không đủ năng lực trí tuệ để theo học (bị thiểu năng và tâm thần).

- Kiểu lông bông: đây là những phần tử rảnh quá không có việc gì làm, lại được người thân bạn bè rủ nên cứ đi chơi cho vui, cho biết đó biết đây. Họ có thể là mầm mống cho các hoạt động vô kỷ luật trong khóa thiền, bị thầy cô điểm mặt gọi tên nhắc nhở nhiều nhất. Nhưng cũng đừng xem thường nhóm này, một số trong đó lại có được thu hoạch bất ngờ (mình nghe một số anh chị theo đuổi Vipassana lâu năm kể, ban đầu họ cũng thuộc nhóm này, nhưng không ngờ thu được nhiều lợi ích quá lớn, nên quyết định thực hành suốt đời, và chuyển sang nhóm Tinh tấn liệt kê bên trên đó).

 

Tóm lại, sau khi biết thực sự tại sao mình phải tới một khóa thiền, thì bạn mới nên tìm hiểu và đăng ký. Học thiền không dễ dàng, nên mục tiêu hay động lực càng mạnh, bạn càng có thêm sức mạnh để kiên trì tới hết khóa, và thậm chí là theo đuổi lâu dài.

 

Tìm hiểu (nên chọn khóa thiền nào?)

Có rất nhiều loại thiền, mỗi loại có kỹ thuật khác nhau, phục vụ cho những mục đích, đối tượng khác nhau. Vì thế hãy tìm hiểu cho cẩn thận, nhất là nếu bạn đang gặp vấn đề về tâm lý, thần kinh.

Tương tự, cũng có một rừng khóa thiền của các chùa, thiền viện, trung tâm… thậm chí của cả cá nhân tự đứng ra tổ chức cho đủ các loại thiền. Nên sau khi đã tìm được loại thiền phù hợp, thì bạn cần chọn một nơi đáng tin cậy để theo học.

Vipassana cũng vậy. Vipassana là một phương pháp thiền do Đức Phật sáng tạo ra và đã giúp Ngài giải thoát. Bằng sự từ bi của mình, Ngài đã truyền bá lại cho mọi người. Một nhánh thiền sư ở Miến Điện (Myanmar) đã giúp duy trì, bảo tồn phương pháp nguyên thủy này đến tận ngày nay, trong đó Thiền sư Goenka là người truyền thừa và nhân rộng nó ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các khóa thiền Vipassana có đủ loại hình thức, được chỉnh sửa từ ít đến nhiều theo quan điểm người dạy hoặc đơn vị tổ chức. Mình có nghe nhiều bạn thiền sinh cùng học kể, họ đã tham gia các khóa Vipassana của Làng Mai, của thiền viện Phước Sơn, chùa Tiêu Dao… có điểm giống và điểm khác với khóa của thầy Goenka thế nào. Do chưa trải nghiệm, nên mình sẽ không có comment gì.

Ở đây, mình chỉ đề cập tới các khóa học Vipassana của thầy Goenka. Nếu bạn tham gia khóa học Vipassana ở nơi khác, có thể không cần đọc tiếp.

 

Thông tin về Thiền Vipassana do Thiền sư Goenka giảng dạy theo truyền thống Thiền sư Sayagyi U Ba Khin, bạn vui lòng xem ở websites chính thức:

https://www.dhamma.org (có tiếng Việt)

https://www.vridhamma.org (các nghiên cứu về Vipassana của nhánh này, không có tiếng Việt, nhiều nghiên cứu khá thú vị, thậm chí bạn có thể tự học tiếng Pali ở đây)

Có một website (không chính thức) chỉ dành cho người Việt:

https://vipassana.vn (nhưng vẫn do những người tổ chức khóa học Vipassana của Thiền sư Goenka phụ trách)

 

Các khóa học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam chỉ được chính thức công nhận giảng dạy ở:

- tịnh xá Ngọc Thành, tp Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh (khóa 10 ngày, khóa 1 ngày) - cơ sở tu tập chính thức, là nơi duy nhất chấp nhận thiền sinh người nước ngoài

- chùa Y Sơn, tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (khóa 10 ngày, khóa Sati)

- tịnh xá Ngọc Chơn, Buôn Hồ, Đắc Lắc

- cơ sở Hoằng Nguyện, Trảng Bom, Đồng Nai

- chùa Chánh Đẳng Giác, Tây Ninh

- chùa Hoằng Bà, Hưng Yên

Vui lòng xem chi tiết tại: http://www.vn.dhamma.org/chinhthuc/

 

Riêng tịnh xá Ngọc Thành (Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh) là một nơi đặc biệt. Tịnh xá thành lập năm 1967, theo hệ khất sĩ. Sư bà Kiến Liên ở đây là người đã đi học khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ, thấy giá trị quá, nên quyết tâm đưa các khóa thiền của thầy Goenka về Việt Nam. Chính sư bà đã đi lên Hà Nội mấy lượt xin cấp phép cho tổ chức khóa thiền. Các khóa thiền Vipassana đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam chính là tại tịnh xá Ngọc Thành, tất nhiên ban đầu do các thầy từ nước ngoài về phụ trách, mỗi năm 2 khóa, rồi cứ tăng dần, tăng dần tới ngày nay. Mấy khóa trước, cuối khóa, các thiền sinh được nghe sư bà kể chuyện và tặng sách vui lắm. Năm nay (2024), sư bà đã trăm tuổi, yếu đi nhiều, nên không còn ai kể chuyện lúc kết khóa nữa.

Và có lẽ do thâm niên, nên các thiền sinh cũ đều bảo, thiền đường của tịnh xá Ngọc Thành luôn có từ trường mạnh và ấm cúng nhất, khiến ai vào cũng có cảm giác an tĩnh, hòa hợp.

Nếu bạn muốn học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam, bạn có thể thử trải nghiệm một khóa ở tịnh xá Ngọc Thành.

 

Đăng ký

Điều kiện cho mỗi khóa học Vipassana của thầy Goenka: https://vipassana.vn/khoa-thien/tieu-chuan/

 

Nếu bạn chưa biết gì về Vipassana, thì tốt nhất nên bắt đầu với 1 khóa ngồi thiền 10 ngày - được coi là lớp mẫu giáo của Vipassana. Sau khi hoàn thành 1 khóa ngồi 10 ngày này, bạn chính thức đặt 1 chân vào thế giới Vipassana.

 

Nếu thấy mình đủ tiêu chuẩn với khóa mà mình dự định đăng ký, thì bạn ghi danh tại đây:

https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn

 

Sau khi đăng ký thành công trên website, bạn sẽ nhận được email tự động thông báo đã nhận được đăng ký ghi danh của bạn và yêu cầu chờ. Sau đó Ban tổ chức sẽ liên hệ với bạn để xác nhận tình trạng của bạn (nếu bạn là thiền sinh mới, hoặc có vấn đề về thể chất, trí tuệ, tinh thần…). Rồi một email chấp thuận/từ chối/yêu cầu chờ tiếp, nếu chấp thuận thì sẽ yêu cầu bạn xác nhận sẽ tham gia một lần nữa. Cuối cùng, nếu bạn được chấp thuận, đến gần ngày diễn ra khóa, sẽ có một email thông báo chính xác thời gian, địa điểm khóa thiền, bạn phải chuẩn bị những gì, có những yêu cầu gì đi kèm…

 

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana lâu dài, mỗi năm bạn nên tham gia một khóa ngồi 10 ngày. Nếu có điều kiện tham gia phục vụ và dona, thì hãy luôn sẵn sàng.

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana sâu hơn, thì bạn phải học các khóa dài ngày hơn. Tất nhiên, luôn có điều kiện ràng buộc, ví dụ, để tham gia 1 khóa 20 ngày thì bạn phải tham gia 5 khóa ngồi 10 ngày + 1 khóa Sati + 1 khóa phục vụ 10 ngày + … Việt Nam hiện chưa có khóa dài ngày (20 ngày trở lên). Hy vọng chúng ta chuẩn bị đủ nhân lực và tài nguyên để sớm tổ chức được khóa 20 ngày trong thời gian tới.

 

Vài tips để chuẩn bị tốt cho khóa ngồi thiền 10 ngày

Đồ dùng cá nhân nên nhẹ nhàng, gọn gàng, nếu không bạn sẽ phải take care tới chúng, bỏ bớt mất thời gian cho học thiền. Cá nhân mình rút ra kinh nghiệm (từ theo dõi vài nhân vật VIP ngồi thiền hiệu quả và chất lượng nhất trong mỗi course):

- Nên mang 11 bộ quần áo (quần + áo + đồ lót tương ứng) và 1-2 bộ đồ ngủ (nếu muốn mỗi ngày 1 bộ thì cứ nhân lên) + 1 khăn tắm cho 11 ngày lưu lại khóa thiền. Quần áo nên mỏng, nhẹ, dễ thấm mồ hôi. Để không phải bận tâm giặt giũ. Đi ra đi vào cái toa lét cũng phát sinh nhiều bất định với mọi người lắm đó, rồi lại mệt đầu, không có đủ tĩnh tại khi vào thiền. Mặc legging hay quần đùi, áo 2 dây là vi phạm nội quy. Mình thấy khóa nào cũng vẫn có người mặc mấy đồ này ra vào phòng thiền. Thầy cô chắc không biết (vì già nhìn không rõ, hoặc ánh sáng phòng thiền yếu quá, hoặc căn bản không để ý), quản lý biết mà bỏ qua thì chả sao. Chắc họ chỉ nhắc ai nữ hở 3/4 ngực hoặc nam cởi trần.

Chú ý thời tiết và năng lực chịu đựng thời tiết của bản thân. Nếu tham gia course ở nơi quanh năm nóng nực như tp Hồ Chí Minh, thì đồ mặc càng mỏng, nhẹ càng tốt. Nhưng đừng có mặc đồ lụa mỏng hay đồ điệu đà quá, vì ngồi rất nhiều (9-11 tiếng mỗi ngày) nên đồ sẽ nhăn nhúm, lại vào toilet giải quyết nhiều, toilet tập thể không rộng rãi sạch sẽ khô ráo như ở nhà, nên sẽ dính nước/giấy/amoniac tè le, mấy cái đồ lụa là lượt bay phấp phới đó sẽ trở nên rất kỳ và thậm chí là thảm họa với người xung quanh (tất nhiên sẽ chả ai nói gì, vì không được nói, và vì lịch sự nữa).

- Nếu không chịu được lạnh (ở vùng núi hay trong điều hòa), nên mang theo khẩu trang + 1 khăn ấm + 1 áo khoác. Đặt mấy thứ này ngay tại chỗ ngồi thiền, không cần mang ra vác vào làm chi cho mệt. Nếu đang thiền, thấy ho thì tự lấy khẩu trang ra đeo vào, lấy khăn/áo ra mặc vào, để không ảnh hưởng tới mình và người khác. Có nhiều bạn ho liên tục khi ngồi thiền (trong điều hòa), mà không chịu đeo khẩu trang hay khoác thêm khăn/áo, ảnh hưởng tới cả lớp. Vì bạn biết đấy, bạn ho/hắt hơi, một đống vi khuẩn, nước bọt và đờm dãi bắn ra tứ phía, điều hòa khiến đống vi khuẩn và đờm dãi bay quanh quẩn khắp cả phòng, dính vô người khác. Người yếu sẽ lại bị ho/hắt hơi theo. Trong một khóa thiền mình tham gia, có bạn (nam) cứ mỗi lần ăn xong, lên thiền là ho liên tục, bạn í vệ sinh kém, khiến cả phòng nồng nặc mùi thức ăn, không còn mấy ai đủ an tâm mà thiền nổi vì thấy ghê hết cả người. Còn có bạn nữ, mặc đồ rất đẹp và điệu đà, nhưng dính nước + amoniac tèm lem, buổi thiền nào cũng được 15 phút là lạch bạch đi ra ngoài về phòng lấy khăn vì sợ điều hòa, rồi lại lạch bạch mở cửa vào ngồi lại, khiến các bà các chị ngồi mắng thầm (cái này các bạn sẽ tha hồ nghe vào ngày cuối, khi mọi người được nói chuyện trở lại).

- Nên mang theo 1 đôi dép hoặc giày nhẹ, đơn giản. Đừng mang giày cao gót, giày thể thao, sneakers… Vì bạn chỉ có đi từ phòng ngủ tới thiền đường, phòng ăn và toilet. Không được gặp các bạn khác giới mà thể hiện (có gặp lúc ngồi thiền, nhưng người ta nhắm mắt mất tiêu rồi, còn lúc nghe pháp thoại thì cũng không dám quay ngang ngửa, vì cả phòng sáng trưng đèn, và thầy cô giáo nhìn chằm chằm). Hoặc nếu buộc phải mang, thì bạn hãy gửi hết ở tủ đựng đồ (cả đồ gì quí giá hoặc không cần thiết thì gửi hết đi cho nhẹ đầu). Rồi cứ mượn tạm 1 đôi dép của chùa xài trong 11 ngày.

- Mang theo bàn chải + kem đánh răng. Có thể mang theo sữa tắm + dầu gội (cái này tùy nha, có chỗ bị cấm chỉ cho tắm gội với nước sạch, nên nhớ đọc kỹ email thông báo của Ban Tổ Chức). Tất nhiên, một số bạn nữ vẫn tô son, bôi kem dưỡng, đánh BB hàng ngày - cái này là vi phạm nội quy nha, nhưng mình chưa thấy ai bị phạt.

 

Tips trong khóa thiền

Trải nghiệm 10 ngày ngồi thiền Vipassana lần đầu rất đáng nhớ - nếu bạn bền bỉ và chú tâm. Đây là vài notes dành cho người mới:

- Hãy tập trung 100% sức lực và sự chú tâm của bạn vào việc hành thiền. Nhất định bạn sẽ có một trải nghiệm thực sự khó có thể quên được. Đừng quan tâm tới bạn cùng phòng (bạn í xinh quá mức, bạn í kỳ lạ quá mức, con bé đó thần kinh quá mức, nhỏ đó sao nó ghét mình thế… cái này nên để trải nghiệm ở các lần ngồi thiền sau) - nói thêm, bạn cùng phòng luôn là vấn nạn của nhiều chị em - với nữ thôi, và với khóa 10 ngày ở phòng tập thể thôi. Đừng quan tâm mấy chuyện vặt vãnh (dầu gội của mình sao tự nhiên hết, ai xài khăn tắm của tôi, sao con bé giường bên chèn giường nó sang bên mình làm mình không có lối vào, sao lạnh và mình ho khụ khụ cả đêm mà chúng nó bật hết quạt lên vậy…). Đừng quan tâm tới đàng giai (thằng bồ của mình không biết có bỏ về không, chồng/con/bạn trai mình có ăn nổi đồ chay không, anh chàng hàng thứ hai trông như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, bạn nam người Mỹ í mỗi ngày đều nhìn mình mỉm cười 3 lần…). Nếu bạn lãng phí sự chú tâm và sức lực cho mấy việc này, cuối khóa bạn sẽ phải hối hận, hoặc thấy trải nghiệm với khóa thiền thật tầm phào nhạt nhẽo.

- Chú ý tập trung nghe lời tụng. Nếu âm lượng to đủ sức lan tỏa ảnh hưởng, lời tụng bằng tiếng Pali của thầy Goenka nhất định sẽ tạo ám ảnh trong bạn. Khóa đầu tiên của mình, mỗi lần tiếng tụng của thầy cất lên, mạch máu hai bên thái dương của mình giật đùng đùng, cơ mặt như tê liệt. Một số bạn cũng trải qua những hiệu ứng rất ám ảnh. Có những giọng nói có sức mạnh tâm linh đáng kinh ngạc - và giọng thầy Goenka đúng là chất giọng đó. Nhiều bạn còn thuộc luôn cả đoạn lời tụng sau vài ngày ngồi và hát theo nữa kia. Tuy nhiên, sau này, mình thấy có khóa, âm lượng cô giáo để nhỏ quá, bị tiếng gà kêu chó sủa bên ngoài át cả tiếng tụng, và cả khóa đó chả mấy ai có ấn tượng gì về lời tụng của khóa thiền. Cho nên, nếu bạn thấy cô giáo để âm lượng nhỏ, hãy bảo cô bật to lên. Những lời chú tụng chỉ tạo ra sức mạnh khi nó được đặt trong đúng điều kiện và hoàn cảnh.

- Hãy nghe bài pháp thoại - dù không phải luôn hợp lý, nhưng nó cho bạn một nền tảng hiểu biết nhất định về phương pháp thiền Vipassana. Và quan trọng hơn nữa, nó rất thú vị, và tạo thêm động lực cho bạn kiên trì hành thiền.

- Hãy luôn đặc biệt chú tâm 100% vào buổi thiền cuối cùng sau giờ pháp thoại. Nó nói cho bạn biết ngày tiếp theo bạn phải làm gì, phải đạt được điều gì. Thầy Goenka nói rất ngắn gọn nhưng rất trọng tâm. Sẽ có vài mốc mà bạn phải đạt được trong chặng đường 10 ngày đó: ngày 1 - quan sát hơi thở, ngày 3 - quan sát được cảm giác ở 1 khu vực hẹp, ngày 4 - quan sát được cảm giác toàn thân… Nếu thấy mình chưa làm được, hãy tham vấn với giáo viên ngay, xem bạn đã làm sai ở đâu.

- Tận dụng giáo viên trợ giảng - thầy cô ở đó là để giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Nếu bạn có băn khoăn gì, dù là nhỏ nhất, hãy tận dụng mọi cách để hỏi và giải đáp bằng được khúc mắc của mình. Kể cả khi đó là sự tò mò về profile của chính thầy cô giáo mình, về cách thức vận hành của hệ thống các khóa thiền Vipassana ngay cả khi thầy Goenka đã qua đời. Nếu bạn chặc lưỡi bỏ qua cơ hội đó chỉ vì không tự tin, chỉ vì nghĩ mấy cái lăn tăn của mình rất tầm phào vớ vẩn, thì bạn có thể sẽ ra quyết định vội vàng với Vipassana sau này, hoặc lại mất thời gian nỗ lực để đi đường vòng tìm hiểu. Có bạn ngồi thiền cùng khóa đầu với mình, mà hơn một năm sau khi bạn í tham dự lại khóa 10 ngày khác và được một bé chia sẻ là đã hỏi cô giáo vài chuyện, bạn í mới ngộ ra một điều trong đó là nỗi lăn tăn bao lâu của bản thân - vốn rất đơn giản, chỉ cần hỏi thầy cô là xong. Có khóa, mình thấy thiền sinh còn tỉ tê bảo thầy kể chuyện học và dạy thiền từ thuở hàn vi ở Việt Nam. Rất xúc động (chắc với cả chính thầy cô nữa).

- Hãy tận hưởng 10 ngày ăn chay. Đồ ăn đều từ những nguyên liệu chay cơ bản. Nhưng nếu khóa thiền của bạn có một đầu bếp hoặc một người đam mê ẩm thực chay trong đội ngũ phục vụ, thì ăn uống sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khác của khóa thiền. Mình đã từng dự khóa thiền mà đồ ăn mỗi ngày đều như ở nhà hàng cao cấp, rất ngon, rất chu đáo, rất đẹp mắt. Mà thường phục vụ đã tận tâm thì mọi thứ đều rất chỉn chu (kiểu người cùng tần số hay đi với nhau, gió tầng nào gặp mây tầng đó í), từ quản lý tới đồ ăn, chén bát, vệ sinh… đều hết sức kỹ lưỡng và kỷ luật. Cái này là ngẫu nhiên thôi, không thể cầu mà có được. Nên chúc bạn may mắn. Còn không, thì cũng chả sao, đồ chay cơ bản ăn vẫn ổn. Nếu đó là lần đầu bạn ăn chay, mà đồ khó ăn, thì cũng vẫn không thể đói được, vì đồ ăn khá nhiều.

- Cuối cùng, một lưu ý liên quan ăn uống nữa. Vì phải ngồi khá nhiều, gần như 1/2 thời gian của một ngày, nên hãy ăn vừa phải, cố gắng vận động nhiều lên khi có thời gian rảnh. Nếu sức ăn bình thường của bạn là 10 phần, vậy chỉ ăn 5-6 phần thôi. Vì ăn nhiều, vào phòng thiền sẽ buồn ngủ. Có bé sinh viên kể đồ ăn ngon quá, em lấy 3 lần rồi mà vẫn còn muốn lấy tiếp. Lên thiền đường lần nào bé cũng ngáy khò khò, quản lý phải nhắc liên tục. Đồ ăn nhiều chất xơ nên dễ tiêu hóa, bạn ăn nhiều cũng sẽ ra vô toilet nhiều, ảnh hưởng tới thời gian thiền. Và quan trọng hơn, bạn sẽ xì hơi (mạnh yếu tùy cơ địa) liên tục, bụng dạ căng tràn ấm ách, tâm trí sẽ bị tác động, không tập trung ngồi thiền được. Xì hơi là chuyện tất yếu của mọi người trong khóa thiền, chỉ là mạnh yếu, nhiều ít, ngắn dài khác nhau thôi. Và nó bị quyết định phần lớn do lượng thức ăn mà bạn nạp vào. Nó bị quyết định bởi một phần khác do tần suất vận động của bạn. Nếu bạn chịu khó đi bộ thể dục một chút sau mỗi khi ăn xong, hoặc lúc giải lao, nghỉ ngơi, vậy là thời gian và cường độ, tần suất xì hơi của bạn khi ngồi thiền sẽ giảm đi đáng kể lắm đó.

 

Thôi, note tạm thế đã.

Chúc bạn thu được nhiều lợi lạc từ khóa thiền!